Nếu bạn đã đọc tác phẩm Mật mã Da Vinci của Dan Brown có thể thấy quyển sách dài 532 trang này kể về cuộc hành trình tìm đến những bí mật được che dấu hàng thế kỷ về dòng họ nối dõi của Chúa Giê-su, những bí ẩn cổ xưa về Chén Thánh.. được che dấu trong những mật mã thiên tài của người nắm giữ bí mật, trong đó có cả Da Vinci, Isaac Newton. Những sự thật choáng váng, những tình tiết gây cấn đến ngạt thở, những bí ẩn nối tiếp bí ẩn.. bạn sẽ phải thốt lên vì kinh ngạc khi quyển sách mở ra những điều thú vị mà bạn đã nghe, đã thấy hàng ngày nhưng còn nhiều điều bí ẩn đằng sau nó bạn còn chưa biết. Trong đó có bức tranh Bữa tiệc cuối cùng của ông, chúng ta hãy cùng khám phá những bí ẩn xung quanh bức tranh này nhé.
Một vài ý kiến nhận xét về bức tranh: Bữa tiệc cuối cùng Bài viết của cố linh mục Đaminh Trần Thái Hiệp, nguyên giám đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse kiêm trưởng ban Nghệ Thuật Thánh của Tổng Giáo Phận Thành Phố Hồ Chí Minh. Bức họa "Tiệc Ly" (La Cène) do Leonardo Da Vinci thực hiện vào khoảng năm 1495, không những là một trong những kiệt tác nghệ thuật thế giới mà còn đánh dấu một niên hiệu lịch sử, một cuộc chinh phục trong phạm vi nghệ thuật. "Trong lịch sử hội họa, không một bức tranh nào có tầm mức quan trọng hơn bức tranh này. Chính nó đã kết thúc thời đại" sơ thủy "của nghệ thuật và mở màn cho thời Phục Hưng. Sau bức tranh này không còn nghệ sĩ" sơ thủy "nữa, chỉ có nghệ sĩ" tân tiến "mà thôi. Đó là bước cố gắng cuối cùng của lớp nghệ sĩ thế kỷ 15 để đạt tới sự hoàn mỹ" (Abel Fabre, Pagel d'Art Chriétien, Paris, p. 418) Bức "Tiệc Ly" là một bức bích họa (fresque) vẽ trên mặt tường rộng lớn tại nhà cơm Tu viện Đa- minh Đức Mẹ Giáng Ân (Santa Maria delle Grazie) trong thành Mila, nước Ý. Khi thực hiện bức họa này, Leonardo đã lý luận, nghiên cứu và suy tư rất nhiều. Biết bao lần ông chỉ tới khoanh tay suy niệm một hồi lâu rồi ra về không chịu vẽ một nét. Ông không quản ngại ra ngoài đường phố, đi du lịch đó đây với cặp mắt chú ý quan sát để tìm những mẫu người thích hợp với các nhận vật mà ông định diễn tả trong tranh. Đề tài tổng quát bức họa là bữa tiệc ly, bữa ăn cuối cùng Chúa dùng với các môn đệ trước khi lên đường khổ nạn. Leonardo đã thu gọn đề tài vào một thời điểm nhất định trong bữa tiệc: Lúc Chúa vừa nói với 12 môn đồ: "Quả thật Thày bảo cho các con biết, một người trong các con sẽ phản Thầy". Nét mặt Chúa buồn rầu, đôi mắt nhìn xuống như muốn tránh cái nhìn của kẻ Người vừa tố giác. Hay tay buông xuôi tựa xuống mặt bàn, cử chỉ của Người vừa tiết lộ một điều quan trọng và bây giờ lặng thinh không nói nữa: Một giây phút thinh lặng bi tráng! Bỗng chốc, như một dòng điện, lời tố giác của Chúa truyền đi mau chóng, gây phản ứng đột ngột trên nét mặt và cử chỉ dáng điệu của 12 môn đồ. Mỗi ông phản ứng một cách tùy theo tính tình, tâm lý từng người. Sát bên tay phải Chúa là Gioan, người môn đệ yêu quý có tâm hồn dễ cảm, biểu lộ sự đau đớn trầm lặng sâu xa. Tiếp đến Phêrô tính bộc trực nóng nảy, ghé sát đầu Gioan hỏi nhỏ xem ai là thủ phạm. Con dao sắc nhọn chìa ra phía sau lưng chứng tỏ ông sẵn sàng nghiêm trị tức khắc đứa phản Thầy như lát nữa ông sẽ chém đứt tai tên đầy tớ thầy thượng tế trong vườn Cây Dầu. Giuđa ngồi ngay trước Phêrô, có thái độ hốt hoảng như tên ăn trộm vừa bị lộ tẩy, tay phải ôm chặt túi bạc, tay trái giơ ra phía trước như muốn phân bua chối cãi. Kế đó là An-rê, xoè hai bàn tay ra, bỡ ngỡ kinh hoàng trước cái tin gở lã không thể tưởng tượng được. Giacôbê hậu, tinh anh hơn, vươn cánh tay gọi Phêrô như để bảo ông: Tôi đã đoán ra được ai rồi! Cuối hàng là Bartôlômêô sửng sốt đứng dậy nghiêng mình về phía trước đểm xem và nghe cho rõ đầu đuôi câu chuyện. Phía tay trái Chúa: Giacôbê tiền, nét mặt bỡ ngỡ kinh ngạc, hay tay giang rộng, lùi về phía sau như bị áp lực của lời Chúa vừa tung ra. Tôma, con người linh hoạt nhất trong nhóm, đã rời chỗ lại gần Chúa giơ ngón tay băn khoăn hỏi: "Thày có nghi ngờ gì tôi không?" Kế đến Philipphê, dáng điệu ôn hòa, chỉ tay vào ngực thề nguyện một niềm trung tín trọn vẹn. Mát-thêu đang chuuyển lại tin buồn cho hai ông bạn ngồi cuối bàn là Tađêô và Simon. Hai ông có phần lớn tuổi, cử chỉ điềm tĩnh chậm chạp hơn, nhưng nét mặt không giấu được nỗi lo âu, phiền muộn. Giữa bầu khí xúc động náo nhiệt ấy, một mình Chúa ngồi rất điềm tĩnh, nét mặt hiền dịu in trên nền trời xanh êm ả, coi như Ngài không lưu ý gì tới sự xôn xao náo động chung quanh. Tuy nhiên người ta đọc được nét thoáng buồn trên khuôn mặt và hai bàn tay của Chúa. Cách bố cục rất tài tình. Tác giả dàn xếp các nhận vật thành từng nhóm 3 người, mỗi bên hai nhóm. Chúa ngự giữa trung tâm bức tranh. Tất cả các đường nét, các điệu bộ, cử chỉ đều hướng về trung tâm. Từ nhóm nọ sang nhóm kia, tác giả cũng hữu ý nối kết lại với nhau bằng những đường nét rất tự nhiên, tỉ dụ bàn tay Gia-cô-bê vắt qua lưng Phê-rô để nối liền hai nhóm bên phải Chúa, và cánh tay Mát-thêu giang ra làm gạch nối giữa 2 nhóm bên trái Chúa. So sánh với các bức họa "Tiệc Ly" của Fra Angelico hoặc của Pégurin, Ghirlandaio, người ta thấy rõ sự khác biệt. Các họa sĩ này thường được sắp đặt các nhân vật rất đều đặn cân đối xung quanh một chiếc bàn. Mỗi tông đồ là một pho tượng biệt lập, sắp lại gần nhau, nét mặt bình thản hoặc trầm tư, ông nào như ông ấy, không biểu lộ một tâm tình cá nhân nào cả. Các tác giả thời ấy còn có thói quen thêu thùa nhiều chi tiết rườm rà không liên quan gì tới cốt chuyện. Chẳng hạn trong bức "Tiệc Ly" của Ghirlandaio tại tu viện San Marco, Florence, người ta thấy ngoài những nhận vật cần thiết trong bữa tiệc ly, tác giả còn vẽ thêm nào là con mèo ngồi rình sau lưng Giu-đa, nào là con công đậu trên cửa sổ và nhiều giống chim khác bay lượn trong vườn cam chính vàng hiện ra sau bàn tiệc. Lại còn đĩa, chén, mâm trái, những bình đựng muối, những mẩu bánh mì rải rác khắp mặt bàn! Bức họa của Leonardo đơn giản hơn nhiều. Ông chỉ giữ lại những điểm cần thiết làm sáng tư tưởng ông muốn diễn tả mà thôi. Về phương diện phối cảnh hay viễn họa (Perspective), Leonardo đã sử dụng tất cả kiến thức chuyên môn của thời ông để thể hiện trong bức "Tiệc Ly". Nhìn vào tranh, người ta có cảm giác là căn phòng "Tiệc Ly" kéo dài và nối tiếp phòng cơm của tu viện. Nói tóm lại, trong bức "Tiệc ly", Leonardo Da Vinci không những đã đúc kết tất cả những tìm tòi nghệ thuật của thế kỷ 15 về hình thể vật chất con người, nhưng còn đem vào đó cách diễn đạt tâm lý rất tinh vi. Một họa sẽ Việt Nam du học tại Pháp, sau khi có dịp tới Milan ngắm họa phẩm trứ danh trên đây, đã ghi lại cảm xúc của ông như sau: "Tôi có cảm giác lạ lùng vì cảnh diễn trong tranh có vẽ thật quá, tưởng chừng như chính mình đang cùng với những sứ đồ của Gia-tô sống những giờ phút bi tráng. Những nét mặt đau xót, căm giận, những con mắt lo lắng, ngờ vực những dáng điệu đột ngột, sửng sốt của các sứ đồ khi nghe thấy Chúa nói:" Một người trong các anh sẽ phản bội ta ", nó linh động làm sao! Cách bố trí giản dị, nét vẽ tinh vi, màu sắc nhịp ngàng, họa sĩ đã diễn tã thật là hoàn mỹ. Có lẽ chưa có một tác phẩm nào trong hội họa tố cáo được sự phản bội một cách tàn nhẫn, thê thảm như vậy. Với bức tranh kiệt tác này, ta thấy, qua một đề tài tôn giáo, Leonardo đã kết án, và người ngắm tranh, chẳng cần là người theo đạo Gia-tô, cũng có thể lĩnh hội được thâm ý của họa sĩ, đã kết án cái phản trắc, gian giảo, đồi bại của con người, vì tham lợi có thể phản bội cả đến những gì rất cao cả, thiêng liêng.." Lm. Dom. Trần Thái Hiệp
Bức tranh Bữa tiệc cuối cùng - Leonardo da Vinci Nội dung: Theo các sách phúc âm, bữa ăn tối cuối cùng là bữa ăn sau cùng Chúa Giê-xu chia sẻ với các môn đồ trước khi ngài chết. Bức tranh của Vinci mô tả lại một chương trong sách trong Kinh Thánh rằng: Judas - một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu - tố giác với nhà cầm quyền La Mã để bán đứng người thầy của mình đổi lấy 30 thỏi bạc. Ở bữa ăn tối cuối cùng, Chúa Jesus (ở chính giữa bức tranh), đang nói với các môn đồ: "Trong các người có kẻ muốn bán rẻ ta". Bức tranh làm cho người xem cảm nhận một ẩn dụ sâu sắc về thị giác, đồng thời cũng đề cập đến một khía cạnh hoàn toàn mới của Kinh Tân Ước. Chúa ngồi ở giữa, tay trái đặt ngửa giữa bàn (tay của trái tim), tay phải lập sấp cùng lời người đã phán ra: "Ở trong số các người có một người sẽ phản ta. Người đó là ai?" Câu nói ấy của Chúa gây những phản ứng khác nhau trên từng khuôn mặt và hành động của các Thánh tông đồ, từ phải sang trái, từng nhóm ba người. Kinh ngạc, nghi ngờ, đau xót, căm giận. Mười hai môn đồ ngồi trong bàn ăn, mỗi người có một vẻ mặt khác nhau: Ba người thì thầm bàn bạc, ba người tỏ vẻ giận dữ (trong đó có một người đập mạnh tay xuống bàn) một người lộ vẻ nghi ngờ, một người tỏ ra ngạc nhiên, một người ngồi ngay ngắn tỏ lòng trung thành, hai người nữa lộ vẻ xúc động. Chỉ có một môn đồ mặt tái nhợt, lưng hơi ngả về sau, tay nắm chặt túi tiền - đó chính là Judas. Sau lưng Judas là một khoảng tối, còn sau lưng chúa Jesus là hình ảnh cửa sổ đầy ánh sáng. Những tia sáng chiếu vào gương mặt Jesus làm ánh lên vẻ điềm tĩnh, hiền từ và cương nghị. Sự tương phản này được cho là biểu đạt được sự căm thù của tác giả đối với gian ác, cũng như sự ngưỡng vọng đối với chính nghĩa. Còn theo Kinh Thánh. Các Tông Đồ ngồi thành hàng dài bất động, chỉ có Judas (kẻ bội phản) tách riêng ra trong khi Chúa đưa lời phán truyền. Đã có rất nhiều họa sĩ thể hiện lại theo mô típ này kể cả đại danh họa Andrea del Castagno nhưng không thành công vì họ đều thể hiện quá khô khan, không sinh động. Hơn nữa vì không có kiến thứ uyên sâu về luật viễn cận như Leonardo nên hầu hết các bức họa đều có một bố cục hẹp. Ngược lại, tranh của Leonardo lại khác, nó mang đầy kịch tính và sinh động. Chúa ngồi ở giữa. Đằng sau mở ra một khung của sổ xanh sâu thẳm. Ngài điềm tĩnh, tay trái đặt ngửa lên tại chính giữa bàn như thể hiện điều Chúa muốn bộc bạch đang ẩn sâu trong trái tim người (Ngài muốn nêu ra kẻ sẽ bội phản mình). Nhưng tay phải lại đặt úp (Cái này mơ hồ như việc ngài vẫn muốn che dấu kể Đồ Đề mà sau này sẽ bán đứng mình, hy vọng hắn sẽ hoàn lương) Khi Chúa ban ra lời truyền: "Quả thật, ta nói cùng các ngươi rằng, có một trong các ngươi sẽ làm phản ta". Sau khi nghe xong lời phán ấy, tất cả các môn đệ đều dạt ra sau trong nỗi kinh hoàng khiếp đảm. Một Tông Đồ đã ra dấu như muốn hỏi: "Hãy cho chúng con biết Thầy phán về ai?" Và cũng chính cái ra dấu đó làm khung cảnh bị chấn động. 12 Tông Đồ gần như bị dồn lại hoàn toàn tự nhiên thành 4 nhóm 3 người một, liên kết với nhau bằng cử chỉ, dáng điệu. Họ lo lắng, hãi hùng, phẫn nộ và nghi kị lẫn nhau. Thánh Pierre nóng nảy nhoài người về phía Thánh Jean thì thầm vào tai ông, điều này vô tình dẩy một Tông Đồ ra dàng trước, vị này vẫn còn cầm trên tay một túi chứa 30 đồng bạc mà hắn vừa có được sau khi bán Chúa - hắn là Judas. Trong nhóm 3 người này, Judas không bị tách riêng ra nhưng hóa ra lại cô độc. Hắn trơ ra, không khoa tay, không hỏi han bàn tán như mọi người. Hắn khom mình về phía trước và ngước lên với sự nghi ngờ - hoặc giận dữ: Tại sao người lại biết? Trái ngược lại với Judas là hình ảnh Chúa ngồi trầm tĩnh và ẩn nhẫn. Dường như ngài ngồi đây và chấp nhận cái chết đã được tiên đoán trước. Ngài không muốn tránh bỏ nó bỏi Ngài coi nó xảy ra là xứng đáng. Nếu một người Thầy không dạy được học trò, bị hắn bán rẻ thì cái Chết có lẽ còn dễ dàng hơn là Sống.
Câu truyện xung quanh nhân vật làm hình mẫu vẽ Leonardo da Vinci vẽ bức "The last supper" mất bảy năm liền. Đó là bức tranh vẽ Đức Jesu và 12 vị tông đồ trong bữa ăn cuối cùng trước khi Chúa bị Judas phản bội. Leonardo tìm mẫu vẽ rất công phu. Giữa hàng ngàn thanh niên, ông chọn được một chàng trai 19 tuổi có gương mặt trong trắng, thánh thiện, một nhân cách tinh khiết tuyệt đối để làm mẫu vẽ Chúa Jesus. Da Vinci làm việc không mệt mỏi suốt 6 tháng trước chàng trai, và hình ảnh Chúa Jesus được hiện trên bức vẽ. Sáu năm tiếp theo, ông lần lượt vẽ xong 12 vị tông đồ. Chỉ còn có Judas Iscariot, tông đồ đã phản bội Chúa vì 30 đồng bạc. Họa sỹ muốn tìm một người đàn ông có khuôn mặt hằn lên sự hám lợi, lừa lọc, đạo đức giả và cực kỳ tàn ác. Khuôn mặt đó phải toát lên tính cách của kẻ sẵn sàng bán đứng người bạn thân nhất, người thầy kính yêu nhất.. Cuộc tìm kiếm dường như vô vọng, bao nhiêu gương mặt xấu xa nhất, độc ác nhất Vinci đều thấy rằng chưa đủ để bộc lộ cái ác của Judas. Một hôm, da Vinci được thông báo rằng có một kẻ mà ngoại hình có thể đáp ứng được yêu cầu của ông. Hắn đang ở trong một hầm ngục ở Roma, bị kết án tử hình vì giết người và phạm rất nhiều tội ác tày trời khác. Da Vinci lập tức lên đường đến Roma. Trước mắt ông là một gã nước da đen sậm với mái tóc dài bẩn thỉu phủ xòa xuống mặt. Khuôn mặt xấu xa, độc ác tự nó nói lên nhân cách của một kẻ hoàn toàn bị tha hóa. Đúng đây là Judas! Được sự cho phép đặc biệt của Đức Vua, người tù được đưa tới Milan nơi bức tranh đang được vẽ dở. Mỗi ngày, tên tù im lặng ngồi trước Da Vinci và họa sĩ thiên tài cần mẫn với công viêc truyền tải vào bức tranh nhân vật phản phúc. Nét vẽ cuối cùng hoàn thành, kiệt sức trước sự đối mặt với cái ác, ông quay sang bảo lính gác: "Các ngươi đem hắn đi!" Lính canh túm lấy kẻ tử tù, đột nhiên hắn vùng ra và lao đến, quì xuống bên chân Da Vanci, khóc nấc lên: "Ôi ngài Da Vinci! Hãy nhìn con! Ngài không nhận ra con ư?" Da Vinci quan sát kẻ mà suốt 6 tháng qua ông đã liên tục nhìn mặt. Cuối cùng ông đáp: "Không ta chưa từng nhìn thấy ngươi cho đến khi ngươi được đưa đến cho ta từ hầm ngục ởRoma". Tên tử tù kêu lên "Ngài Da Vinci.. Hãy nhìn kỹ lại tôi! Tôi chính là người mà 7 năm trước ông đã chọn làm mẫu để vẽ Chúa Trời!".. Câu chuyện này có thật, cũng như bức tranh "Bữa tiệc ly" là có thật. Chàng trai đã được chọn làm hình mẫu của Chúa Trời chỉ sau hơn hai ngàn ngày, đã tự biến mình thành bức tranh hoàn hảo của kẻ phản bội ghê gớm nhất trong lịch sử.
Bí ẩn trong tranh "Bữa tiệc cuối cùng" "Bữa tối cuối cùng", tác phẩm nổi tiếng của Leonardo Da Vinci lại vừa trở thành tâm điểm chú ý của dư luận sau khi một nhạc sĩ kiêm chuyên viên máy tính người Ý công bố phát hiện mới cho thấy trong bức tranh ẩn giấu một đoạn nhạc, một câu kinh và hình ảnh 3 chiều của chén Thánh. Bản nhạc trong tranh Giovanni Maria Pala, tác giả của phát hiện trên cho biết ông bắt đầu nghiên cứu kỹ bức tranh Bữa tối cuối cùng từ năm 2003. Điều đầu tiên khiến ông chú ý là tấm khăn trải bàn với những đường kẻ ngang, dọc, bên trên là những lát bánh mỳ, trông giống như các nốt nhạc. Quan sát một cách tổng thể, Pala nhận thấy 12 tông đồ của Chúa được bố trí thành 4 nhóm, mỗi nhóm 3 người. Cách bố trí này gợi sự liên tưởng đến các bản nhạc theo nhịp 3/4, vốn rất thịnh hành ở thế kỷ 15, khi Da Vinci thực hiện bức tranh. Cuối cùng, Pala phát hiện ra rằng nếu coi bàn tay của Chúa và các tông đồ cùng với các lát bánh mỳ là những nốt nhạc, rồi đọc chúng theo chiều từ phải sang trái như cách viết thường thấy của Leonardo Da Vinci thì người ta thu được một bản nhạc thực sự. Chữ Do Thái cổ và Chén Thánh Bản hòa tấu do Pala thực hiện có độ dài 40 giây, với tiết tấu trang nghiêm giống như loại nhạc dùng cho lễ cầu siêu. Nhạc sĩ người Ý này cho biết, bản nhạc nghe hay nhất khi được chơi bằng đàn ống, loại nhạc cụ phổ biến trong các dàn nhạc nhà thờ vào thời của Da Vinci. Không chỉ có vậy, Pala còn nhận thấy vị trí các "nốt nhạc" trong bức tranh nếu được liên kết với nhau theo từng dòng sẽ làm thành những ký hiệu rất lạ, giống như loại chữ hình nêm của các nền văn minh Tây Á thời cổ đại. Một chuyên gia nghiên cứu về kinh Thánh nổi tiếng ở Rome đã xác nhận phát hiện của Pala và cho biết thêm rằng những ký tự hình nêm này tạo thành một câu bằng tiếng Do Thái cổ có nghĩa là "vinh quang và hiến dâng bên Người". Say mê với những vấn đề vừa tìm ra, Pala tiếp tục nghiên cứu sâu về bố cục của các chi tiết ẩn trong bức tranh. Ông thử sắp xếp 9 chữ cái Do Thái cổ nối tiếp nhau theo một đường đi lên, giống như hướng bàn tay của 6 vị tông đồ đầu tiên trong tranh. Lặp lại tương tự về phía đối diện, cái mà Pala thu được chính là hình ảnh 3 chiều của chiếc chén Thánh, một biểu tượng huyền bí của Thiên chúa giáo. Giả thuyết hợp lý Theo nhận định của Alessandro Vezzosi, một chuyên gia về Leonardo Da Vinci, đồng thời là Giám đốc viện bảo tàng về nhà danh họa tại quê hương ông, thì phát hiện mới về bản nhạc trong bức tranh Bữa tối cuối cùng có nhiều điểm hợp lý. Các khoảng trống được bố trí một cách cân đối, hài hòa của bức tranh dễ gợi sự liên tưởng đến âm nhạc. Trên thực tế, Leonardo Da Vinci cũng là một nhạc sĩ. Ông biết chơi đàn lia, đã từng thiết kế nhiều nhạc cụ và sáng tác một số bản nhạc (tất cả đều phải đọc từ phải qua trái). Bữa tối cuối cùng được ông sáng tác trong khoảng từ 1494 đến 1498. Bức tranh mô tả bữa ăn cuối cùng của Chúa Jesus với 12 tông đồ trước khi Người bị bắt và bị đóng đinh trên cây thập giá. Khác với các bức bích họa truyền thống, thường sử dụng màu nước trên nền vữa ẩm, Bữa tối cuối cùng được Da Vinci thể hiện bằng nhiều lớp sơn dầu trên vữa khô. Ưu điểm của kỹ thuật này là thể hiện được chính xác từng chi tiết nhỏ, nhưng nhược điểm của nó là rất dễ hư hỏng khi trời ẩm. Qua hơn 500 năm, bức tranh đã qua nhiều lần trùng tu. Nó cũng là đề tài của rất nhiều nghiên cứu cả trong lĩnh vực nghệ thuật và tôn giáo.
Em đọc truyện này rồi nhưng bị mất trang, mất tầm 10 trang lận, khóc ròng luôn, ngay cái chỗ đấu súng trong nhà thờ nơi tìm ngôi mộ đó anh. Cay không thể tả được, em đọc là xuất bản mới mà nó còn in lỗi, biết thế hôm đó đọc bản cũ có phải hay không. Nhưng đến lúc tìm thì lại không thấy bản cũ, cay cú đến tận bây giờ.