Bộ đề đọc hiểu: Thơ Đường luật - Ngữ văn 10, Cánh diều - Ngữ liệu ngoài SGK

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Thùy Minh, 3 Tháng mười 2022.

  1. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    Bài 2 - Thơ Đường luật (SGK Ngữ văn 10 - Cánh diều), HS được tiếp cận các văn bản: Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ, Tự tình bài 2 - Hồ Xuân Hương, Câu cá mùa thu - Nguyễn Khuyến, Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão. Để giúp các em nắm bắt được một số đặc trưng nội dung, hình thức của thể loại thơ Đường luật nói chung và thơ Nôm Đường luật nói riêng, biết cách thực hành các bài đọc hiểu về thơ Đường luật ngoài sách giáo khoa.. bộ đề đọc hiểu theo chủ đề thơ Đường luật sau đây cung cấp một số bài tập đọc hiểu tham khảo để các em luyện tập. Các văn bản: Thuật hứng bài 24 ; Tự tình bài 1, Tự tình bài 3, Làm lẽ, Chiều hôm nhớ nhà, Đất Vị Hoàng, Thu ẩm ; Thu vịnh, Chợ Đồng..

    Xem thêm: Bộ Đề Đọc Hiểu: Thần Thoại Và Sử Thi - Ngữ Văn 10 Cánh Diều - Văn Bản Ngoài Chương Trình SGK

    ĐỀ ĐỌC HIỂU: THƠ ĐƯỜNG LUẬT - ĐỀ 1

    Văn bản: Thuật hứng (bài 24) - Nguyễn Trãi

    [​IMG]

    Đọc bài thơ sau:

    Công danh đã được hợp về nhàn,

    Lành dữ âu chi thế ngợi khen.

    Ao cạn vớt bèo cấy muống,

    Trì thanh phát cỏ ương sen.

    Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,

    Thuyền chở yên hà nặng vạy then.

    Bui có một lòng trung liễn hiếu,

    Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.

    (Thuật hứng bài 24 - Nguyễn Trãi)

    (Chú thích: trì thanh: Đầm, ao xanh trong; bui: Duy chỉ; liễn: Và, với (có bản chép là lẫn ) ; chăng: Chẳng)

    Chọn một đáp án đúng:

    Câu 1. Thể thơ của bài Thuật hứng giống với thể thơ của bài nào sau đây:

    A. Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ

    B. Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương

    C. Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão

    D. Côn Sơn ca - Nguyễn Trãi.

    Câu 2. Phép đối được sử dụng trong những câu thơ nào?

    A. Hai câu đề

    B. Hai câu thực, hai câu luận

    C. Hai câu kết

    D. Hai câu luận và hai câu kết.

    Câu 3. Câu thơ thứ nhất hiểu là:

    A. Công thành, danh toại, hoàn cảnh hiện tại của Nguyễn Trãi thích hợp với việc về nhàn.

    B. Với Nguyễn Trãi, công danh không còn nữa thì lựa chọn tốt nhất là lui về nhàn.

    C. Nguyễn Trãi vẫn khao khát lập công danh nhưng thời thế thay đổi buộc phải về nhàn.

    D. Công danh không thể vui bằng thú nhàn, Nguyễn Trãi chọn thú nhàn.

    Câu 4. Suy nghĩ "Về nhàn rồi thì việc tốt xấu đến cũng không sợ người đời khen hay chê nữa" được thể hiện trong câu thơ nào?

    A. Công danh đã được hợp về nhàn,

    B. Lành dữ âu chi thế ngợi khen.

    C. Bui có một lòng trung liễn hiếu,

    D. Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen.

    Câu 5. Nội dung biểu đạt của hai câu thực và hai câu luận:

    A. Nói về cuộc sống lao động vất vả nhưng giàu có, đầy đủ vật chất của Nguyễn Trãi khi về nhàn.

    B. Nói về cuộc sống lao động bình dị và khẳng định cuộc sống tinh thần phong phú của Nguyễn Trãi khi về nhàn.

    C. Nói về những công việc lao động nhàm chán và ước mơ của Nguyễn Trãi về một cuộc sống phóng túng ngoài kia.

    D. Nói về cuộc sống lao động thiếu thốn trong hiện tại đối lập với cảnh giàu sang, phú quý ngày còn làm quan.

    Câu 6. Dường như tác giả đã thu nhận tất cả vẻ đẹp thiên nhiên vào làm thành tải sản riêng của mình, đúng như mơ ước "Túi thơ chứa hết mọi giang san" -Nhận xét này phù hợp với nội dung những câu thơ nào?

    A. Hai câu đề

    B. Hai câu thực

    C. Hai câu luận

    D. Hai câu kết.

    Câu 7. Nội dung biểu đạt của hai câu thơ cuối là:

    A. Thể hiện lòng trung thành của Nguyễn Trãi đối với vua;

    B. Thể hiện lòng hiếu thảo của Nguyễn Trãi với cha mẹ;

    C. Thể hiện lòng trung với nước, hiếu với dân không một tác động khách quan nào có thể thay đổi.

    D. Thể hiện tấm lòng phục tùng vua cha không điều kiện bất kể đúng sai của Nguyễn Trãi.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8.
    Em hãy khái quát ngắn gọn nội dung bài thơ trên.

    Câu 9. Em hãy chỉ ra những yếu tố của văn học dân gian trong bài thơ trên.

    Câu 10. Em hãy viết đoạn văn khoảng 8 - 10 dòng nêu cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ trên.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. A (đều là thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật)

    Câu 2. B (đối câu 3 với câu 4, câu 5 với câu 6)

    Câu 3. A (Công thành, danh toại, hoàn cảnh hiện tại của Nguyễn Trãi thích hợp với việc về nhàn).

    Câu 4. B (Lành dữ âu chi thế ngợi khen. )

    Câu 5. B (Nói về cuộc sống lao động bình dị và khẳng định cuộc sống tinh thần phong phú của Nguyễn Trãi khi về nhàn)

    Câu 6. C (Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc - Thuyền chở yên hà nặng vạy then)

    Câu 7. C (Thể hiện lòng trung với nước, hiếu với dân không một tác động khách quan nào có thể thay đổi)

    Câu 8. Nội dung bài thơ trên:

    Bài thơ thể hiện sự lựa chọn của Nguyễn Trãi về cuộc sống nhàn, vui thú với thiên nhiên, với công việc đồng ruộng, tận hưởng cuộc sống tự nhiên dân dã, rời xa chốn quan trường nhiễu nhương, sát phạt.. Tuy nhiên, thẳm sâu trong tâm hồn Nguyễn Trãi vẫn là tấm lòng ưu nước, ái dân không gì có thể thay đổi được. Bài thơ ca ngợi vẻ đẹp tâm hồn thanh cao, bình dị của Nguyễn Trãi.

    Câu 9. Những yếu tố của văn học dân gian trong bài thơ trên:

    - Viết về thú sống nhàn, gần gũi với thú vui của người xưa trong ca dao.

    - Tâm thế an nhàn, ung dung, tự tại của Nguyễn Trãi có nét tương đồng với tâm thế của người bình dân trong ca dao, dân ca.

    - Sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ dân gian tự nhiên, bình dị: Ao cạn, bèo, rau muống, trì thanh.. Có thể nói, trong bài thơ, những khuôn thước cứng nhắc, những yếu tố tượng trưng, ước lệ của thơ trung đại đã được thay thế bằng những chất liệu gần gũi, ngôn ngữ dân tộc được sử dụng tinh tế, gợi cảm.

    Câu 10. Đoạn văn 8 - 10 dòng nêu cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn Nguyễn Trãi thể hiện trong bài thơ trên:

    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    Xem tiếp bên dưới...

    Đăng kí tài khoản miễn phí tại LINK, chọn theo dõi chủ đề để tham khảo các đề mới nhanh nhất.
    Bộ đề phục vụ quá trình ôn tập kĩ năng đọc hiểu văn bản mới cho HS; vui lòng không reup vì mục đích trục lợi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 2 Tháng năm 2023
  2. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ ĐỌC HIỂU: THƠ ĐƯỜNG LUẬT - ĐỀ 2

    Văn bản: Chiều hôm nhớ nhà - Bà Huyện Thanh Quan

    [​IMG]

    Đọc văn bản sau:

    "Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn,

    Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn.

    Gác mái, ngư ông về viễn phố,

    Gõ sừng, mục tử lại cô thôn.

    Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi,

    Dặm liễu sương sa khách bước dồn.

    Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ,

    Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn ?".

    Chọn 1 đáp án đúng:

    Câu 1. Về thể loại, bài thơ Chiều hôm nhớ nhà - Bà Huyện Thanh Quan giống bài thơ nào sau đây?

    A. Tự tình 2 - Hồ Xuân Hương

    B. Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương

    C. Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão

    D. Rằm tháng giêng - Hồ Chí Minh

    Câu 2. Dòng nào nêu đúng đặc điểm về vần trong bài thơ trên:

    A. Bài thơ gieo vần trắc ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8

    B. Bài thơ gieo vần bằng - trắc bằng hoặc trắc - bằng - trắc ở các tiếng 2, 4, 6 trong mỗi câu

    C. Từng cặp câu: Câu 2 - câu 3, câu 4 - câu 5, câu 6 - câu 7, câu 1 câu 8 vần với nhau.

    D. Bài thơ gieo vần bằng, độc vận, vần gieo ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8.

    Câu 3. Bài thơ nào sau đây có nét tương đồng về thời gian nghệ thuật với bài Chiều hôm nhớ nhà:

    A. Câu cá mùa thu - Nguyễn Khuyến

    B. Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ

    C. Tự tình bài 2 - Hồ Xuân Hương

    D. Tỏ lòng - Phạm Ngũ Lão

    Câu 4. Hình ảnh miêu tả trong hai câu thơ Gác mái, ngư ông về viễn phố - Gõ sừng, mục tử lại cô thôn biểu đạt được điều gì?

    A. Hình ảnh ông ngư gác mài chèo về bến xa, chú mục đồng gõ sừng (trâu) về thôn xóm đã gợi lên cuộc sống thảnh thơi, an nhàn của những người dân quê.

    B. Hình ảnh ông ngư gác mài chèo về bến xa, chú mục đồng gõ sừng (trâu) về thôn xóm đã gợi lên nhịp sống đều đều buồn tẻ của những người dân quê.

    C. Những hình ảnh bình dị của người dân lao động nơi thôn quê đã khơi dậy nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong lòng người khách tha phương.

    D. Những hình ảnh bình dị của người dân lao động nơi thôn quê đã khơi dậy nỗi xót xa cho hoàn cảnh li tán của chính mình trong lòng người lữ khách.

    Câu 5. Cùng viết về sự tác động của ngoại cảnh đến tâm trạng, cảm xúc chủ thể trữ tình, hai câu Gác mái, ngư ông về viễn phố - Gõ sừng, mục tử lại cô thôn có nét tương đồng với những câu thơ nào sau đây:

    A. Xiên ngang mặt đất rêu từng đám - Đâm toạc chân mây đá mấy hòn;

    B. Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước - Thành Bạch chày vang bóng ác tà;

    C. Sóng biếc theo làn hơi gợn tí - Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo;

    D. Buồn trông gió cuốn mặt duềnh - Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

    Câu 6. Dòng nào nêu cách hiểu chưa đúng về nội dung hai câu thơ: "Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi - Dặm liễu sương sa khách bước dồn" :

    A. Hai câu thơ gợi lên hình ảnh ngàn mai xào xạc trong gió cuốn, cánh chim mỏi mệt bay về rừng tìm tổ. Sương sa mù mịt dặm liễu, trên con đường sương gió lạnh lẽo ấy chỉ có người lữ khách, một mình một bóng đang bước đi vội vã.

    B. Hai hình ảnh "chim bay mỏi" và "khách bước dồn" là hai nét vẽ đăng đối, đặc tả sự mỏi mệt, cô đơn của con người phải tha phương nơi đất khách.

    C. Hai câu thơ được viết nên từ tâm trạng bơ vơ, lạc lõng, từ những trải nghiệm của một con người đã sống những khoảnh khắc hoàng hôn nơi đất khách.

    D. Hình ảnh trong hai câu thơ mang đậm tính tượng trưng, ước lệ của thơ cổ điển.

    Câu 7. Nét đặc sắc về nghệ thuật trong hai câu cuối: Kẻ chốn Chương Đài, người lữ thứ - Lấy ai mà kể nỗi hàn ôn là:

    A. Phép tiểu đối trong câu trên và sử dụng câu hỏi tu từ trong câu dưới nhấn mạnh hoàn cảnh li biệt và nỗi cô đơn trong lòng người lữ khách.

    B. Sử dụng điển cố Chương Đài giúp lời thơ thêm hàm súc.

    C. Sử dụng từ Hán Việt trang trọng, cổ điển.

    D. Cả A, B, C

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8. Em hãy nhận xét về điểm khác biệt trong ngôn ngữ thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ này với ngôn ngữ thơ của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2 .

    Câu 9. Em hãy chỉ ra và phân tích tác dụng của biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thực và hai câu luận.

    Câu 10. Cảm nhận của em về tâm trạng của chủ thể trữ tình được thể hiện trong bài thơ trên.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. A - Tự tình 2 - Hồ Xuân Hương cùng thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật.

    Câu 2. D - Bài thơ gieo vần bằng, độc vận, vần gieo ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8: Hôn - dồn - thôn - dồn - ôn.

    Câu 3. B - Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ - thời gian nghệ thuật đều là buổi chiều (Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn/ Bạch Đế thành cao cấp mộ châm ).

    Câu 4. C - Những hình ảnh bình dị của người dân lao động nơi thôn quê đã khơi dậy nỗi nhớ nhà, nhớ quê trong lòng người khách tha phương.

    Câu 5. B - Lạnh lùng giục kẻ tay dao thước - Thành Bạch chày vang bóng ác tà: Đỗ Phủ nghe những âm thanh gợi cảnh người dân rộn ràng may áo ấm, giặt giũ quần áo ấm mà chạnh nhớ nhà, nhớ quê hương; Đó cũng là tâm trạng bà Huyện Thanh Quan khi chứng kiến cảnh sống bình dị của người dân thôn quê.

    Câu 6. D - Hình ảnh tượng trưng ước lệ là phương diện nghệ thuật biểu hiện (không phải nội dung).

    Câu 7. D - Cả A, B, C đều là nghệ thuật biểu hiện của hai câu thơ cuối, góp phần biểu đạt tình cảnh ly biệt, tâm trạng bơ vơ của người khách xa quê.

    Câu 8. Điểm khác biệt trong ngôn ngữ thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ này với ngôn ngữ thơ của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2:

    - Ngôn ngữ thơ của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ mang vẻ đẹp cổ điển trang nhã. Ấn tượng đó được tạo nên bởi những từ Hán Việt được sử dụng nhiều: hoàng hôn, ngư ông, viễn phố, mục tử, cô thôn, mai, liễu, Chương Đài, lữ thứ, hàn ôn .

    - Ngôn ngữ thơ của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 2 mang vẻ đẹp vừa tự nhiên, dân dã vừa độc đáo, cá tính qua việc bà sử dụng chủ yếu là các từ thuần Việt (văng vẳng, trơ, cái, nước non, chén rượu, vầng trăng, bóng xế, khuyết, tròn, mảnh tình, san sẻ, tí con con ) cùng các động từ mạnh: xiên ngang, đam toạc

    Câu 9.

    - Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thực và hai câu luận: Phép đối: Gác mái >< Gõ sừng; ngư ông >< mục tử; về viễn phố >< lại cô thôn.

    Ngàn mai >< Dặm liễu; gió cuốn >< sương sa; chim bay mỏi >< khách bước dồn.

    - Tác dụng: Miêu tả cuộc sống bình yên nơi thôn quê, gợi lên tâm trạng bơ vơ, lạc lõng của người khách tha phương. Tạo sự cân xứng, hài hòa cho lời thơ.

    Câu 10. Tâm trạng của chủ thể trữ tình được thể hiện trong bài thơ trên:

    Thơ của Bà Huyện Thanh Quan phảng phất niềm hoài cổ hoặc nỗi buồn li biệt. Bài Chiều hôm nhớ nhà nằm trong chùm thơ mà Bà Huyện Thanh Quan sáng tác trong những tháng ngày nữ sĩ vào kinh đô Huế nhận chức nữ quan trong triều Nguyễn. Xa quê hương, xa gia đình, nỗi nhớ nhà da diết khiến bà không yên lòng khi nghe tiếng tù và gọi hoàng hôn về. Buổi chiều thường gợi thương gợi nhớ. Cảnh hoàng hôn đất khách đã gieo khơi sâu thêm nỗi nhớ ấy. Nhất là khi chứng kiến cảnh lão ngư gác mái chèo xuôi về bến xa, chú bé chăn trâu gõ sừng trở về thôn vắng. Nhịp sinh hoạt thường nhật cuối ngày với các hoạt động "về", "lại" khiến nữ sĩ cảm thấy chạnh lòng. Ai cũng đang mải miết trở về, còn mình thì quê nhà mỗi lúc một cách xa.. Cảm giác cô đơn nhuốm cả vào những câu thơ tả cảnh cánh chim, dặm liễu. Chúng cũng như mỏi mệt, hiu hắt bởi mang tâm trạng của con người. Cảm xúc như vỡ òa trong hai câu kết. Phép tiểu đối trong câu thứ bảy và sử dụng câu hỏi tu từ trong câu cuối nhấn mạnh hoàn cảnh li biệt và nỗi cô đơn, trống vắng đến tận cùng trong lòng người lữ khách.

    Xem tiếp bên dưới...
     
  3. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ ĐỌC HIỂU: THƠ ĐƯỜNG LUẬT - ĐỀ 3

    Văn bản: Làm lẽ - Hồ Xuân Hương

    [​IMG]

    Đọc bài thơ sau, thực hiện các yêu cầu bên dưới:

    Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng,

    Chém cha cái kiếp lấy chồng chung.

    Năm thì mười họa chăng hay chớ

    Một tháng đôi lần có cũng không.

    Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm,

    Cầm bằng làm mướn, mướn không công.

    Thân này ví biết dường này nhỉ

    Thà trước thôi đành ở vậy xong.

    Chọn 1 đáp án đúng, từ câu 1 - câu 7:

    Câu 1. Bài thơ nào của Hồ Xuân Hương cùng viết về cảnh làm lẽ với bài thơ trên:

    A. Tự tình (bài 2)

    B. Bánh trôi nước

    C. Mời trầu

    D. Quả mít.

    Câu 2. Bài thơ nào không giống về thể thơ với bài thơ trên:

    A. Tự tình (bài 2) - Hồ Xuân Hương

    B. Bánh trôi nước - Hồ Xuân Hương

    C. Cảm xúc mùa thu - Đỗ Phủ

    D. Câu cá mùa thu - Nguyễn Khuyến

    Câu 3. Đâu là thành ngữ dân gian trong bài thơ trên:

    A. Năm thì mười họa, một tháng đôi lần

    B. Năm thì mười họa, cố đấm ăn xôi

    C. Một tháng đôi lần, cố đấm ăn xôi

    D. Kẻ đắp chăn bông, cầm bằng làm mướn.

    Câu 4. Câu thơ viết về sự bất công trong hôn nhân đa thê:

    A. Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng

    B. Chém cha cái kiếp lấy chồng chung

    C. Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm

    D. Cầm bằng làm mướn, mướn không công.

    Câu 5. Hai câu thơ Năm thì mười họa chăng hay chớ - Một tháng đôi lần có cũng không diễn tả điều gì?

    A. Diễn tả gợi chuyện buồng the, chăn gối, hạnh phúc lứa đôi vợ chồng.

    B. Diễn tả tâm trạng buồn tủi của người vợ lẽ khi bị vợ cả thị uy.

    C. Diễn tả sự thưa thớt, họa hoằn của hành vi ái ân giữa chồng với vợ lẽ.

    D. Diễn tả thái độ phản kháng mạnh mẽ vượt lên trên nghịch cảnh của Hồ Xuân Hương.

    Câu 6. Dòng nào không liên quan đến nội dung biểu đạt của 2 câu thơ: Cố đấm ăn xôi, xôi lại hẩm - Cầm bằng làm mướn, mướn không công:

    A. Vì khát vọng một chút hạnh phúc lứa đôi nhỏ nhoi mà người đàn bà phải hạ mình "cố đấm ăn xôi", chấp nhận mang thân đi làm lẽ.

    B. Khi chấp nhận cảnh làm lẽ rồi, người vợ lẽ mới nhận ra bản chất xấu xa của chế độ đa thê.

    C. Hai câu thơ diễn tả tâm trạng tủi nhục, uất hận của kiếp làm lẽ.

    D. Hai câu thơ diễn tả sức sống mãnh liệt của Hồ Xuân Hương dù phải sống trong cảnh làm lẽ tủi cực.

    Câu 7. Bài thơ khiến ta liên tưởng đến cảnh ngộ của Hồ Xuân Hương trong câu thơ nào sau đây:

    A. Thân em vừa trắng lại vừa tròn - Bảy nổi ba chìm với nước non

    B. Có phải duyên nhau thì thắm lại - Đừng xanh như lá, bạc như vôi

    C. Đêm khuya văng vẳng trống canh dồn - Trơ cái hồng nhan với nước non

    D. Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại - Mảnh tình san sẻ tí con con.

    Trả lời câu hỏi, từ câu 8 - câu 10:

    Câu 8. Phân tích tác dụng của việc vận dụng thành ngữ trong bài thơ.

    Câu 9. Cảm nhận về tâm trạng, thái độ của chủ thể trữ tình thể hiện trong bài thơ.

    Câu 10. Nêu những phương diện thể hiện tư tưởng nhân đạo của bài thơ.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. A

    Câu 2. B

    Câu 3. B

    Câu 4. A

    Câu 5. C

    Câu 6. D

    Câu 7. D

    Câu 8. Phân tích tác dụng của việc vận dụng thành ngữ trong bài thơ.

    - Thành ngữ được vận dụng trong bài thơ: Năm thì mười họa, cố đấm ăn xôi

    - Tác dụng:

    + Việc vận dụng các thành ngữ dân gian Năm thì mười họa (thưa thớt, lúc có lúc không), cố đấm ăn xôi (cố nhẫn nhục, chịu đựng để theo đuổi, hi vọng điều gì đó) có tác dụng biểu đạt tình cảnh làm lẽ đáng thương của Hồ Xuân Hương - không được quan tâm đoái hoài đến dù bản thân đã cố nhẫn nhịn, chịu đựng nhưng không có kết quả gì.

    Đồng thời sử dụng thành ngữ còn làm cho lời thơ thêm hàm súc, biểu cảm, mang sắc điệu dân gian..

    Câu 9. Cảm nhận về tâm trạng, thái độ của chủ thể trữ tình thể hiện trong bài thơ.

    - Tâm trạng: Hồ Xuân Hương khi phải sống trong cảnh làm lẽ nhiều bất công đã cảm thấy vô cùng hụt hẫng, chua xót, bẽ bàng, thậm chí, đến cuối bài thơ, bà còn cảm thấy hối hận vì đã quyết định mang thân đi làm vợ lẽ.

    - Thái độ: Bài thơ thể hiện thái độ phản kháng mãnh liệt của Hồ Xuân Hương đối với chế độ đa thê. Thái độ ấy được thể hiện ngay trong cách nói dữ dội: Chém cha cái kiếp lấy chồng chung..

    Câu 10. Những biểu hiện của tư tưởng nhân đạo trong bài thơ:

    - Bài thơ thể hiện niềm tự thương cho chính mình của Hồ Xuân Hương, cũng là tiếng nói cảm thương cho những người phụ nữ phải chịu cảnh lấy chồng chung. Vì được trải nghiệm qua hai lần làm lẽ, nên nữ sĩ thấu hiểu hơn ai hết cảnh ngộ thiệt thòi, tủi hổ của kẻ phải làm vợ lẽ.

    - Từ đó, bà cất lên tiếng nói tố cáo chế độ đa thê đã khiến người phụ nữ không có được hạnh phúc trọn vẹn.

    - Bài thơ còn là tiếng nói đòi quyền sống, quyền hạnh phúc trọn vẹn cho những người phụ nữ bất hạnh trong xã hội bất công xưa.

    Xem tiếp bên dưới..
     
    Chỉnh sửa cuối: 23 Tháng mười 2022
  4. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ ĐỌC HIỂU: THƠ ĐƯỜNG LUẬT - ĐỀ 4

    Văn bản: Đất Vị Hoàng - Trần Tế Xương

    [​IMG]

    Đọc bài thơ sau, trả lời câu hỏi bên dưới:

    Có đất nào như đất ấy không?

    Phố phường tiếp giáp với bờ sông.

    Nhà kia lỗi phép con khinh bố,

    Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng.

    Keo cú người đâu như cứt sắt,

    Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng.

    Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh,

    Có đất nào như đất ấy không?

    (Đất Vị Hoàng, Trần Tế Xương)

    (cứt sắt: Chất thải ra từ sắt nung, ý nói không còn đẽo gặm gì được nữa; hơi đồng: Hơi tiền bạc - ngày xưa tiền đúc bằng đồng).

    Chọn 1 đáp án đúng:

    Câu 1. Thể thơ của bài Đất Vị Hoàng không giống với thể thơ của bài nào sau đây:

    A. Tự tình 2

    B. Câu cá mùa thu

    C. Thương vợ

    D. Khóc Dương Khuê

    Câu 2. Giọng điệu chủ đạo của bài thơ:

    A. Trào phúng, mỉa mai

    B. Trào phúng xuất phát từ cái gốc trữ tình

    C. Trữ tình sâu lắng

    D. Trữ tình vẫn mang màu sắc tếu táo, đùa vui

    Câu 3. Bài thơ phê phán những thói hư, tật xấu gì của con người:

    A. Tham lam, ăn của đút lót

    B. Ngu ngốc, gàn dở, làm những chuyện ngược đời

    C. Bất hiếu, lỗi đạo, keo kẹt, tham lam

    D. Hèn nhát, nhu nhược để người khác đè đầu cưỡi cổ.

    Câu 4. Dòng nào không phải là điểm đặc biệt trong cấu trúc bài thơ?

    A. Bài thơ chia làm 4 phần: Đề, thực, luận, kết

    B. Mở đầu - kết thúc đều là câu hỏi tu từ

    C. Câu mở đầu lặp lại nguyên vẹn ở câu kết

    D. Không phải chỉ có hai câu, bài thơ có đến bốn câu tả thực (3-4, 5-6)

    Câu 5. Tác dụng chính của những câu hỏi tu từ trong bài thơ:

    A. Vừa gợi sự tò mò, vừa tạo ấn tượng về một vùng đất lạ lùng, khác biệt;

    B. Tạo nên màu sắc kì thú cho mảnh đất được nhắc đến;

    C. Giúp lời thơ thêm cân xứng, hài hòa

    D. Giúp lời thơ tăng thêm tính gợi hình, biểu cảm.

    Câu 6. Biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ luận Keo cú người đâu như cứt sắt - Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng là:

    A. Phép đối

    B. Phép đối, so sánh

    C. Phép ẩn dụ

    D. Phép cường điệu, phóng đại

    Câu 7. Dòng nào không liên quan đến nội dung bài thơ "

    A. Tú Xương kịch liệt lên án, tố cáo những thói hư tật xấu của con người lúc bấy giờ, phê phán những con người vì đồng tiền mà đánh mất giá trị bản thân, giá trị đạo đức xã hội.

    B. Phê phán hiện thực thối nát, cái xấu, cái ác, trắng đen lẫn lộn..

    C. Thể hiện nỗi đau đớn trước hiện thực đất nước

    D. Thể hiện niềm nhớ tiếc về đất nước thời thái bình, thịnh trị.

    Trả lời câu hỏi:

    Câu 8. Phân tích tác dụng của phép đối được sử dụng trong hai câu thực và hai câu luận.

    Câu 9. Hình ảnh bà Tú trong bài thơ" Thương vợ"và hình ảnh người vợ trong câu thơ Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng gợi cho em suy nghĩ gì?

    Câu 10. Cảm nhận về tâm sự, nỗi lòng của Tú Xương thể hiện trong bài thơ trên.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. D

    Câu 2. B

    Câu 3. C

    Câu 4. A

    Câu 5. A

    Câu 6. B

    Câu 7. D

    Câu 8.


    - Phép đối: Nhà kia >< mụ nọ; lỗi phép >< chanh chua; con khinh bố >< vợ chửi chồng; keo cú >< tham lam; người đâu >< chuyện thở; như cứt sắt >< rặt hơi đồng.

    - Tác dụng: Nhấn mạnh những thói hư, tật xấu của con người; thể hiện nỗi đau xót của Tú Xương; làm cho lời thơ thêm cân xứng, hài hòa.

    Câu 9. hai hình ảnh có sự đối lập.

    Bà Tú: Đảm đang, tháo vát, thương yêu chồng con, giàu đức hi sinh thầm lặng.

    Người vợ trong bài thơ trên: Đanh đá, chua ngoa, đánh mất cả đạo làm vợ.

    Như vậy, trong xã hội đương thời, xã hội thực dân nửa phong kiến, xuất hiện nhiều hạng người vì chạy theo đồng tiền, chạy theo những giá trị ảo mà đánh mất đạo lý làm người. Tuy nhiên, vẫn còn những người phụ nữ như bà Tú, vẫn giữ được vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam.

    Câu 10.

    - Tú Xương kịch liệt lên án, tố cáo những thói hư tật xấu của con người lúc bấy giờ, phê phán những con người vì đồng tiền mà đánh mất giá trị bản thân, giá trị đạo đức xã hội.

    - Phê phán hiện thực thối nát, cái xấu, cái ác, trắng đen lẫn lộn..

    - Thể hiện nỗi đau đớn trước hiện thực đất nước; thể hiện lòng yêu nước thầm kín mà mãnh liệt của Tú Xương.
     
    Chỉnh sửa cuối: 5 Tháng mười một 2022
  5. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ ĐỌC HIỂU: THƠ ĐƯỜNG LUẬT - ĐỀ 5

    Văn bản: Tự tình (bài 1) - Hồ Xuân Hương

    Đọc văn bản sau:

    Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,

    Oán hận trông ra khắp mọi chòm.

    Mõ thảm không khua mà cũng cốc,

    Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.

    Trước nghe những tiếng thêm rền rĩ,

    Sau giận vì duyên để mõm mòm.

    Tài tử văn nhân ai đó tá?

    Thân này đâu đã chịu già tom!

    (Tự tình – bài 1, Hồ Xuân Hương)

    Trả lời các câu hỏi:

    Câu 1. Văn bản được viết theo thể thơ nào:

    A. Bảy chữ

    B. Tự do

    C. Thất ngôn bát cú Đường luật

    D. Song thất lục bát

    Câu 2. Phương thức biểu đạt chính của văn bản là:

    A. Miêu tả

    B. Biểu cảm

    C. Tự sự

    D. Nghị luận

    Câu 3. Dòng nào nêu đúng tên 2 bài thơ cùng đề tài với văn bản trên?

    A. Tự tình (bài 2) ; Làm lẽ

    B. Tự tình (bài 2) ; Qua Đèo Ngang

    C. Bạn đến chơi nhà; Sang thu

    D. Câu cá mùa thu; Tự tình (bài 3)

    Câu 4. Những âm thanh được miêu tả trong bài thơ là:

    A. Tiếng gà, tiếng mõ, tiếng chuông

    B. Tiếng gà, tiếng bom, tiếng chợ sớm

    C. Tiếng tù và, tiếng gà

    D. Tiếng chuông, tiếng trống

    Câu 5. Từ láy văng vẳng trong câu thơ thứ nhất gợi lên điều gì?

    A. Gợi âm thanh gần gũi, quen thuộc của cuộc sống, đánh thức trong lòng chủ thể trữ tình tình yêu quê hương, đất nước

    B. Gợi thời gian về gần sáng và sự mênh mông tĩnh lặng của không gian, thời gian, sự rối bời của tâm trạng

    C. Gợi lên sự khởi đầu cảu một ngày mới trong trẻo, nguyên sơ

    D. Gợi lên bức tranh làng quê yên bình, tĩnh lặng.

    Câu 6. Dòng nào nêu đúng tác dụng của phép đối trong hai câu 3-4; 5-6:

    A. Tô đậm vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên làng quê thanh bình yên ả.

    B. Tạo nên những cảm nhận về sự đối lập giữa ngoại cảnh ồn áo và lòng người tĩnh lặng

    C. Tạo nên nhữn cảm nhận về sự đối lập giữa vẻ đẹp của ngoại cảnh và bi kịch của con người

    D. Nhấn mạnh những âm thanh buồn thảm đang vang vọng lên và cảm xúc đau buồn của chủ thể trữ tình.

    Câu 7. "Nữ sĩ vẫn tin vào tài năng của mình có thể thay đổi được duyên phận, vẫn hi vọng tìm được bạn đời trăm năm.." là lời nhận xét, đánh giá về nội dung những câu thơ nào?

    A. Hai câu đề

    B. Bai câu thực

    C. Hai câu luận

    D. Hai câu kết

    Câu 8. Em hiểu như thế nào về nhan đề "Tự tình". Khái quát tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 1.

    Câu 9. Phân tích tác dụng của câu hỏi tu từ trong hai câu 3 và 4.

    Câu 10. Hai câu thơ cuối gợi cho em suy nghĩ gì về sự cần thiết phải sống lạc quan, mạnh mẽ? Hãy viết bài luận khoảng 500 chữ trình bày suy nghĩ của em về vấn đề trên.

    Gợi ý đọc hiểu

    Câu 1. C. Thất ngôn bát cú Đường luật

    Câu 2. B. Biểu cảm

    Câu 3. A. Tự tình (bài 2) ; Làm lẽ

    Câu 4. A. Tiếng gà, tiếng mõ, tiếng chuông

    Câu 5. B. Gợi thời gian về gần sáng và sự mênh mông tĩnh lặng của không gian, thời gian, sự rối bời của tâm trạng

    Câu 6. D. Nhấn mạnh những âm thanh buồn thảm đang vang vọng lên và cảm xúc đau buồn của chủ thể trữ tình.

    Câu 7. D. Hai câu kết

    Câu 8.

    - Nhan đề Tự tình: Là tự bộc lộ tâm trạng, cảm xúc, nỗi niềm, tự thương cho chính mình.

    - Tâm trạng, thái độ của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình 1:

    Tâm trạng cô đơn, buồn đau, "oán hận" vì sự hẩm hiu của duyên tình (duyên mõm mòm ).

    Thái độ mạnh mẽ, thách thức, không chịu khuất phục, tin bản thân có thể thay đổi được duyên phận (2 câu cuối).

    Câu 9.

    - Các câu hỏi tu từ trong câu 3 - 4:

    Mõ thảm không khua mà cũng cốc,

    Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om.

    - Tác dụng: Nhấn mạnh những âm thanh của ngoại cảnh không cần tác động ngoại lực mà vẫn vang lên nghe sầu thảm, qua đó cho ta cảm nhận được tâm trạng buồn đau của nhân vật trữ tình.

    Tạo giọng điệu buồn da diết cho lời thơ; tăng tính gợi hình, biểu cảm.

    Câu 10.

    Cần thiết phải sống lạc quan, mạnh mẽ vì cuộc sống không phải lúc nào cũng dễ dàng mà luôn trực chờ những tình huống éo le, những tai họa bất ngờ, hiểm nguy rình rập. Sống mạnh mẽ, lạc quan sẽ giúp con người có sức mạnh tinh thần lớn lao để vượt qua tất cả. Khi chúng ta có tinh thần lạc quan luôn hướng về phía trước, chúng ta sẽ không bị gục ngã trước giông tố cuộc đời, sẽ biết tìm cách để đi xuyên qua nó.
     
    Chỉnh sửa cuối: 28 Tháng một 2023
  6. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 6

    Đọc hiểu văn bản: Cuốc kêu cảm hứng, Nguyễn Khuyến

    Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

    Cuốc kêu cảm hứng


    (Nguyễn Khuyến)

    Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,

    Ấy hồn Thục đế (1) thác (2) bao giờ?

    Năm canh máu chảy đêm hè vắng,

    Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ.

    Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,

    Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?

    Thâu đêm ròng rã kêu ai đó,

    Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ.

    (Thơ Nguyễn Khuyến, NXB Văn học, 2016, tr. 28)

    * Chú thích:

    (1) Thục đế: Vua nước Thục, có tên là Đỗ Vũ. Tương truyền sau khi mất nước, vua Thục chết, hồn hóa thành con chim đỗ quyên (còn gọi là chim cuốc), ngày đêm kêu "cuốc, cuốc", tiếng kêu nghe rất ai oán. Chú ý: Tiếng chim "cuốc, cuốc" đồng âm với từ Hán "quốc" nghĩa là nước- Tổ quốc, nên tiếng chim cuốc kêu đã gợi người ta đến nước là vì vậy.

    (2) Thác: Chết.

    Lựa chọn đáp án đúng:

    Câu 1. Bài thơ Cuốc kêu cảm hứng thuộc thể thơ nào?

    Câu 2. Xác định nhân vật trữ tình trong bài thơ.

    Câu 3.

    Bài thơ thể hiện cảm xúc sầu muộn và khắc khoải qua hình ảnh con chim cuốc kêu về đêm như thế nào? Tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì để khơi gợi nỗi sầu này?

    Câu 4. Nguyễn Khuyến có ý nghĩa gì khi nhắc đến hình ảnh "hồn Thục đế thác bao giờ" trong bài thơ? Câu thơ này liên hệ như thế nào với ý nghĩa chung của bài thơ?

    Câu 5. Hình ảnh "năm canh máu chảy đêm hè vắng" và "sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ" gợi lên điều gì về thời gian, không gian và cảm xúc của tác giả trong bài thơ?

    Câu 6. Trong bài thơ, tác giả đặt câu hỏi về lý do con cuốc kêu – "Có phải tiếc xuân mà đứng gọi, hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?". Ý nghĩa sâu xa của câu hỏi này là gì, và điều này thể hiện nỗi niềm gì của tác giả?

    Câu 7. Câu cuối "Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ" có vai trò gì trong việc bộc lộ tâm trạng của tác giả? Hình ảnh "khách giang hồ" ở đây có ý nghĩa biểu tượng gì?

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1.
    Bài thơ Cuốc kêu cảm hứng thuộc thể thơ: Thất ngôn bát cú Đường luật (bằng chữ Nôm)

    Câu 2. Nhân vật trữ tình trong bài thơ: Tác giả

    Câu 3.

    Bài thơ thể hiện nỗi buồn và cảm giác lẻ loi qua tiếng kêu khắc khoải của con chim cuốc trong đêm. Tiếng kêu lửng lơ, không dứt, như một nỗi niềm chưa thể nguôi ngoai, biểu tượng cho sự trăn trở, tiếc nuối của một tâm hồn đang day dứt. Tác giả sử dụng từ ngữ có âm hưởng buồn và dài như "khắc khoải", "lửng lơ" để khơi gợi cảm giác chán chường, đau khổ kéo dài.

    Câu 4.

    Nguyễn Khuyến nhắc đến "hồn Thục đế" – vị vua nước Thục, mất nước và sống lưu vong – để thể hiện nỗi niềm tiếc nuối về đất nước, sự đau khổ khi mất quê hương. Hình ảnh này tượng trưng cho nỗi nhớ thương đất nước và thể hiện lòng yêu nước thầm kín của tác giả trong bối cảnh đất nước thời bấy giờ chịu cảnh lầm than.

    Câu 5. Về thời gian, không gian và cảm xúc của tác giả trong bài thơ:

    Cụm từ "năm canh máu chảy đêm hè vắng" và "sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ" vừa tạo nên không gian đêm hè vắng lặng, vừa khắc họa nỗi đau đớn triền miên trong tâm hồn. Thời gian kéo dài qua năm canh và sáu khắc tạo cảm giác khắc khoải, cho thấy nỗi đau của tác giả là vô tận, cứ lặp đi lặp lại mà không tìm được lối thoát.

    Câu 6. Ý nghĩa câu hỏi về lý do con cuốc kêu – "Có phải tiếc xuân mà đứng gọi, hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?" :

    Khi đặt câu hỏi "Có phải tiếc xuân mà đứng gọi, hay là nhớ nước vẫn nằm mơ?", Nguyễn Khuyến ám chỉ việc tiếc nuối tuổi trẻ đã qua hoặc nỗi nhớ nước da diết. Câu hỏi này cho thấy tác giả đang trăn trở, dằn vặt giữa những tình cảm cá nhân và lòng yêu nước, cho thấy tâm trạng rối bời và đau khổ trước tình cảnh đất nước bị mất tự do.

    Câu 7.

    Ý nghĩa của hình ảnh "khách giang hồ" : Câu cuối "Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ" biểu thị sự đồng cảm của tác giả với người dân phiêu bạt, lưu lạc, gián tiếp nói lên tâm trạng băn khoăn, đau đáu trước thực cảnh xã hội. "Khách giang hồ" vừa là biểu tượng cho con người sống xa quê hương, vừa thể hiện khao khát tự do và nỗi buồn ly tán của tác giả khi phải chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, lòng ngẩn ngơ, không nguôi.
     
    Annie Dinhchiqudoll thích bài này.
  7. Thùy Minh Đọc bài trong phần "Thông tin" nha!

    Bài viết:
    2,024
    ĐỀ 7

    Đọc hiểu văn bản: Cây chuối, Nguyễn Trãi

    Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

    Ba tiêu (Cây chuối)

    Tự (1) bén hơi xuân, tốt lại thêm (2)

    Đầy buồng (3) lạ, mầu (4) thâu đêm

    Tình thư một bức phong còn kín (5)

    Gió nơi đâu, gượng mở xem (6).

    (Nguyễn Trãi, thơ và đời, tr91, NXB Văn học, 2012)

    Chú giải:

    1. Tự: Ở đây có nghĩa là từ khi.
    2. Vốn đã tốt, lại tốt thêm.
    3. Hiện đã có hai cách hiểu: Buồng là buồng chuối, buồng là buồng ở của người con gái (cách hiểu của nhà thơ Xuân Diệu).
    4. Ở đây có nghĩa là mùi.
    5. Câu này có ý ví nõn chuối non cuốn như bức thư tình còn phong kín. Người xưa đã có vế đối treo trong nhà: Thư lai tiêu diệp văn do lục (Thư viết trên lá chuối gửi đến lời văn còn xanh).

    Ý câu này: Gió xuân nhẹ thổi đến làm nõn chuối mở dần ra.

    Câu 1. Bài thơ được làm theo thể thơ nào?

    Câu 2. Hình ảnh cây chuối được miêu tả như thế nào trong câu thơ đầu tiên?

    Câu 3. Cụm từ "Đầy buồng lạ, màu thâu đêm" mang ý nghĩa gì trong việc khắc họa vẻ đẹp của cây chuối? Tác giả muốn nhấn mạnh điều gì qua hình ảnh này?

    Câu 4. Hình ảnh "tình thư một bức phong còn kín" có ý nghĩa ẩn dụ gì về nội tâm con người? Tại sao tác giả lại dùng hình ảnh lá thư để miêu tả cây chuối?

    Câu 5. Qua câu "Gió nơi đâu, gượng mở xem," tác giả muốn diễn đạt điều gì? Sự xuất hiện của "gió" mang đến tác động gì đối với hình ảnh và ý nghĩa của bài thơ?

    Câu 6 . Chỉ ra, phân tích tác dụng của 2 biện pháp tu từ trong bài thơ?

    Gợi ý đọc hiểu:

    Câu 1.
    Bài thơ được làm theo thể thơ: Thất ngôn tứ tuyệt.

    Câu 2. Hình ảnh cây chuối được miêu tả: "Tự bén hơi xuân, tốt lại thêm" trong câu thơ đầu. Câu thơ cho thấy cây chuối tự nhiên hấp thụ sức sống của mùa xuân, biểu hiện qua sự phát triển xanh tốt của nó. "Tự bén hơi xuân" mang ý nghĩa rằng cây chuối tự nảy nở và sinh sôi khi cảm nhận khí xuân. Cách diễn đạt này nhấn mạnh sự gắn bó với tự nhiên, thể hiện sức sống mãnh liệt và mạnh mẽ.

    Câu 3. Cụm từ "Đầy buồng lạ, màu thâu đêm" : Câu thơ tả vẻ đẹp và sức sống của cây chuối khi ra buồng, mang đến cảm giác mới lạ và đầy bí ẩn. "Mầu thâu đêm" cho thấy sự phong phú, tươi tốt của cây chuối như được phủ một màu xanh trong suốt đêm. Nguyễn Trãi nhấn mạnh vẻ đẹp kín đáo, lặng lẽ nhưng đầy sức sống của thiên nhiên.

    Câu 4. Hình ảnh "tình thư một bức phong còn kín" : Hình ảnh này ẩn dụ cho tình cảm riêng tư, những điều sâu kín trong lòng người mà chưa được bày tỏ, giống như một lá thư tình chưa mở. Cây chuối được nhân hóa thành một chủ thể có tâm tư, ẩn chứa cảm xúc bí ẩn, lặng lẽ. Qua đó, Nguyễn Trãi bộc lộ sự tinh tế trong tình cảm, gợi lên nỗi niềm thầm kín trong lòng.

    Câu 5. Qua câu "Gió nơi đâu, gượng mở xem," : "Gió" tượng trưng cho yếu tố tác động từ bên ngoài, khơi gợi hoặc khích lệ sự bộc lộ của tình cảm bên trong. Khi gió thổi, dường như cây chuối cũng "gượng mở" lòng mình, hé lộ tâm tư. Điều này thể hiện sự tương tác giữa thiên nhiên và con người, thể hiện khao khát được bày tỏ tình cảm.

    Câu 6 . Chỉ ra, phân tích tác dụng của 2 biện pháp tu từ trong bài thơ:

    - Biện pháp tu từ ẩn dụ: Cây chuối ấn dụ cho cảm xúc kín đáo, thầm lặng trong lòng tác giả.

    - Biện pháp tu từ nhân hóa: Tình thư, gió gượng mở;

    - Tác dụng: Giúp bộc lộ cảm xúc thầm kín của nhân vật trữ tình - nỗi niềm riêng tư chưa ngỏ; khiến sự vật vô tri trở nên gần gũi, có linh hồn; giúp bài thơ không chỉ tả cảnh mà còn mang đến cảm giác trữ tình, tạo chiều sâu cảm xúc cho người đọc.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...