Bạn có ước mơ không? Có thể, hoặc không, dù sao cũng là do mỗi người. Nhưng bạn có để ý không, chúng ta đang trở nên ít nói về ước mơ hơn đấy. Ước mơ được định nghĩa như một mong muốn, một nhu cầu. Hay nói cho có vị văn chương thì nó là khi bạn thật sự khao khát đến điều gì đó. Trên đời cốt làm gì có ước mơ nào đúng hay sai, đẹp hay xấu, chỉ là con người bỗng dưng thích "gán mác" cho nó thôi. Có lẽ, chính vì cái sự "gán mác" vô duyên ấy, khiến cho đời dạo nay sao bỗng dưng lại thiếu vị "ước mơ" quá chừng. Khi còn là con nhóc lên 7, bạn có thể tự tin, dõng dạc hét lớn rằng: "Con muốn trở thành họa sĩ truyện tranh". Nhưng chỉ 10 năm sau, khi là cô gái 17 tuổi, thậm chí đến cả việc giữ vững cái ngọn lửa ước mơ ấy mà mấy ai dám làm. Tại sao vậy? Rồi nếu một buổi chiều âm u nào đó, ba mẹ bỗng nói: "Con phải theo học ngành Y, đó là ngành hot". Ơ, còn họa sĩ thì sao đây? Giả dụ trong người bạn, có thứ gọi là "họa sĩ" ấy, chắc hẳn nó sẽ nơm nớp sợ cái "ngành Y" gì đó bỗng xuất hiện choáng mất chỗ của nó. Thế rồi (thở dài), bạn đâu dám cãi các bậc sinh thành, đành gác cái "ước mơ" đó đi mà lòng thì tiếc hùi hụi, nước mắt lăn dài hỏi sao đời chi mà vô duyên. Rồi cái ngày mà bạn cầm cái bằng Đại học Y dược về, thấy sao bà con dòng họ, rồi ba mẹ, anh chị, cho tới cô hàng xóm hay bà bán nước cuối đường sao mặt mày mừng rỡ quá, sao thấy mặt mình như cái bánh đa nhúng nước. Hỏi sao không, cầm cái bằng mà thấy có khác chi miếng giấy lộn đâu. Hồi học trong trường thì thấy như ngồi lộn chỗ, ở Trái Đất mà ngỡ ngồi hít thở trên Sao Hỏa (nói chứ thật ra là ở đó chủ yếu là khí Cacbonic). Ngồi học thì ngáp ngắn ngáp dài, thầy nói gì kệ thầy, bà đây chẳng quan tâm đâu. Rồi cho đến lúc đi làm, ta thấy nó sai sai làm sao, mà sai lúc này rồi thì tiếp theo đó là mấy chục năm công tác "sai sai", rồi tới năm 55 tuổi chuẩn bị nghỉ hưu rồi mới hỡi ôi, ta làm gì đời ta vậy nè.. Thế rồi thì đâu ai cấm bạn theo đuổi ước mơ của mình đâu, cớ sao phải chịu cái kiếp như vậy. Đọc bao nhiêu sách, thấy bao nhiêu nhân vật "trầy da tróc vẩy" cho ước mơ, dù bao khó khăn, gian khổ cũng chẳng làm nhục chí ta được, mỗi chông gai là để ta trưởng thành, rồi đến khi thành công là hạnh phúc vô bờ bến. Ờ, trong sách nó vậy, nhưng đời nó khác quá, nếu có giống thì cũng giống kiểu "anh em cùng cha khác ông nội". Vậy tại sao vậy. Vấn đề ở đây không phải là mấy bạn trẻ không có tài năng, hay thiếu điều kiện gì cả. Nhưng giở thừ hỏi xem, tại sao ba mẹ cứ chọn mấy nghề như ngành Y, hay trường Bách Khoa, Ngoại Thương.. mà không phải là thợ leo cột điện. Phải chăng là vì kinh tế? Cũng phải thôi, giữa thế giới này mà không làm ra nhiều tiền thì hỏi sao mà sống. Thế giới chúng ta đang được thực tế hóa bằng bao nhiêu thứ như tiền bạc, danh tiếng. Khi người ta vẫn khăng khăng rằng vô Bách Khoa là bao nhiêu cơ hội, bao nhiêu thứ rộng mở, nhưng sao ta thấy chẳng hấp dẫn gì hết. Xã hội chúng ta thì lại cứ "tôn thờ" những thứ như thế, vô hình chung lại tạo cho cha mẹ chúng ta cái áp lực để khiến con mình có một tương lai tươi sáng theo suy nghĩ của họ. Làm gì được khi thế giới còn có tâm lí so sánh. Một buổi sáng đẹp trời bỗng ông hàng xóm ghé qua nhà mình, hỏi 'Con anh chị tính thi vô trường gì, con tôi là hướng vô Kinh tế đó nha', rồi 'Ngành đó giờ hot lắm, ra làm là tha hồ kiếm tiền xài, phụng dưỡng cha mẹ'. Đó, cái mớ bòng bong đó làm sao mà không tạo ra áp lực được. Cái thứ hai là định kiến xã hội. Định kiến tất nhiên sẽ khác nhau ở từng xã hội, thời kì, văn hóa, tôn giáo, thậm chí là từng nhà, mà cũng là do từ suy nghĩ của chúng ta thôi. Ví như hồi đó có ai mà nhảy đầm là bị dòm tới dòm lui, bị mấy con mắt hay liếc và xiên xỏ nhìn, rồi bao nhiêu xì xầm, bàn tán, và được coi là "thứ văn hóa đồi trụy". Giờ thì thôi, ta nhảy mặc ta, ai cấm được đâu. Quay lại với ước mơ, chúng ta bị xã hội (thu gọn thành mấy bà tám bên xóm) tạo ra định kiến, nó như cái móc gim đời chúng ta, đó là cái rào cản thu nhỏ một con đại bàng phải sống đời chim sẻ. Định kiến chính là thứ vạch vẽ ra cái giới hạn của bạn bằng ngòi bút của người khác. Rào cản cũng là sự "gán mác" thôi. Người ta nói ca sĩ là nghề "xướng ca vô loài", nhưng ai biết được, cái "mác" là vậy nhưng dưới cái "mác" có khi lại khác xa. Thứ ba là tự tin thiếu. Cũng là gom nhặt từ là cái trên, ta có hệ quả là giới trẻ thu nhỏ chính mình. Bạn bỗng không còn thấy giá trị của mình nằm chỗ nào, hay nhiều khi không có luôn cũng nên. Bạn tự ti, bạn mặc cảm và sinh ra tâm lý ngại đấu tranh. Đấu tranh chi nữa, khi đời là khi ba mẹ chạy lên nộp cho con cái đơn vô Ngoại Thương, rồi cũng mấy năm sau chạy xuống xin người quen sắp đặt cho con cái chỗ ngồi "kiếm tiền". Đời sắp đặt là đời an nhàn, dễ chịu, nhưng bạn sẽ luôn nghi ngờ chính mình. Hơn nữa, cái nghề đó là cha mẹ lựa chứ có phải mình đâu, sao làm tốt được. Bạn sẽ cứ có cái tâm lí e dè đó, còn dấu chấm hết là sự hối hận. Thật ra nguyên nhân thì nhiều lắm, kể mãi chẳng xong. Thôi thì dừng bút tại đây là đẹp nhất vậy.
Không có ước mơ cũng không sai mà cũng không đúng. Không có ước mơ thì chúng ta khó có thể hoàn thiện được cuộc sống của mình, có ước mơ thì chính cái ước mơ sẽ khiến chúng ta có lý tưởng cho cuộc sống xung quanh hay của chính bản thân mình. Ước mơ có thể khiến ta tốt hơn nhưng cũng có thể khiến ta xấu đi thì điều đó cũng phải tùy người và cách thực hiện như thế nào thôi. Nhưng trên đời này ai cũng có ước mơ của chính mình mà chỉ là sớm hay muộn thôi. Nhưng không có ước mơ thì cuộc sống cũng có vẻ dễ chịu hơn nhưng khó lắm để sống