Bước Vào Một Cái Khuôn Tác giả: Nhất Phiến Băng Tâm Thể loại: Truyện ngắn Một phút.. Hai phút.. Ba phút.. Một tiếng đồng hồ đã trôi qua. Cô xé nát tờ giấy, vo tròn và ném vào chiếc thùng rác. Căn phòng của cô bây giờ đang tràn ngập những viên giấy như thế, đó là kết quả của những ý tưởng thất bại. Cô gãi xù đầu lên, ánh mắt chứa đầy cái nhìn căm hận vào đề văn. Nó đã khiến cho cô tựa như một tên bệnh nhân tâm thần cả một buổi chiều nay. Căn phòng rơi vào trầm lắng, chỉ có tiếng tíc tắc tíc tắc của chiếc đồng hồ như thúc giục cô phải nhanh lên, hoặc là được điểm cao, hoặc là chết. Cô đứng phắt dậy khiến chiếc ghế ngã lăn ra đất, chạy ra ban công hóng gió. Gió lồng lộng thổi trong buổi chiều mùa xuân, tiếng xe cộ ồn ã, tiếng nhạc xập xình, tiếng loa đài vang vọng bên tai, khiến tâm trí của cô càng thêm rối loạn. Ánh mắt cô đang nhìn về phương xa, nghĩ ngợi vẩn vơ. Cô là học sinh giỏi văn, một người con ngoan trong mắt ba mẹ, một người bạn đáng yêu trong mắt những người cùng trang lứa, đặc biệt là một người trò giỏi trong mắt cô thầy. Cô luôn khao khát tạo lập một tác phẩm riêng của chính mình, một đứa con tinh thần mà cô vẫn đang ấp ủ trong lòng. Nhưng ngòi bút của cô vẫn chưa nhuốm đủ cái phong vị cuộc đời, nên cô chưa dám cầm nó. Nhưng cái khao khát ấy chưa một ngày mờ nhạt trong trái tim cô. Lúc ăn cơm, khi đi ngủ, thậm chí ngồi trong nhà vệ sinh, cô luôn nghĩ tới những tình tiết câu chuyện, những điều thú vị mà mình sắp viết. Điều đó khiến cô luôn trong trạng thái của một bức tượng, tâm hồn bay bổng phiêu dạt tận những phương trời xa xăm, khiến ba mẹ luôn phải nhắc nhở chú ý. Điều gì khiến cô quyết định bước vào con đường văn chương? Đương nhiên là một kỉ niệm vô cùng đáng nhớ. Có lần lớp cô được cô giáo dẫn ra thư viện, vô tình lại gặp được một nhà văn. Thật không thể tin được! Cả lớp ngày hôm đó lĩnh hội được bao nhiêu điều đáng quý mà có khi đi hết cả dặm đường cũng chưa chắc đã có được. Nhưng đó chưa phải là điều quan trong nhất. Gần đến lúc ra về, mỗi người được nhà văn kí vào quyển sách giáo khoa Ngữ văn gọi là lấy may. Đến lượt cô, ông nhìn cô một hồi lâu (Vì cô nhường những người khác nên là người cuối cùng ra về, vì vậy có thời gian ở bên nhà văn hơn) rồi nói: - Cô bé, cháu có đôi mắt thật thuần khiết, trong sáng, không hề có chút vẩn đục của bụi đời. Cháu là một cô bé có tâm hồn đa cảm, nhất định sẽ trở thành nhà văn. Cô nghe xong mà thầm cảm phục ông ấy. Cô không dám chắc đôi mắt mình thật sự không vướng bận cuộc đời, lại càng không dám khẳng định mình có thể trở thành nhà văn, nhưng điều ông ấy nói: "Cháu có một tâm hồn đa cảm" thì quả thực không thể phủ nhận. Kỉ niệm ấy liền đã trở thành người dẫn đường cô đến với xứ sở văn chương. Nhưng vốn hiểu biết của cô quá hạn hẹp, kho từ vựng chưa được bồi đắp, nên cô đã xin vào lớp đội tuyển Văn với hi vọng sẽ lấp đầy những khoảng trống còn thiếu sót để có thể cho ra đời đứa con tinh thần của chính mình. Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Những đề văn mà cô giáo ra thật khó, khiến cô không thể tự mình giải quyết. Cô đã dành ra hai ngày liền để tập trung vào cái đề ấy mà quên mất sự tồn tại của những môn học khác. Thứ sáu là hạn cuối, hôm nay đã là thứ tư rồi, làm sao đây? Cô mang trong mình cái nỗi lo sợ ấy đến mức nó trở thành một gánh nặng, một thứ chất kích thích thần kinh của cô, khiến cô cáu gắt với tất cả mọi người xung quanh. Sáng hôm sau, cô đến lớp với khuôn mặt không còn đọng lại nụ cười trên môi như bao ngày khác. Người bạn của cô thấy vậy tiến tới gần hỏi thăm: - Ê, sao sáng nay mặt mày ủ rũ vậy con kia? Thất tình à? - Tao thì làm gì có tình mà thất? Mà bài văn cô giao mày làm chưa? Nó xì một hơi dài: - Tất nhiên là rồi. Tao cũng nộp rồi luôn. Được 8, 5 điểm lận. Cô ngạc nhiên: - Trời, mày siêu vậy? Tao đến cái dàn ý còn chưa nghĩ xong? Làm thế nào? - Trên mạng có đầy. Mày lên google mà tìm. Có cả núi cho mày, tha hồ mà chép. - Nhưng mà như vậy thì.. Nó cười: - Ôi dào ơi, Tâm ơi là Tâm, thời buổi này còn những đứa tự lực cánh sinh như mày chỉ có cạp đất mà ăn thôi. Sống trên đời phải biết tận dụng chứ. Người ta đã mất công đăng lên mạng cho mày, tội gì không chép? Được 8, 5 điểm lận á! Kì này về tao được bố mẹ đưa đi chơi một bữa thỏa thích. Thôi, cố lên em, chị đây ủng hộ hết mình! Nó đập đập vào vai cô rồi rời đi. Lời nói của nó khiến cô rơi vào trầm tư. Về nhà, cô ngay lập tức lên mạng tìm kiếm, quả nhiên ra hơn hai nghìn kết quả, toàn những bài đọc sâu sắc kinh khủng, từ ngữ thì như trên mây trên gió, lời văn như mây bay nước chảy, giọng văn thì uyển chuyển dịu dàng, nói chung là vô cùng đẳng cấp. Một thoáng ý nghĩ lướt qua trong trí óc cô, nhẹ nhàng như một cơn gió nhưng vẫn còn đọng lại chút hương hoa.. Hay là.. chép lại? Vừa chớm nghĩ như vậy, ngay lập tức trong trí óc cô xuất hiện một bức tường lớn chặn đứng cơn gió ấy. Thế nào mà trong khoảnh khắc ấy, trong đầu đột nhiên hiện lên một câu nói: "Sự lặp lại tẻ nhạt là cái chết của nghệ thuật. Nhà văn là người không lặp lại mình, không lặp lại người khác." Chỉ cần cô đặt bút, ngay lập tức cô sẽ phải từ bỏ ước mơ của mình. Không! Không thể được! Cô không cho phép bản thân mình làm như vậy! Liền đó cô quăng chiếc điện thoại ra xa ở góc giường, nhìn chằm chằm nó như kiêng kị một thứ hồn ma quỷ quái. Nhưng nếu như chép lại, thì chẳng những cô thoát khỏi tình trạng nửa điên nửa khùng khi vùi đầu vào đề bài, lại vừa đạt điểm cao trong mắt mọi người. Nghĩ như thế, cơ thể cô không tự chủ được mà tiến gần đến chiếc điện thoại hơn. Vừa lúc đó, trong đầu cô liền hiện ra khung cảnh. Đó là một khung cảnh tăm tối, phía cuối con đường, tất cả mọi người trong đội tuyển văn đều đang đứng trong một chiếc khuôn có kích thước và hình dạng y hệt nhau. Cô nhận ra người bạn của cô cũng đang ở đó. Còn một chiếc hộp chính giữa để trống. Nó đang đợi một người bước vào. Chiếc khuôn ấy trông rất êm ái, lại dễ chịu, nhưng thực chất nó chính là một chiếc quan tài chôn cất những cây bút đã đánh mất bản ngã của chính mình. Cô nhất định sẽ không đặt chân vào chiếc khuôn đáng sợ đó! Không bao giờ! Sáng hôm sau. - Cô rất tuyên dương bạn Tâm, bài viết rất có hồn, cảm xúc phong phú, rất xứng đáng được điểm 9. Trong sự tuyên dương của cô giáo và các bạn, cô cảm thấy vô cùng sung sướng và hạnh phúc. Cô nở một nụ cười rạng rỡ. Chỉ tiếc rằng nụ cười ấy được nở ra trong chiếc khuôn cuối cùng. Quay trở lại buổi tối hôm đó. Trở về thực tại, cô cảm thấy rất đau đầu. Nên hay không nên đây? Bước xuống cầu thang, đập vào mắt cô là hình ảnh người mẹ đang mải miết cặm cụi làm việc khi trời đã khuya. - Mẹ, mẹ chưa đi ngủ sao ạ? Mẹ cô đáp: - Còn một đống hàng sáng sớm mai khách lấy rồi, ngủ làm sao được? Chắc phải thức đêm để làm. Rồi bà nhìn cô và nói: - Mẹ phải thức đêm thức hôm để kiếm tiền nuôi mày ăn học, cố mà học hành cho tốt vào, đừng để cô báo điểm kém về đấy nhé! Cô lặng lẽ gật đầu rồi bước lên phòng, uể oải đặt lưng xuống giường. Mẹ cô không thích cô bị điểm kém chút nào, với lại nếu bị điểm kém, cô sẽ mất điểm trong mắt bạn bè. Cô lặng lẽ rơi nước mắt. Đó là giọt nước mắt cầu xin được tha thứ, là giọt nước mắt cuối cùng của bản ngã của một con người. Chiếc khuôn ấy đã chôn vùi giấc mơ của cô, chôn vùi cả bản ngã của cô. Giờ đây cô chỉ còn là một chiếc máy in vô cảm. Hết.