"Bắt cá hai tay" là gì? Hiểu thế nào cho đúng? Cứ hễ ai nghe câu nói "bắt cá hai tay" đều nghĩ đến việc ám chỉ sự tham lam muốn có nhiều thứ cùng một lúc và thường sẽ là thất bại. Nhưng nếu là dân thương hồ, quanh năm sống chung với sông nước, những người chuyên tát đìa, tát ao làm nghề "hạ bạc" sống nhờ nguồn thu nhập từ tôm, cá thì sẽ thiết nghĩ rằng: "Nếu chỉ một tay làm sao bắt được cá!". Vậy cách nói này sai hay cách nghĩ này sai? Quả thật, đã bắt cá thì phải dùng đến cả hai tay mới nắm được cá, vì cá trơn lại hay vùng quẩy, việc "chộp" cá chỉ với một tay thì chỉ cần quẩy nhẹ một cái là cá vuột ra khỏi tay liền. Vậy hai tay ở đây trong trường hợp thực tế cuộc sống là hai tay bắt một con cá. Bắt cá bằng một tay hơi bị khó! Nhưng điều đó không phủ nhận rằng cách nói của người xưa là sai, mỗi câu thành ngữ, tục ngữ điều là sự tích góp từ cuộc sống của cha ông hằng trăm năm qua, nhưng vì cái hạn chế của tục ngữ, thành ngữ là giải thích rất "kiệm lời" nên dẫn đến việc hiểu sai, hiểu lầm. Thành ngữ trên phải được hiểu ở một nghĩa cụ thể: Đã bắt cá thì phải tập trung bắt một con cá, còn định dùng hai tay bắt hai con cá thì kết quả chẳng được con nào. Như vậy ý nghĩa của thành ngữ này là phê phán người "hai tay" muốn bắt "hai con cá", hay nói khác đi là muốn mỗi tay bắt một con cá. Nghĩa đen là thế, còn nghĩa bóng mà ta muốn hướng đến thì phải được hiểu như sau: Phàm làm việc gì chỉ nên tập trung vào một đối tượng, nếu tham lam chọn một lúc cả hai thì kết quả chẳng được cái nào cả. Trong thực tế, nếu anh chàng đa tình nào cùng lúc yêu hai người, ta sẽ bảo là anh ấy "bắt cá hai tay". Kết quả của việc này thì sớm muộn gì từng người một cũng sẽ bỏ anh ta hoặc có khi cùng lúc cũng nên! Lúc đó anh ta sẽ nghiệm ra rằng "lắm mối, tối nằm không". Còn chuyện một lúc mà làm cả hai việc thì e rằng chẳng việc nào thành công. . Đâu phải chỉ có con trai mới biết bắt cá hai tay! Câu chuyện về hiểu cụm từ "bắt cá hai tay" vẫn chưa dừng lại ở đó! Trong Nam Bộ, có nhiều người vẫn hiểu cụm từ này theo ý nghĩa trên. Nhưng có không ít người nhất là những người cao tuổi và những thành viên trong hội nhóm "gà độ" còn hiểu thành ngữ này theo một phương diện hoàn toàn khác, "cá" trong thành ngữ không phải là con cá mà là "cá độ". Tại trường gà, với dân chuyên trồng cựa, bắt độ (gọi là "dân bắt cá" hay "dân hàng xảo"), thì bắt cá được hiểu: Trong một trận đá gà (chọi gà), dân hàng xảo thường bắt độ với người này nhưng cũng có thể phóng độ với người khác. Lúc bắt độ gà này sẽ thắng nhưng hồi sau lại bắt thêm con gà kia sẽ thắng. Cách bắt độ như vậy gọi là "bắt cá hai tay". Kết quả của việc làm này không phải lúc nào cũng mang lại thất bại đâu, rất nhiều khi nó mang lại cho dân hàng xảo sự "gở gạc", do lần bắt độ thứ hai có thể thắng lớn hơn, mà thua thì có thể thua nhỏ lại, giảm thiệt hại. Bắt cả hai kèo cá độ cũng là "bắt cá hai tay" Nghĩa bóng theo cách nghĩ này là nguồn lợi được cả đôi bên. Còn sắc thái biểu cảm vẫn là chê bai, coi thường việc làm người "bắt cá hai tay", chớ không nhằm chê bai kết quả họ làm ra. Đây là cách hiểu thêm về thành ngữ này của người Nam Bộ xưa. Hậu quả của "bắt cá hai tay". Dù xét theo nghĩa nào đi nữa thì việc "bắt cá hai tay" luôn mang đến những hậu quả không hề nhỏ. Nếu trong tình yêu, đây sẽ là một điều vô cùng tồi tệ và rất khó để chấp nhận, bởi trong tình cảm niềm tin là thứ mà người ta sẽ không tiếc cho đi, nhưng khi một ngày nào đó bản thân phát hiện mình chỉ là một trong hai "con cá" mà đối phương muốn "bắt" cùng lúc, chắc chắn rằng cảm giác đó rất tồi tệ. Còn đối với bản thân người muốn "bắt cá hai tay" cũng sẽ thật sự rất khó sống với chính cảm xúc của mình sau khi trải qua những cuộc vui còn lại bên ta chỉ là những nổi dằn vặt, tiếc nối về những gì đáng trân trọng mà bản thân đã bỏ qua, cái giá của lòng tham lúc nào cũng rất đắt, nhất là trong chuyện tình cảm. Còn trong công việc hay trong giới "độ gà" thì việc bắt cá hai tay có thể mang đến sự mai mắn nhất thời, nhưng sau đó "của thiên" vẫn phải "trả địa" nhưng uy tín, hình tượng đã bị mất đi vì sự tham lam "hai mặt" đấy. Chúng ta hãy cùng nhau sống hết mình với những gì mình đã chọn, hết lòng vì điều đó, đừng mong cầu "đứng núi này" mà "trông núi nọ", thì cái kết lúc nào ta cũng sẽ phải ở chân núi sâu thẳm. Hãy cùng nhau cho đi từ sự chân thành chắc chắn chúng ta sẽ nhận lại được chân thành.