Binh Pháp Ngô Tử - Ngô Khởi

Thảo luận trong 'Văn Học' bắt đầu bởi Dương Thần, 26 Tháng mười một 2018.

  1. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Ngô Khởi (khoảng năm 440 – 381 trước công nguyên) người nước Vệ (nay gần Định Đào, Sơn Đông, Trung Quốc) là nhà cải cách chính trị, tướng soái quân sự, đồng thời ông cũng là một nhà lý luận quân sự xuất sắc. Ông đã từng làm tướng của nước Lỗ, quận thú quận Tây Hà của nước Ngụy, làm lệnh doãn của nước Sở. Quách Mạt Nhược đánh giá: "Ngô Khởi là nhân vật vĩnh viễn không thể phai mờ trong lịch sử Trung Quốc.. là nhà binh học, ông nổi tiếng ngang với Tôn Vũ, là nhà chính trị, ông nổi tiếng ngang với Thương Ưởng".

    Ngô Khởi từng làm đại tướng ở nước Lỗ, nước Ngụy và làm tướng quốc ở nước Sở. Do bị ghen ghét tài năng và những cải cách của ông ở nước Sở đụng chạm dến quyền lợi của giai cấp quí tộc thuộc dòng dõi vua chúa nhiều đời nên ông bị hãm hại ở nước Sở.

    Tác phẩm "Binh pháp Ngô Khởi" là tác phẩm xuất sắc về lý luận quân sự thời Trung Quốc cổ đại. Tuy hiện nay chỉ còn lưu truyền 6 thiên là: Đồ quốc, Liệu địch, Trị binh, Luận tướng, ứng biến và Lệ sĩ nhưng đã phản ánh sâu sắc tư tưởng quân sự thời cổ đại không kém gì "Binh pháp Tôn Tử". Nội dung của "Binh pháp Ngô Khởi" đề cập đến là:

    – Về chiến tranh (quan niệm về chiến tranh).

    – Về nhân tố cơ bản quyết định thắng bại trong chiến tranh.

    – Về nguyên tắc luyện binh, chọn tướng và chế độ thưởng phạt.

    Bản Ngô Tử hiện nay gồm có 6 phần:

    1. Đồ quốc (图国, chinh phục quốc gia)
    2. Liệu địch (料敌, đối phó với kẻ địch)
    3. Trị binh (治兵, điều khiển binh sĩ)
    4. Luận tướng (论将, bàn về tướng lĩnh)
    5. Ứng biến (应变, các cách đối phó)
    6. Lệ sĩ (励士, động viên cấp dưới)
     
    AdminRùa Siêu Tốc thích bài này.
    Last edited by a moderator: 29 Tháng mười một 2021
  2. Đăng ký Binance
  3. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Thượng quyển

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thiên thứ nhất: Mưu đồ việc nước

    Ngô Tử phục sức theo lối nhà nho đến yết kiến Ngụy Văn Hầu để bàn về việc binh.

    Văn Hầu nói: "Quả nhân không thích việc quân lữ.

    Khởi đáp:" Hạ thần nhân vì dò xét xác việc sâu kín, theo dõi các việc từ xưa đến nay, sao nhà vua lại nói những lời trái với lòng mình? Nay nhà vua suốt bốn mùa đều khiến giết trâu bò để lột da đem thuộc, lấy sơn đỏ phết ở ngoài, vẽ những hình xanh đỏ, dùng những da tê, da voi bóng láng, nếu dùng da ấy để mặc vào mùa đông thì không được ấm, mặc vào mùa hè thì không được mát; Vua khiến đặt rèn kích dài hai trượng bốn thước, kích ngắn một trượng hai thước; Vua khiến đặt làm bọc da che bít các cửa, bánh và trục rất thô kệt, lấy mắt để xem thì không được đẹp, cưỡi để đi xem ruộng thì không được nhẹ, không biết vua có thể nào dùng những thứ ấy mà được yên lòng chăng?

    Nên làm như thế để chuẩn bị, tới thì danh, hư thì giữ mà chẳng cần đem dùng những thứ ấy cho đúng mực, điều ấy có thể ví như đem gà con đang ấp để đấu với chồn cao, đem cho con đang bú để khêu chọc cọp dữ, tuy là có lòng chiến đấu nhưng thực đưa vào chỗ chết vậy!

    Ngày xưa vua họ Thừa Tang chỉ lo tu tức àm phế bỏ việc võ bị cho nên nước bị hủy diệt, vua họ Hữu Hổ cậy đông ưa mạnh nên xã tắc phải táng vong. Nhà vua sáng suốt xét việc ấy, ắt bên trong phải lo trau dồi văn đức, bên ngoài lo sửa sang việc võ bị. Sức mạnh ngang với địch mà không tiến được thì đáng gọi là nghĩa dũng! Cho đến khi thấy chết thây đã cứng đơ mới buồn thương thì không đáng gọi là nhân ái.

    Nhân bởi đó, Văn Hầu tự tay mình trải chiếu, phu nhân bưng chiến mời Ngô Khởi uống rượu tại miếu đường, lập khởi làm đại tướng trấn thủ Tây Hà, đánh nhau với chư hầu bảy mươi sáu trận, toàn thắng được sáu mươi tư trận, còn dư lại thì hòa nhau, mở rộng đất bốn phía, giành lấy ngàn dặm đất, tất cả đều là công của Khởi cả.

    Ngô Tử nói: Ngày xưa các bậc vua chúa mưu đồ việc quốc gia, ắt trước hết phải dạy dỗ trăm họ, gần giữ muôn dân.

    Có bốn mối bất hòa:

    – Trong nước không hòa hợp thì đừng ra quân;

    – Trong nước không hòa hợp thì đừng bày trận;

    – Trong nước không hòa hợp thì đừng tiến đánh;

    – Trong khi đánh không hòa hợp thì không thể quyết thắng.

    Bởi thế cho nên bậc vua chúa có đạo lí, nếu muốn sử dụng dân chúng, thì trước hết phải hòa hợp lòng dân rồi sau mới làm được việc lớn. Không dám tin cậy vào mưu kế của riêng mình, ắt phải cáo trước với Trời Đất và tổ tiên nơi tổ miếu, xem việc lành dữ bày ra ở mu rùa coi them thời trời, nếu đều tốt lành cả thì sau mới dấy binh được.

    Người dân liền biết nhà vua thương xót mạng sống của họ, buồn tiếc về sự chết choc của họ, nếu được như thế thì bề trên và người dưới cũng gặp hoạn nạn với nhau thì sĩ tốt sẽ cho rằng tiến tới chỗ chết là vinh, lui về cầu sống là nhục.

    Ngô Tử nói:

    – Đạo là trở về gốc;

    – Nghĩa là làm việc, lập công;

    – Mưu là lìa bỏ điều hại, chạy tới điều lợi.

    – Việc trọng yếu là bảo toàn sự nghiệp giữ gìn sự thành công.

    Nếu hành động không hợp đạo, xử sự không hợp nghĩa mà xử sự ra vẻ ta đây là to hơn, cao sang, ắt là phải gặp tai họa, bởi thế thánh nhân yên dân bằng đạo lí, trị dân bằng chính nghĩa, sai khiến dân bằng nghi lễ, vỗ về dân bằng nhân ái. Bốn đức tính ấy được trau dồi thì nước nhà hưng thịnh, bị phế bỏ đi thì nước nhà suy vong. Cho nên vua Thành Thang đánh vua Kiệt mà dân nhà hạ vui mừng, vua Võ Vương đời Chu đánh vua Trụ mà dân nhà Ân không cho là trái lẽ. Đó là nhờ khởi binh thuận theo Trời và Người nên mới được như thế.

    Ngô Tử nói: Phàm chế định việc nước, sửa trị việc quân ắt là phải lấy lễ nghi để dạy dân, lấy nghĩa vụ để khuyến khích dân, khiến cho người dân biết xấu hổ. Con người ta biết xấu hổ, hễ nhiều làm là đánh, ít làm là giữ; Nhưng:

    Đánh mà thắng được là dễ;

    Giữ mà thắng được là khó;

    Cho nên mới nói rằng: Giữa các nước đánh nhau trong thiên hạ:

    – Ai thắng năm lần thì gặp tai họa;

    – Ai thắng bốn lần thì chịu tệ hại;

    – Ai thắng ba lần thì làm bá;

    – Ai thắng hai lần thì làm vương;

    – Ai thắng một lần thì làm đế.

    Thắng nhiều lần mà chiếm được thiên hạ là trường hợp ít có; thắng nhiều lần mà mất thiên hạ là trường hợp thường thấy.

    Ngô Tử nói: Phàm việc dấy binh mã có năm cớ:

    – Thứ nhất là vì tranh danh;

    – Thứ hai là vì tranh lợi;

    – Thứ ba là vì chứa ác;

    – Thứ tư là vì nội loạn;

    – Thứ năm là vì đói kém;

    Binh lại có năm danh hiệu khác nhau:

    – Thứ nhất là nghĩa binh (binh nghĩa hiệp)

    – Thứ hai là cường binh (binh mạnh)

    – Thứ ba là cương binh (binh cứng)

    – Thứ tư là bạo binh (binh hung dữ)

    – Thứ năm là nghịch binh (binh trái ngược)

    – Ngăn chặn việc bạo ác, cứu nước nhà trong cơn loạn lạc, đó gọi là nghĩa;

    – Cậy đông để đánh người gọi là mạnh;

    – Nhân cơn giận mà dấy binh gọi là cứng;

    – Bỏ lễ nghĩa mà tham lợi gọi là hung dữ;

    – Khi nước loạn, người mệt mà dấy binh đánh người, gọi là trái lẽ.

    Năm loại binh ấy đều có phép khắc phục.

    – Lấy gặp nghĩa binh thì lấy lễ nghĩa mà khắc phục họ;

    – Nếu gặp cường binh thì lấy sự khiêm cung mà khắc phục họ;

    – Nếu gặp cương binh thì lấy sự từ tốn mà khắc phục họ;

    – Nếu gặp bạo binh thì dùng cách đánh lừa mà khắc phục họ;

    – Nếu gặp nghịch binh thì dùng cơ quyền mà khắc phục họ.

    Võ Hầu hỏi rằng: Xin được nghe về phép trị binh nuôi người, giữ nước.

    Khởi đáp rằng: Ngày xưa bậc quân vương sáng suốt ắt phải lo giữ gìn lễ chế giữa vua và tôi, lo trau dồi nghi thức giữa người trên và kẻ dưới, vỗ về trăm họ, gom trị dân chúng, chiếu theo phong tục mà giao huấn, tìm mời các bậc lương thiện tài năng để phòng bị cho khỏi sai lầm.

    Ngày xưa, Tề Hoàn Công chiêu mộ triệu tập được bón văn sĩ tốt mà được thỏa chí. Tần Mậu Công đem ba vạn sĩ tốt ra hãm trận mà khuất phục được các lân bang thù địch. Cho nên làm vua một cường quốc ắt phải nuôi người.

    – Nếu có những kẻ can đảm, mạnh mẽ thì gom họ lại thành một tốp.

    – Nếu có những kẻ hăng hái tiến đánh, cố hết sức để bày tỏ lòng trung dũng thì gom họ lại thành một tốp.

    – Nếu có những kẻ có tài trèo cao, vượt xa, lẹ chân chạy giỏi thì gom họ lại thành một tốp;

    – Nếu có những tôi tớ cũ của nhà vua bị mất chức, nay muốn lập công với bề trên thì gom họ lại thành một tốp;

    – Nếu có những kẻ bỏ thành không giữ, nay muốn rửa vết nhơ ấy thì gom họ lại thành một tốp.

    Đó là năm phép để kén chọn quân tinh nhuệ. Kiếm được ba ngàn người như thế, ở trong đánh ra có thể phá vỡ vòng vây, ở ngoài đánh vào có thể hạ thành.

    Võ Hầu hỏi rằng: Xin được nghe về phép lập trận cho được vững vàng, phép giữ gìn cho được chắc chắn, phép đánh phá cho được thắng lợi.

    Khởi đáp rằng: Nhà vua đứng xem thì còn có thể hiểu cách thức được, há chỉ nghe giảng mà hiểu được sao?

    Nếu vua đăt người hiền tài ở trên, kẻ ngu xuẩn ở dưới thì có thể bày trận vững vàng;

    Nếu nhân dân sống yên ổn với nhà ruộng của họ, thân yêu quan lại coi sóc họ, thì có thể giữ gìn chắc chắn;

    Nếu trăm họ co là vua ta phải lẽ, địch quốc trái lẽ, thì có thể đánh phá thắng lợi.

    Thường khi Võ Hầu bàn luận việc nước, mà thấy các quan trong triều không ai thông thái bằng mình được, thì lúc bãi triều vua tỏ vẻ vui mừng.

    Khởi tiến lên nói rằng: Ngày xưa, thường khi vua Sở Trang Vương bàn luận việc nước, mà thấy các quan trong triều không ai thông thái bằng mình thì lúc bãi triều Vua tỏ vẻ lo buồn. Thân Công hỏi vua rằng: Vua có vẻ lo buồn, vì sao thế? Vua đáp: Quả nhân nghe rằng đời không bao giờ hết thánh nhân, nước không bao giờ thiếu hiền tài, ai được các bậc ấy làm thầy là người ấy làm Vương, ai được các bậc ấy làm bạn thì người ấy làm Bá. Nay quả nhân là người bất tài, mà các quan trong triều không ai hơn được quả nhân, đó là điều nguy hại của nước Sở vậy vào trường hợp Sở Trang Vương lo buồn mà nhà vua lại vui mừng thì hạ thần phải thầm lo sợ vậy!

    Nghe nói thế, Võ Hầu bèn có sắc khen.


    Thiên thứ 2: TRÙ LIỆU ĐỐI PHÓ VỚI QUÂN ĐỊCH.

    Võ Hầu nói với Ngô Khởi rằng: Nay nước Tần hiếp phía Tây nước ta, nước Sở bịt phía Nam nước ta, nước Triệu ép phía Bắc nước ta, nước Tề lấn phía Đông nước ta, nước Yên chặn phía sau nước ta, binh sáu nước đem giữ chặt bốn phía, ta bị kẹt vào thế phá bất tiện, biết lo tính làm sao đây?

    Khởi đáp rằng: Phép giữ nước nhà là trước hết phải lấy sự phòng bị làm quý. Nay vua biết phòng bị thì tai họa còn xa xăm chưa thể tới được. Hạ thần xin luận về phong tục, tính tình của người dân sáu nước:

    Nước Tề bày trận cẩn thận mà không vững bền;

    Nước Tần bày trận rời rạc nhưng biết tự đánh;

    Nước Sở bày trận chỉnh tề nhưng không được lâu;

    Nước Yên bày trận giữ thế thủ nhưng không bỏ chạy;

    Tam Tấn bày trận có trật tự nhưng không vận dụng.

    Dân Tề tính khí cứng cỏi, nước giàu, vua tôi kiêu căng xa xỉ, nhưng việc săn sóc lê dân rất sơ sài, nền chính trị khoan dung nhưng bổng lộc phân chia không đều, một trận mà hai lòng, phía trước cẩn thận mà phía sau khinh suất, cho nên bày trận cẩn thận mà không vững bền. Phép đánh họ ắt là chia quân ra ba phần mà đánh vào hai hông phải và trái, bám sát theo họ thì có thể phá trận của họ được.

    Dân Tần tính khí mạnh mẽ, đất đai hiểm trở nên chính trị nghiêm khắc, sự thưởng phạt đúng đắn, người dân không nhúng nhường, ai ai cũng có lòng chiến đấu, cho nên bày trận rời rạc mà mọi người đều biết tự đánh. Phép đánh họ là trước hết phải bày điều lợi để dẫn dụ họ, sĩ tốt tham đoạt lợi nên rời xa tướng súy, thừa dịp họ khinh suất đuổi theo làm cho ba quân rời rạc, và đặt phục binh chờ cơ hội mà đánh úp thì có thể bắt tướng súy của họ được.

    Dân Sở tính khí yếu ớt, đất đai rộng rãi, nền chính trị rối loạn, dân chúng mỏi mệt, cho nên bày trận chỉnh tề nhưng không được lâu dài. Phép đánh họ là ùa đánh vào các đồn trước hết phá tan nhuệ khí của họ. Thình lình rồi đánh, rồi rút lui thật nhanh, làm cho họ khốn đốn vất vã, chớ nên giao tranh với họ, làm như thế thì có thể đánh bại quân họ được.

    Dân Yên tính khí thành thực, cẩn thận, thích sự nghĩa dũng, ít mưu mô dối trá, cho nên cố giữ mà không bỏ chạy. Phép đánh họ là đến sát bức bách họ, đánh phá họ rồi bỏ đi xa, cho quân kị chạy vòng ra phía sau họ thật nhanh, làm cho bên địch trên thì nghi ngờ, dưới thì sợ hãi, phải cận thận đề phòng chiến xa và quân kị của ta, như thế tướng của họ phải né tránh ta và ta có thể chận bắt được.

    Tam Tấn chính là Trung Quốc, tính tình hòa nhã, nền chính trị bình an, dân chúng đã mệt mỏi vì chiến tranh, đã tập quen việc binh bị, tướng súy bị bạc đãi, bổng lộc ít ỏi, sĩ tốt không có lòng liều chết nên tuy có trật tự mà không sử dụng được. Phép đánh họ là bày trận mà ngăn chận họ, họ đến thì ta chống cự, họ bỏ đi thì ta đuổi theo, cốt làm cho quân đội của họ mệt mỏi, đó là thế đánh.

    Thế rồi, trong mỗi đội quân, ắt có những dũng sĩ, đủ sức gánh vác nhẹ nhàng, chân chạy lẹ làng như ngựa rợ Nhung, giật cờ bắt tướng đều có đủ khả năng, nếu được hạng người như thế thì chọn riêng họ ra, thương yêu, quý mến họ, đó gọi là quân mệnh; theo công dụng của họ mà chia ra năm thứ binh: Tài giỏi, mạnh mẽ, dẻo dai, mau lẹ, nuôi chí nuốt địch, đều ban them cho họ phẩm tước, để họ quyết thắng, hậu đãi cha mẹ, vợ con họ, tưởng thưởng để khuyến khích họ, trừng phạt để uy phục họ, hạng sĩ tốt ấy có thể lập trận vững bền, giữ nước lâu dài. Nếu biết suy xét điều ấy thì sức đánh của quân ta sẽ tăng gấp bội.

    Võ Hầu khen là hay.

    Ngô Tử nói rằng: Khi trù liệu đối địch, có tám trường hợp nên đánh ngay mà chẳng cần bói toán:

    – Thứ nhất là khi gió lớn, trời lạnh gắt, địch thức dậy sớm để dời binh, phá băng vượt nước, không ngại gian nan.

    – Thứ hai là đang ngày hè nóng nực, trời trong vắt không mây, quân địch chịu đói khát rong ruổi, cốt để giành giựt ở nơi xa;

    – Thứ ba là địch quân bị kẹt cứng lâu ngày ở một chỗ, lương thực hết sạch, trăm họ oán giận, nhiều kẻ bàn tán việc hòa phục mà cấp trên không ngăn cắm được.

    – Thứ tư là địch quân hết sạch tiền của lương thực, củi cỏ thì ít ỏi, trời thì nhiều mây mưa, muốn đi cướp giật để ăn mà cũng không tìm ra chổ nào;

    – Thứ năm là địch gặp cảnh sĩ tốt không nhiều, đất nước không tiện lợi, người ngựa bị bệnh tật, các nước láng giềng bốn bên không đến giúp;

    – Thứ sáu là địch gặp cảnh đường còn xa mà trời đã tối, sĩ tốt vất vả và lo sợ, mệt mỏi và chưa ăn, đang cởi giáp để nghỉ ngơi.

    – Thứ bảy là bên địch, tướng tá ăn ở lạt lẽo, nhỏ nhen, lại sĩ khinh suất, lính tráng không vững vàng, ba quân nhiều lần sợ hãi, quân đội không được giúp đỡ.

    – Thứ tám là bên địch bày trận chưa hẳn hoi, dựng dinh trại chưa xong, đi ngược triền dốc, qua nơi hiểm trở, nửa ẩn nửa hiện.

    Gặp những trường hợp như thế, ta nên đánh chúng mà chớ nghi ngại gì cả. Có sáu trường hợp phải tránh né địch quân mà không cần xem tốt xấu.

    – Thứ nhất là địch có đất đai rộng rãi bao la, nhân dân giàu có, đông đúc;

    – Thứ hai là bên địch, người trên biết thương kẻ dưới, ân huệ ban bố đầy rẫy khắp dân chúng;

    – Thứ ba là bên địch, sự tưởng thưởng rất tín thực, hình phạt đúng đắn và thi hành đúng lúc;

    – Thứ tư là bên địch đánh trận thì thành công, ở nhà thì tề chỉnh, biết sử dụng người hiền năng;

    – Thứ năm là địch có quân lính đông đảo, rất tinh tường việc binh giáp;

    – Thứ sáu là địch có các lân bang bốn bên trợ giúp, có nước lớn sẵn sang cứu viện;

    – Nếu thấy rằng ta không bằng địch về các phương tiện ấy thì nên né tránh mà đừng đánh chúng, đó gọi là: "thấy dễ thì tiến, thấy khó thì lui".

    Võ Hầu hỏi rằng: Ta muốn xem tình trạng bên ngoài của địch mà biết được tình hình bên trong, xem cách chúng tiến lên mà biết rằng chúng muốn dừng lại, để quyết định sự hơn thua. Ngài có thể giảng cho ta nghe được không?

    Khởi đáp rằng: Quân địch đến gần, như ra vẻ vô tư lự, cờ xí rối loạn, người ngựa ngược xuôi không ngay ngắn chỉnh tề, nếu gặp trường hợp như thế, một người bên ta có thể đánh mười người bên địch, khiến cho chúng không thể sắp đặt kịp thời đối phó với ta.

    Các nước chư hầu chưa tụ hội để giúp nhau, vua tôi của họ chưa hòa hợp, hào lũy chưa chuẩn bị xong, mệnh lệnh chưa được thi hành, ba quân huyên náo. Họ muốn tiến lên mà không được, muốn lui về mà không dám, nếu gặp trường hợp như thế, một số ít quân ta cũng có thể đạnh bại số nhiều quân địch, một trăm trận cũng không nguy hại.

    Võ Hầu hỏi: Nên đánh địch vào những lúc nào?

    Khởi đáp rằng: Khi dụng binh nên dò xét để biết quân địch mạnh hay yếu vào lúc nào và ở chỗ nào để đánh chúng vào lúc nguy nan;

    – Quân địch đi từ xa mới tới, hàng lối chưa chỉnh tề: Nên đánh chúng!

    – Quân địch mới bắt đầu ăn chưa sắp đặt sẵn sang: Nên đánh chúng!

    – Quân địch chạy trốn: Nên đánh chúng!

    – Quân địch đang làm lụng khó nhọc: Nên đánh chúng!

    – Quân địch chưa chiếm được địa lợi: Nên đánh chúng!

    – Quân địch trể nải, chuẩn bị không kịp ngày giờ: Nên đánh chúng!

    – Quân địch vượt đường dài, mới tới chưa kịp nghỉ ngơi: Nên đánh chúng!

    – Tướng địch rời xa sĩ tốt: Nên đánh chúng!

    – Quân địch có lòng sợ hãi: Nên đánh chúng!

    Gặp những trường hợp như thế, ta chọn sĩ tốt tinh nhuệ để xông tới rồi chia binh tiếp thêm vào, đánh gấp mà chớ nghi ngại gì cả.


    Thiên thứ 3: TRỊ BINH

    Võ Hầu hỏi rằng: Trong phép dùng binh, cần làm việc gì trước nhất?

    Khởi đáp rằng: Trước hết phải biết rõ bốn điều dễ, hai việc lớn, một điều tín thực.

    Hỏi: Sao lại gọi như thế?

    Đáp: Đó là làm cho đất dễ đi bằng ngựa, ngựa dễ kéo xe, xe dễ chở người, người dễ chiến đấu.

    – Biết rõ đất dễ, đất khó thì đất dễ đi bằng ngựa;

    – Cung ứng cỏ rơm kịp thời, thì ngựa dễ kéo xe;

    – Mỡ và dầu trục xe dư dùng, thì xe dễ chở người;

    – Gươm giáo bén nhọn, bào giáp bền bỉ, thì người dễ chiến đấu.

    – Tiến lên thì được thưởng lớn, lui về thì bị phạt nặng;

    – Thi hành tín thực

    Nếu xét làm được những việc ấy thì có thể làm chủ được sự chiến thắng.

    Võ Hầu hỏi rằng: Binh lấy gì làm ưu thắng?

    Khởi đáp rằng: Lấy trật tự làm ưu thắng.

    Lại hỏi rằng: Có phải nhờ đông đảo không?

    Đáp: Nếu pháp lệnh không sáng suốt, thưởng phạt không tin thực, chiêng đánh không đúng, trống đánh không tới, tuy có trăm vạn binh, dùng được ít gì?

    Điều gọi là trật tự có nghĩa là ăn ở theo lễ nghi, cử động có uy vũ, tiến tới thì không ai chống cự nổi, lui về thì không ai đuổi kịp, tiến quân đánh đuổi trúng tiết, tả quân hữu quân ứng biến kịp thời theo hiệu lệnh, tuy ở thế kẹt cũng bày trận hẳn hoi, tuy tản ra mà vẫn còn hàng ngũ.

    Cùng hưởng cảnh an vui với họ, cùng chịu cảnh nguy nan với họ, nên sĩ tốt luôn luôn quay quần theo ta mà không bao giờ li tán, có thể sử dụng mãi mà không bao giờ mỏi mệt, nên quân sĩ vào nơi nào thì thiên hạ không chống cự nổi, đó gọi là binh cha con.

    Ngô Tử nói rằng: Theo phép hành quân, chớ nên đi đứng trái tiết, chớ nên ăn uống trái thời, chớ làm kiệt sức người và ngựa, đó là ba điều kiện để sĩ tốt dễ thi hành lệnh trên. Sĩ tốt thi hành lệnh trên, đó là nguồn gốc của sự trị an. Nếu đi đứng không đúng tiết, ăn uống không đúng thời, người ngựa mệt mõi không được nghỉ ngơi, đó là nguyên nhân làm cho sĩ tốt không thi hành lệnh trên. Lệnh trên bị khinh rẻ thì khi ở yên bình sẽ rối loạn, khi đánh giặc binh sẽ thất bại.

    Ngô tử nói rằng: Khi binh ở chiến trường, đừng vào đất chết, hễ liều chết thì được sống, cầu sống thì phải chết; người tướng giỏi cầm binh cũng giống như ngồi trong thuyền thủng đáy bị nước rỉ vào, hoặc đang nằm ấm trong nhà mà chạy, việc xảy ra thật là cấp bách khiến cho người có trí cũng không kịp mưu tính được gì, kẻ dũng cảm cũng không kịp nổi giận, phải như thế mới có thể ứng địch được. Cho nên có nói rằng: Trong các điều hại của sự dùng binh, sự do dự là nguy hại nhất; tai họa của ba quân sinh ra do sự hồ nghi.

    Ngô Tử nói rằng: Người ta thường chết ở chỗ mà mình bất lực, thường thất bại ở chỗ bất tiện cho mình. Cho nên trong phép dùng binh, sự răn dạy phải đứng đầu.

    – Một người học đánh, dạy lại thành mười người biết đánh;

    – Mười người học đánh, dạy lại thành trăm người biết đánh;

    – Trăm người học đánh, dạy lại thành ngàn người biết đánh;

    – Ngàn người học đánh, dạy lại thành muôn người biết đánh;

    – Muôn người học đánh, dạy lại thành ba quân biết đánh;

    – Lấy ta ở gần chờ đánh địch từ xa tới;

    – Lấy ta nhàn chờ đanh địch mệt;

    – Lấy ta no chờ đánh địch đói;

    – Binh ta đang bày viên trận, ta buộc đổi thành phương trận;

    – Binh ta đang ngồi, ta buộc đứng dậy đi;

    – Binh ta đang đi, ta buộc đứng lại;

    – Binh ta đang đi qua trái, ta buộc đi qua phải;

    – Binh ta đang quay qua trước, ta buộc đi quay qua sau;

    – Binh ta đang phân tán, ta buộc tụ hợp lại;

    – Binh ta đang kế hợp, ta buộc giải tán.

    Mỗi việc biến dịch ấy đều phải tập tành cho quen thuộc rồi mới sử dụng binh ấy được, đó là phận sự của tướng súy.

    Ngô Tử nói rằng: Theo phép dạy đánh thì:

    – Người thấp cầm giáo kích;

    – Người cao cầm cung nỏ;

    – Người mạnh cầm cờ xí;

    – Người dạn cầm chiêng trống;

    – Người yếu làm việc vặt vãnh và nấu ăn;

    – Người trí làm chủ mưu;

    – Làng xóm nương nhau;

    – Các đội thập và đội ngũ che chở nhau;

    – Nghe một tiếng trống thì sắp binh chỉnh tề;

    – Nghe hai tiếng trống thì tập trận;

    – Nghe ba tiếng trống thì đi ăn;

    – Nghe bốn tiếng trống thì làm việc nghiêm chỉnh;

    – Nghe năm tiếng trống thì vào hàng;

    – Nghe trống và chiêng cùng đánh một lần rồi mới đưa cờ lên.

    Võ Hầu hỏi rằng: Ba quân đi đứng há phải có phép tắc sao?

    Khởi đáp: Không thể chống với thiên táo (bếp trời), không thể chống với long đầu (đầu rồng). Thiên táo là miệng hang lớn, long đầu là đầu núi lớn, ắt là bên trái có Thanh long, bên phải có Bạch hổ, trước mặt có Chu tước, sau lưng có Huyền Vũ.

    Người ở trên được thế chủ động, người ở dưới phải tuân theo thế bị động.

    Lúc sắp đánh, phải xem xét gió thổi theo hướng nào. Nếu gió thổi thuận chiều cho ta, thì ta hô lớn và đánh theo chiều gió; nếu gió thổi ngược chiều với ta, thì ta lập vững bền để chờ đánh địch.

    Võ Hầu hỏi rằng: Về việc nuôi người và ngựa, phải cho ở chỗ yên ổn, dễ kiếm cỏ, nước, lo liệu việc no đói của chúng cho có chừng mực. Về mùa đông thì cho ở chuồng ấm, về mùa hè thì cho ở chuồng mát, cắt bớt lông bườm để cho thông xuống bốn phía, bịt kín mắt và tai để ngựa khỏi sợ hãi, tập cho quen chạy mau, tập cho quen đi đứng đúng phép, người và ngựa phải gần gũi quen thuộc nhau rồi mới sử dụng được. Các dụng cụ về ngựa xe là yên, cương, dàm và hàm khớp, phải lo cho đủ đầy, bền chắc. Thường thường thì ngựa không trước thì sau, đều bị tổn hại; không tổn hại vì đói thì cũng bị tổn hại vì no. Trời đã tối mà đường còn xa, thì nhiều khi thà để cho người mệt mà cẩn thận chớ cho ngựa mệt, nhờ đó mà ngựa có dư sức để phòng bị trường hợp địch đánh úp ta. Hiểu rõ việc ấy thì tha hồ dọc ngang giữa thiên hạ.
     
  4. Dương Thần

    Bài viết:
    76
    Hạ quyển

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thiên thứ 4: LUẬN TƯỚNG

    Ngô Tử nói rằng: Ai có tài kiêm văn võ thì có thể làm tướng cầm ba quân; ai giỏi gồm được hai thuật cứng mềm thì có thể coi được việc binh.

    Người ta luận tướng, thường xét tính dũng cảm của họ, nhưng tính dũng cảm ấy chỉ đáng coi là một phần nhỏ trong toàn thể đức tính của tướng súy. Người dũng cảm ắt là coi thường sự hợp chiến; coi thường sự hợp chiến mà không biết đâu là lợi ích, chưa phải là điều hay.

    Cho nên tướng súy có 5 điều thận trọng:

    – Thứ nhất là chỉnh lí;

    – Thứ hai là chuẩn bị;

    – Thứ ba là quả cảm;

    – Thứ tư là giới luật;

    – Thứ năm là giản ước;

    – Biết chỉnh lí thì trị nhiều người cũng giống như trị ít người;

    – Biết chuẩn bị thì đi ra cửa cũng giống như đi gặp địch;

    – Có lòng quả cảm thì khi gặp địch, không hề cầu sống;

    – Biết giữ giới luật thì dù có hơn thua, cũng giống như mới đánh.

    – Có tính giản ước thì pháp lệnh vắn tắt mà không rắc rối. Nhận mệnh lệnh rồi thì không từ nan, dẹp địch xong rồi mới nói chuyện trở về, đó là lễ nghi của tướng súy.

    Cho nên từ ngày ra quân, thà chết vinh còn hơn sống nhục.

    Ngô Tử nói rằng: Việc binh có 4 binh cơ (bốn việc binh then chốt) :

    – Thứ nhất là khí cơ;

    – Thứ hai là địa cơ;

    – Thứ ba là sự cơ;

    – Thứ tư là lực cơ;

    – Các việc sắp đặt to hay nhỏ của ba quân dù đông tới trăm vạn, cũng đều gom lại để do một người cầm nắm, đó gọi là khí cơ (việc chỉ huy) ;

    – Đường sá chật hẹp, hiểm trở, núi cao chận đường, mười người chấn giữ thì ngàn người không vượt qua được, đó là địa cơ (việc coi đất) ;

    – Giởi việc gián điệp, cho khinh binh đi về, làm li tán quân địch, khiến cho vui tôi họ oán nhau, trên dưới đổ lỗi cho nhau, đó gọi là sự cơ (việc gián điệp, tình báo) ;

    – Xe cộ bền bỉ, thuyền bè tiện lợi, sĩ tốt thiện chiến, ngựa voi tập quen di đứng, chạy nhảy, đó gọi là lực cơ (việc quân nhu và huấn luyện).

    Biết rõ bốn việc ấy thì có thể làm tướng.

    Tuy nhiên người tướng phải có đủ uy, đức, nhân, dũng để dẫn dắt người dưới, trị yên ba quân, khiến địch sợ hãi, có tài quyết đoán không để hồ nghi, ban lệnh cho thì kẻ dưới không dám làm trái, đến nơi nào thì giặc không dám chống cự. Được tướng ấy thì nước mạnh, bỏ tướng ấy thì nước mất, đó gọi là tướng giỏi.

    Ngô Tử nói rằng:

    – Dùng chiêng trống chuông mõ là để tai sợ uy;

    – Vẫy phất cờ xí là để mắt sợ uy;

    – Bày ra các điều cấm chế, hinh phạt là để lòng sợ uy;

    – Tiếng làm tai sợ uy, không thể không thanh;

    – Sắc làm mắt sợ uy, không thể không sáng;

    – Hình phạt làm lòng sợ uy, không thể không nghiêm.

    Ba việc ấy không hẳn hoi thì dù có được nước cũng bị địch đánh bại.

    Cho nên có nói rằng:

    – Tướng vẫy về phía nào, không thể không đi theo phía ấy;

    – Tướng đã chỉ tay, không thể không tiến lên mà chết.

    Ngô Tử nói rằng: Khi cần tranh chiến, việc cốt yếu là trước hết phải dò xét tướng lĩnh của quân địch, quan sát tài năng của họ, tùy theo hình thế mà dùng quyền mưu, thì không vất vã mà lập được công.

    – Tướng của địch ngu ngốc mà lại tin người thì ta có thể lừa dối họ để dẫn dụ họ;

    – Tướng địch tham lam mà không cầu danh thì ta có thể dùng tiền của để hối lộ;

    – Tướng địch cử động không thận trọng mà lại thiếu quyền mưu, thì ta có thể làm cho họ vất vả, lâm cảnh nguy khốn;

    – Bên địch người trên giàu có mà kêu căng, kẻ dưới nghèo khó mà oán vọng, thì ta li gián họ;

    – Quân địch tới lui không quyết định, sĩ tốt không biết nương tựa vào đâu, ta có thể làm cho họ rung động mà chốn chạy;

    – Bên địch, sĩ tốt coi thường tướng súy mà có bụng muốn về, chọn các nơi dễ đi, mở thông các nơi khó đi, ta chờ cơ hội mà đánh chiếm;

    – Quân địch dễ tới, khó lui, như thế chúng có thể tiến tới trước (để đánh ta) ;

    – Quân địch khó tới, dễ lui, ta có thể xông tới gần mà đánh chúng;

    – Địch đóng quân nơi ẩm thấp, nước chảy không thông, gặp khi mưa dầm, thì sẽ bị lụt lội, chìm đắm;

    – Địch đóng quân nơi hoang vu, cỏ gai rậm rạp, gió thường thổi mạnh, ta có thể dùng lửa để đốt chúng;

    – Địch ở mãi không đi, tướng sĩ trễ biếng, như thế quân địch không phòng bị, ta có thể âm thầm đến đánh úp chúng.

    Võ Hầu hỏi rằng: Hai quân đối mặt nhau, không biết tướng địch như thế nào, ta muốn dò xét tướng của họ, phải dùng phương pháp nào?

    Khởi đáp rằng: Nếu mệnh lệnh tầm thường mà tỏ ra dũng cảm, tướng địch tỏ ra coi thường sĩ tốt tinh nhuệ của ta như thế là địch muốn bỏ chạy chớ không muốn đánh chiếm.

    Nếu ta thấy địch đi tới, kẻ ngồi người đứng, chính pháp của họ chỉ cốt để trị yên, họ trốn chạy làm ra vẻ không bằng ta, lại thấy điều lợi mà làm như không hay biết gì, tướng địch như thế đáng gọi là tướng mưu trí, không nên đánh nhau với họ.

    Nếu quân địch huyên náo, cờ xí rối loạn, sĩ tốt muốn đi thì đi, muốn dừng thì dừng, binh đội tự do đi ngang đi dọc không có khuôn phép, khi trốn chạy thì lo rằng không kịp, khi thấy lợi thì lo không chiếm được, đó là hạng tướng ngu ngốc, dù có nhiều quân, ta cũng vẫn đánh bại chúng được.


    Thiên thứ 5: ỨNG BIẾN

    Võ Hầu hỏi rằng: Xe bền người tốt, tướng dạn binh mạnh, bỗng gặp địch, sĩ tốt rối loạn mất hàng ngũ, bấy giờ phải làm thế nào?

    Khởi đáp rằng: Theo phép đánh thì ban ngày phất cờ, xí, phan để làm hiệu lệnh, ban đêm dùng chiêng, trống, kèn, sáo để làm hiệu lệnh; phất qua trái thì đi qua trái, phất qua phải thì đi qua phải, đánh trống thì tiến tới, đánh chiêng thì dừng lại; kèn thổi một lần thì đi, lần thứ hai thì họp lại; ai trái lệnh thì chem. , ba quân phải sợ uy, sĩ tốt phải tuân mệnh, như thế thì ta đánh, quân địch không còn mạnh với ta được, trận địch không còn vững chắc với ta được.

    Võ Hầu hỏi rằng: Nếu địch đông, ta ít, phải làm thế nào?

    Khởi đáp rằng: Ở đất dễ ta tránh địch, ở đất kẹt ta đón chúng. Cho nên nói rằng:

    – Lấy một đánh mười, không đâu tốt bằng đất kẹt;

    – Lấy mười đánh trăm, không đâu tốt bằng đất hiểm;

    – Lấy ngàn đánh muôn, không đâu tốt bằng đất khó.

    Nay ta chỉ có ít sĩ tốt nhưng thình lình ta đánh chuông, nổi trống, thì ở nơi đường kẹt dù có đông quân đi nữa, chúng cũng không khỏi kinh động, Cho nên có nói rằng:

    – Dùng quân đông, cần đất dễ;

    – Dùng quân ít cần đất hiểm.

    Võ Hầu hỏi rằng: Địch có quân đông, đã mạnh lại dạn, dựa vào nơi hiểm trở, nên phải có núi bên trái có sông, hào sâu thành cao, dùng nỏ mạnh để giữ kỹ, lui về như núi dời, tiến tới như gió mưa, lương thực lại nhiều, ta khó mà cầm cự lâu dài với họ, phải làm thế nào?

    Khởi đáp rằng: Việc vua hỏi thật là quan trọng! Trong trường hợp ấy không thể dùng sức xe ngựa mà dùng mưu kế của thánh nhân. Thường nên dùng ngàn cỗ xe, một vạn quân kị, dùng quân đi bộ thêm vào, chia ra thành năm đạo quân, mỗi đạo quân đi một đường. Bởi vì năm đạo quân đi năm đường khác nhau nên quân địch hồ nghi không biết ta sẽ đánh vào nơi nào. Nếu địch giữ kỹ, lo cũng cố binh đội, ta phải cho gián điệp đến dò xét cách sắp đặt của họ. Hoặc họ nghe lời ta rút quân mà đi; hoặc họ không nghe lời ta, chém sứ đốt thư, thì chia ra năm đạo mà tiến đánh, đánh thắng thì đừng đuổi theo định, không thắng thì lui về gấp làm ra vẻ bỏ trốn; nếu địch không nghi ngờ mà yên lòng theo ta để đánh gấp, thì ta cho một đạo quân chận đầu, một đạo quân chặn đuôi, rồi cho hai đạo quân ngầm tán quân ra hai phía trái và phải đánh úp vào nơi chúng đóng binh, năm đạo quân cùng đánh, ắt sẽ đươc thắng lợi, đó là phép đánh quân mạnh.

    Võ Hầu hỏi rằng: Địch đến gần bức bách ta, ta muốn bỏ đi để tránh chúng mà không có đường, quân ta hết sức sợ hãi, bấy giờ phải làm thế nào?

    Khởi đáp rằng: Phép đối phó với chúng là: Nếu ta nhiều quân mà chúng ít quân thì ta chia quân ra đánh để đè bẹp chúng; nếu chúng đông quân còn ta ít quân, thì ta theo một hướng nhất định mà đánh chúng, cứ đánh riết đừng cho lơi lỏng, như thế dù chúng đông quân cũng phải thua ta.

    Võ Hầu hỏi rằng: Nếu gặp địch ở chốn hang, lạch, ở chung quanh có nhiều nơi hiểm trở, địch nhiều quân còn ta ít quân, phải làm thế nào?

    Khởi đáp rằng: Ở các chốn gò, đồi, rừng, hang, núi cao, đầm rộng, nên đi mau cho qua khỏi, chớ nên nương tựa vào đó. Nếu tại chốn núi cao hang sâu, thình lình gặp địch, ta ắt hẳn trước hết đánh trống reo hò mà xông vào đánh chúng, đem cung nỏ ra trước, vừa bắn vừa bắt chúng, hễ xét thấy chúng rối loạn thì đánh gấp chớ nên nghi ngại gì cả.

    Võ Hầu hỏi rằng: Ở bên trái và bên phải đều có núi cao, ở giữa đất rất chật hẹp, bỗng ta gặp quân địch, muốn đánh chúng mà không dám, muốn tránh chúng mà không được, hỏi phải làm thế nào?

    Khởi đáp rằng: Đó là trường hợp đánh trong hang núi, tuy nhiều quân cũng vô ích, một ít sĩ tốt tài giỏi của ta cũng có thể đối phó ngang sức với quân địch, ta cho binh mạnh lẹ chân đi trước, cho xe, ngựa nấp ở bốn phía, rồi rút cánh xa địch vài dặm, địch không thấy binh xe ngựa ấy của ta, ắt hẵn bày trận giữ vững, không dám lui tới. Bấy giờ ta mới giăng bày cờ xí ra, đi ra khỏi núi mà đóng dinh, như thế địch phải sợ ta: Ta liền đem xe ngựa khiêu chiến, đánh riết đừng cho địch nghỉ ngơi, đó là phép đánh trong hang.

    Võ Hầu hỏi rằng: Ta và địch gặp nhau tại chỗ đầm lầy nước lớn, nghiêng bánh ngập càng, hoặc là nay nước cạn, xe ngựa hay thuyền đò, đều không dùng được, tới lui chẳng được, bấy giờ phải làm thế nào?

    Khởi đáp rằng; Đó là trường hợp đánh trước tiên, không dùng xe ngựa được, phải dẹp vào một bên. Hãy leo cao nhìn bốn phía để biết hình thế nước như thế nào, xem kỹ vùng nước rộng hẹp sâu cạn như thế nào, rồi sau mới lập mưu kế để chiến thắng. Nếu địch vượt nước, ta chờ địch qua nửa chừng rồi là đánh chúng.

    Võ Hầu hỏi rằng: Trời mưa dầm lâu ngày, xe ngựa bị kẹt không dời chuyển được, bốn phía đều bị bao vây, ba quân sợ hãi, phải làm thế nào?

    Khởi đáp rằng: Về phép dừng xe, trời mưa ẩm thấp thì nghỉ, trời nắng khô ráo thì dừng, quý nơi cao mà chê nơi thấp. Khi dừng xe nặng, đi đứng đều phải tuân theo đường sá, địch dấy binh ắt hẳn sẽ đuổi theo dấu bánh xe.

    Võ Hầu hỏi rằng: Giặc dữ thình lình kéo đến, chiếm đồng ruộng của ta, bắt trâu dê của ta, phải làm thế nào?

    Khởi đáp rằng: Giặc dữ kéo đến, ắt lo lắng về cái hoàn cảnh miễn cưỡng của chúng ta, ta bèn giữ kỹ chớ đánh chúng ngay, đến chiều chúng sẽ rút lui, đùm bọc, khiêng dắt nhiều đồ vật; bấy giờ chúng phải sợ sệt, muốn lui về cho gấp, như thế chúng không có lòng chuyên chú chiến đấu, ta bèn đuổi theo mà đánh thì quân địch phải tan vỡ.

    Ngô Tử nói rằng: Phép đánh địch vây thành là sau khi hạ được thành ấp, ta vào chiếm cung phủ, sắp đặt lộc trật (tổ chức việc cai trị), tịch thu khí vật của họ; quân ta đến chỗ nào, cấm chúng không được chặt cây, phá nhà, lấy lúa gạo, giết gia súc, đốt kho chứa trữ, để tỏ cho dân chúng rằng quân ta không có lòng tàn nhẫn; bên địch có ai xin ra hàng, ta cũng bằng lòng cho hàng và an ủi họ.


    Thiên thứ 6: KHÍCH LỆ SĨ TỐT

    Võ Hầu hỏi rằng: Thưởng phạt nghiêm minh, riêng việc ấy có đủ để chiến thắng không?

    Khởi đáp rằng: Về việc nghiêm minh, hạ thần không dáp cho rằng mình biết đủ hết, tuy nhiên chớ nên trông cậy vào đó. Ban bố hiệu lệnh mà dân thích nghe, dấy động binh mã mà dân ham đánh, đem ra chỗ chiến trường đầu tên mũi giáo mà dân vui lòng liều chết, đó là ba điều mà dân chúa có thể trông cậy.

    Võ Hầu hỏi: Muốn được như thế phải làm thế nào?

    Khởi đáp: Nhà vua nên cất nhắc những người có công trạng để họ hưởng lộc và khuyến khích những kẻ vô công.

    Bấy giờ Võ Hầu sắp ngồi tại miếu đình ba hạng khách tiệc:

    – Các quan đại phu, các người có công đầu được ngồi chiếu ăn hàng đầu, được đãi thức ăn uống bậc nhất, thịt tế bậc nhất;

    – Các người có công kém hơn được ngồi chiếu hàng giữa, được đãi kém hơn;

    – Các người không công được ngồi chiếu ăn hàng sau, không được đãi các thức thượng phẩm.

    Tất cả ăn uống xong rồi đi ra. Lại ban thưởng cho cha mẹ, vợ con của các kẻ có công ngay ngoài cửa miếu đường, cũng bằng theo công trạng mà đãi cao thấp khác nhau.

    Đối với nhà nào có người chết trận, hàng năm sai sứ giả đến an ủi và ban thưởng cho cha mẹ, để tỏ lòng không quên công lao.

    Thi hành việc thưởng công ấp được ba năm thì gặp lúc nước tầng dấy binh xâm phậm đất Tây Hà, sĩ tốt nước Ngụy nghe được tin ấy, không đợi lệnh trên sai khiến mà đã mặc áo giáp, đội mũ trụ rang sức đánh giặc, số người ấy lên tới vạn người.

    Võ Hầu triệu Ngô Khởi đến hỏi rằng: Lời dạy của ngài ngày trước bây giờ đã thi hành được rồi!

    Khởi đáp rằng: Hạ thần được nghe rằng người ta có điều hay điều dở, khí có khi thịnh khi suy, xin nhà vua hãy giao cho thần năm vạn kẻ không công, thần xin dẫn họ đi đánh giặc, nếu lỡ ra mà không thắng, thì để cho chư hầu chê cười, và chịu mất quyền hành giữa thiên hạ. Nay khiến một tên tử tù nấp ở nơi đồng hoang, và cho ngàn người theo đuổi nó, thì nó không khỏi trở nên dữ tợn như chim kiêu, như chó sói, bởi có sao? Bởi nó sợ người ta hành động hung dữ mà hại nó vậy. Đó là một người liều mạng đủ khiến cho ngàn người phải sợ hãi. Nay hạ thần lấy năm vạn quân mà làm một tên tử tù để dẫn quân ấy đi đánh giặc, chắc chắn là giặc khó địch lại ta.

    Võ Hầu nghe lời, thêm vào năm trăm cỗ xe, ba ngàn quân kị, mà phá được năm mươi vạn quân Tần, đó là nhờ khuyến khích sĩ tốt lập công vậy. Một ngày trước khi giao chiến, Ngô Khởi ban lệnh xuống ba quân nói rằng: Các sĩ tốt của ta đang bị xe ngựa và lính bộ của địch đón đánh, nếu xe của ta không bắt được xe của địch, lính kị của ta không bắt được lính kị của địch, lính bộ của ta không bắt được lính kị của địch, dù có phá được địch cũng đều không có công trạng gì cả. Cho nên đến ngày đánh, mệnh lệnh không rắc rối mà uy vũ làm rung động tất cả thiên hạ.
     
    shasha thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...