Vẫn đều đặn, cứ đến Tết Đoan Ngọ là trong nhà tôi hay cũng như bao nhà khác đều không thể thiếu bát cơm rượu. Nó là thứ đặc trưng, là cái để diệt sâu bọ trong cái ngày để cầu cho sức khoẻ dồi dào này. Bát cơm rượu với vị thơm của nếp xen lẫn với chút cay cay của rượu trở thành một cái gì đó làm cho người ta không thể không bỏ qua. Tôi một khi đã ăn là sẽ muốn ăn nữa và ăn mãi nhưng vì không muốn say triền miên nên đành dừng lại mặc cho cái thèm nó cứ theo tôi vài ngày. Tôi ăn nó không chỉ để diệt sâu bọ mà còn vì một cách để tưởng nhớ về cái tuổi thơ xa mãi. Lúc nhỏ khi trên lịch ghi ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch, trong các khu chợ, trên đường phố lúc đó tấp nập những người cùng gánh hàng bán cơm rượu. Bọn trẻ thì luôn háo hức chờ đến lúc những bát cơm rượu còn thơm được mua về bày lên bàn cúng đến khi được hạ xuống chia cho các thành viên trong nhà. Tôi, là người nhỏ tuổi nhất lúc đó nên luôn được phần ít hơn bởi người lớn trong nhà tôi sợ men rượu trong đó sẽ khiến tôi say nếu như ăn quá nhiều. Nhưng điều đó cũng chẳng hề hấn gì đối với tôi vì có lẽ cái tôi thích là được ngồi cùng các chị lớn trong nhà, được trò chuyện, vui đùa thỏa thích. Hôm nay, bát cơm rượu của tôi đã đầy hơn xưa hay chí ít tôi cũng có thể mua bao nhiêu tuỳ thích. Nhưng những người ngồi xung quanh tôi đã không còn ở đây nữa. Tôi vẫn ăn cơm rượu, vẫn thưởng thức được cái vị quyến rũ của gạo nếp, cái cay của rượu giờ đây có vẻ đậm hơn xưa. Không phải vì người bán cho quá nhiều và cũng không phải là do vị giác tôi có vấn đề, mà bởi vì tôi ngồi ăn một mình, thiếu đi cái sự quây quần, những tiếng cười năm xưa làm cho men rượu thêm cay, thêm đắng.
Món này hồi bé Chiqu cũng hay ăn á, ngọt ngọt, hương rượu thoang thoảng.. ăn ngon. Lớn lên không thích món này nữa, cảm giác ăn không ra hương vị khoái khẩu như hồi bé. Chả biết tại men hay tại gạo, dù sao vẫn là nó mà mình lại không thích nữa. Mà giờ mình mới biết món này ăn vào tết Đoan Ngọ ý, quê mình không thấy có tập tục này.