Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương là một bài thơ quen thuộc đối với mọi người, nhất là đối với những ai đã từng cắp sách đến trường. Bài thơ này không chỉ được giới thiệu, giảng dạy trong trường học mà đây còn là một bài thơ được lưu truyền rộng rãi trong đời sống nhân dân. Người Việt Nam yêu bài thơ này vì nó phản ánh được phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam, nhưng chính người phụ nữ lại phải chịu nhiều rủi ro nhất trong kiếp người. Bánh trôi nước là một hình tượng đẹp, chứa đựng nhiều chi tiết độc đáo thể hiện sự tìm tòi hình ảnh, chi tiết tinh tế của nhà thơ. Bài thơ vừa cho thấy vẻ đẹp và số phận người phụ nữ trong xã hội cũ, đồng thời cho thấy tấm lòng nhân văn cao cả của bà: yêu thương trân trọng người phụ nữ. Bánh Trôi Nước Thân em thời trắng phận em tròn Bảy nổi ba chìm mấy nước non Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son Bản khắc 1914 Khảo dị: Bản khắc 1922 Câu 4: Mà em vẫn giữ tấm lòng son Bản Xuân Hương thi sao Tựa đề: Vịnh hàn thực bính Câu 1: Thân em vừa trắng lại vừa tròn Câu 3: Mềm rắn nhờ tay quân tử vọc Câu 4: Khăng khăng vẫn giữ tấm lòng son Bản Quế Sơn thi tập Tựa đề: Lưu thuỷ bính Câu 1: Thân em vừa trắng lại vừa tròn Câu 4: Trong lòng vẫn giữ một hòn son Bản Tạp thảo tập Tựa đề: Vịnh hàn thực bính Câu 1: Thân em vừa trắng lại vừa tròn Câu 2: Bảy nổi ba chìm mấy nước sông Câu 3: Mềm rắn nhờ tay quân tử trộn Câu 4: Khăng khăng vẫn giữ tấm lòng son Nguồn: Kiều Thu Hoạch, Thơ nôm Hồ Xuân Hương, Nxb Văn học, 2008