Review Sách Bỉ Vỏ - Nguyên Hồng

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Lagan, 12 Tháng năm 2022.

  1. Lagan

    Bài viết:
    612
    BỈ VỎ - MỘT CON NGƯỜI, NHIỀU CUỘC ĐỜI.

    [​IMG]

    Tác giả:

    - Tên: Nguyễn Nguyên Hồng

    - Ngày tháng năm sinh, năm mất: Sinh ngày 5 tháng 11 năm 1918 tại phố Hàng Cau, nay thuộc phường Trần Hưng Đạo, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định và mất ngày 2 tháng 5, 1982 (63 tuổi) tại Tân Yên, Bắc Giang

    - Gia đình:

    + Cha ông làm cai đề lao, sau thất nghiệp, cảnh nhà sa sút, lại nghiện ngập và mắc bệnh lao, phải sống nghèo túng trong tâm trạng kẻ bất đắc chí.

    + Mẹ ông là người ngoan đạo, tần tảo, hiền hậu, giàu đức hy sinh nhưng sống không có hạnh phúc trong gia đình nhà chồng.

    - Cuộc đời và sự nghiệp:

    Năm 12 tuổi, Nguyên Hồng mồ côi cha. Mẹ ông lén lút đi bước nữa, bà bị gia đình nhà chồng ruồng bỏ, hắt hủi, không được tự do gần gũi, chăm sóc con.

    Tuổi thơ Nguyên Hồng đã trải qua những ngày tháng nhiều cay đắng và tủi cực vì đói ăn, thiếu mặc, thiếu cả tình thương.

    Năm 16 tuổi, mới học hết bậc tiểu học, Nguyên Hồng đã phải thôi học, cùng mẹ ra Hải Phòng kiếm sống.

    Nguyên Hồng bắt đầu viết văn từ năm 1936 với truyện ngắn "Linh Hồn" đăng trên Tiểu thuyết thứ 7.

    Nguyên Hồng tham gia phong trào Mặt trận Dân chủ (1936-1939) ở Hải phòng. Tháng 9 năm 1939, ông bị mật thám bắt và bị đưa đi trại tập trung ở Bắc Mê (Hà Giang) năm 1940. Năm 1943, Nguyên Hồng tham gia Hội Văn hóa Cứu quốc bí mật cùng với Nam Cao, Tô Hoài.. Ông là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

    Ông là hội viên sáng lập Hội nhà văn Việt Nam năm 1957.

    Năm 1996, ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996).

    - Khuynh hướng sáng tác: Vì có một tuổi thơ vô cùng bất hạnh, cay đắng nên ngay từ những tác phẩm đầu tay, Nguyên Hồng đã hướng ngòi bút về những người nghèo khó gần gũi mà ông yêu thương với một sự cảm thông sâu sắc, với tâm hồn của một người từng trải. Nhà văn Nguyên Hồng được nhận định rằng ông là nhà văn của phụ nữ và trẻ em vì hai đối tượng (bất hạnh) này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm giống như hình ảnh của ông và người mẹ thuở nhỏ.

    - Các tác phẩm tiêu biểu:

    Bỉ vỏ (tiểu thuyết, 1938)

    Bảy Hựu (truyện ngắn, 1941)

    Những ngày thơ ấu (hồi ký, đăng báo lần đầu năm 1938, xuất bản năm 1940)

    Qua những màn tối (truyện, 1942)

    Cuộc sống (tiểu thuyết, 1942)

    Quán nải (tiểu thuyết, 1943)

    * * *


    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    [​IMG]

    Tác phẩm:

    Nhắc đến "Bỉ vỏ" là nhắc đến cuốn tiểu thuyết đã góp phần rất lớn tạo nên tiếng vang, nâng cao danh tiếng và thể hiện tài năng của Nguyên Hồng. Tiểu thuyết "Bỉ vỏ" là bức tranh xã hội sinh động về thân phận những "con người nhỏ bé dưới đáy" như Tám Bính, Năm Sài Gòn.. Nếu như trong làng Vũ Đại có một con quỷ là Chí Phèo, từ một người nông dân chất phác bị tha hóa thành một tên nghiện ngập, giết người không ghê tay thì chính trong "Bỉ vỏ" ta cũng thấy xuất hiện bóng hình của một cô gái quê hiền lành chất phác bị cuộc đời tha hóa mà trở thành dân "anh chị" trong giang hồ.

    Về ý nghĩ của tên tiểu thuyết:

    Ngay từ cái tên của tiểu thuyết ta cũng phần nào đoán ra số phận và cuộc đời tha hóa sau này của nhân vật chính. "Vỏ" hay "Chạy vỏ" dùng để chỉ chung những ăn cắp đường, ăn cắp chợ. Còn "Bỉ" là những người đàn bà con gái. Khi nhìn tên truyện, người đọc có phần ngỡ ngàng không biết nó có ý nghĩa gì, nhưng khi đã bị lôi cuốn bởi câu chuyện, lại rất dễ dàng nhận thấy, "Bỉ vỏ" là chỉ Bính, một người đàn bà làm nghề ăn cắp tại các đường chợ và sau này còn chuyển từ "Chạy vỏ" thành "Chạy dọc", ăn cắp ở trên tàu thủy, ô tô và chính thức là tay sắc sảo, "anh chị" của làng chạy vỏ.

    Về nội dung:

    Cốt truyện xoay quanh một người con gái tên là Bính. Bính là cô gái nghèo làng Sòi. Vì nhẹ dạ, yêu một gã Tham đạc điền và bị hắn bỏ rơi giữa lúc bụng mang dạ chửa. Cô bị cha mẹ hắt hủi, đay nghiến và đứa bé sinh ra phải đem bán đi vì sợ làng bắt vạ. Bính đau đớn khốn cùng, quyết định bỏ nhà đi Hải Phòng mong tìm được người tình. Sau mấy ngày đêm lang thang trên đường lớn, có lần suýt bị làm nhục ở một vườn hoa, Bính gặp một gã trẻ tuổi nhà giàu. Gã lừa cô vào nhà hãm hiếp và đổ bệnh lậu cho cô. Vợ gã bắt gặp, đánh đập Bính một cách tàn nhẫn, không thương tiếc và lôi cô ra Sở cẩm, vu là gái đĩ. Thế là Bính bị đưa vào nhà "lục xì", sau đó rơi vào nhà chứa của mụ Tài sế cấu. Sống những tháng ngày của một gái làng chơi ê chề cực nhục ở căn phòng nhỏ hôi hám chẳng bao giờ có ánh sáng, Bính ốm nặng.

    Đau khổ, tuyệt vọng, Bính toan tự tử nhưng được Hai Liên giúp đỡ, gặp được Năm Sài Gòn, trùm lưu manh ở Hải Phòng, và được hắn chuộc ra khỏi nhà chứa, đem về chăm sóc hết lòng. Nhưng rồi Năm bị bắt. Tuy túng bấn nhưng Bính nhất quyết sống bằng buôn bán lương thiện, hy vọng khi Năm trở về sẽ khuyên y từ bỏ cái nghề bất lương và nguy hiểm. Năm được tha nhưng dứt khoát không nghe lời khuyên của Bính. Thế là, bất đắc dĩ, Bính từ một cô gái ngây thơ chất phác đã bị tha hóa, bị lôi kéo vào con đường lưu manh, trở thành một "bỉ vỏ" ngày càng lão luyện, Bính còn lợi dụng chính tư sắc của mình để để phỉnh lừa con mồi.

    Do một sự hiểu lầm và ghen tuông, Năm Sài Gòn đuổi Bính đi mặc cho Bính hết lòng dãi bày. Bính về Nam Định, gồng thuê gánh mướn kiếm ăn. Được tin bố mẹ ở gặp tai họa có thể bị tù, Bính không còn cách nào khác, đã phải nhận lời mai mối của Hai Liên mà về làm lẽ của một viên mật thám để có tiền gửi về cứu bố mẹ.

    Cuộc sống mới êm ấm chưa được bao lâu thì một biến cố xoay chuyển cuộc đời Bính: Năm Sài Gòn bị bắt bởi chính tay người chồng Bính. Nhận ra câu hát của Năm cất lên trong đêm, cô đã không chút do dự mà lẻn xuống trại giam, mở khóa cứu Năm rồi cùng y đi trốn. Từ đó, Bính lại trở lại cuộc sống ngoài vòng pháp luật với Năm Sài Gòn, nhưng trong lòng vẫn day dứt khát khao được trở lại sống với một cuộc đời lương thiện. Nhất là sau lần chứng kiến tận mắt Năm giết Ba Bay, tên "đàn em" đã hớt tay trên của Năm một món "hàng", Bính càng bị hối hận và sợ hãi giày vò. Cuối cùng, cái kết cục bi thảm đã đến: Một lần, Năm cướp được một đứa bé đeo vòng vàng trên tàu thuỷ. Bính hốt hoảng nhận ra đó chính là đứa con mà bao lâu Bính nhớ thương, khắc khoải mong tìm lại. Nhưng nó đã chết! Giữa lúc đó, đội xếp, mật thám ập vào, Năm và Bính đều bị bắt. Chính người mật thám chồng Bính trước đây đã bước tới xích tay cô lôi đi..

    Tiểu thuyết khép lại với câu nói "Thế là hết!" - Một câu nói mới chua chát làm sao, một câu nói được thốt lên bởi một người con gái với cuộc đời cũng chua chát không kém.


    Về cốt truyện:

    Sở dĩ "Bỉ ᴠỏ" trở thành một cuốn tiểu thuуết tiêu biểu của ᴠăn chương Việt Nam chính ᴠì nó ѕở hữu một cốt truуện hiếm có. Cũng giống như Nam Cao lôi cuốn người đọc vào quá trình tha hóa của Chí Phèo thì Nguуên Hồng cũng lôi cuốn người đọc bằng cốt truуện gần như tương tự ấу. Mặc dù kể đủ thứ chuуện nhơ nhuốc khốn khổ của cuộc đời nhưng ông khiến đọc giả phải ѕi mê, ngâу ngất bằng ngòi bút tài hoa của mình. Nguуên Hồng ᴠiết Bỉ ᴠỏ trong khi tuổi đời chưa tròn hai mươi. Nhưng sự trải đời sớm của nhà ᴠăn đã tạo nên trong ông một tâm hồn dạt dào tình hương ᴠà lòng nhân đạo, đã đem lại cho các nhân vật, sự việc trong tiểu thuyết một sức sống bền bỉ trường tồn.

    Tuy nhiên theo quan điểm của tôi, Bỉ ᴠỏ ᴠẫn ít nhiều tồn tại một cái nhìn lý tưởng, đề cao đời ѕống naу đâу mai đó của đám lưu manh. Ông gán cho họ những phẩm chất cao quý nhưng chưa bóc tách được rõ ràng các tầng lớp, lẫn lộn giữa dân nghèo ᴠới đám lưu manh, khiến cho người đọc có phần ngỡ ngàng khi Năm giết Ba Bay bởi lẽ ấn tượng ban đầu với Năm dù là một lưu manh nhưng luôn chăm sóc, đối xử tốt và giúp đỡ đàn em của mình.


    Về nghệ thuật:

    Xuyên suốt tác phẩm, màu xám đen không lối thoát là màu sắc ta dễ nhận thấy nhất. Bởi lẽ nếu như những nhà văn khác viết về những nhân vật dưới đáy xã hội bằng một sự thương cảm, xót xa sâu sắc thì Nguyên Hồng lại làm điều ngược lại. Ông đã bóc tách trực tiếp từng mảng đen tối trong cuộc đời và xã hội. Khiến cho tất cả những điều "dơ bẩn" ấy xuất hiện trần trụi trước mắt người đọc.

    Tiểu thuyết phải chăng có sự đối xứng đầu cuối bởi lẽ câu chuyện bắt đầu bởi sự ra đời của con Bính và kết thúc cũng chính là cái chết của đứa nhỏ. Nguyên Hồng miêu tả nhân vật một cách trực quan nhất, có thể nói là thấy gì viết nấy và chính điều đó khiến cho người đọc ấn tượng và ngày càng bị lôi cuốn.

    Nghệ thuật tự sự trong tiểu thuyết đã đạt đến đỉnh cao khiến cho mỗi sự việc như được tái hiện chân thực trước mắt người đọc, từng hành động đều mang một ý nghĩa, hàm ý nhân văn sâu sắc.

    Nguyên Hồng dùng rất nhiều từ ngữ chuyên của dân "chạy vỏ" khiến người đọc phần nào được gần hơn với chính cuộc sống của dân "chạy vỏ", nhất là những mật ngữ mà chỉ dân "chạy vỏ" mới hiểu:

    "Anh Năm" So quéo "đương" mổ "ở" hậu đớm" "tễ biếu" lắm đấy! " nghĩa là: Anh Năm thằng khờ đương ăn ở sau lưng nhiều tiền lắm đấy!

    Hay " Bỉ "Bính" hắc "lắm": Nghĩa là con Bính cao tay lắm! Và rất nhiều câu như vậy nữa. Việc sử dụng những từ ngữ "chuyên ngành" này góp phần tạo nên nét rực rỡ, độc lạ và hứng thú cho mỗi hội thoại.


    Về nhân vật:

    Nói đến Tám Bính, Nguyên Hồng viết:

    "Phải! Chính sự đau khổ tôi phải sống và đang sống ở cái xã hội bấy giờ nên tôi đã tạo ra Tám Bính bị lừa phản, chịu oan ức; bệnh tật phá hoại thể xác, tội ác phá hoại tinh thần; con người cứ vùng lên, dập xuống, dập xuống lại vùng lên. Trải qua bao nhiêu cảnh đau đớn tủi nhục, tối tăm, tất cả trái tim và linh hồn bị xẻo, bị nướng, bị tan nát.. tất cả những ước mơ trong sáng.. bị tàn phá.. bị xô đi bởi sức mạnh tàn nhẫn và độc ác vô cùng.

    Tám Bính lẻ loi, bơ vơ, trơ trọi ấy, cũng có cả một phần tôi và một phần của bao nhiêu người cùng cảnh. Tôi mượn Tám Bính để đưa ra giữa ánh sáng ban ngày của một sự thật trong những sự thật của một hạng người, một số người. Tôi mượn Tám Bính để làm cho nhiều người thấy có một sự thật trong những sự thật như thế của xã hội".

    Tám Bính chính là nhân vật tiêu biểu nhất trong sự nghiệp văn chương đồ sộ của Nguyên Hồng. Cuộc đời Tám Bính là muôn vàn bi kịch và cũng ở Tám Bính có muôn vàn nét đẹp mà chỉ khi suy ngẫm và cảm nhận ta mới có thể nhìn thấy. Một con người thiện lương chất phác ở trong tâm hồn, đẹp đẽ vẻ bề ngoài lại càng được Nguyên Hồng chau chuốt, nhào nặn trở thành một tuyệt tác lưu truyền mãi về sau.

    Để nói về Năm Sài Gòn, tâm trạng tôi rất ngổn ngang. Có thể nói, Năm Sài Gòn là một ѕản phẩm lầm lỗi của хã hội Việt Nam trước cách mạng. Một kẻ tứ cố ᴠô thân, lang thang khắp nơi từ nhỏ, nay đây mai đó, ᴠào tù ra khảm như đi chợ. Tinh thần hung ác như ѕúc ᴠật. Hắn уêu Tám Bính là thế nhưng cũng nhẫn tâm, phũ phàng đuổi nàng ra khỏi nhà ᴠới những ngôn từ caу nghiệt nhất: "có cút хéo haу không", "chó đểu nào"..

    Nếu Nguyên Hồng miêu tả Tám Bính đậm nét chân thực bao nhiêu thì Năm Sài Gòn lại theo hướng anh hùng bấу nhiêu. Thậm chí nhà ᴠăn còn thể hiện hắn dưới thái độ ngạo nghễ, dũng cảm, cầm dao tả хung hữu đột đề cứu anh em dẫn dắt người đọc ᴠào tư tưởng hâm mộ cảm phục nhiều hơn ѕự phê phán. Cho đến khi chính tay Năm vì đồng tiền không tiếc giết chết anh em của mình, tôi mới thực sự nhận thấy bản chất của con người này.


    Ý nghĩa nhân văn:

    Có ý kiến cho rằng: "Xuyên suốt cuộc đời Tám Bình là những lời giải thích của Nguyên Hồng về những bất công và phũ phàng của xã hội." Điều đó hoàn toàn đúng. Cuộc đời Bính là lời tố cáo đanh thép nhất cho sự xấu xa tà ác khi đồng tiền lên ngôi. Quả đúng là:

    "Trong tay sắn có đồng tiền

    Dầu lòng đổi trắng thay đen khó gì."

    Chính cha mẹ Bính còn vì đồng tiền mà đem bán đứa con của Bính với giá 13 đồng trong khi Bính đứt từng khúc ruột.

    Chính đồng tiền cũng đã đẩy con người ta đến bước đường cùng. Vì đồng tiền mà những người dân lương thiện bị biến thành những con quy đội lốt người, khiến cho không ít lần dân "chạy vỏ" cầm dao chém người, không ít lần bóp cổ người ta, không ít lần tha hóa rồi lại tha hóa, không ít lần vào tù ra tội nhưng có bao giờ hối cải đâu. Vì đồng tiền cả!

    Khi gia đình Bính bị tai vạ, cần phải đút lót gần 100 đồng, Bính đành cắn răng mà làm lẽ người ta. Sự việc này đã phản ánh chân thực nhất hiện tượng đút lót, tham nhũng trong xã hội đương thời. Dù giận dữ, tuyệt vọng hay đau khổ đến đâu thì đó cũng là cha mẹ, là gia đình Bính và Bính đã lựa chọn làm tròn chữ hiếu của mình. Trong tiểu thuyết còn một sự việc minh chứng rõ rất cho điều này. Đó là việc của chị Minh, một người đàn bà chửa hoang cùng làng với Bính, bị làng phạt vạ nên gia đình phải nộp phạt 6 đồng bạc, 200 cau tươi cùng 8 chai rượu. Tất cả đều được các ông lớn trong làng chia nhau để nhấm nháp cho sướng miệng thì việc mới được yên.


    Cuốn tiểu thuyết là minh chứng tốt nhất cho sự bất công, lam lũ mà người phụ nữ phải chịu.

    Xã hội Bính sống là một xã hội đầy rẫy điều ác, người phụ nữ chịu muôn vàn xiềng xích còn đàn ông thì được bễ nghễ ngồi trên, phụ nữ phải chịu day nghiến, ghẻ lạnh còn đàn ông nói một không được làm hai. Người phụ nữ chửa hoang thì bị cạo đầu bôi vôi, rong đi khắp làng còn người đàn ông làm ra cái chuyện ấy lại bình yên vô sự không thề bị truy cứu. Thật bất công làm sao!

    Ngay khi phát hiện Bính "chửa hoang" chính mẹ của Bính, một người phụ nữ đã là người đầu tiên đay nghiến và đay nghiến một cách không thương tiếc Bính. Dù ở đâu, dù ít hay nhiều, dù giàu hay nghèo thì chính người phụ nữ cũng là những người chịu đày đọa. Mẹ Bính khổ đủ đường rồi nên mới đâm ra "ác" như thế, "cạn tàu ráo máng" như thế.


    "Bỉ vỏ" còn chứng minh những phẩm chất tốt đẹp đáng quý của người phụ nữ.

    Những lúc Bính nhớ con, Bính lại mong mình làm một người phụ nữ ở quê, chồng tuy mất sớm nhưng ít ra còn có một đứa con thơ bầu bạn, dù nghèo đến đâu, ban ngày đi làm đầu tắt mặt tối, bận rộn thế nào nhưng chỉ cần được trở về trong túp lều rách nát, hôn hít đứa con ngây thơ, bế bồng nó trong lòng thì mệt mỏi nào cũng qua hết. Cũng có những con người như Hai Liên, dù đều ở trong hoàn cảnh tối tăm nhất, chẳng còn hy vọng cho bản thân nhưng lại sẵn lòng đem đến hy vọng cho người khác. Hai Liên đã giúp Bính rất nhiều, mua thuốc khi Bính ốm, luôn an ủi, chăm sóc Bính, giúp Bính gặp Năm Sài Gòn để Bính chuộc thân và giúp Bính lo tiền cho cha mẹ.

    Chính ở Tám Bính cũng có những phẩm chất đáng quý. Bính là một người phụ nữ đẹp. Bính có nhan sắc và có đầu óc, Bính biết lợi dụng tư sắc của mình để mồi chài những tên trai trẻ để trộm tiền của họ. Tuy nhiên vẻ đẹp của Bính theo thời gian đã biến chất, từ vẻ đẹp hồn nhiên, ngây thơ của một cô gái chưa trải sự đời thành một người phụ nữ héo rũ, chẳng còn sức sống trong nhà của mụ Tài sế cấu rồi thành một người phụ nữ khôn khéo, mị hoặc khi ở với Năm. Mỗi một thời điểm Bính đều mang một sức quyến rũ riêng để bất cứ ai cũng phải ngắm nhìn.

    Bính là một người phụ nữ lương thiện. Dù lấy Năm Sài Gòn nhưng Bính cũng không hề động và muốn động đến những đồng tiền mà chồng và bạn chồng mang về mà luôn mong muốn được tự mình buôn bán làm ăn. Bính luôn một lòng hướng thiện và luôn áy náy, day dứt với những người Năm và Bính đã trộm. Bính luôn một lòng mong Năm quay lại làm ăn lương thiện.

    Bình còn là người hết mực thủy chung. Dù ngoại hình hay việc làm của Năm có xấu xí, khó coi bao nhiêu thì Bình vẫn luôn nhớ đến những ngày Năm không ngại tiền nong, vất vả chăm sóc khi Bính ốm, nhớ đến những khi hai vợ chồng còn vui vẻ hạnh phúc mà đối xử với Năm hết nước hết cái. Ngay cả khi đã bị Năm đuổi ra khỏi nhà, Bính cũng không ngần ngại từ bỏ cuộc sống tốt đẹp mà bỏ trốn cùng Năm.

    Những người phụ nữ như vậy không phải là đáng quý sao!

    "Bỉ vỏ" còn là lời thương xót cho cuộc đời những đứa trẻ bất hạnh. Tuy không xuất hiện nhưng hình ảnh đứa con luôn hiện hữu, dau dứt trong tâm cam Tám Bính. Đứa con còn là hiện thân cho những đứa trẻ bị bỏ rơi không nơi nương tựa hay cũng chính là ước mơ của nhà văn. Đứa bé và chính tác giả đều không có đủ tình thương của mẹ và phải chăng những tháng ngày hạnh phúc giàu sang của thằng bé cũng chính là khát khao không thể thực hiện thủa nhỏ của Nguyên Hồng.

    Một số nhận xét của độc giả về tác phẩm:

    1. Đọc tác phẩm này tôi cứ ngỡ như đang trong cái xã hội đương thời ấy. Đọc. Suy ngẫm. Và bất chợt lại trào nước mắt. Tám Bính – một cô gái có tấm lòng thiện lương vì số phận đưa đẩy mà phải đi chạy vỏ rồi gặp Năm Sài Gòn – một tay anh chị. Số phận của họ đáng thương vì thiếu tình yêu thương gia đình nhưng cũng có phần đáng trách vì đi theo con đường "chạy vỏ" sai trái. Dù vậy, vẫn căm ghét hơn cả là một xã hội mục nát, đầy những tên quan tham xảo trá, mất nhân tính..

    Một cuốn sách đáng đọc!

    2. Một tác phẩm kinh điển của nền văn học nước nhà! Sau khi đọc nhiều tác phẩm nước ngoài rồi, mình muốn thử đổi gió với tác phẩm nước nhà xem sao, và Bỉ vỏ là tác phẩm đầu tiên mình đọc. Cuốn sách dùng từ ngữ "cổ", từ hồi thế kỉ trước, nhưng vẫn cực kì hấp dẫn. Cuộc sống của những con người nghèo khổ, sóng xô cuộc đời, sự thối nát, đê tiện của bộ nhà giàu vô lại, cái kết cho phận người con gái.. Lúc đầu mình không rõ cái tên cuốn truyện, cứ tưởng là "Rỉ vỏ" – do cái bìa là hình chiếc xe lửa. Nhưng thật ra "Bỉ vỏ" là cách gọi cái "nghề" của nhân vật nữ chính, và chiếc xe lửa chính là nơi cô hành nghề.

    3. Cuộc đời Bính khổ, khổ vì sự phụ bạc của tình cũ, khổ vì kiếp gái điếm nhà thổ, khổ vì mất đứa con rứt ruột, khổ vì một tình thương chân thật ẩn sau sự cứu vớt của Năm, khổ vì thương Năm mà thỏa hiệp cả với kiếp chạy vỏ của Năm, khổ vì đôi lúc Bính nhận ra mình không hề khổ, khi từ một người con gái không biết cả mùi đời trở thành một ả đàn bà cao tay trong nghề trộm cắp, để rồi, Bính khổ vì đứa con thất lạc bao năm lại là nạn nhân của chồng mình, đã chết bởi chính cái nghiệp mà mình đang đeo mang..

    4. "Bỉ vỏ" đã phản ánh chân thực xã hội thối nát đương thời. Bính từ một cô gái xinh đẹp, hiền lành, ngây thơ và lương thiện đã bị dòng đời xô đẩy, trở thành một người đàn bà giang hồ. Ngay cả đến Năm Sài Gòn, một tên cướp khét tiếng, cũng là người giàu tình cảm, luôn quan tâm và yêu thương Bính. Trải qua biết bao nhiêu biến cố, khổ đau, cuối cùng họ lại phải chịu đựng cuộc sống trong ngục tù. Xã hội thối nát, đầy rẫy bất công đương thời đã làm cho họ tha hóa, cướp mất quyền sống của họ. "Bỉ vỏ" là một thành công khi đã tái hiện lại thời kì ấy và thể hiện tiếng nói cảm thương những con người lương thiện bị chà đạp. Chúng ta không nên bỏ qua tác phẩm này.

    5. Cuốn sách đã tái hiện lại cuộc sống của nhân dân Việt Nam trong những năm tháng đầu cuộc Cách mạng Tháng Tám. Cảm thấy thương cho những số phận bất hạnh như Tám Bính. Cuốn sách thật sự chinh phục mình bằng một giọng văn chân thật, thật đến từng chi tiết. Nó như cuốn người đọc vảo cái thế giới đầy âm u của xã hội Việt Nam cũ đã đẩy con người vào những bước đường cùng. Thế mới thấy nhân dân ta đã phải sống khổ cực đến nhường nào. Cảm ơn Nguyên Hồng vì đã luôn lên tiếng bênh vực những người phụ nữ đáng thương. Cảm ơn vì đã viết ra một cuốn sách hay đến thế!


    Lời kết:

    "Bỉ vỏ" thực sự là một cuốn tiểu thuyết vô cùng thành công. Từ cuộc đời của Bính, Nguyên Hồng còn xé ra những đau đớn, đằng cay cùng cực của cuộc sống thật đáng suy ngẫm. "Bỉ vỏ" chân thực đến nỗi chính bản thân người đọc cũng như cảm nhận được từng cơn khổ nhục, đau đớn của nhân vật. Văn học Việt Nam đương thời chính là được những cây bút hiện thực tài năng như Nguyên Hồng đánh bóng và ngày càng phát triển rực rỡ.

    Cuốn tiểu thuyết mang một sức hấp dẫn vô bờ mà chỉ cần đọc một trang bạn sẽ không thể dừng lại cho đến câu chữ cuối cùng. Hãy dành chút thời gian để suy ngẫm về nó và bạn sẽ nhận ra hiện tại bạn may mắn đến nhường nào!

    Văn bản có tham khảo và phát triển từ:

    Review sách Việt Nam Danh Tác – Bỉ Vỏ

    Link

    Thân!
     
    Chỉnh sửa cuối: 14 Tháng năm 2022
Trả lời qua Facebook
Đang tải...