BẾP LỬA NHÀ SÀN Người ở nhà sàn làm cái bếp vuông Phía trên là chỗ của ông, của bố Chỗ của khay nước điếu cày Bên bếp là chỗ của bà, của mẹ Chỗ của cơi trầu bình vôi Phía dưới là chỗ của con dâu, con gái Của níp đựng kim chỉ vá may Chỉ có trẻ con không lo nhầm chỗ. Cái bếp vuông đêm ngày mong đỏ lửa Cái kiềng tròn đợi nồi xuống, nồi lên Vuông tròn là sự ấm êm no đủ. Người ở nhà sàn Cầm cặp tre không gõ mặt kiềng Cầm ống giang không thổi tro tung tóe Đun củi đun đằng gộc Bắc chảo kiêng dùng đũa. Người ở nhà sàn Giữ lửa bằng củi gộc Giữ nhà bằng sự cần cù Ngay thẳng tin yêu Quanh bếp lửa vuông là nếp nhà ăn ở. Mai Liễu Lời bình: Bài này in trong tập thơ cùng tên "Bếp lửa nhà sàn" của nhà thơ Mai Liễu do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc ấn hành năm 2009. Bài thơ được thiết kế ở thể tự do, toàn bài gồm hai mươi câu, chia làm bốn khổ. Lời thơ mộc mạc. Hồn thơ nồng nàn. "Bếp lửa nhà sàn" tên bài thơ nghe đã thấy ấm áp rồi. Ngay câu đầu, người đọc đã tưởng như nhìn thấy cái bếp "Người ở nhà sàn làm cái bếp vuông". Đây là cái bếp của người dân tộc Tày. Thiết tưởng, để nói cái bếp, hãy nói sơ sơ cái nhà sàn trước đã. Người Tày hình như cũng trọng phong thủy. Người ta thường dựng nhà dựa lưng vào núi, vào đồi. Mặt tiền nhìn ra sông, ra suối, nhìn xuống hồ, xuống thung lũng. Nhà thường một gian hai chái, ba gian, năm gian. To nhỏ tùy theo khả năng tài chính, hoặc ý thích của mỗi gia đình. Để làm ngôi nhà sàn, người ta thường vào rừng tìm những loại gỗ tốt như đinh, lim, sến, táu, nghiến.. Những loại gỗ tha hồ cho mối mọt đục không thủng. Nhiều ngôi nhà sàn trải hàng thế kỷ mưa nắng không hề hấn gì. Người ở nhà sàn kỹ tính lắm. Cây làm cột nhà, kể cả tre nứa làm dui mè, giang, mây lạt nhất định phải là cây còn nguyên ngọn. Cây đẹp mấy nhưng cụt ngọn nhất định không dùng. Những cây tuy còn ngọn nhưng đã bị kiến làm tổ, hoặc sâu đục thân cũng không dùng làm nhà mà chỉ để làm củi đun. Mái nhà thường lợp bằng lá cọ, cỏ gianh cắt ở trên đồi, hoặc cây nứa đập dập ra lợp nhà cũng rất bền. Cũng nhiều nhà lợp bằng ngói. Nhà bao giờ cũng chỉ có một cổng duy nhất bên chái nhà. Và ngôi nhà nào cũng chỉ có một cửa ra vào duy nhất ngay đầu cầu thang nơi chái nhà. Sàn nhà thường lát bằng gỗ. Cũng có nhà lấy cây mai rừng về chẻ ra, dàn thành mảnh để lát sàn. Dùng lâu lên nước bóng rất đẹp và mát lắm. Sàn nhà lát bằng thanh cây mai rừng, buổi tối đi lại cứ kêu cà rạp, cà rạp.. theo chân bước. Cầu thang nhà sàn của người Tày bao giờ cũng phải chín bậc. Thi sỹ Mai Liễu cũng đã có bài thơ "Chín bậc cầu thang" đại ý ông nói, ông thích cái cầu thang chín bậc của nhà ông lắm. "Như con gấu đói thấy bộng ong trên cây/Tôi nhảy ba bước lên sàn" và "Chiều nay trở lại/Trước chín bậc cầu thang ấy/Như có ai lấy đá buộc chân mình" nghĩa là đã về nhà là ông lưu luyến chín bậc cầu thang, không muốn đi đâu nữa. Và "Tôi vịn vào nỗi nhớ/Bước lên". Đấy là sơ lược về ngôi nhà sàn của người Tày. Bây giờ nói về cái bếp lửa của ngôi nhà sàn ấy. Tại sao không chỉ gọi bếp, mà nhất thiết cứ phải gọi bếp lửa? Bởi vì bếp của người Tày được giữ lửa từ lúc cất ngôi nhà. Và ngọn lửa ấy được giữ quanh năm ngày tháng, mùa đông cũng như mùa hè, không bao giờ để tắt, cho nên đã gọi bếp thì nhất định phải là bếp lửa. Bếp không lửa, không gọi là bếp. Cái bếp chính được thiết kế ở giữa nhà. Người ta lấy đây là trung tâm của ngôi nhà. Ngoài bếp chính, thông thường người ta còn làm thêm một hoặc hai cái bếp phụ nữa. Một cái để ở nơi gần chỗ người già nằm nghỉ, để tiện các cụ sưởi ấm. Và một cái nữa chỉ để nấu cám lợn và đun rượu, hoặc xào thịt trâu, thịt bò. (Thịt trâu, thịt bò người ta không xào ở bếp chính. Không biết tại sao, tôi chưa kịp tìm hiểu). Bài thơ "Bếp lửa nhà sàn" Mai Liễu nói về cái bếp lửa chính. Cái bếp ở giữa nhà, nơi chủ yếu để gia đình tiếp khách và giữ lửa. Cái bếp này của người Tày tôi thấy rồi. Hãy mô tả một tẹo: Người Tày làm bếp cũng quan trọng như làm nhà. Cũng phải kén thầy, cũng phải xem ngày giờ cát hung cẩn thận. Cùng với việc làm nhà, người ta vào rừng tìm cây làm bếp. Gỗ làm bếp, tốt nhất là gỗ cây lý, hay lõi cây gỗ nghiến, thứ gỗ khó bén lửa. Xẻ cây gỗ ra, đóng thành cái khung hình chữ nhật có chiều dài độ hai bước chân, chiều rộng độ một bước, sâu khoảng hơn một gang tay. Người ta tìm một cây tre tốt, còn nguyên ngọn, không sâu, kiến. Chẻ cây tre ra thành nan, vót nhẵn nhụi cẩn thận rồi đan thành một cái vỉ lót xuống đáy bếp. Sau đó, lấy cây chuối rừng, bóc lấy bẹ, trải lên một lượt. Đặng, kiếm mảnh chum, mảnh vại, mảnh bát trải đều một lượt tiếp, rồi xuống ruộng, đào thật sâu, tìm loại đất sét thật tốt. Hoặc vào rừng kiếm đất tổ con mối về ngào kỹ, phủ lên trên, nện thật kỹ. Làm bằng thứ đất táp nham, làm ẩu khi đun gặp lửa nóng bếp nứt ngay, không được, hỏng. Mọi việc xong xuôi, người có uy nhất trong nhà trịnh trọng đặt cái kiềng tròn vào giữa cái bếp ấy. Đối với cái bếp nhà sàn vừa khánh thành, không phải cứ làm xong là bạ lúc nào cũng nổi lửa được đâu. Mà phải đợi đến đúng giờ dậu mới được nổi lửa. Thứ đặt lên kiềng đun đầu tiên là một nồi nước lá thơm để xông bàn thờ tổ tiên. Người ta quan niệm rằng, phải làm đúng như thế thì thần bếp, thần lửa mới phù hộ cho gia đình luôn mạnh khỏe, cơm no, áo ấm, mùa màng bội thu. Cái bếp lửa của người Tày thiêng liêng vậy, quan trọng vậy, cho nên "Phía trên là chỗ của ông, của bố/Chỗ của khay nước điếu cày" - Chỗ của đàn ông, những người có uy tín và quyền lực tối hậu trong gia đình. "Bên bếp là chỗ của bà, của mẹ/Chỗ của cơi trầu bình vôi". - Chỗ của đàn bà, cũng là những người quyền lực thứ hai trong gia đình. "Phía dưới là chỗ của con dâu, con gái/Của níp đựng kim chỉ vá may". Như vậy, ở khổ đầu của bài thơ, Mai Liễu cho ta thấy, xung quanh cái bếp lửa nhà sàn, vị trí của từng người được quy định theo ngôi thứ rất rõ ràng, rất tôn ti trật tự. Đấy là đối với người nhớn, những người đã có ý thức. Còn trẻ con còn bé chưa biết gì thì muốn ngồi đâu thì ngồi: "Chỉ có trẻ con không lo nhầm chỗ". Đọc khổ đầu của bài thơ cho thấy, chỗ của ông, của bố có "khay nước, điếu cày". Chỗ của bà, của mẹ có "cơi trầu, bình vôi". Toàn những đồ dùng phục vụ cho sự nghỉ ngơi của tuổi già. Chỗ của con dâu, con gái cũng là chỗ của "cái níp đựng kim chỉ vá may". Nghĩa là ngồi sưởi lửa, ngồi chơi đấy, nhưng con cháu phận gái vẫn vừa nghỉ, vừa lao động. Một nề thói trong gia đình rất hợp đạo lý, rất nhân văn. Theo tôi được biết, nếu đàn bà chót nhỡ ngồi sai vị trí, sai quy định, thì gia đình phải lấy rượu, mổ gà, làm xôi tạ lỗi với thần bếp. "Cái bếp vuông đêm ngày mong đỏ lửa/Cái kiềng tròn đợi nồi xuống, nồi lên". Hình như tôi đã đọc ở đâu, thấy người ta quan niệm rằng, hình vuông biểu hiện của sự tĩnh. Hình tròn biểu hiện của sự động. Cái bếp là trung tâm của ngôi nhà sàn, nó ở chỗ ấy, giữa nhà và tồn tại cùng ngôi nhà, vậy phải tĩnh. Tĩnh để mà "đêm ngày đỏ lửa". Mà đã tĩnh thì phải vuông. Còn cái kiềng sắt, thì nhất thiết phải là hình tròn. Tròn để mà động, để mà "đợi nồi xuống, nồi lên". Người ta làm thế là biểu hiện của sự mong muốn gia đình luôn được "ấm êm no đủ". Lời thơ mộc mạc, nghe vui, nó toát lên một cái gì như là sự bình tâm, một cái gì như là sự đầm ấm trong cuộc sống của một gia đình sung túc xung quanh cái "bếp lửa nhà sàn". Cái bếp lửa của người Tày là nơi có thể nói là linh thiêng. Nó quan hệ đến sự ấm no, hạnh phúc của một gia đình, nên ngoài vị trí của từng người trong gia đình xung quanh bếp, khi dùng bếp, người ta còn có một số kiêng kỵ. Ví dụ: Có cái cặp làm bằng tre dùng để điều chỉnh củi cháy, dùng để gắp than nóng, cời than. Người ngồi bếp phải nhớ kỹ một điều rằng: "Cầm cặp tre không gõ mặt kiềng". Khi cần cho bùng ngọn lửa, người ta có cái ống cũng làm bằng tre, hoặc ống giang nhỏ bằng ngón chân cái chuyên dùng để thổi lửa. Người ngồi bếp phải nhớ, khi thổi hơi qua cái ống ấy, phải thổi nhẹ nhàng, gọn khí, chứ "không thổi tro tung tóe". Bụi có thể bay vào thức ăn, bay ra sàn nhà mất vệ sinh. Khi đưa củi vào bếp, phải nhớ đưa đằng gốc vào trước. Để cây củi cháy từ gốc đến ngọn. Cầm cây củi đưa vào bếp, đưa đằng nào vào trước cũng được là không phải "người ở nhà sàn". Và khi bắc nồi, bắc xoong từ trên kiềng xuống, cấm không được dùng đũa sỏ vào tai chảo nhấc. Người ta kiêng. Tôi đã nhiều lần ngồi bên "bếp lửa nhà sàn". Để giữ lửa, người ta dùng những khúc củi chắc, to, gọi là củi gộc. Trên bếp có một cái sàn, thường treo những tảng thịt lợn để hun khói. Một cách trữ thực phẩm để dùng dần. Khi dùng chỉ cần tháo xuống một thỏi, rửa cho hết bồ hóng, thái mỏng, xào với rau cải cay trồng trên nương đất sỏi. Vài người tâm đắc ngồi xếp bằng bên bếp lửa cháy liu riu nhắm thứ ấy với rượu hoẵng. Vừa thưởng rượu, vừa kể chuyện đi rừng, khoái vô cùng. Cạnh bếp thường có mảnh gang, gắp mảnh gang đặt trên than hồng, rúm một rúm chè khô trong ống bắng treo cạnh đấy, thả vào, sao qua cho thơm, pha nước, thưởng vị trà sao "bếp lửa nhà sàn" thú lắm. Ngồi cạnh bếp thưởng rượu, quả ớt người ta cũng hay nướng. Ớt nướng, dầm nước mắm chấm lòng lợn, hương thơm thơm mùi khói lửa, mùi đồi nương kiểu gì, rất hay. Sống như thế một thời gian, đi đâu, mỗi khi lòng bâng khuâng, hay thả hồn nhớ về cái "bếp lửa nhà sàn". Để kết cho bài thơ, Mai Liễu dùng bốn câu ngắn gọn: "Người ở nhà sàn/ Giữ lửa bằng củi gộc/Giữ nhà bằng sự cần cù ngay thẳng tin yêu/Quanh bếp lửa vuông là nếp nhà ăn ở". Cái bếp lửa nhà sàn "vuông". Vuông là biểu tượng tĩnh, cố định. Cố định như "nếp nhà ăn ở", "ngay thẳng tin yêu". Đọc "Bếp lửa nhà sàn", tôi lại nhớ cái lần đến chơi nhà Mai Liễu. Nhà thơ ngụ ở bản Phú Đa, xã Công Đa, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Từ thành phố Tuyên Quang đến đấy cũng chẳng bao xa. Như nhà thơ Tống Đại Hồng bạn tôi viết trong bài "Vùng Lõm" thì chỉ "cách thành phố nửa giờ xe lạnh". Tư gia nhà thơ là ngôi nhà sàn đẹp tọa ngay lưng đồi cọ. Giữa nhà có cái bếp lửa, than hồng lúc nào cũng tỏa khói vân vi. Tôi muốn mượn vài câu in trên báo Biên Phòng ra ngày 9/6/2017 để kết cho bài viết này: "Nhà thơ Mai Liễu là người dân tộc Tày, nổi tiếng với những vần thơ thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, đặc biệt là những vần thơ về đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao biên giới. Thơ ông lặng lẽ với câu chữ hồn hậu, nguyên sơ của tình người miền núi, để rồi những câu chữ thấm hồn dân tộc ấy cứ đọng lại mãi trong lòng người". Bếp Lửa Nhà Sàn là một bài thơ tôi thích.