Bitcoin có phải là tài sản không?

Thảo luận trong 'Kiếm Tiền' bắt đầu bởi Crypto, 26 Tháng năm 2021.

  1. Crypto The Very Important Personal

    Bài viết:
    41
    Thế giới ngày nay đang ở trong giai đoạn phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cuộc cách mạng này đã tạo ra nhiều sản phẩm mới, nhiều hình thức giao dịch mới, phương thức thanh toán mới, các loại tài sản mới.. Một trong những sáng tạo nổi bật của cuộc cách mạng này là sự ra đời của công nghệ chuỗi khối Blockchain và tiền ảo hay còn gọi là tiền mã hóa, crypto currency. Sự xuất hiện của các loại tiền ảo này đang được cả thế giới quan tâm và bình luận, đặc biệt là trong năm 2017, khi mà giá của Bitcoin và các đồng tiền ảo khác tăng một cách chóng mặt và thay đổi không ngừng. Trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, hoạt động phát hành, lưu trữ, đào, giao dịch, đầu tư.. tiền ảo diễn ra sôi động và đa dạng; thu hút số lượng lớn người tham gia. Các hoạt động này mang lại những thách thức không nhỏ cho các nhà nghiên cứu, ban hành và áp dụng pháp luật.

    [​IMG]

    Một câu hỏi được đặt ra bởi rất nhiều người quan tâm là pháp luật Việt Nam điều chỉnh vấn đề này như thế nào, các hoạt động liên quan đến tiền ảo có được công nhận ở Việt Nam hay không? Bitcoin và các loại tiền điện tử có nên được coi là một loại tài sản? Chúng ta cùng đi tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

    Pháp luật nước ngoài có coi Bitcoin là tài sản không?


    Bitcoin được công nhận là tài sản hợp pháp ở Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trên thực tế, một vụ án tại Trung Quốc được đưa lên tòa gần đây nhìn nhận Bitcoin là tài sản hợp pháp một cách sâu sắc hơn. Nó không chỉ là tài sản cá nhân mà còn là tài sản mà công dân Trung Quốc được phép sở hữu hơn cả "hàng hóa" đơn thuần, trong khi một số sản phẩm khác xung quanh Bitcoin vẫn bị coi là bất hợp pháp hoặc bị cấm.

    Giá bitcoin hiện tại: Remitano

    [​IMG]

    Quan điểm các tổ chức quốc tế lớn


    Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF lo ngại tiền điện tử KTS như Bitcoin có thể gây ra rất nhiều rủi ro. Hội đồng ổn định tài chính quốc tế FSB cho rằng, các đồng tiền điện tử KTS hiện tại vẫn chưa thay thế cho tiền tệ truyền thống, do việc sử dụng còn hạn chế đối với kinh tế và các giao dịch tài chính. Tuy nhiên, nếu loại tiền này được sử dụng rộng rãi trong các giao dịch hoặc liên kết chặt chẽ hơn với hệ thống tài chính, thì các nhà quản lý cần phải tính tới việc phối hợp quốc tế trong quản lý loại tiền tệ này.

    Ngân hàng Thanh toán quốc tế BIS cho rằng, các loại tiền điện tử và công nghệ Blockchain cơ bản đều pha trộn giữa cơ hội và rủi ro. Để giảm thiểu các rủi ro của tiền điện tử, các quốc gia cần tăng cường phối hợp để giảm thiểu các rủi ro và gian lận qua không gian mạng.

    Quan điểm của các quốc gia


    Quan điểm quản lý và sử dụng Bitcoin như phương tiện thanh toán của các quốc gia trên thế giới có thể chia thành các nhóm như sau:

    Nhóm nước dung hòa: Đây là nhóm chiếm số lượng đông nhất, đồng thời cũng là nhóm có những quốc gia đi đầu về công nghệ thông tin trên thế giới. Nhìn chung, phản ứng của nhóm này là không cổ vũ giao dịch tiền điện tử cũng không cấm đoán tiêu cực mà chỉ đưa ra các chính sách để truy thu thuế và các biện pháp nhằm giám sát, giảm thiểu khả năng buôn lậu hay rửa tiền thông qua tiền kỹ thuật số.

    Tiêu biểu như: Nhật Bản, Australia, Mỹ, Hàn Quốc, Singapore, Phillipinnes, Newzealand..

    Nhóm nước từ chối tiền điện tử: Tại các quốc gia thuộc nhóm này, dù không cấm hay coi hành vi giao dịch tiền điện tử KTS là bất hợp pháp, nhưng các chính phủ có quan điểm thiếu thiện cảm với loại tiền này.

    Theo đó, các chính sách được đưa ra trên cơ sở giảm thiểu hoạt động giao dịch tiền điện tử.

    Tiêu biểu như: Nga, Trung Quốc, Ấn độ, Brazil và các nước thuộc khu vực Nam Á, Trung Đông.

    Nhóm nước cấm triệt để: Hiện nay, có 6 quốc gia trong danh sách cấm triệt để việc sử dụng tiền điện tử gồm: Iceland, Bolivia, Ecuador, Bangladesh, Kyrgyzstan và Việt Nam. Điểm chung của các quốc gia này là tiền điện tử KTS không được coi là một loại tiền tệ và lý do cấm hầu hết đều nhằm bảo hộ đồng tiền quốc gia. Tuy nhiên, mức độ cấm ở các quốc gia cũng không giống nhau.

    Chẳng hạn, Iceland cấm mua tiền điện tử nhưng không cấm đào tiền. Tại Việt Nam, tiền điện tử không được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp và việc phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp sẽ bị xử phạt hành chính từ 150 - 200 triệu đồng, hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 206 Bộ luật Hình sự năm 2015.

    Chính sách, pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền ảo

    Một số ghi nhận chính thức về mặt chính sách, pháp luật liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam

    Thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiền ảo

    Ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lần đầu tiên ra thông cáo báo chí về tiền ảo. Nội dung của Thông cáo tập trung vào một số vấn đề cơ bản như sau:

    Thứ nhất, khẳng định Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hàng.

    Thứ hai, khẳng định sự xuất hiện của Bitcoin đã gây ra nhiều tác hại, rủi ro cho người sử dụng như: Có thể trở thành công cụ cho tội phạm như rửa tiền, buôn bán ma túy, trốn thuế, giao dịch, thanh toán tài sản phi pháp; nguy cơ bị tấn công, đánh cắp, thay đổi dữ liệu hoặc bị ngừng giao dịch là rất lớn; hoạt động đầu tư vào Bitcoin ẩn chứa nhiều nguy cơ về bong bóng tài chính, gây thiệt hại cho người đầu tư; giao dịch Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

    Thứ ba, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

    Thứ tư, việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

    Tiếp theo Thông cáo báo chí ngày 27/2/2014, sáng ngày 28/10/2017, trong văn bản gửi cơ quan báo chí, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

    Quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tiền ảo

    Trước những diễn biến khó lường và những ảnh hưởng tiêu cực của các hoạt động liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam, ngày 21/8/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1255/QĐ-TTg về phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo. Theo Quyết định này, việc hoàn thiện khung pháp lý này phải dựa trên ba cơ sở:

    (i) Thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ quyền sở hữu, quyền tài sản nhằm giải quyết thực tiễn tất yếu đang tồn tại và sẽ diễn ra;

    (ii) Góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước tại Việt Nam; hạn chế, ngăn chặn và kiểm soát có hiệu quả các rủi ro, lạm dụng liên quan; cụ thể hóa các chế định về quyền tài sản trong Bộ luật Dân sự năm 2015 trong lĩnh vực tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo;

    (iii) Nghiên cứu, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo để nhận diện, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý liên quan theo nguyên tắc đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất, minh bạch, ổn định và có thể dự báo trước của hệ thống pháp luật, phù hợp thông lệ quốc tế.

    Đồng thời, việc hoàn thiện khung pháp lý này hướng tới ba mục tiêu:

    (i) Nghiên cứu, nhận diện đầy đủ, chính xác bản chất của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo theo kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn Việt Nam; mối quan hệ với tài sản thực, tiền thực; vai trò của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo và tác động của tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo tới pháp luật;

    (ii) Rà soát, đánh giá thực trạng khung pháp lý về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo của Việt Nam; kinh nghiệm điều chỉnh của nước ngoài và tác động tới hệ thống pháp luật liên quan của Việt Nam nhằm nhận diện và xác định thái độ của cơ quan nhà nước đối với các vấn đề pháp lý liên quan; đề xuất các nhiệm vụ, công việc cụ thể và những định hướng để xây dựng, hoàn thiện pháp luật về tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nhằm đảm bảo tương ứng với các rủi ro liên quan để kiểm soát, giảm thiểu các rủi ro này nhưng không được ảnh hưởng đến sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo, đảm bảo tính linh hoạt để phù hợp với sự thay đổi trong sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin, thương mại điện tử;

    (iii) Phân công trách nhiệm, lộ trình thực hiện cho các Bộ, ngành liên quan để xử lý các vấn đề đặt ra.

    Như vậy, Quyết định này chính là cơ sở pháp lý quan trọng, đặt nền móng cho việc nghiên cứu và ban hành các quy định pháp luật liên quan đến tiền ảo trong tương lai tại Việt Nam. Ở tầm chính sách, điều đó thể hiện sự cần thiết, cấp bách của việc xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến tiền ảo tại Việt Nam.

    Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tiền ảo

    Ngày 11/4/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. Chỉ thị đã đề cập đến những rủi ro và hệ luỵ của các hoạt động liên quan đến tiền ảo trong thời gian vừa qua như: Người chơi tiền ảo dễ gặp rủi ro; nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo) ; hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO) ; đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

    Trên cơ sở những cảnh báo nguy cơ ảnh hưởng tiêu cực của hoạt động liên quan đến tiền ảo, Chỉ thị đã yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan thực hiện việc quản lý các hoạt động liên quan đến tiền ảo nhằm hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật.

    Chỉ thị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam liên quan đến tiền ảo

    Nhằm thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 11/04/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác, ngày 13/4/2018, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN về các biện pháp tăng cường kiểm soát các giao dịch, hoạt động liên quan đến tiền ảo. Chỉ thị đưa ra yêu cầu các đơn vị có liên quan (các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; các đơn vị tại trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương) nghiêm túc thực hiện các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường kiểm soát, xử lý các giao dịch liên quan tới tiền ảo.

    Đánh giá pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền ảo


    Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, mặc dù một số cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có các chỉ đạo, cảnh báo, khuyến nghị liên quan đến tiền ảo, nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có khung pháp luật rõ ràng, đầy đủ điều chỉnh đối với loại tài sản mới này; còn nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo được đặt ra và thực sự là một thách thức đối với nhà làm luật, những người áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay.

    Thứ nhất, về khái niệm tiền ảo

    Là một hiện tượng xã hội mới, nên hiện nay có rất nhiều định nghĩa và cách hiểu về tiền ảo. Mỗi định nghĩa lại chỉ ra các đặc trưng cơ bản của tiền ảo dưới các góc độ khác nhau. Thời gian qua, mặc dù thuật ngữ tiền ảo được sử dụng thông dụng, nhưng các thuật ngữ "tiền kỹ thuật số", "tiền thay thế", "tiền internet", "tiền mã hóa" cũng được đề cập với nghĩa tương đương[3] . Trên thực tế, tiền ảo có thể tồn tại dưới nhiều dạng như: Tiền ảo có chức năng là chứng khoán; tiền ảo có chức năng là phương tiện thanh toán; tiền ảo có chức năng là tiện ích để tiếp cận, sử dụng một dịch vụ nhất định.. Điều này dẫn đến nhiều sự nhầm lẫn trong thực tế khi cần có sự quản lý hoặc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến tiền ảo. Không những thế, khái niệm tiền ảo cũng rất dễ gây nhầm lẫn với khái niệm tiền điện tử (là hình thức điện tử của tiền pháp định). Việc chưa có được một cách hiểu chính thức về tiền ảo trong các văn bản pháp luật ở Việt Nam là một rào cản và khó khăn đặt ra khi xác định các vấn đề pháp lý liên quan đến tiền ảo cũng như giải quyết các tranh chấp hoặc các hoạt động liên quan đến tiền ảo trong thực tiễn.

    Thứ hai, trong lĩnh vực pháp luật dân sự

    Trong giao lưu dân sự, tài sản là đối tượng chủ yếu của các quan hệ giữa những chủ thể được pháp luật dân sự điều chỉnh. Theo quan điểm của chúng tôi, đối chiếu với quy định của pháp luật dân sự hiện hành thì tiền ảo không được coi là tài sản hay hàng hóa, bởi lẽ:

    Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản. Tài sản bảo gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai".

    Theo định nghĩa trên, tài sản chỉ tồn tại ở một trong bốn dạng:

    Vật: Là một bộ phận của thế giới vật chất tồn tại dưới dạng rắn, lỏng, khí và con người có thể chiếm hữu, kiểm soát được; ví dụ như nhà, xe, bàn ghế..

    Tiền: Là phương tiện thanh toán do Ngân hàng Nhà nước phát hành, được Nhà nước bảo hộ dùng để định giá các loại tài sản khác. Tiền bao gồm tiền nội tệ và ngoại tệ. Tiền có thể tồn tại dưới dạng giấy, polymer, xu hoặc tiền điện tử (e-money).

    Giấy tờ có giá: Là loại giấy tờ trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao lưu dân sự. Giấy tờ có giá phải do các chủ thể được phép phát hành. Giấy tờ có giá bao gồm hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc, trái phiếu Chính phủ, trái phiếu công ty, kỳ phiếu, cổ phiếu, tín phiếu, hối phiếu, công trái..

    Quyền tài sản: Là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác như quyền đòi nợ, quyền hưởng dụng, quyền bề mặt..

    Như vậy, đối chiếu với quy định trên, tiền ảo không được coi là tài sản vì nó không thuộc bất kỳ loại nào trong bốn loại nêu trên.

    Về bản chất pháp lý của tiền ảo dưới góc độ pháp luật dân sự, cũng có quan điểm cho rằng, tiền ảo có thể coi là một loại quyền tài sản. Cụ thể: "Căn cứ vào những đặc trưng của tài sản mã hóa (hay tài sản ảo nói chung), có thể thấy đây đều là những" tài sản "không có đặc tính vật lý (được hình thành từ các thông tin tồn tại dưới dạng các đoạn mã máy tính), được trị giá bằng tiền và có thể chuyển giao được trong giao dịch dân sự. Như vậy, quyền đối với tài sản mã hóa (hay tài sản ảo nói chung) là một loại quyền tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015".

    Theo chúng tôi, quan điểm trên mới chỉ đưa ra nhận định "quyền đối với tài sản ảo" là "quyền tài sản" chứ chưa có kết luận "tiền ảo hoặc tài sản ảo" là loại tài sản gì trong số bốn loại tài sản được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Ở đây, "tiền ảo" là đối tượng của quyền mà quan điểm trên nhận định chứ bản thân "tiền ảo" không phải là quyền.

    Nếu kết luận tiền ảo là quyền tài sản thì có lẽ cũng là một nhận định cần nghiên cứu thêm, bởi lẽ quyền luôn là xử sự được phép của chủ thể mang quyền được pháp luật công nhận và bảo vệ. Quyền tài sản là một loại tài sản vô hình, nên xét về lý luận, nếu có hành vi xâm phạm đến quyền tài sản thì không thể áp dụng phương thức "kiện đòi lại tài sản" hay "kiện vật quyền" như đối với vật, mà chỉ có thể áp dụng phương thức khác như kiện yêu cầu chấm dứt hành vi hoặc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, đối với tiền ảo thì đây hoàn toàn không phải là xử sự, bởi tiền ảo thực chất là một thuật toán (dãy số) trên nền tảng công nghệ Blockchain. Hơn nữa, khi bị chiếm đoạt, chủ thể bị xâm phạm mong muốn đòi lại số tiền ảo đó. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, tiền ảo hiện nay không phải là một loại tài sản được công nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Thiết nghĩ, trong thời gian tới, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có văn bản quy định hoặc hướng dẫn cụ thể về nội dung này.

    Việc chưa có quy định nào của pháp luật dân sự khẳng định tiền ảo là một loại tài sản dẫn đến những hệ quả tiếp theo là các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tiền ảo cũng gần như rơi vào "khoảng trống", không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp. Chẳng hạn, khi ví điện tử của một chủ thể bị xâm nhập và bị ăn trộm một số lượng tiền ảo nhất định thì có đòi lại được không? Khi các bên mua bán tiền ảo không thực hiện nghĩa vụ giao tài sản thì áp dụng trách nhiệm dân sự gì? Khi có người yêu cầu phân chia di sản thừa kế là tiền ảo thì có tiến hành chia không? Sẽ phân chia như thế nào đối với tiền ảo trong ví điện tử của một người, nếu những người có liên quan không có hoặc không cung cấp mật khẩu hay "khóa" (key) để đăng nhập vào tài khoản của người này? Hoặc, khi một người có hành vi phá hỏng ví điện tử của người khác làm cho việc đăng nhập không thể thực hiện được thì việc bồi thường thiệt hại sẽ được xác định như thế nào?

    Tất cả những khó khăn trên đều cần có một cơ chế pháp lý rõ ràng làm cơ sở để giải quyết những quan hệ xã hội nảy sinh trong các giao dịch dân sự liên quan đến tiền ảo đang diễn ra hàng ngày trên thực tế.

    Thứ ba, trong lĩnh vực pháp luật hình sự

    Mặc dù pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận tiền ảo là tài sản và không bảo hộ các giao dịch của các chủ thể liên quan đến tiền ảo. Song, nếu chủ thể lợi dụng các giao dịch về tiền ảo nhằm thực hiện các hành vi bị cấm (như rửa tiền, tài trợ khủng bố) hoặc sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán tại Việt Nam sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi.

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012, rửa tiền được hiểu là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có, bao gồm cả hành vi được quy định trong Bộ luật Hình sự. Điểm a khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định, hành vi được coi là phạm tội rửa tiền có thể là: "Tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có". Ở đây, giao dịch khác không được xác định cụ thể là giao dịch gì nên có thể hiểu mọi giao dịch (ngoài giao dịch tài chính, ngân hàng) nhằm mục đích đã được xác định tại quy định trên đều là phạm tội rửa tiền. Tuy nhiên, động cơ của tội phạm này phải nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có. Trong khi đó, tiền ảo lại chưa được công nhận là tiền hay tài sản ở Việt Nam, nên tuỳ từng trường hợp, chủ thể có thể bị xác định là phạm tội rửa tiền hoặc không. Ví dụ, một người nhận hối lộ bằng tiền ảo và sau đó thực hiện các hoạt động rửa số tiền này thì không phạm tội; nhưng một người nhận hối lộ bằng tiền thật sau đó đổi sang tiền ảo rồi và thực hiện các hoạt động rửa tiền khác thì lại có thể phạm tội rửa tiền. Điều này cho thấy sự bất hợp lý trong quy định của pháp luật khi cùng một hành vi nhưng lúc thì không, lúc thì có bị coi là hành vi phạm tội.

    Trường hợp cá nhân, tổ chức sử dụng các giao dịch tiền ảo nhằm mục đích rửa tiền sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội rửa tiền được quy định tại Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo quy định tại Điều này, cá nhân là người phạm tội có thể phải chịu mức hình phạt tù lên đến 15 năm, đồng thời có thể bị phạt tiền lên đến 100 triệu đồng, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội này thì có thể bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng.

    Về Tội tài trợ khủng bố, theo quy định tại khoản 1 Điều 300 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), người nào huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Như vậy, hành vi tài trợ khủng bố có thể được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Bộ luật Hình sự không giới hạn hình thức tài trợ khủng bố mà chỉ quan tâm đến việc hành vi đó có nhằm huy động, hỗ trợ, tiền, tài sản cho tổ chức, cá nhân khủng bố hay không. Đối tượng tài trợ theo Điều luật này cũng phải là tiền hoặc tài sản. Quy định trên một lần nữa cho thấy, sự ra đời và tồn tại tiền ảo đã gây lúng túng trong việc xác định rất nhiều hậu quả pháp lý của các hành vi liên quan đến tiền ảo, trong đó có việc xác định tội phạm tài trợ khủng bố. Trên thực tế, các tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia rất chú trọng đến vấn đề ngăn chặn việc sử dụng tiền ảo để rửa tiền hay tài trợ khủng bố.

    Thứ tư, trong lĩnh vực pháp luật thuế

    Trong thời gian vừa qua, sự biến động không ngừng về giá trị các đồng tiền ảo, đặc biệt là đồng Bitcoin đã khiến cho nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh tiền ảo có được những khoản lợi nhuận lớn. Về phương diện pháp lý, các hoạt động này phải chịu thuế. Tuy nhiên, trên thực tế, hoạt động kinh doanh tiền ảo và các hoạt động khác liên quan đến tiền ảo nhằm mục đích sinh lợi không chịu sự điều chỉnh của các luật về thuế ở Việt Nam. Điều này xuất phát từ nguyên nhân Việt Nam chưa có khung pháp luật về tiền ảo. Như đã phân tích, tiền ảo không được coi là tài sản trong Bộ luật Dân sự và không được coi là hàng hóa theo quy định của pháp luật thương mại. Do đó, bản thân các đồng tiền ảo và các hoạt động kinh doanh tiền ảo không làm phát sinh nghĩa vụ nộp thuế của các chủ thể có liên quan.

    Một minh chứng cụ thể đó là ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre đã ra phán quyết với nội dung huỷ Quyết định 714 của Chi cục Thuế thành phố Bến Tre về việc truy thu hơn 981 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng và hơn 1, 6 tỉ đồng tiền thuế thu nhập cá nhân đối với ông Nguyễn Việt Cường vì ông này tham gia trao đổi tiền ảo (Bitcoin). Theo Hội đồng xét xử, hiện chưa có luật công nhận tiền ảo Bitcoin là hàng hóa. Việc cơ quan thuế ra quyết định truy thu thuế trong trường hợp này là mặc nhiên công nhận loại tiền này là hàng hóa trong khi đề án về khung pháp lý để quản lý, xử lý loại tiền này chỉ mới đang được xây dựng. Việc truy thu thuế không phù hợp sẽ ảnh hưởng đến hoạt động quản lý tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tạo điều kiện để chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán chuyển tiền cho các giao dịch bất hợp pháp.. Mặt khác, tại quyết định truy thu thuế, cơ quan thuế có ghi nhận rằng không xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Cường do hình thức kinh doanh mua bán tiền kỹ thuật số trên mạng internet là một loại hình mới phát sinh, các văn bản hướng dẫn áp dụng thu thuế còn chậm. Điều đó thể hiện việc mua bán loại tiền này chưa có văn bản hướng dẫn thi hành..

    Thứ năm, trong lĩnh vực pháp luật kinh doanh

    Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm". Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm. Trường hợp các doanh nghiệp thực hiện hoạt động kinh doanh, mua bán, chuyển nhượng, huy động vốn hoặc góp vốn bằng tiền ảo thì không bị cấm bởi đó là quyền mà Luật Doanh nghiệp năm 2014 ghi nhận cho các doanh nghiệp được hưởng.

    Theo quy định của Luật Đầu tư năm 2014 về chính sách của Nhà nước đối với hoạt động đầu tư kinh doanh, chủ thể được thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh các ngành, nghề mà Luật Đầu tư không cấm. Trong các ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh quy định tại Điều 6 và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện quy định tại Điều 7 Luật Đầu tư năm 2014 đều không liệt kê hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo. Như vậy, theo những quy định trong Luật Đầu tư năm 2014, các hoạt động kinh doanh liên quan đến tiền ảo không bị coi là ngành, nghề cấm kinh doanh.

    Trên thực tế, các hoạt động huy vốn bằng tiền ảo (ICO) hoặc các sàn giao dịch tiền ảo vẫn diễn ra, các chủ thể vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng, góp vốn, huy động vốn đầu tư.. bằng các đồng tiền ảo. Tuy nhiên, quy trình thành lập, đăng ký thành lập, cấp mã số thuế, trách nhiệm hoặc các hoạt động hay chế tài liên quan đến tiền ảo hiện nay pháp luật vẫn còn đang bỏ ngỏ, cùng với đó là việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hoạt động này cũng chưa có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động ICO mang tính chất lừa đảo, kinh doanh đa cấp và thực tế đã xảy ra ở nước ta, điển hình là các vụ việc tiền ảo iFan, AOC hay VNCOINS..

    Kết luận:

    Quốc tế có nhiều quốc gia công nhận Bitcoin như một loại tài sản và một số thì không. Việt Nam không công nhận nhưng cũng không cấm giao dịch, chỉ cấm sử dụng Bitcoin để thanh toán thay cho tiền mặt.
     
    Admin thích bài này.
    Last edited by a moderator: 8 Tháng mười một 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...