Truyện Ngắn Buổi Tổng Duyệt - Hà Nội Đường Dài - NaemTsaiDag

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi NaemTsaiDag, 23 Tháng chín 2023.

  1. NaemTsaiDag

    Bài viết:
    10
    BUỔI TỔNG DUYỆT

    (HAY HÀ NỘI ĐƯỜNG DÀI)


    Tác giả: NaemTsaiDag

    Thể loại: Truyện ngắn

    [​IMG]

    ***​

    Tân ngồi dài thượt ra trên ghế. Cậu đã xem cái tiết mục này hai lần rồi. Nhưng vẫn phải đợi cho đến lượt vậy. Thú thực, nhạc nhẽo nghe không tệ. Nhưng cái cách mọi thứ cứ chạy từ đầu đến cuối và lại quay trở về ban đầu khiến cho ngày hôm nay tưởng chừng không có hồi kết. Cũng chỉ biết cười nhạt khi mà nghe ông rapper trên sân khấu chúc tất cả khán giả ngồi dưới (chẳng có mấy ma) chóng có người yêu sau ca khúc của mình. Cứ như là nghi thức cầu mưa. Nhạc của ông anh này thì, một lần nữa, không đến nỗi. Tuy là gào rú lên mấy câu từ lắt nhắt cũng không làm cho nó hay hơn là bao. Khuấy động khán giả à? Chắc thế. Cơ mà bản thân cái tiết mục nó cũng đủ làm cho con người ta vỗ tay reo hò rồi chứ nhỉ? Gì cũng được, Tân nhìn màn hình khóa của điện thoại. Bốn con số chỉ thời gian hình như chẳng nhúc nhích đi là bao. Mỗi bầu trời và khoảng sân ít ỏi chung quanh là đang tắt dần ánh sáng.

    Tân hát lảm nhảm vài dòng trong kho nhạc trong đầu, tức là có vỏn vẹn vài ba ca khúc (lại còn dang dở nữa, vì nó không tài nào nhớ hết). Cái đèn sân khấu thi thoảng lại rọi thẳng vào mắt cậu. Chẳng khác nào cái thứ ánh sáng bật tắt liên hồi trong phòng biệt giam. Vài tiếng hú hét chung quanh, hoàn toàn vô hại và đáng biểu dương, cứ chốc chốc lại hút lấy sự chú ý của Tân. Cả mấy bài hát nghe quen quen trong thứ Tiếng Anh đã lâu cậu không thực sự dùng đến nữa. Như má nói, "Mười hai năm học môn Anh mà lại không vào một trường ngoại ngữ". Ừ, kể là thế, thì bà ấy liệu có hiểu chút gì về trường đại học tốt cho sá? Bản thân Tân cũng còn chẳng định hình nổi. Trong đầu cậu trước kia cũng chỉ có phim với ảnh, khả dĩ ấy mà cậu chàng chắc mẩm mình phải vào trường sân khấu. Nhưng rồi cũng không đâu vào đâu. Tân chỉ biết trách chính mình. Liệu có á khoa nào không vào được trường mình muốn? À, có đấy. Tân. Không ai khác cả.

    Không biết đã mấy giờ rồi. Tân oằn lưng trên ghế, cột sống chỉ muốn bật ra khỏi lưng. Lại một tiết mục nữa. Cậu sẽ an hưởng tuổi già ở chốn này mất thôi, nếu cứ theo cái đà này thì chắc chắn vậy. Thứ đèn sân khấu nhấp nhảy ánh đỏ và trắng liên hồi chẳng còn gây cho Tân mấy ấn tượng như ban đầu nữa. Cậu hướng mắt chung quanh tìm kiếm cái cổng ra - thứ mà lúc này đang lẩn khuất phía sau sân khấu. Chỉ có một bức tường vàng vọt hai bên cánh cổng cho biết vị trí của nó. Rặng cây bung nở hoa hồng hường đang im lìm say ngủ, có lẽ cũng vì quá mệt mỏi. Chẳng buồn rung rinh dù chỉ một chút mảy may. Ồ, hình như người ta đã hết hú hét? Không, cậu nhầm to. Mấy đứa con gái ngồi sau lưng Tân rú lên rách màng nhĩ trước màn biểu diễn trên sân khấu. Cũng khá ổn đấy chứ. Ông bạn này nghe giống Eminem với cái chất giọng đanh đá chua ngoa của anh chàng, mỗi cái là đẩy ngược về dăm năm trước. Tưởng tượng Lý Thường Kiệt và văn hóa phương Tây xem. Ừ, cùng đến quái lạ vào thời ấy. Nhưng không đến nỗi nào ở thời này.

    - Mình ngồi mấy tiếng rồi?

    Cậu bạn bên cạnh cất mồm hỏi Tân. Chẳng buồn mà trả lời nữa. Cái đèn lia nhanh cứ mấy giây một lần vào thẳng mắt chắc mẩm sắp làm cậu ta mù lòa mất thôi. Tự dưng Tân lại nhớ đến bộ phim về hai người gác ngọn hải đăng một già, một trẻ bị kẹt trên hòn đảo của họ rồi hóa điên. Ở đây có nhiều hơn hai người, chắc chắn vậy. Tuy thế, chỉ có Tân là sắp nổ tung đến nơi. Cái lưng khốn khổ của cậu chỉ muốn sụp xuống, kéo theo cái cổ lúc thì cúi gắm cắm chúi xuống đất lúc lại ngước rướn thẳng lên để nhìn cho rõ ai đang biểu diễn. Tốn công.

    Lại một khúc nhạc quen thuộc khác. Lần này có ấm lòng hơn đôi chút. Một ca khúc cậu ưa thích. Hơi sến súa, nhưng đủ mãnh liệt để không trở nên nhàm chán. Nó cho cậu chút hi vọng nhỏ nhoi vào cái đời sống không tình yêu, tẻ nhạt và chìm nghỉm của mình. Được khoảng 30 giây. Chuyển bài. Cũng không tệ. Nhưng lần này thì sự sến sẩm đã lấn át đi phần nào. Và nó làm Tân xót thấu con tim. Một cặp nam nữ đang biểu diễn trên sân khấu. Cậu chẳng tài nào có thể tưởng tượng đươc mình trong hình hài của cậu trai ấy. Cao ráo và khỏe khoắn, lại còn cân đối. Trừ bớt đi mấy thứ ngoại lai như ánh đèn lộng lẫy và đám khói thì cái mác "hoàng tử bạch mã" không mất đi là bao.

    Ca khúc sôi động kết lại phần biểu diễn của nhóm ấy. Và lại tiếp tục. Cậu Tân nghĩ mình sắp chết dí trong cái ghế này. Tệ hơn cả, điện thoại không còn nổi hột pin nào. Mà còn bao nhiêu hột pin thì có còn quan trọng nữa không, khi mà cũng sắp sửa đến nhóm mình biểu diễn rồi. Nhỉ?

    Cậu lại nhầm to. Người MC tiếp tục xướng tên một nhóm khác. Có khi đến mai mới có thể lên. À mà mai biểu diễn chính thúc rồi? Chịu thôi. Tân không buồn tìm câu trả lời cho sự phi lý ấy nữa. Chỉ có ngồi đợi tiếp. Đợi lâu như cái cách mà cậu từng đợi một người con gái nào đó "đổ" mình vào năm cấp Ba. Chẳng ai đến cả. Hi vọng lần này thì không thế. Mấy hàng ghế xung quanh dần trống hoác. Để mà đi ăn cơm, chắc thế.

    À, ăn cơm. Tân giờ mới nhớ ra. Chí ít thì cậu đã quên mất sự tồn tại của cảm giác đói trên cõi đời này. Nhưng điều ấy không giúp cho ta chuyển mình thành cái dạng thể nào cao cấp hơn. Chỉ có biết chờ đợi hơn chút đỉnh thôi. Sự kiên nhẫn của Tân giờ như nguồn nước không bao giờ cạn. Hoặc là cứ chốc chốc lại đầy. Cậu tự hỏi thế quái nào đám người sót lại còn đủ sức mà lắc lư trên cái sân khấu ấy thế.

    Tân nhớ lại cái hồi từ lâu lắm rồi. Cậu cũng từng tập văn nghệ với các bạn cùng lớp. Nếu không nhầm thì là hồi trung học. Mấy buổi trưa không kịp chợp mắt để đi tập lại quay về. Điệu nhảy thì tan biến hết thảy. Những người bạn thì sót lại mấy mống. Tất cả tan đàn xẻ nghé để vào những mái trường khác nhau và cách xa một trời một vực.

    Ồ cái điệu nhạc xập xình. Lần này khá hơn hẳn. Tân đung đưa theo nhịp điệu đôi chút. Dù sự thực là cậu ghét cay ghét đắng cái xập xình ấy, nhưng chưa bao giờ Tân ghét việc nhún nhảy theo nhạc cả. Âm nhạc là thứ giúp cho cái buồn chán chết người chưa giết hẳn tâm hồn cậu. Có thể, khi bầu trời trên đầu đổ sụp xuống, cậu chàng sẽ đang nghe cái danh sách nhạc mình lưu được từ hôm nào không rõ. Còn bây giờ, Tân ước trời sẽ sụp xuống để kết thúc cái * tổng duyệt này.

    Nhưng ước hoài ước mãi thì nó vẫn không dứt. Ngồi đợi tiếp.

    Tân thấy mình già đi cả chục tuổi. Hai mắt cậu muốn đóng sập lại. MC gọi tên một nhóm khác. Sắp đến rồi. Một chút nữa, chắc vậy. Tân lại thấy nhóm của mình di chuyển lên một bên sân khấu. Cậu chực đứng dậy, xong các đốt cột sống lại có vẻ muốn rụng hết cả ra. Vặn mình được vài ba giây thì lưng dưới nhói lên đau điếng. Cả đám lại chờ thêm chốc lát.

    Cuối cùng cũng đến lượt. Các nhóm biểu diễn khác đã tản mác gần hết. Tân cùng các bạn lại kéo nhau lên sân khấu. Nói đúng hơn là các bạn nữ đứng dàn đội hình, trong khi mấy ông con trai - trong đó có Tân, thì đợi bên cánh gà với mỡi thằng một ngọn cờ trên tay. Đợi đội nữ hoàn thánh một phần đoạn đầu, đội trai kéo vào từ hai bên. Ông nào ông nấy cứ thế mà phất cờ, thằng đằng trước làm mẫu cho đứa đứng sau theo. Rồi rút ra khỏi sân khấu. Đội nữ tiếp tục một thôi một hồi, nào nón nào quạt. Toàn những động tác dẻo có khéo có. Và rồi đám con trai lại lủi thủi bước lại lên sân khấu, làm màn bê đỡ đầu tiên - có ba màn cả thảy. Mỗi thằng đỡ một chỗ, đoạn nhấc bổng cả người cô bạn lên. Tân lóng ngóng cố tìm một điểm đặt tay cho đỡ lạc ra khỏi đội, một hồi cũng xong. Hết lân bê đỡ thứ nhất bốn thằng đứng đung đưa khoác vai nhau như mấy ông cầu thủ, hết sang trái rồi sang phải theo nhịp dẫn của đội múa nữ đứng trước. Trông đến là kỳ khôi. Xong việc lại lên tiếp màn bê đỡ thứ ba - lần này thì chẳng khác nào làm xiếc. Một cô nữ sinh khác. Cô chạy cắm đầu từ phía trong sân khấu ra, trên con đường trống được tạo lên từ khoảnh khắc đội múa và nhảy tách sang hai phía, về chỗ mấy cậu con trai đang đứng chờ sẵn như một rào chắn trước mắt người xem. A lê hấp! Toàn thân cô bay lên cao, hay đúng hơn là được nhấc bổng lên bởi những cánh tay của đám trai phía dưới. Còn Tân, cậu ta chỉ cần đỡ hụt thôi là cả người con bé sẵn sàng bay xuống phía nền đất cứng phía dưới. Nhưng cậu đã không đỡ hụt. Cẳng tay cậu nhấc bổng một bên phần thân của cô bé, phần còn lại được san đều cho các cộng sự. Màn cao trào của tiết mục đã qua tổng duyệt. Cả bọn đứng trở về đội hình kết, Tân và một cậu bạn đứng phía sau phải tiếp tục nhấc bổng một cô bạn cao kếu lên vai mình để vẫy cờ. Cơ mà may sao, cô không có mặt. Bởi nếu phải tiếp tục màn bê đỡ ấy chắc xương sống Tân sẽ vỡ thành từng mảnh vụn mất.

    Xong xuôi màn biểu diễn dài hơi, cả đám kéo nhau bước xuống phía dưới sân khấu. MC lại tiếp tục gọi lên một nhóm nữa.

    Sau một hồi thảo luận, cả bọn rủ nhau đi ăn.

    Tân leo lên xe cậu bạn vừa cùng mình bê đỡ. Xin gọi tên cậu này là Đt. Hai thằng đi tìm các bạn - không thấy tăm hơi đâu. Sau một hồi chờ đợi, cả lũ tề tựu đông đủ và phóng xe đi tìm quán ăn.

    Đường phố Hà Nội lờ mờ hiện lên trong mắt Tân. Những tốp xe nối nhau, bát nháo nhưng không xe nào đụng xe nào. Như một đàn kiến tha thức ăn về tổ. Tóc Tân lất phất bay trên cái đầu không mang mũ bảo hiểm. Đã thế cậu này còn chống nạnh (cho đỡ trống tay), trông cứ kênh kênh đến lạ. Cậu bạn Đt trong khi đó đánh lái mượt mà lách qua đàn xe đông nườm nượp, còi xe và động cơ rú lên inh ỏi.

    Những ngã ba và ngã tư đông rình rịch những xe và người. Đoạn xe Đt đi lên cầu, Tân có thể thấy một cảnh tượng đẹp đến lạ của cái chốn giao thông quái đản này: Bao phủ các làn đường là đèn pha ô-tô và xe máy mang những gam màu đỏ, cam, vàng nối tiếp nhau, đan vào nhau và thắp sáng các nẻo đường đồng loạt đồng thời. Những gam màu nhức mắt lại pha lẫn với những ánh neon xanh rực của bảng biển quảng cáo và cả đèn giao thông. Chốn ấy không thể gọi là xa lộ, mà phải kêu bằng mê lộ mới đúng.

    Đi được một hồi lâu thì đến ngõ Ao Sen. Lại tiếp tục phải chờ những con người đến sau. Nhưng lần này thì nhanh hơn đôi chút. Tân phải rờ vào cái lưng đã rệu rã của mình, người uốn éo đến quái dị chỉ để nén bớt cơn đau cột sống. Cậu cùng các bạn bước vào trong quán ăn. Một quán bún phở Hà Nội - tên là bún bò Huế. Vài ba đứa gọi mấy suất bún bò, một vài lại gọi phở trộn, bún cá, riêng Tân thì kêu cho mình một bát phở sốt vang - thứ đồ ăn mà cậu từng đọc lớt phớt ở đâu trên mạng. Nghe đồn là ngon lắm. Để thử mới biết được.

    Lại đợi một lúc. Sau cùng thì bát phở sốt vang của cậu Tân hình như là bát ra gần cuối cùng. Đói mềm người rồi. Chẳng buồn cho thêm sa tế hay măng chua. Tân hì hục đảo phần phở lên trên, xì xụp một thìa nước dùng ngậy béo hương sốt vang đặc trưng - chỉ có điều là nó không lõng bõng như cái nước sốt ta dùng để chấm bánh mì, mà khá giống nước dùng phở thường. Khoai tây, hình như thế, có màu hồng trắng nhạt làm cho Tân những tưởng nó là loại rau củ gì. Ăn khá bùi và bột. Thịt thì không dai, mềm và đủ sần sật để không tan hẳn vào nước dùng. Sợi phở lại khá chắc và cơ bản - cậu chẳng thể đánh giá được gì nhiều sợi phở, dù là ở đâu cũng vậy. Dù bát mới ra nhưng cũng chỉ mất vài phút là Tân đã đánh chén xong xuôi. Làm thêm một cốc sữa đậu nành cho xuôi họng.

    Cả bọn lại tính lên trên Ba Đình để qua lăng Bác xem hạ cờ. Dẫu cho một đứa con gái trong đoàn cũng đùa là chẳng có thời giờ mà mò được lên ấy. Cả lũ sau cùng vẫn cứ quyết là đi. Tân lại lẽo đẽo leo lên xe Đt. Cả lũ đợi một cậu bạn đi đổ xăng về lại, rồi phóng xe đi một loạt.

    Đường phố Hà Nội giờ đây còn rợn ngập và đông đúc hơn trước. Đã gần chín giờ tối. Đt cố tránh phải quẹt xe với một ông cậu đi chéo về phía mình, nhưng không thành. Dẫu vậy thì vẫn phải đi tiếp. Tân hoa mắt trước những làn xe không có lối thoát. Cái kẽ hở cứ thoắt ẩn thoắt hiện. Ấy vậy mà, Đt chỉ mất vài giây để len lỏi qua những cái kẽ hẹp ngoài tưởng tượng ấy. Thoáng chốc hai thằng đã lên đến đường Tôn Đức Thắng, và kẹt xe ở trong ấy vì một cái đèn đỏ bất chợt.

    - Đặc sản đấy ông ạ!

    Đt nhếch mép, Tân cũng chỉ biết cười trừ. Hai thằng tranh thủ kiểm đếm lại người. Trời mẹ, lạc đi đâu gần hết. À đây, một thằng đi trước. Hai xe khác đang cười đùa ở đằng sau. Một xe nữa thì tít tắp ở sau cùng thì phải. Trong lúc ấy, cái lưng của Tân lại bắt đầu lên cơn. Cái bệnh đáng ra phải là tuổi già.

    Chờ thêm một lát lâu la nữa, đèn cũng nhảy sang xanh. Đám đông xe cộ đang tụ lại một điểm cũng bắt đầu tản đi. Mái đầu của Tân lại bay lất phất trong gió. Hai thằng đi qua một cái màn hình điện tử cho xem giờ. Đt tặc lưỡi ngán ngẩm, còn Tân cũng chỉ biết nhìn quanh. Giờ này thì cờ hạ xuống từ đời thuở nào rồi còn đâu! Nhưng mà đã đâm lao thì phải theo lao vậy. Cả bọn chúng nó lại tản đi đâu hết rồi?

    Tân và Đt lại đi tìm người. Cả hai đã lên đến Ba Đình, bắt gặp hai xe khác. Cả đám đi cùng nhau qua chỗ Phan Đình Phùng, định đánh xe lên hồ Trúc Bạch để tìm lại mấy xe kia - có vẻ lại đang thất lạc. Nhưng vừa qua được một con phố, cái xe đi trước đã vô ý không xi-nhan báo trước chỗ rẽ làm Đt và Tân phải đi quá lên một đoạn. Nghe cậu Đt chửi đổng lên mà phát cười.

    Hai đứa lại lòng vòng qua phố Quán Thánh, đi qua một cái hồ đen ngòm vào ban tối và dài đến khó tả. Suốt cả quãng đường, Tân dường như bị hớp hồn bởi những chiếc đèn lồng treo dọc hồ. Xanh, vàng, hồng, cam.. đủ cả. Có những đèn sáng trưng nom thích mắt, mà cũng có những đèn lim dim tắt lịm treo cho có lệ - nhưng vẫn chẳng thể nào hết đẹp. Những con phố ngang dọc nối nhau, đâu đâu cũng là đèn lồng - đến độ mà Tân định đặt tên cho phố là Đèn Lồng trong đầu mình. Trên con phố ấy là thập đại chúng sinh muôn hình vạn trạng. Từ ông trung niên bế con nũng nịu, mấy bà trung tuổi ngồi đàn đúm nói chuyện với nhau, cô phục vụ xinh xẻo tóc ngắn nhuộm vàng xõa ngang vai nhai chóp chép kẹo cao su mà nhìn bơ phờ đi một phương, hay cho đến cả đám khách du lịch râu ria rậm rạp cao ráo ngồi phè phỡn tán chuyện với nhau như biết bao người dân cái đất đô thành này tự bao đời nay vẫn thế. Thật biết bao sự kì thú chỉ trên một con phố. Duy chỉ có điều, đi mòn mỏi con mắt mà vẫn chẳng tìm được đến nơi.

    Trong đầu Tân nảy sinh một ý tưởng khôi hài: Làm phim về quá trình đi đường phố Hà Nội. Cơ mà cũng quả là khó thể, bởi nơi đây dài rộng và chật ních người. Băm sáu phố phường đi đến hơn cả đời người và thêm một nữa còn chưa hết. Nếu có một bộ phim như thế, chắc nó sẽ phải qua tay mấy đời đạo diễn cũng nên. Mà cũng phải là đạo diễn sinh ra và lớn lên ở chính cái đất Hà thành này thì may ra. Chứ thảy một ông ở đâu đâu vào làm thì chết toi. Vả lại chính người Hà Nội cũng còn phải ngậm cười mà thẳng thốt xin thề rằng mình sống ở đây đủ lâu mà vẫn chẳng thể thuộc làu được những cái đường đi ngã rẻ ở đây.

    Đi được một hồi thì đến hồ Trúc Bạch, qua một dãy phố Trấn Vũ dài thượt. Mấy đứa đến trước đang ngồi xổm trên vỉa hè, cười cợt và ngả mũ giả làm ăn xin. Bộ dạng nom đến khôi hài. Thế là sau cả một chặng đường suýt về với đất mẹ như thế, cũng chỉ là để cả đám xin một kiểu ảnh chụp chung rồi tản mác về. "Thôi thì cũng đi xem phố phường", ông Đt vỗ vai Tân, người đang sắp sửa ngủ gục ở cái vỉa hè với hai con mắt đang muốn đóng khóa lại. Một cô bé nãy được bê đỡ ở lần đầu tiên chối đây đẩy việc được đi xe về cùng với một cậu bạn có vẻ thích ngầm cô - điều mà Tân đã nháy với các bạn khác từ trước, chẳng vậy mà chúng nó có vẻ cũng thích dàn xếp sự vụ này. Cơ mà cũng không thành, và cô bạn đi xe cùng người khác về nhà.

    Để đỡ đi cái cám cảnh bi hài là lượn quanh Hà Nội chỉ để chụp một kiểu ảnh, cậu Đt quyết định đài thọ cho nhóm mỗi người một que kem để quên sầu. Thế là cả lũ cũng chỉ biết ậm ừ cho qua chuyện rồi ai về nhà nấy. Tân và Đt còn kẹt ở con đường cạnh hồ Trúc Bạch một hồi lâu, trước khi Đt sử dụng cái đánh lái thần sầu của mình mà luồn lách lên trên ra chỗ bồn cây phân cách, một chân lồm cồm miết bám vào đó để lách qua khe hẹp giữa mấy cái ô-tô to tướng đen kịt đứng chôn chân trong đám tắc đường.

    Con đường về lại nhà trọ cảm giác ngắn hơn hẳn lúc đi. Đt thả bạn ở đầu ngõ rồi quay xe đi. Tân bước lủi thủi vào trong cái ngõ tối đèn, vàng vọt và dần trôi vào im lìm. Cậu thấy một ánh đèn đầu ngõ vụt tắt, và rồi cứ thế nối tiếp nhau đến nỗi chỉ để lại ánh đèn lờ mờ của một cửa tiệm tạp hóa. Tân bước loạng choạng với đôi chân đã đến đà mỏi mệt, vào sâu trong cái ngõ hẻm tối tăm dẫn vào nhà trọ. Vài cọng dây điện rủ xuống quét qua đầu tóc rối bời một mớ, làm cho cậu thoáng giật mình. Rồi cũng chỉ biết tần ngần bước tiếp.

    Lọ mọ một lát rồi cũng vào được bên trong. Xong khóa cửa. Tân gọi ấy là một ngày. Hai con mắt sau cùng cũng được dịp nghỉ ngơi. Để còn chuẩn bị cho ngày dài ngày mai nữa. Đèn phòng vụt tắt.

    - Hết -
     
    LieuDuong thích bài này.
  2. Đăng ký Binance
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...