BỜ SÔNG VẪN GIÓ Tác giả: Trúc Thông Chị em con kính dâng hương hồn mẹ Lá ngô lay ở bờ sông Bờ sông vẫn gió Người không thấy về Xin Người hãy trở về quê Một lần cuối...một lần về cuối thôi Về thương lại bến sông trôi Về buồn lại đã một thời tóc xanh Lệ xin giọt cuối để dành Trên phần mộ Mẹ nương hình bóng Cha Cây cau cũ, giại* hiên nhà Còn nghe gió thổi sông xa một lần Con xin ngắn lại đường gần Một lần...rồi Mẹ hãy dần dần đi... (Bờ sông vẫn gió, Trúc Thông, 100 Bài thơ hay thế kỉ XX, Nhà xuất bản Giáo dục, tr.197) Nhà thơ Trúc Thông tên thật là Đào Mạnh Thông (1940 -2021), quê: Hà Nam. Sau khi tham gia bộ đội, thi sĩ theo học khoa văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2017. Bài thơ Bờ sông vẫn gió sáng tác năm 1983 trong một lần trở về thăm quê, khi đó mẹ của nhà thơ vẫn đang cùng anh sống ở Hà Nội. Linh cảm, lo lắng về sự ốm yếu của mẹ đã khơi dòng cảm xúc để nhà thơ sáng tác bài thơ này. Một năm sau đó (1984) mẹ của nhà thơ qua đời. Nguồn cảm hứng để nhà thơ sáng tác nên thi phẩm là hình ảnh "Lá ngô, bờ sông vẫn gió, người không thấy về" để nói thay mẹ mình: Mẹ xa quê nhiều năm, giờ già yếu, mẹ mong muốn được trở về quê hương xứ sở. Bài thơ thể hiện sự gắn bó của Mẹ với quê hương, nơi mẹ đã sinh ra và lớn lên, nơi mẹ sống gắn bó với gia đình thuở trước. Nhà thơ mong mẹ có thể khỏe lại, được về thăm quê, thăm lại bến sông ngày nào, nhớ lại những tháng ngày gian nan, vất vả của một thời tóc xanh hi sinh hết thảy vì chồng con, về thăm lại mảnh đất giờ là mộ phần nơi Cha nằm xuống, về ngắm nhìn lại những cảnh vật giản dị, quen thuộc ở mái nhà tranh xưa: Cây cau cũ, giại trước hiên nhà, hòa mình trong làn gió mát lành của sông quê. Trong những câu thơ cuối, cách nói "ngắn lại đường gần", đường đã gần rồi nhưng mong đường thêm ngắn lại, mong Mẹ khỏe lại để có thể được hòa mình trong không khí ấm áp chốn quê nhà, rồi mẹ hãy dần dần rời xa gia đình, xa các con. Câu thơ chứa chan cảm xúc và nỗi lòng trĩu nặng dành cho Mẹ. Biết rằng sinh tử là lẽ thường, "lá rụng về cội" nhưng tình yêu thương, trân trọng dành cho Mẹ vẫn dâng trào trong nỗi xót xa, lo lắng và tiếc nuối của nhà thơ.