Bóng cười và sức khỏe

Thảo luận trong 'Sức Khỏe' bắt đầu bởi Nguyễn Khắc Dũng, 25 Tháng tư 2020.

  1. Nguyễn Khắc Dũng

    Bài viết:
    12
    Nitơ oxit (N 2 O) hay còn gọi là "Bóng cười - Funky Ball" là một hợp chất hóa học tồn tại dưới dạng khí không màu ở nhiệt độ phòng và áp suất khí quyển. Được phát hiện lần đầu tiên bởi Joseph Priestly vào cuối những năm 1700, khả năng tạo ra hưng phấn và khiến người dùng vô cảm khi bị đau được hít vào lần đầu tiên được báo cáo bởi Humphrey Davy vào năm 1800. Khí được dùng với mục đích y tế là gây mê, gây tê.

    Hiện vẫn chưa rõ chính xác tại thời điểm N 2 O được coi là một chất kích thích bị lạm dụng. Có những báo cáo về tác dụng gây hưng phấn của N 2 O bắt nguồn từ những năm 1800 nhưng báo cáo trường hợp được biết đến sớm nhất về lạm dụng N 2 O trong tài liệu là từ năm 1961. Hiện nay, lạm dụng N 2O đã được báo cáo trong thanh thiếu niên và thanh niên có tỷ lệ lưu hành suốt đời từ 2% đến 15, 8%. Giống như những chất dạng hít khác, nó được cho là phổ biến hơn ở nam giới trẻ tuổi và phổ biến cả khu vực nông thôn và thành thị. Sử dụng bóng cười thường kết hợp với các chất khác: Như rượu, shisha, cần sa, thuốc ngủ, lắc, đá..

    Lạm dụng bóng cười và triệu chứng thần kinh

    Những triệu chứng phổ biến nhất là tê liệt, dị cảm, ngứa râm ran trên da, mất cảm giác.

    Một số bệnh nhân cũng có những thay đổi về dáng đi hoặc mất sự phối hợp, điều hòa động tác, khả năng thăng bằng kém, đi lại khó khăn và té ngã.

    Đau đầu, nặng đầu, khó chịu. Giảm trí nhớ.

    Một số trường hợp có thể co giật ngay từ lần đầu sử dụng.

    Lạm dụng bóng cười và triệu chứng tâm thần

    Triệu chứng phổ biến nhất là ảo giác, chủ yếu là các ảo giác thính giác và thị giác với nội dung kỳ quái, huyền ảo.

    Hoang tưởng, trạng thái hưng cảm, kích động, gây hấn, các hành vi kỳ quái, các hành vi không phù hợp cũng là những triệu chứng thường gặp khi sử dụng bóng cười.

    Các triệu chứng giảm trí nhớ, giảm khả năng tập trung chú ý, lo âu và trầm cảm thưởng thấy trong các trường hợp lạm dụng kéo dài hoặc ngay trong lần đầu sử dụng.

    Tự sát liên quan đến bóng cười thường kết hợp với trầm cảm và ảo giác.

    Lạm dụng bóng cười và các triệu chứng cơ thể

    Tim mạch: Đau ngực, rối loạn nhịp tim, ngừng tim.

    Hô hấp: Nghẹt thở, khó thở, thở khò khè, đau cổ, sưng khàn giọng, ho, hội chứng suy hô hấp cấp tính với tràn khí màng phổi và ngừng tim. Một số trường hợp tổn thương môi, miệng khi hít từ bình.

    Tiêu hóa: Đau bụng, rối loạn chức năng ruột, nôn và buồn nôn.

    Tiết niệu: Bí tiểu, rối loạn chức năng bàng quang

    Sinh dục: Mất ham muốn, giảm cương cứng, bất lực.

    Lạm dụng bóng cười và tử vong

    Các nguyên nhân gây tử vong: Rối loạn nhịp tim đột ngột, ngạt cấp tính do thiếu oxy và tự sát. Trong đó, phổ biến nhất là ngạt cấp tính do thiếu oxy.

    Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, có tình trạng phù phổi cấp, tắc mạch. Nồng độ khí N2O trong máu từ 3, 5 – 14, 6 mg/dL, trong phổi 4, 5 mg/dL.

    Các xét nghiệm được sử dụng

    N 2 O rất khó phát hiện trong các xét nghiệm sàng lọc, do thời gian bán hủy ngắn và thải trừ nhanh qua phổi.

    Xét nghiệm phân tích mẫu nước tiểu có thể dùng để xác định định tính.

    Các xét nghiệm phân tích mẫu máu được sử dụng phổ biến hơn, với các mẫu máu động mạch chính xác hơn so với lấy máu từ tĩnh mạch. Tuy nhiên xét nghiệm máu động mạch thông thường không thực tế ở hầu hết các cơ sở lâm sàng.

    Hiện, không có công cụ sàng lọc chính thức cho lạm dụng N 2 O. Ngoài ra còn có vô số chất đồng diễn, rối loạn tâm thần và thần kinh có thể gây ra các triệu chứng gây nhiễu.

    Các hướng điều trị

    Đảm bảo duy trì các chức năng sinh tổn như các bệnh nội khoa đe dọa tính mạng.

    Các trường hợp kích động, gây hấn có thể xử trí bằng các các thuốc chống loạn thần đường tiêm.

    Các rối loạn tâm thần xuất hiện sẽ được đánh giá và điều trị theo từng trường hợp cụ thể.

    Mối liên quan giữa giảm nồng độ vitamine B12 trên các bệnh nhân lạm dụng bóng cười đã được báo cáo với nhiều bằng chứng. Đay cũng là nguyên nhân gây ra các triệu chứng thần kinh trong giai đoạn muộn. Cần phối hợp bổ sung vitamine B12 đường tiêm trong giai đoạn đầu, sau chuyển sang đường uống. Có thể phối hợp cùng acid folic.

    Tóm lại

    Bóng cười là một chất tác động tâm thần, là một chất được lạm dụng phổ biến ngoài mục đích y tế.

    Tác động của bóng cười lên nhiều cơ quan và hệ cơ quan trong cơ thể, gây ra các tác động cấp tính và mạn tính. Đặc biệt là các tác động đến hệ thần kinh (liệt) và tâm thần (mất trí nhớ, trầm cảm, loạn thần)

    Bóng cười có thể là nguyên nhân gây tử vong.

    Hiện việc chẩn đoán và điều trị các rối loạn sức khỏe do bóng cười còn khó khăn do các triệu chứng không đặc hiệu và khó tìm dấu vết của chất trong các mẫu xét nghiệm.

    Sử dụng Vitamine B12 phối hợp có hiệu quả trong điều trị các rối loạn liên quan đến bóng cười.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...