Khi nhắc đến đất nước Hàn Quốc chúng ta thường nghĩ đến ngay món Kimchi vô cùng nổi tiếng, thế nhưng, bên cạnh đó cũng có một món ăn được yêu thích và quan trọng chẳng kém cạnh gì Kimchi - Tteok. Loại bánh này được xem là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực mà người Hàn rất tự hào. Các gia đình ở Hàn Quốc không thể thiếu vắng nó trong hầu hết mọi nghi lễ cũng như đời sống hàng ngày. Bánh tteok là gì? Bánh tteok là một trong các loại bánh gạo Hàn Quốc. Trước đây, chúng là một loại bánh đúc làm từ gạo nếp được làm chín bằng cách hấp lên. Ngày nay, cũng có các loại bánh tteok Hàn Quốc làm từ gạo bình thường. Trong thực tế, hai chữ "bánh gạo" chừng như không đủ để diễn tả được sự đa dạng, phong phú của tteok. Nhắc tới bánh gạo, chúng ta thường sẽ liên tưởng món bánh gạo trắng hình trụ, ăn kèm nhiều loại sốt cay là Tteokbokki khá phổ biến ở Việt Nam. Nhưng Tteokbokki chỉ là một phần nhỏ của Tteok. Bánh Tteol này ra đời từ thời Tam Quốc cách dây gần 2000 năm. Trước đây, món bánh này được tầng lớp quý tộc sử dụng. Nhưng đến ngày nay chúng đang trở thành loại bánh truyền thống được người Hàn sử dụng trong đời sống. Đời sống tinh thần của người Hàn đều phản ánh qua hình dáng, màu sắc bánh. Loại bánh Tteok ấy chứa đựng ước nguyện, tình cảm của dân Hàn. Mỗi loại bánh lại có ý nghĩa khác nhau. Cái tinh tế trong văn hóa ẩm thực Hàn phần nào thể hiện được qua điều đó. Tuy không được biết đến nhiều như Kimchi, nhưng Teok là nét văn hóa ẩm thực đầy nghệ thuật của người Hàn và có vị thế vô cùng quan trọng trong ẩm thực Hàn Quốc. Quá trình phát triển của bánh Tteok Trước thời Tam Quốc Theo như The Seoul Guide, trong thời Tam Quốc, món ăn này đã được phát triển và phổ biến rộng khắp bán đảo Triều Tiên. Trong thời kì này, nguyên liệu chủ yếu được dùng để làm Tteok là các loại lương thực và ngũ cốc trồng được ở chính đất nước họ. Qua đó, ta thấy người Hàn Quốc đã biết làm thức ăn từ bột của các loại lương thực và ngũ cốc rồi hấp chín trong nồi đất để ăn từ rất sớm. Thời Silla thống nhất Bước qua thời Tam Quốc, đặt chân đến thời Silla thống nhất, xã hội Hàn dần trở nên ổn định hơn và ngành trồng lúa cũng ngày càng được phát triển. Vì vậy trong thời kì này, việc làm bánh Tteok với nguyên liệu chủ yếu là gạo nếp ngày càng trở nên phổ biến hơn. Thời Goryeo Bánh không chỉ nổi tiếng với giới quý tộc mà còn là món ăn được thường dân yêu thích. Bánh Ttoek thời Goryeo đánh dấu bước phát triển vượt bậc khi có rất nhiều loại Ttoek ra đời và chiếm một vị trí rất quan trọng và có quan hệ mật thiết với cuộc sống sinh hoạt của cư dân. Trong cuốn "Lịch sử Goryeo" cũng nói đến việc ăn bánh "Jongaepyeong" vào ngày "sangsa" và ăn bánh "Sutan" vào dịp rằm tháng 6, đã phần nào thể hiện bánh Ttoek đã dần dần chiếm được vị trí như một món ăn trong các dịp lễ tết của dân tộc. Thời Joseon Đến thời Joseon, món bánh này đã trở thành thức nhất định phải có trong lễ Chilseok (lễ truyền thống) và lễ Seolla (Tết âm lịch). Cùng với sự phát triển của kĩ thuật sản xuất và các phương pháp gia công chế biến trong nông nghiệp, văn hóa ẩm thực của người dân Hàn Quốc cũng ngày càng phát triển. Theo đó, các loại bánh Tteok và mùi vị của bánh cũng ngày càng trở nên đa dạng và phong phú. Đặc biệt bánh Tteok ngày càng được phát triển để phục vụ riêng cho quần chúng hay cho những tầng lớp thượng lưu. Khác với loại bánh Tteok thuần tuý đầu tiên chỉ được làm từ bột gạo hay bột ngũ cốc hấp chín, các loại bánh Tteok này được kết hợp giữa các loại ngũ cốc khác nhau cùng với các loại trái cây, hoa, cây cỏ hoang dã, hay các loại thuốc, đã đem lại sự biến hóa đa dạng về hình dáng cũng như màu sắc. Từ sau cận đại Cuối thế kỉ XIX, cùng với những biến động mạnh mẽ của xã hội bánh Ttoek dần đánh mất vị thế của mình. Từ món bánh được người dân Hàn Quốc yêu thích và coi như đồ ăn vặt, thức ăn trong những ngày đặc biệt hay dùng để thay thế cho cơm đã dần dần bị loại trừ trong thực đơn thay vào đó là bánh mì nguồn gốc từ phương Tây. Do sự thay đổi về lối sống người ta thường mua bánh Tteok được làm sẵn ở cửa hàng hay các xưởng làm bánh. Do vậy, các loại bánh Tteok vốn rất đa dạng nay chỉ được sản xuất ở các xưởng chuyên làm bánh. Bánh Tteok trong các ngày lễ tết của Hàn Quốc Bánh Tteok là loại bánh truyền thống chứa đựng nhiều ý nghĩa, nhiều tâm tư tình cảm của người Hàn. Người ta gọi bánh tteok Hàn Quốc chính là "linh hồn" trong các lễ tết của dân tộc. Tuỳ theo mỗi tiết, người dân Hàn lại làm và thưởng thức những loại Tteok khác nhau. - Vào ngày Tết "Seollal" (1/1 âm lịch), người dân Hàn Quốc ăn "Huintteokkuk" để chào đón năm mới. Loại canh được nấu bằng bánh Tteok này được coi là hình ảnh của sự trong sạch và trang nghiêm. Người ta cũng ví việc ăn canh này vào ngày đầu năm mới như là đã "ăn" thêm một tuổi, ngăn chặn đen đủi trong năm mới, cầu cho những điều may mắn. - Vào ngày rằm tháng giêng (15/1 âm lịch), người ta ăn "Yaksik" (cơm nếp trộn với nhiều loại nguyên liệu) với ý nghĩa ngăn chặn mọi tai ương và rủi ro. - Vào ngày "Junghwajol" - ngày bắt đầu vụ mùa (1/2 âm lịch), người chủ ruộng sẽ làm bánh "Songpyeon" để tiếp đãi những người làm công theo số tuổi của họ như một lời động viên, khuyến khích họ hãy cố gắng làm việc chăm chỉ hơn trong vụ mùa mới. Trong ngày trung thu, bánh mang nghĩa chuyện xấu và tốt luôn song hành, trời ban họa ắt trả lại phúc. Các gia đình làm bánh để tạ ơn trời đất. Hay là ngày sinh nhật, bánh lại biểu trưng cho ước mơ rộng lớn. Các loại Ttoek ngon và phổ biến nhất Hàn Quốc Tteokguk Tteokguk hay còn gọi là canh bánh gạo là chào đón năm mới của người Hàn. Món ăn bao gồm nước súp chan vào các miếng tteok được thái mỏng. Tteokguk thường được ăn kèm với trứng, thịt và rong biển. Chapssaltteok Theo truyền thống, Chapssalttoek được làm bằng gạo nếp và bột đậu đỏ. Món bánh này còn được gọi là "mochi" bởi nó tròn và nhỏ giống loại bánh của Nhật Bản. Chapssaltteok có đặc trưng khá dày, ăn dai, thường được chuẩn bị làm món tráng miệng trong các bữa ăn ở Hàn Quốc. Món bánh này được xem như lời cầu may cho sinh viên nào đó chuẩn bị phải tham gia vào kì thi quan trọng. Songpyeon Songpyeon có hình bán nguyệt nên được người Hàn dùng để ăn và làm quà tặng nhau trong dịp Tết Trung thu, với ý nghĩa trăng khuyết rồi sẽ tròn, việc chưa tốt rồi sẽ thành tốt. Songpyeon có thành phần gồm lớp vỏ ngoài nhồi bằng bột gạo với nước nóng được nhuộm các màu sắc khác nhau, còn nhân bên trong được làm từ đậu xanh, đậu đỏ, bột mè hoặc kem hạt dẻ. Người Hàn Quốc thường hấp songpyeon trên một lớp lá thông, nhằm giúp bánh có được mùi thơm đồng thời giữ bánh được ráo nước và không dính vào nhau. Jeolpyeon Jeolpyeon là loại bánh gạo hấp có dạng dẹt của Hàn Quốc được chế biến với nguyên liệu chính là gạo nếp và có vị ngọt đậm. Trước khi ăn, người ta thường quét thêm lên jeolpyeon một lớp dầu mè, nhằm giúp bánh không dính vào nhau và tạo thêm hương vị. Ngoài việc được sử dụng như một món ngọt thường ngày, jeolpyeon còn được chuẩn bị để phục vụ trong các đám cưới và tiệc trà đạo. Sirutteok Sirutteok là một trong những loại bánh gạo lâu đời nhất của Hàn Quốc. Loại sirutteok cơ bản được chế biến bằng cách hấp gạo (gạo nếp) cùng với một lớp đậu đỏ nghiền trong nồi hấp truyền thống được gọi là siru. Ngoài dạng phổ biến này, sirutteok còn có thể được phủ bởi các loại đậu khác, trái cây hoặc các loại hạt. Sirutteok có ý nghĩa mạnh mẽ trong văn hóa dân gian Hàn Quốc vì người ta tin rằng đậu đỏ có thể xua đuổi tà ma. Ngày nay, sirutteok vẫn thường được chuẩn bị để phục vụ trong những dịp đặc biệt của Hàn Quốc. Mujigae tteok Mujigae tteok có nghĩa là "bánh gạo cầu vồng", một chiếc bánh ttoek loại này có nhiều màu sắc khác nhau mang ý vị vui tươi nên Mujigae tteok là món gần như luôn phải có trong các bữa tiệc mừng. Đây là loại bánh thường được ăn trong các buổi janchi (tiệc truyền thống kiểu Hàn) hoặc tiệc dol (tiệc thôi nôi), Hwangap (tiệc mừng thọ 60 tuổi) hoặc gyeonhon janchi (tiệc cưới).