Bộ đề đọc hiểu thơ Nguyễn Khuyến - Ngữ văn 10

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 10 Tháng bảy 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    BỘ ĐỀ ĐỌC HIỂU THƠ NGUYỄN KHUYẾN - NGỮ VĂN 10

    [​IMG]

    Đọc hiểu: Đêm đông cảm hoài

    Đọc bài thơ sau, thực hiện các yêu cầu:

    Nỗi nọ, đường kia xiết nói năng!

    Chẳng nằm, chẳng nhắp, biết mần răng?

    Đầu cành, mấy tiếng chim kêu tuyết

    Trước điếm, năm canh chó sủa trăng

    Bảng lảng lòng quê khôn chợp được

    Mơ màng cuộc thế cũng cầm bằng

    Canh gà eo óc đêm thanh thả,

    Tâm sự này ai có biết chăng?

    (Đêm đông cảm hoài, Nguyễn Khuyến)

    Câu 1. Bài thơ trên được viết theo thể thơ nào? Nêu 2 đặc điểm của thể thơ đó.

    Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ là gì?

    Câu 3. Tâm trạng chủ thể trữ tình được đặt trong bối cảnh thời gian không gian như thế nào?

    Câu 4. Những từ ngữ: Chẳng nằm, chẳng nhắp, biết mần răng, khôn chợp được, mơ màng cuộc thế.. cho em hiểu Nguyễn Khuyến đang ở trong trạng thái như thế nào?

    Câu 5. Theo em, "tâm sự" của Nguyễn Khuyến trong câu thơ cuối là tâm sự gì?

    Câu 6. Bài thơ cho em hiểu được điều gì về tầm lòng Nguyễn Khuyến đối với đất nước, quê hương?

    Câu 7. Theo em, những phương diện thể hiện tình yêu quê hương đất nước là gì?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1.

    Bài thơ trên được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật

    2 đặc điểm của thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật:

    - Bài thơ có 8 câu, mỗi câu 7 tiếng

    - Bài thơ có đối ở hai câu thực và hai câu luận: Đầu cành >< Trước điếm, mấy tiếng chim kêu tuyết >< năm canh chó sủa trăng; Bảng lảng lòng quê >< Mơ màng cuộc thế, khôn chợp được >< cũng cầm bằng

    Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của bài thơ: Biểu cảm

    Câu 3. Tâm trạng chủ thể trữ tình được đặt trong bối cảnh:

    - Thời gian: Đêm đông, khi trời đã khuya, âm thanh tiếng gà báo trời chuyển dần về sáng.

    - Không gian: Vắng lặng, lạnh lẽo: Đêm mùa đông, chỉ có tiếng chim kêu, tiếng chó sủa, tiếng gà eo óc - bút pháp lấy động tả tĩnh.

    Thời gian không gian ấy phù hợp với việc biểu đạt tâm trạng của người đang suy tư, trằn trọc.

    Câu 4. Những từ ngữ: Chẳng nằm, chẳng nhắp, biết mần răng, khôn chợp được, mơ màng cuộc thế.. cho em hiểu đêm đã khuya mà Nguyễn Khuyến vẫn không thể chợp mắt, cũng không thể làm được việc gì, nhà thơ đang trong trạng thái bồn chồn, lo lắng không yên, trong lòng nhiều mối ưu tư, suy nghĩ.

    Câu 5. Theo em, "tâm sự" của Nguyễn Khuyến trong câu thơ cuối là:

    - Lo lắng cho vận mệnh của đất nước, quê hương

    - Day dứt, đau khổ vì sự bất lực của bản thân.

    Câu 6. Bài thơ gợi lên hình ảnh Nguyễn Khuyến cả đêm thao thức, bồn chồn không thể chợp mắt vì canh cánh "lòng quê'," cuộc thế".

    Qua đó, cho em hiểu tấm lòng Nguyễn Khuyến yêu tha thiết đất nước, quê hương. Về quê ở ẩn nhưng ông vẫn nặng tình đời, tình người, luôn lo lắng cho vận mệnh đất nước, quê hương.

    Câu 7. Theo em, những phương diện thể hiện tình yêu quê hương đất nước là:

    - Thời chiến: Lòng căm thù giặc, ý thức tự cường, tự hào dân tộc; ý chí quyết chiến, quyết thắng kẻ thù, tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì đất nước..

    - Thời bình: Niềm mong nhớ về quê hương, đất nước, tự hào về truyền thống lịch sử, văn hiến của đất nước; yêu cảnh vật bình dị quê nhà; gắn bó với quê hương, hướng về quê hương để xây dựng, phát triển quê hương, đất nước giàu mạnh..

    Xem tiếp bên dưới..
     
    Chỉnh sửa cuối: 29 Tháng mười hai 2022
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Thơ khuyên học


    Đọc bài thơ sau, thực hiện các yêu cầu bên dưới:


    Đen thì gần mực, đỏ gần son,

    Học lấy cho hay, con hỡi con!

    Cái bút, cái nghiên là của quý,

    Câu kinh, câu sử, ấy mùi ngon!

    Vàng mua chứa để, vàng hay hết,

    Chữ bán dư ăn, chữ hãy còn.

    Nhờ Phật một mai nên đấng cả*

    Bõ công cha mẹ mới là khôn.

    (Thơ khuyên học, Nguyễn Khuyến)

    (* Đấng cả: đấng bậc có địa vị cao sang, ý nói đỗ đạt)

    Câu 1. Bài thơ là lời Nguyễn Khuyến khuyên con về điều gì?

    Câu 2. Lí lẽ mà Nguyễn Khuyến đưa ra là những lí lẽ nào? Theo em, điều đó có đúng với hoàn cảnh hiện tại không?

    Câu 3. Phép đối xuất hiện trong những câu thơ nào? Nêu tác dụng?

    Câu 4. Em hiểu như thế nào về nội dung 2 câu luận.

    Câu 5. Bài học tâm đắc nhất em rút ra từ bài thơ trên là gì?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. Bài thơ là lời Nguyễn Khuyến khuyên con nên chuyên tâm, dành hết tâm trí cho việc học hành. Đây là lời khuyên chân tình, đúng đắn.

    Câu 2. Nguyễn Khuyến đưa ra là những lí lẽ: học để lấy điều hay; sách vở, bút nghiên... đều đáng quý; vàng bạc có thể hết, nhưng tri thức thì mãi sinh lợi lộc cho con người; học hành đỗ đạt cho bõ công cha mẹ... Theo em, những điều đó vẫn đúng với hoàn cảnh hiện tại. Bởi giá trị của việc học là không thể phủ nhận, việc học ở thời đại nào cũng giúp con người tạo nên giá trị vật chất, giá trị con người, vị thế của con người trong xã hội...

    Câu 3. Phép đối xuất hiện trong hai câu thực và hai câu luận:

    Cái bút >< câu kinh; cái nghiên >< câu sử; là của quý >< ấy mùi ngon

    Vàng mua >< Chữ bán; chứa để >< dư ăn; vàng hay hết >< chữ hãy còn.

    Tác dụng:

    - Nhấn mạnh giá trị của tri thức, vai trò của việc học

    - Tạo sự cân xứng, hài hòa cho lời thơ.

    Câu 4. Về nội dung 2 câu luận:

    Hai câu luận:

    Vàng mua chứa để, vàng hay hết,

    Chữ bán dư ăn, chữ hãy còn.

    Có nghĩa là: vàng bạc dù có tích trữ nhiều thì dần dần cùng hết; ngược lại, tri thức học được sẽ sinh ra của cải, vật chất, giúp con người mãi giàu có.

    Hai câu thơ nhấn mạnh vai trò, ý nghĩa quan trọng của việc học, thể hiện nhận thức đúng đắn, sáng suốt của Nguyễn Khuyến.

    Câu 5. Bài học tâm đắc nhất em rút ra từ bài thơ trên là; cần không ngừng học tập để nâng cao tri thức. Vì có học tập, mới có điều kiện để phát triển bản thân, khiến mỗi người có được thành công trong cuộc sống, từ đó tạo nên của cải, vật chất cho bản thân, gia đình và có những đóng góp cho đất nước...
     
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Đọc hiểu: Nước lụt Hà Nam

    Đọc bài thơ sau, thực hiện các yêu cầu bên dưới:

    Quai Mễ Thanh Liêm đã vỡ rồi,

    Vùng ta thôi cũng lụt mà thôi

    Gạo dăm ba bát cơ còn kém,

    Thuế một vài nguyên dáng vẫn đòi.

    Tiếng sáo vo ve chiều nước vọng.

    Chiếc thuyền len lỏi bóng trăng trôi.

    Đi đâu cũng thấy người ta nói,

    Mười chín năm nay lại cát bồi.

    (Nước lụt Hà Nam, Nguyễn Khuyến)

    Câu 1. Xác định đề tài của bài thơ

    Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính

    Câu 3. Bài thơ gieo vần gì? Ở các vị trí nào?

    Câu 4. Giọng điệu chủ đạo của bài thơ là giọng điệu gì?

    Câu 5. Bài thơ cho em hiểu điều gì về cuộc sống người dân quê?

    Câu 6. Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước của nhà thơ trên những phương diện nào?

    Câu 7. Trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước là gì?

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. Đề tài của bài thơ: Viết về cuộc sống cơ cực, lao đao của người dân quê trong cảnh lụt lội, mất mùa.

    Câu 2. Xác định phương thức biểu đạt chính: Biểu cảm

    Câu 3. Bài thơ gieo vần "ua" (và vần tương đương "o") ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8.

    Câu 4. Giọng điệu chủ đạo của bài thơ là giọng điệu: Buồn thương, xót xa.

    Câu 5. Cuộc sống người dân quê: Qua cách miêu tả, cảm nhận của Nguyễn Khuyến về tình cảnh điêu đứng của người dân quê trong cảnh lụt lội, người đọc có thể cảm nhận được cuộc sống vất vả, đói nghèo, cơ cực của người dân quê.

    Câu 6. Bài thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước của nhà thơ trên những phương diện:

    - Cảm thông, xót xa cho cảnh quê hương trong lụt lội, mất mùa.

    - Thấu hiểu, thương xót cho cuộc sống lao đao, đói khổ của nhân dân, mơ ước cho người dân quê một cuộc sống tốt đẹp hơn.

    Câu 7. Trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với quê hương, đất nước là:

    - Học tập, rèn luyện đạo đức, lối sống để trở thành người có ích

    - Có ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa, truyền thống quê hương

    - Tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.

    - Tích cực lao động sản xuất làm giàu cho quê hương.

    - Sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự..
     
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
Trả lời qua Facebook
Đang tải...