BẢO HIỂM XE MÁY LÀ GÌ? CÓ NHỮNG LOẠI BẢO HIỂM NÀO? Mọi người đi xe máy ra đường thì phải mang theo giấy tờ nếu không muốn bị cảnh sát giao thông tóm lại và xử phạt. Những loại giấy tờ cần có bao gồm: Bằng lái xe để chứng minh bạn đủ khả năng lái xe; đăng ký xe để chứng minh xe đó có nguồn gốc rõ ràng, không phải đồ trộm cắp hay cướp giật. Còn một loại giấy tờ nhất định phải có nữa, đó là bảo hiểm xe máy. Tại sao lại bắt buộc phải có bảo hiểm, không có thì sẽ bị xử phạt? Khi biết cảnh sát giao thông sẽ phạt những xe không có bảo hiểm, thì có rất nhiều người đã chạy xô đi mua bảo hiểm. Tuy nhiên, số đông mọi người vẫn không hiểu về bảo hiểm xe máy và có những loại nào, dẫn đến đã mua bảo hiểm rồi mà vẫn bị xử phạt như thường. Sau đây, mình sẽ giúp các bạn hiểu thật tường tận và đầy đủ về bảo hiểm xe máy để các bạn có thể lựa chọn cho mình những gói bảo hiểm hợp lý nhất. Đặc biệt là không bị cảnh sát giao thông xử phạt vì một cái lỗi rất là nhỏ như vậy. Thế thì bảo hiểm xe máy bao gồm những loại gì? Mình chia nó thành hai loại: Bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm bắt buộc. 1. Bảo hiểm bắt buộc Đây là loại mà nhà nước bắt người dân phải mua và tham gia giao thông nhất định phải có, nếu không sẽ bị phạt. Tên chính xác của loại bảo hiểm này là bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Nhiều bạn khi thấy bị bắt mua thì sẽ nghĩ rằng tôi bị sao thì kệ tôi, tôi không có nhu cầu mua bảo hiểm. Thì không, loại bảo hiểm này không dành cho bạn mà là dành cho những người mà bạn gây thiệt hại. Nghĩa là bạn tông vào người đó, bảo hiểm sẽ đứng ra đền bù cho người bị thương kia, họ sẽ thay bạn đền bù thiệt hại cho đối phương. Như vậy, dù bạn có nghèo đến mấy thì người bị hại vẫn được nhận tiền đền bù thiệt hại, mang lại công bằng cho xã hội. Đó là lý do tại sao nó lại bắt buộc phải mua. Mức đền bù thì cũng khá cao, nếu thiệt hại về người sẽ được đền bù lên tới tối đa là 100 triệu đồng, còn thiệt hại về của là 50 triệu đồng. Đa số người dân hiện nay khi gây tai nạn vẫn tự đứng ra đền bù, bảo hiểm có cũng như không. Vậy từ bây giờ, bạn lỡ có tông vào người khác thì hãy tìm đến và bắt bảo hiểm đền thay bạn, số tiền lên tới gần trăm triệu đồng chứ không ít đâu, nhưng thủ tục cũng lằng nhằng. Mà mua cái bảo hiểm này chỉ có 60 nghìn đồng thôi, thêm 10% thuế VAT nữa là 66 nghìn đồng/mỗi năm, cũng không đắt lắm. Tuy nhiên, có một số trường hợp bảo hiểm sẽ không đền cho bạn. Đó là bạn cố tình gây tai nạn để nhận tiền bảo hiểm, hoặc bạn chưa có bằng lái xe, hoặc bạn gây tai nạn sau thì bỏ chạy, hoặc tai nạn do tác động từ chiến tranh, khủng bố, động đất gây nên. Tóm lại, bảo hiểm trách nhiệm dân sự là bảo hiểm bắt buộc phải mua, nó chỉ chi trả khi có tai nạn xảy ra và người bị thiệt hại sẽ được nhận tiền bảo hiểm. Nếu không có bảo hiểm này thì sẽ bị phạt 150 nghìn đồng. 2. Bảo hiểm tự nguyện Tự nguyện thì đương nhiên ai cũng biết rồi, thích thì mua, không thích thì thôi. Cơ mà đôi khi Việt Nam mình vẫn có những cái tự nguyện rất lạ, tự nguyện trên tinh thần bắt buộc. Về bảo hiểm tự nguyện, mỗi công ty bảo hiểm có những sản phẩm bảo hiểm khác nhau. Nhưng chung quy lại thì có những loại sau đây. Thứ nhất là bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe . Nếu mua loại bảo hiểm này thì khi bị tai nạn, người ngồi trên xe bị thương (bao gồm cả người lái và người ngồi sau) sẽ được bảo hiểm hỗ trợ một số tiền. Số tiền này thì phụ thuộc vào lúc bạn mua bảo hiểm là bao nhiêu. Ví dụ, bạn mua mức bảo hiểm 20 triệu đồng thì khi bị tai nạn sẽ chỉ được hỗ trợ tối đa 20 triệu thôi, còn mua mức 100 triệu đồng thì đương nhiên được hỗ trợ tối đa lên tới 100 triệu. Cái này thì tùy mỗi người, mình nghĩ mua cũng hợp lý. Nếu bỏ ra một bát phở mà nhỡ may bị ngã xe thì lại được hỗ trợ cũng xứng đáng. Cơ mà phải tìm công ty bảo hiểm nào uy tín để mua, vì nhiều khi số tiền nhận lại còn ít hơn cả số tiền bỏ ra để đi làm thủ tục, hồ sơ nhận bảo hiểm. Đó là bảo hiểm về người, còn loại bảo hiểm nữa là bảo hiểm thân xe . Loại bảo hiểm này có hai dạng là bảo hiểm cháy nổ và bảo hiểm mất cắp. Mình thấy có một số công ty bảo hiểm gộp chung hai loại bảo hiểm này là một. Tức là mất cũng được đền mà cháy nổ cũng được đền. Nhưng có những công ty, họ tách cái nào ra cái đấy. Loại bảo hiểm này mình thấy cũng được, nhất là ở Hà Nội hay các khu vực dễ mất cắp. Mua một cái bảo hiểm vài chục nghìn, nhưng khi mất xe được đền tới 80% giá trị xe lúc bị mất. Tuy nhiên, chắc chắn việc được đền bù khi mất sẽ rất khó. Bởi vì không dễ gì mà xác minh được một cái xe bị mất thật hay do người ta cố tình giả dựng tình huống để nhận tiền bảo hiểm. Còn bảo hiểm cháy nổ thì dễ. Cái xe bị cháy thì lù lù ra đấy, không ai cãi được nữa, có chăng thì phải xác minh xem có phải chủ xe vui tính vác xăng ra đốt hay không thôi. Nhưng có lẽ là không đâu, bởi bảo hiểm chỉ đền có 80% giá trị xe thì có nhận được tiền bảo hiểm, chủ xe vẫn thiệt hại. Nói chung, bảo hiểm cháy nổ thì dễ được đền bù, bảo hiểm mất cắp thì sẽ khó hơn. Bảo hiểm tai nạn người ngồi trên xe thì nên mua, vì chẳng đáng bao nhiêu. Còn bảo hiểm trách nhiệm dân sự thì khỏi phải nói bắt buộc phải mua rồi. Nếu có thằng nào định tông bạn, thì bạn hãy hỏi nó xem nó đã mua bảo hiểm bắt buộc chưa? Có rồi thì hãy cho nó tông bạn nhá.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC NHẬN TIỀN BẢO HIỂM XE MÁY Hiện nay, rất nhiều người cho rằng bảo hiểm chỉ là niềm hy vọng mơ hồ. Nghĩa là quy định thì có thật, nhưng thực tế chẳng ai được hưởng, mua chỉ để đối phó với công an thôi. Ở bất cứ đâu, từ các câu chuyện lề đường đến các bài viết trên mạng internet, ở đâu người dân cũng phản đối mua bảo hiểm xe máy bắt buộc. Mọi người cho rằng, tôi chẳng thấy ai được nhận bảo hiểm bắt buộc cả. Thật vậy, rất rất ít người được nhận bảo hiểm bắt buộc bởi hai nguyên nhân. Thứ nhất do nhìn những người xung quanh, chúng ta không thấy ai được nhận bảo hiểm. Đương nhiên là bạn cũng sẽ không tin là bản thân bạn có thể được bảo hiểm chi trả khi tai nạn xảy ra. Kể ra thì con người chúng ta cũng là một loại động vật, cũng có bản năng sinh sống theo cộng đồng. Khi chúng ta nhìn thấy nhiều người khác làm gì đó, thì chúng ta cũng có xu hướng tin và làm theo. Giống như một vụ giết người ở Mỹ, tất cả người dân đều tận mắt chứng kiến, nhưng không một ai ra tay giúp cả, đó là bởi vì họ chẳng thấy người khác giúp. Hay bạn gặp tai nạn ở ngoài đường cũng vậy thôi. Nếu bạn nhìn xung quanh không có ai giúp người bị nạn, thì khả năng cao là bạn cũng sẽ không. Thế nên khi không thấy mọi người xung quanh đi nhận tiền bảo hiểm, thì bạn không đi cũng là một điều hết sức tự nhiên. Mà nếu bạn có cố gắng đòi nhận, có khi người ta lại chửi bạn là thằng ngáo ngơ, làm cái điều không có hy vọng. Lý do thứ hai, khiến cho bạn không tin là sẽ được bảo hiểm đền bù khi tai nạn, đó là thủ tục rất rườm rà. Phải nói thẳng là thủ tục hành chính ở Việt Nam rất rắc rối. Cái này không chỉ là quan điểm của cá nhân mình mà kể cả trong quốc hội, vấn đề này cũng được đưa ra thảo luận rất nhiều. Thủ tục hành chính rườm rà nhưng thủ tục về những quyền lợi cá nhân còn rườm rà hơn, nhất là khi liên quan đến tiền bạc. Cũng đúng thôi, nếu làm sai quy định, nhân viên bảo hiểm thậm chí có thể phải đền tiền. Ngoài ra, người Việt Nam vốn rất khôn lỏi, rất giỏi trong việc luồn lách các quy định để chuộc lợi. Thế nên, bảo hiểm phải đưa ra các quy định rất chặt chẽ, để tránh các trường hợp lách kẽ hở chiếm đoạt tiền bảo hiểm. Do đó, thủ tục để nhận chế độ bảo hiểm là quá phức tạp với người dân. Có thể còn có nguyên nhân khác, nhưng mình sẽ không kể thêm. Thực tế là rất ít người khi tai nạn xe máy mà được bảo hiểm đền. Thế nhưng cũng không phải không có, bạn không thấy ai được nhận bảo hiểm là bởi vì con mắt của bạn không thể soi được cả đất nước. Quy định của pháp luật cũng rất rõ ràng, trong 15 ngày, khi bạn nộp hồ sơ đầy đủ, cùng lắm là 30 ngày với những trường hợp phức tạp, bảo hiểm phải chi trả cho người được hưởng. Vậy nên, theo mình bảo hiểm bắt buộc thì bắt buộc phải mua rồi. Các bạn có muốn thay đổi luật thì phải đề nghị đại biểu Quốc hội phản ánh trong cuộc họp, biết đâu Quốc hội sẽ không bắt người dân mua bảo hiểm nữa. Còn nếu không thay đổi được, thì tốt nhất hãy tập trung vào vấn đề chính. Đó là chúng ta lo lắng việc mua bảo hiểm chẳng có lợi ích gì. Vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu thật kỹ quy định để nhận được tiền đền bù từ bảo hiểm, bắt công ty bảo hiểm phải đền bù quyền lợi cho chúng ta. Có thể lâu nay các công ty bảo hiểm quen với việc người dân không hiểu biết, không quyết tâm đòi quyền lợi nên họ cũng không quan tâm. Nhưng nếu bây giờ, người dân đòi quyền lợi thật gắt gao, thật căng như bảo hiểm ô tô thì mình nghĩ chỉ vài trường hợp đầu là khó khăn thôi. Còn khi mọi người đã quen với thủ tục nhận bảo hiểm, rồi chuyền tay nhau hướng dẫn làm thủ tục, chắc chắn công ty bảo hiểm không thể nào không thực hiện nghĩa vụ của mình được. Vậy nên, thay vì kêu ca rằng mình không được nhận tiền, vì kêu mãi mà vẫn phải mua, thì kêu làm gì. Thay vào đó, hãy nghiên cứu kỹ quy định, chuẩn bị hồ sơ đầy đủ để yêu cầu các công ty bảo hiểm phải thực hiện nghĩa vụ. Lúc đó chúng ta vừa không bị công an phạt, vừa được hưởng quyền lợi mà đáng ra chúng ta phải được hưởng. Vậy làm thế nào để nhận bảo hiểm? Khi có một vụ tai nạn xảy ra, bảo hiểm chỉ chi trả những vụ tai nạn được ghi trong hồ sơ công an. Còn anh em bị nhẹ, tự thỏa thuận với nhau thì thôi cũng không nên đòi bảo hiểm làm gì. Khi tai nạn, các bạn cần chuẩn bị những hồ sơ bao gồm: - Tài liệu liên quan đến người và xe: Bằng lái, đăng ký xe, chứng minh, giấy bảo hiểm. - Tài liệu liên quan đến thiệt hại gồm: Hồ sơ bệnh án, giấy chứng thương, giấy chứng tử nếu là tử vong, thiệt hại về xe, về tài sản. Nói chung là các loại giấy tờ đề bảo hiểm biết thiệt hại về người và của như thế nào thì họ mới tính xem cần đền bao nhiêu. - Hồ sơ tai nạn của công an: Cần có hồ sơ này để bảo hiểm biết vụ tai nạn đó có thật hay không. Có những ai bị thương, xe cộ thế nào? Nếu một vụ tai nạn có thật thì họ mới đến. Chứ bạn lấy hồ sơ một người ngã lầu rồi đòi bồi thường bảo hiểm xe máy thì ai mà đền được. Chỉ vậy thôi, rồi chờ bảo hiểm đền. Cố gắng các bạn nhá! Có câu "đường không tự nhiên mà có, chúng ta cứ đi nhiều thì sẽ thành con đường bảo hiểm xe máy mà thôi".