Thơ Xuân Quỳnh (bài Sóng) được đưa vào chương trình Ngữ văn 11 - Cánh diều 2023. Để hiểu hơn về thơ Xuân Quỳnh cũng như rèn kĩ năng Đọc hiểu văn bản thơ cho HS, topic sau đây chia sẻ các bài tập đọc hiểu về một số bài thơ, đoạn trích tiêu biểu trong tuyển tập thơ Xuân Quỳnh. Các câu hỏi trong bộ đề đáp ứng cơ bản 4 mức độ kiểm tra, đánh giá đối với một văn bản thơ: Nhận biết: - Nhận biết được các biểu hiện của thể thơ, từ ngữ, vần, nhịp, đối và các biện pháp nghệ thuật trong bài thơ. - Nhận biết được bố cục, những hình ảnh, chi tiết tiêu biểu trong bài thơ. - Nhận biết được nhân vật trữ tình, chủ thể trữ tình trong bài thơ. - Nhận biết được bối cảnh lịch sử - văn hóa được thể hiện trong bài thơ. - Nhận biết được những biểu hiện trực tiếp của tình cảm, cảm xúc trong bài thơ. Thông hiểu: - Phân tích được giá trị biểu đạt, giá trị thẩm mĩ của từ ngữ, vần, nhịp và các biện pháp tu từ được sử dụng trong bài thơ. - Phân tích được ý nghĩa, giá trị của hình ảnh, chi tiết tiêu biểu trong bài thơ - Hiểu và lí giải được tình cảm, cảm xúc của nhân vật trữ tình thể hiện trong bài thơ. - Nêu được cảm hứng chủ đạo, chủ đề, thông điệp của bài thơ. - Phát hiện và lí giải các giá trị đạo đức, văn hóa từ bài thơ. Vận dụng: - Rút ra được bài học về cách nghĩ, cách ứng xử do bài thơ gợi ra. - Nêu được ý nghĩa hay tác động của tác phẩm đối với tình cảm, quan niệm, cách nghĩ của bản thân trước một vấn đề đặt ra trong đời sống hoặc văn học Vận dụng cao: - Vận dụng những hiểu biết về bối cảnh lịch sử - văn hóa được thể hiện trong bài thơ để lí giải ý nghĩa, thông điệp của bài thơ. - Đánh giá được nét độc đáo của bài thơ thể hiện qua cách nhìn, cách cảm nhận riêng của tác giả về con người, cuộc sống; qua cách sử dụng từ ngữ, hình ảnh, giọng điệu. Đề 1 - Đọc hiểu: Gió Lào cát trắng - Xuân Quỳnh Đọc đoạn trích sau: Ngọn gió Lào cát trắng của đời tôi Tôi của cát của gió Lào khắc nghiệt Trong gió nóng những trưa hè ngột ngạt Mẹ ru tôi hạt cát sạn hàm răng Vừa lớn khôn tôi đã biết đào hầm Dưới bom đạn gió Lào vẫn thổi Và trên cát lại thêm cồn cát mới Cỏ mặt trời lăn như bánh xe Cuộc đời tôi có cát chở che Khi đánh giặc cát lại làm công sự Máu đồng đội và máu tôi đã đổ Trên cát này mà gió quạt vừa se Cây tôi trồng chưa đủ bóng che Bom giặc cắt lá cành tơi tả Củ khoai ở đây nhỏ hơn củ khoai cánh đồng màu mỡ. [...] Em mới về em chưa thấy gì đâu Chỉ có cát và gió Lào quạt lửa Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ Cát khô cằn ở mãi hoá yêu thương Dẫu đôi khi tôi chẳng bằng lòng Với cái cát làm bàn chân rát bỏng Với cái gió làm chín lừ da mặt Mảnh đất cằn khoai sắn ít sinh sôi Tôi sẵn lòng đem hiến cả đời tôi Cho cát trắng và gió Lào quạt lửa. Chọn đáp án đúng: Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào? A. Tự do B. Bảy chữ C. Tám chữ D. Bảy chữ kết hợp với tám chữ Câu 2. Các phương thức biểu đạt trong đoạn thơ là: A. Biểu cảm B. Biểu cảm, miêu tả C. Biểu cảm, miêu tả, tự sự D. Biểu cảm, miêu tả, tự sự, nghị luận Câu 3. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích là: A. Gió Lào, cát trắng B. Mẹ C. Em D. Tôi Câu 4. Biện pháp tu từ trong hai câu thơ sau là biện pháp gì? Cuộc đời tôi có cát chở che Khi đánh giặc cát lại làm công sự A. So sánh B. Nhân hóa C. So sánh và nhân hóa D. Nhân hóa và nói quá Câu 5. Gió Lào, cát trắng mang ý nghĩa biểu tượng cho: A. Quê hương với thiên nhiên khắc nghiệt của nhân vật trữ tình B. Tình yêu quê hương, đất nước của nhân vật trữ tình C. Sự khốc liệt của chiến tranh, bom đạn D. Sự nghèo khổ của cuộc sống con người. Câu 6. Dòng nào không nói về hình ảnh quê hương của nhân vật trữ tình trong bài thơ: A. Quê hương với nắng gió khô cằn, cát trắng mênh mông B. Quê hương kiên cường, bất khuất trong chiến tranh C. Quê hương nghèo khổ, sự sống khô cằn D. Quê hương trù phú, vạn vật sinh sôi Câu 7. Đoạn trích viết về đề tài gì? A. Đề tài chiến tranh B. Đề tài người chiến sĩ C. Đề tài quê hương D. Đề tài người nông dân Trả lời câu hỏi: Câu 8. Hình tượng gió Lào, cát trắng được miêu tả trong đoạn trích qua những từ ngữ, hình ảnh nào? Câu 9. Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho quê hương qua những câu thơ sau: Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ Cát khô cằn ở mãi hóa yêu thương Câu 10. Em có cảm nhận như thế nào về mảnh đất quê hương của nhân vật trữ tình? Nếu đó là quê hương của em, em có yêu một vùng đất như vậy không? Gợi ý đọc hiểu Câu 1. A. Tự do Câu 2. C. Biểu cảm, miêu tả, tự sự Câu 3. D. Tôi Câu 4. B. Nhân hóa Câu 5. A. Quê hương với thiên nhiên khắc nghiệt của nhân vật trữ tình Câu 6. D. Quê hương trù phú, vạn vật sinh sôi Câu 7. C. Đề tài quê hương Câu 8. Bạn đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK và like bài, đọc tiếp nội dung ẩn nha! Nội dung HOT bị ẩn: Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem Xem tiếp bên dưới: Đề 2
Đề 2 - Đọc hiểu bài thơ: Khát vọng - Xuân Quỳnh Đọc bài thơ sau: Ngày còn bé ta mơ trăng tháng tám Giữa đêm rằm bầy cỗ, vui chơi Cùng bạn nhỏ rước đèn múa hát Trống ếch lùng tùng náo nức trăng vui Khi lớn khôn ước mơ càng cháy bỏng Vai kề vai nghe rộn tiếng tim yêu Trải tâm tư dưới trời trăng sáng Cuộc đời ơi, đẹp biết bao nhiêu! Chỉ thế thôi ư? Ta còn mơ ước Thành nhà thơ ca ngợi cuộc đời Những vần thơ cùng du hành vũ trụ Sưởi ấm vừng trăng lạnh niềm vui Đâu chỉ lên trăng, thơ ta còn bay khắp Theo những con tàu cập bến các vì sao Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng Biết bay rồi, ta lại muốn bay cao. (1962, Trích từ tập Chồi biếc) Chọn đáp án đúng: Câu 1. Đoạn trích trên được viết theo thể thơ nào? A. Tự do B. Bảy chữ C. Tám chữ D. Bảy chữ kết hợp với tám chữ Câu 2. Các phương thức biểu đạt trong đoạn thơ là: A. Biểu cảm B. Biểu cảm, miêu tả C. Biểu cảm, miêu tả, tự sự D. Biểu cảm, miêu tả, tự sự, nghị luận Câu 3. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích là: A. Ta B. Bạn nhỏ C. Khát vọng D. Cuộc đời Câu 4. Bài thơ viết về đề tài gì? A. Quê hương, đất nước B. Mơ ước, khát vọng C. Kỉ niệm tuổi thơ D. Sự trưởng thành của con người. Câu 5. Đề tài của bài thơ được nhận diện qua những yếu tố nào? A. Nhan đề B. Nội dung bài thơ C. Cách ngắt nhịp của bài thơ D. A và B Câu 6. Nhân vật trữ tình không mơ ước điều gì trong bài thơ? A. Trăng tháng tám B. Tình yêu C. Thành nhà thơ D. Thành nhà du hành vũ trụ. Câu 7. Mối quan hệ giữa khát vọng và các chặng đường đời của nhân vật trữ tình là: A. Khát vọng rất bền bỉ, không thay đổi theo thời gian B. Càng trưởng thành, khát vọng của nhân vật trữ tình càng thu hẹp lại C. Khát vọng lớn dần, nhiều dần lên theo sự trưởng thành của nhân vật trữ tình D. Càng trưởng thành, khát vọng của nhân vật trữ tình càng trở nên hoang đường, không thể thực hiện Trả lời câu hỏi: Câu 8. Em hiểu hai câu thơ sau như thế nào? Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng Biết bay rồi, ta lại muốn bay cao Câu 9. Em hiểu điều gì về khát vọng của nhân vật trữ tình thể hiện trong hai khổ thơ cuối? Câu 10. Theo em, mơ ước có vai trò như thế nào trong cuộc sống con người? Gợi ý đọc hiểu Câu 1. A. Tự do Câu 2. C. Biểu cảm, miêu tả, tự sự Câu 3. A. Ta Câu 4. B. Mơ ước, khát vọng Câu 5. D. A và B Câu 6. D. Thành nhà du hành vũ trụ Câu 7. C. Khát vọng lớn dần, nhiều dần lên theo sự trưởng thành của nhân vật trữ tình Câu 8. Như lòng ta chẳng bao giờ nguôi khát vọng Biết bay rồi, ta lại muốn bay cao Được hiểu là: - Nhân vật trữ tình là người luôn khát vọng, mong muốn chinh phục những điều mà mình mơ ước; - Mơ ước trong mỗi người là không có giới hạn, đạt được mơ ước này, lại muốn đạt được những ước mơ cao hơn; - Hai câu thơ ca ngợi những con người có ước mơ, khát vọng và có quyết tâm chinh phục chúng. Câu 9. - Trong hai khổ thơ cuối, nhân vật trữ tình mong muốn mình sẽ trở thành nhà thơ, mang lời thơ ca ngợi cuộc đời, lớn lao hơn, nhân vật trữ tình còn muốn những vần thơ ấy sẽ bay cao, bay xa, xuyên vào vũ trụ, sưởi ấm vầng trăng lạnh, bay tới các vì sao.. Như vậy nhân vật trữ tình không chỉ muốn mình trở thành nhà thơ mà còn mơ ước thơ của mình sẽ có tác động đến tầm vũ trụ rộng lớn.. Khát vọng của nhân vật trữ tình không có giới hạn, luôn hướng đến chinh phục những khát vọng lớn lao hơn những gì đã đạt được. - Đó là khát vọng lớn lao, cao cả, thôi thúc con người nỗ lực không ngừng để từng bước hoàn thiện, phát triển bản thân, thực hiện ước mơ. Câu 10. Vai trò của mơ ước: - Định hướng cho suy nghĩ, hành động của con người; - Thôi thúc con người hoàn thiện bản thân, vượt qua thử thách trong hành trình chinh phục ước mơ; - Mang đến niềm hạnh phúc, mang đến thành công và cuộc sống có ý nghĩa. - Khiến con người không bị lạc đường, sa ngã. Xem tiếp bên dưới: Đề 3
Đề 3 - Đọc hiểu bài thơ: Dẫu em biết chắc rằng anh trở lại - Xuân Quỳnh Đọc bài thơ sau: Thị trấn nào anh đến chiều nay Mảnh tường vắng, mùa đông giá rét Dẫu em biết không phải là vĩnh biệt Vẫn thấy lòng da diết lúc chia xa Xóm làng nào anh sẽ đi qua Những đồng lúa, vườn cây, bờ bãi... Dẫu em biết rằng anh trở lại Ngọn gió buồn vẫn thổi phía không anh. Thời gian trôi theo cánh cửa một mình Hạt mưa bụi rơi thầm trên mái ngói Tờ lịch mỏng bay theo lòng ngóng đợi Một con đường vời vợi núi cùng sông Gọi ngàn lần tên anh vẫn là không Chỉ lá rụng dạt dào lối phố Dẫu em biết rằng anh, anh cũng nhớ. Nhưng lòng em nào có lúc nguôi quên. 6-3-1985 Nguồn: Thơ Xuân Quỳnh, Kiều Văn chủ biên, NXB Đồng Nai, 1997 Trả lời câu hỏi: Câu 1: Xác định thể thơ của văn bản. Bài thơ viết về đề tài gì? Câu 2: Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là ai? Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ là cảm xúc gì? Câu 3: Hai câu thơ cuối các khổ 1, 2, 4 có điểm tương đồng về cấu trúc, em hãy chỉ ra điểm giống nhau đó và nêu tác dụng. Câu 4: Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho "anh" trong bài thơ trên. Bài thơ cho em hiểu điều gì về một tình yêu đẹp? Gợi ý đọc hiểu Bấm để xem Câu 1: - Thể thơ của văn bản: Tự do - Đề tài của bài thơ: Tình yêu Câu 2: - Nhân vật trữ tình trong bài thơ trên là "em"? - Cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ là nỗi nhớ mong da diết khi phải xa cách người mình yêu. Câu 3: - Hai câu thơ cuối các khổ 1, 2, 4 có điểm tương đồng về cấu trúc: Các cặp câu đều có cấu trúc đối lập: Dẫu - nhưng (dẫu lí trí biết rõ một điều sẽ đến, nhưng trái tim vẫn không thể điều khiển được cảm xúc). - Tác dụng: Hình thức lặp lại cấu trúc "Dẫu"... " Nhưng" khiến lời thơ thêm da diết, khắc khoải, góp phần bộc lộ một cách mãnh liệt tình yêu, nỗi nhớ của nhân vật trữ tình. Câu 4: Nhận xét về tình cảm của nhân vật trữ tình dành cho "anh" trong bài thơ trên: - Bài thơ thể hiện nỗi nhớ da diết cháy bỏng của người phụ nữ trong tình yêu khi người yêu xa cách (trong bài thơ là sự xa cách của vợ chồngXuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ). Hàng loạt các từ ngữ bộc lộ cảm xúc mong nhớ đến khắc khoải: "Da diết", "buồn", "ngóng đợi", "vời vợi", "nhớ", "nào có lúc nguôi quên"; hàng loạt các hình ảnh miêu tả thiên nhiên, sự vật theo thủ pháp tả cảnh ngụ tình.. đã biểu đạt thân thực cảm xúc nhớ nhung ấy. - Qua đó, người đọc có thể nhận thấy tình cảm chân thành, tình yêu mãnh liệt, đắm say của nhân vật trữ tình dành cho người mình yêu. Đó là những tình cảm thiêng liêng, cao đẹp, làm nên sự lãng mạn, vững bền trong tình yêu. - Bài thơ cho em hiểu một tình yêu đẹp là tình yêu mà hai người yêu nhau luôn hướng về nhau, mong nhớ nhau khi xa cách, mong gặp cho vơi nỗi nhớ. Tình yêu đẹp còn là tình yêu mà hai người đối với nhau bằng sự chân thành, bằng những hành động quan tâm, chăm sóc lẫn nhau..
Đề 4 - Đọc hiểu bài thơ: Tự hát - Xuân Quỳnh Đọc đoạn trích sau: Chả dại gì em ước nó bằng vàng Trái tim em, anh đã từng biết đấy Anh là người coi thường của cải Nên nếu cần anh bán nó đi ngay Em cũng không mong nó giống mặt trời Vì sẽ tắt khi bóng chiều đổ xuống Lại mình anh với đêm dài câm lặng Mà lòng anh xa cách với lòng em Em trở về đúng nghĩa trái tim Biết làm sống những hồng cầu đã chết Biết lấy lại những gì đã mất Biết rút gần khoảng cách của yêu tin Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em Biết khao khát những điều anh mơ ước Biết xúc động qua nhiều nhận thức Biết yêu anh và biết được anh yêu [...] Em trở về đúng nghĩa trái-tim-em Là máu thịt, đời thường ai chẳng có Cũng ngừng đập lúc cuộc đời không còn nữa Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi Nguồn: Xuân Quỳnh, Tự hát, NXB Tác phẩm mới, 1984 Trả lời câu hỏi: Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích. Câu 2. Nhân vật trữ tình trong đoạn trích là ai? Văn bản viết về đề tài gì? Câu 3. Phân tích tác dụng của phép điệp trong đoạn trích trên. Câu 4. Vì sao nhân vật trữ tình lại không ước mình là vàng hay mặt trời? Câu 5 . Câu thơ cuối Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi gợi cho em suy nghĩ gì? Gợi ý đọc hiểu Bấm để xem Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích: Tự do. Câu 2. - Nhân vật trữ tình trong đoạn trích là: Em. - Văn bản viết về đề tài: Tình yêu. Câu 3. - Phép điệp trong đoạn trích trên: Điệp cấu trúc: Em trở về đúng nghĩa trái tim Biết + cụm động từ - Tác dụng: + Tạo nhịp điệu, tăng tính nhạc cho lời thơ. + Nhấn mạnh sự lựa chọn của nhân vật trữ tình trong tình yêu: Yêu bằng trái tim chân thật, giản dị.. Câu 4. Nhân vật trữ tình lại không ước trái tim mình là vàng hay mặt trời vì những thứ đó quý giá nhưng không bền vững, chỉ có trái tim yêu thương chân thành, mãnh liệt mới mang đến tình yêu lâu bền, vĩnh viễn. Câu 5 . Câu thơ cuối Nhưng biết yêu anh cả khi chết đi rồi gợi cho em suy nghĩ: - Tình yêu thực sự sẽ vượt qua sự hữu hạn của thời gian cuộc đời, nó sẽ còn mãi cả khi sự sống đã dừng lại. - Câu thơ hướng con người đến việc nuôi dưỡng, vun đắp tình yêu chân thành, son sắt. Xem tiếp bên dưới
Xem thêm: Đọc hiểu: Hát ru - Xuân Quỳnh Đọc hiểu: Mùa hạ - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 10 Đọc hiểu: Thuyền và biển - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 11 Đọc hiểu: Chỉ có sóng và em - Xuân Quỳnh Đọc hiểu: Bàn tay em - Xuân Quỳnh Đọc hiểu: Nói cùng anh - Xuân Quỳnh Đọc hiểu: Cỏ dại - Xuân Quỳnh, Ngữ văn 10 Đọc hiểu: Thơ tình cuối mùa thu - Xuân Quỳnh