Tóm Tắt Tác Phẩm Bỏ Trốn - Phan Thị Thanh Nhàn

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Phan Kim Tiên, 8 Tháng hai 2021.

  1. Phan Kim Tiên Hiệp sĩ mộng mơ

    Bài viết:
    2,083
    upload_2022-1-16_12-47-19.png

    Bỏ trốn: Niềm thương quý đầy ắp của những đứa trẻ

    Tác phẩm được nhà văn Phan Thị Thanh Nhàn viết năm 1995, đúng lúc đất nước đang chuyển mình trước một nền kinh tế thị trường, đầy náo động.

    Bỏ trốn đã tái hiện lại cuộc sống, tâm tư của lứa những đứa trẻ sống trong buổi đầu đổi mới ấy.

    Câu chuyện xoay quanh bé Thi, một đứa trẻ vừa phải chịu cảnh bố mẹ ly hôn, lại phải hứng chịu ngay nỗi đau buồn mất mẹ, vì tai nạn giao thông. Dù mất mẹ, em không thể về sống chung với bố vì mẹ kế, Thi phải sống cùng gia đình người bác ruột, với sự tủi thân đầy ắp do sự hắt hủi của bà Mai, người bác dâu của Thi.

    Chỉ vì sự hiểu lầm cộng với mối ác cảm sẵn có từ trước mà bác dâu đã tức giận đuổi Thi ra khỏi nhà. Cô bé lang thang và tình cờ theo một chiếc xe tang đi xuống nghĩa trang, nơi chôn cất bà ngoại.

    Nếu như ở phần đầu câu chuyện, người đọc được gặp gỡ những đứa trẻ sống trong điều kiện gia cảnh đầy đủ, như Quang, như Hảo, được ăn mặc đẹp, được đến trường, ở đó Thi dường như một đứa trẻ lớn trước tuổi, biết làm tất cả việc nhà, biết suy nghĩ.

    Sang đến phần sau của Bỏ trốn, độc giả được dẫn dắt đến một không gian hoàn toàn khác. Nơi ấy, có những đứa trẻ nghĩa trang, quần áo rách rưới, mặt mũi nhem nhuốc, ăn nói có phần bộc trực.. Và Thi đã nhanh chóng được nhận làm con trong một gia đình nghèo đói, cùng với thằng Cò, cái Tý, có một bà mẹ câm và một ông bố làm phu đào huyệt. Một không khí đời sống dân dã, lấm lem, vất vả được tái hiện rất sinh động trong hình ảnh gia đình Cò.

    Ở đó, Thi có những cái ôm, có người tối nắm tay để ngủ, có người gắp thức ăn cho, cái nhỏ bé dung dị mà quá đỗi đời thường ấy khiến Thi được sống trong cảm giác của một gia đình, và khiến chạm được vào nỗi cảm động của độc giả.

    Bỏ trốn viết bằng bút pháp hiện thực nhưng bằng ngòi bút của một nhà thơ, vốn mang trong mình cái nét thơ mộng, thầm kín của thơ ca. Vì thế tác phẩm của nhà văn Phan Thị Thanh Nhàn đậm chất thơ. Mà cái hay là chất thơ không phải bởi cất lên từ mỹ cảm của ngôn từ, mà được tỏa hương từ những đối đãi giữa những đứa trẻ với nhau.

    Cách Quang vụng về quý mến Thi, cách Hảo bồn chồn lo lắng cho Thi, hay khi Cò nói "giờ nó là em tao", khi cái Tý bảo rằng "Bố ơi bố cho nó ở hẳn nhà mình đi", hay lúc Thi gọi với theo Cò "Anh Cò ơi, chờ em với".. Phải là người tinh tế, gần gụi, phải để tâm đến những nhỏ nhặt bao nhiêu mới biết đặt để những từ ngữ giản đơn ấy vào tình huống, để bật lên được nét đẹp cho mỗi nhân vật, từ đó mà làm rạng rỡ cả câu chuyện.

    Bỏ trốn dù viết về hiện thực rất buồn, nhưng buồn với người lớn, và người lớn nhìn vào để mà suy tư về cách mà người lớn đối đãi với nhau. Trong một bài hát của mình Trần Tiến đã từng viết "Người lớn nghèo lắm chẳng có gì.." ngẫm ra, quả thực, nhìn những đứa trẻ thương quý nhau, có người lớn nào thấy chạnh lòng ghen tị với cái thương quý thơ ngây mà đầy đặn mà người lớn bị quá nhiều thứ đè nặng nên để khỏa lấp mất hay không?

    Tác phẩm viết về những đứa trẻ, có những đứa trẻ giàu có, có những đứa trẻ nghèo khổ, nhưng những điều đó chỉ đi lướt qua trong cuốn sách. Tác giả không xoáy vào điều đó, cũng không cố gắng phô bày cái khó khăn, nghèo khổ để tìm sự thương cảm hay xúc động của độc giả, tác giả chỉ kể bằng phong thái nhẹ nhàng, thong thả và để tập trung vào những ứng xử bình dị, đẹp đẽ mà mỗi đứa trẻ có thể dành cho nhau. Cũng bởi vậy, Bỏ trốn là một tác phẩm đầy lòng trắc ẩn, mang nhiều nỗi buồn, nhưng cũng đầy an ủi và ấm áp.

    Một tác phẩm mà mỗi người đọc đều sẽ thích, trẻ em thích thú vì được gặp những người bạn của mình, còn người lớn, đọc để thấu suốt, để trăn trở, và biết đâu, có nhiều người sẽ được gặp lại mình thuở xa xưa, và hình bóng những người bạn cũ của mình trong những đứa trẻ như Quang, Thi, Hảo, Cò, Tý..

    Bỏ trốn là tác phẩm được giải A cuộc thi viết cho thiếu nhi của NXB Kim Đồng năm 1995, và đã được tái bản rất nhiều lần. Tác phẩm cũng đã được Hãng phim truyện Việt Nam dựng thành một bộ phim truyện nhựa xúc động do đạo diễn Phạm Nhuệ Giang dàn dựng.

    "Thưở bé, tôi sống với bố mẹ ở xóm đê Yên Phụ. Đó là một xóm nghèo với những đứa trẻ nghịch ngợm, thông minh và lam lũ. Sau này, chồng tôi cũng ở xóm nhỏ La Thành với con đê lầy lội và một mái nhà tranh. Sau khi chồng mất, tôi nhiều lần xuống nghĩa trang Văn Điển thăm mộ anh và đã bắt gặp các em bé tần tảo kiếm sống ở đây.. Bởi vậy từ bé tôi đã rất quen với cảnh trẻ em lam lũ kiếm sống cùng các chuyện éo le của gia đình. Tôi biết, mình không thể giầu có hoặc tài năng đến mức có thể góp phần cải thiện được thực tế này. Nhưng tôi hi vọng mình có thể chia sẻ và thông cảm bằng tất cả tâm hồn chỉ với một cây bút nhỏ. Tôi đã quan sát, ghi chép và cặm cụi ngồi viết lại những gì tôi cảm nhận, suy tư và xót thương số phận của những trẻ em không may mắn. Cuốn" Bỏ trốn "được đạo diễn Phạm Nhuệ Giang và nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chuyển thành phim nhựa và đã đoạt giải bạc của Hội Điện ảnh năm 1996.." (Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn)

    "Người yêu đầu tiên và mãi mãi của tôi là ai? Các em có biết không: Đó là sách. Hãy luôn tìm đến sách. Sách đã cho tôi và sẽ cho các em rất nhiều." (Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn)

    Truyện dài "Bỏ trốn" là tác phẩm đoạt giải A trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 1993-1995 của NXB Kim Đồng.

    Đây là một trong 10 ấn phẩm kỉ niệm 25 năm Tủ sách Vàng của NXB Kim Đồng.

    Tủ sách Vàng ra mắt năm 1995, là nguồn suối mát trong nuôi dưỡng tinh thần trẻ em Việt Nam suốt một phần tư thế kỉ qua.

    Tủ sách Vàng chính là cầu nối để các thế hệ thiếu nhi tìm đọc và yêu thích tác phẩm văn học trong nước.
     
    Thursday LyenThùy Minh thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 16 Tháng một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...