Truyện Ngắn Bánh Tro Của Mẹ - Johanna

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi Johanna, 5 Tháng sáu 2024.

  1. Johanna Every story needs a happy ending

    Bài viết:
    147
    BÁNH TRO CỦA MẸ

    Cuộc thi nét bút tuổi xanh

    Tác giả: Johanna

    Thể loại: Truyện ngắn

    [​IMG]

    Nhắc đến Tết, dường như người Việt ta ai ai cũng nghĩ ngay đến Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết âm lịch, có lẽ do nó phổ biến hơn, dài ngày hơn và có sức ảnh hưởng lớn hơn. Ít ai nhớ đến ngày Tết Đoan Ngọ.

    Tết Đoan Ngọ rơi vào mùng năm tháng năm âm lịch hằng năm, "đoan" nghĩa là mở đầu, còn "ngọ" nghĩa là giữa trưa. Đó là khoảng thời gian mặt trời gần mặt đất nhất. Cũng có một truyền thuyết kể rằng, vào năm nọ, sau mùa bội thu, nông phẩm của người dân ta bị sâu bọ cắn phá. Bỗng có ông lão xưng là Đôi Truân từ xa đến, chỉ dân ta cách cúng để diệt sâu bọ. Vậy nên, ta còn có thể gọi Tết Đoan Ngọ là "Tết diệt sâu bọ".

    Mỗi cái tết thường có những món ăn đặc trưng. Nếu Tết Nguyên Đán có bánh tét, bánh chưng, Tết Hàn Thực có bánh trôi chay, Tết Trung Thu có bánh trung thu, thì Tết Đoan Ngọ có bánh tro.

    Bánh tro được gói bằng lá tre nên đôi khi còn được gọi là bánh ú lá tre. Bánh có dạng khối tam giác đều, nhỏ nhắn, chỉ to bằng một nắm tay, chẳng rõ thế nào lại được gọi là bánh ú nữa. Gỡ sợi dây buộc và lớp lá xanh bên ngoài, ta sẽ thấy ngay phần vỏ bánh làm từ nếp dẻo mịn nâu vàng trong trong. Cắn một miếng, ta sẽ cảm nhận được vị tro đặc trưng cùng vị ngọt dịu nơi cổ họng. Có loại có nhân đậu xanh, có loại không nhân. Nhưng loại nào cũng ngon cả.

    Vâng, đây mới là điều mà Hà nhớ rõ hơn cả.

    Hồi bé xíu, Hà nào biết Tết Đoan Ngọ là gì. Một lần, Hà được mẹ cho ăn một cái bánh rất ngon. Hà hỏi mẹ, mẹ bảo là bánh tro. Mấy hôm sau, Hà nói muốn ăn bánh tro thì mẹ lại rằng bánh tro chỉ có vào Tết Đoan Ngọ, tức là vào mùng năm tháng năm âm lịch hằng năm thôi.

    Nghe vậy, Hà tiu nghỉu:

    "Thế thì phải chờ đến năm sau rồi."

    Từ đó, Hà bắt đầu biết xem lịch, đếm ngày, trông cho đến mùng năm tháng năm để nhắc mẹ mua bánh tro. Có năm Hà quên không nhắc, bố đi làm vẫn mang bánh tro về cho Hà. Mỗi lần thấy bánh tro, mắt Hà lại sáng lên. Chưa ăn mà hương vị đã dâng lên trong miệng.

    Thời gian thấm thoát trôi qua, Hà nay đã ra dáng thiếu nữ. Em Hà cũng đã lớn, mẹ chẳng cần phải chăm như khi xưa.

    "Hà, hay năm nay mẹ làm bánh ú cho con ăn nha. Mẹ học cô Tư cách làm."

    Một lần, mẹ nói với Hà.

    Hà cười rộ lên.

    "Mẹ làm được không đó?"

    "Làm thử mới biết được."

    Thế là chưa đến năm tháng năm, mẹ tìm mua nguyên liệu.

    "Hà à, mẹ không mua được lá tre. Chắc mình gói lá chuối cũng được nhỉ?"

    "Hà à, mẹ thấy người ta ngâm nếp vào muối nở ấy, có bị đắng không nhỉ?"

    "Hà à, mình ngâm nếp ba ngày có ổn không?"

    "Hà à.."

    Mỗi lần mẹ hỏi như thế, Hà chỉ biết cười trừ cho qua chuyện.

    Thú thật, chuyện bếp núc của Hà khá kém, Hà cũng không biết phải gợi ý cho mẹ thế nào.

    Nhìn mẹ tập trung gói bánh, Hà cảm thấy trong lòng dâng lên một cảm xúc khó tả.

    Nhưng rồi Hà chỉ thở dài rồi gạc qua.

    Một lát sau, mẹ gọi Hà:

    "Bánh xong rồi nè Hà ơi."

    Giọng của mẹ chứa đầy niềm hớn hở.

    Hà nghe mẹ gọi thì chạy xuống bếp.

    Mùi thơm của lá chuối cùng những lượn khói xông lên nghi ngút.

    Mẹ gắp từng cái bánh ra đĩa.

    Hà nhìn rồi cười:

    "Này đâu phải hình tam giác!"

    "Thì lần đầu mẹ gói mà!"

    Trên dĩa có khoảng bảy tám cái bánh bé xíu, dèm dẹp, cái vuông vuông cái tròn tròn, trông cũng buồn cười.

    Đợi nguội một chút, Hà gỡ sợi dây nilon buộc quanh chiếc bánh rồi từ từ mở lớp lá chuối xanh thẫm kia ra.

    Nếp nóng dinh dính, có màu nâu nhạt, hơi trong.

    "Nhìn giống không?" Mẹ háo hức hỏi.

    "C.. cũng giống."

    Hà gượng cười trả lời.

    Hà thổi thổi rồi cắn một miếng. Nếp tuy mềm nhưng lại không mịn, nhân tuy ngon nhưng lại chẳng giống vị Hà thường ăn.

    "Có cái vị đặc trưng không?" Mẹ tò mò hỏi.

    Lúc này, Hà vẫn cười, nhưng thật sự cảm giác như mình không cười vậy.

    Hà chỉ lạnh lùng để lại một lời nhận xét:

    "Hơi đắng, nếp chưa mịn, nhân hơi.. lạ."

    Rồi Hà bỏ vào phòng.

    Vị bánh tro phiên bản của mẹ còn ở nơi cuống họng. Hà không biết nữa, nhưng Hà cảm thấy thật sự khó chịu.

    Cứ như là.. mẹ đã phá hỏng hương vị bánh tro thơm ngon mà Hà từng yêu thích vậy.

    Hà nhớ bánh tro năm ngoái bố mua, Hà nhớ bánh tro ngày nhỏ mẹ cho cơ.

    Hà bó gối, bên tai còn văng vẳng tiếng mẹ lúc mình vừa quay lưng vào phòng:

    "Để mẹ rút kinh nghiệm, mai mẹ làm lại. Mùng năm tháng năm sẽ có bánh ngon cho con."

    Hà định bảo mẹ không cần làm đâu, nhưng lại thôi.

    Tối hôm đó, Hà ôm nỗi muộn phiền lên giường ngủ: Sao mẹ lại hà tiện như vậy chứ?

    Hà không hiểu, cũng ngại hỏi mẹ.

    Thế giới của người lớn thật phức tạp.

    Những ngày sau, bánh tro của mẹ đã nên hình nên dạng hơn, màu cũng đẹp hơn, nhưng vị thì.. vẫn không giống.

    Cho đến vài năm sau..

    "Mẹ ơi, hôm trước ở trường cô giáo có cho con ăn cái bánh gì đó ngon lắm." Một cậu bé lùn như cây nấm chạy đến ôm chân Hà.

    Hà xoa xoa đầu cậu nhóc:

    "Bánh gì thế, nói mẹ nghe xem, mẹ biết không?"

    "Con không nhớ tên. Nó có hình nhọn nhọn giống tam giác á, vỏ mềm mềm màu nâu nâu, ăn ngọt ngọt, ở trong có nhân thơm thơm màu vàng nữa. Với lại nó có mùi gì lạ lắm." Cậu bé hí hửng kể với mẹ.

    Hà chợt ngẩn người.

    "Mẹ ơi, con muốn ăn bánh đó nữa."

    Hà giật mình rồi ngồi xổm xuống, ngang với cậu nhóc:

    "À, bánh đó là bánh tro, người ta chỉ bán vào một ngày Tết Đoan Ngọ thôi, ngày mùng năm tháng năm âm lịch ấy. Hôm nay người ta không bán nữa."

    Nhìn vẻ mặt tiu nghỉu của cậu nhóc, Hà lại nhớ đến chính mình năm xưa.

    "Vậy mẹ.. làm cho con ăn được không?"

    Đôi mắt to tròn ấy khiến Hà chẳng thể từ chối.

    "Ừm.. để mẹ xem thử."

    Đứng trong căn bếp nhỏ, không hiểu sao, những lời mẹ nói khi xưa bỗng lướt ngang qua tai Hà. Rồi Hà vô thức lặp lại:

    "Minh à, mẹ không mua được lá tre. Chắc mình gói lá chuối cũng được nhỉ?"

    "Minh à, mẹ thấy người ta ngâm nếp vào muối nở ấy, có bị đắng không nhỉ?"

    "Minh à, mình ngâm nếp ba ngày có ổn không?"

    Dẫu biết cậu nhóc chẳng hiểu gì, Hà vẫn cứ hỏi.

    Giống mẹ mình ngày xưa vậy.

    "Minh ơi, bánh xong rồi đây!"

    Mẻ bánh đầu tiên của Hà.. nói đúng ra còn tệ hơn cái tệ nhất của mẹ khi trước.

    Lá gói không chắc tay nên nếp bị tràn ra ngoài, có cái còn lộ cả nhân. Ăn vào còn thấy đăng đắng, lại chẳng có mùi vị đặc trưng gì.

    "Không giống, không giống.."

    Minh vừa ăn vừa lắc đầu thất vọng.

    "Vậy mẹ rút kinh nghiệm, lần sao mẹ làm cái khác ngon hơn cho con nha."

    Vừa nói xong, Hà khựng lại.

    À, hóa ra là như thế.

    Hà cười khổ, cố ngăn nước mắt lăn xuống.

    Khi thật sự yêu thương một người, bạn sẽ dốc tâm thực hiện điều người đó mong muốn nhất, nấu món mà người đó thích ăn nhất.

    Không phải vì bạn hà tiện.

    Mà bởi vì, chỉ khi là người nấu, bạn mới có thể nêm thêm gia vị yêu thương vào món ăn dành cho người bạn vô cùng trân trọng.

    Đó cũng là lí do bánh tro của mẹ, món ăn mẹ nấu mãi mãi chẳng bao giờ giống như ở bên ngoài.

    Có một sự thật, Hà vẫn không quên. Mẹ không thích ăn bánh tro. Mẹ bảo mùi của nó rất khó chịu.

    Nhưng vì Hà thích ăn, nên mẹ làm.

    Nhưng vì Hà muốn lúc nào thèm cũng sẽ có ăn, nên mẹ cố gắng làm.

    Dù ban đầu làm không tốt, nhưng mẹ không từ bỏ.

    Mẹ muốn nhìn thấy niềm hạnh phúc sáng rực trong đôi mắt Hà.

    Hà cười mình ngu ngốc, cười mình chậm hiểu.

    Một mình trong bếp, cuối cùng nước mắt cũng đã rơi.

    Hóa ra, hạnh phúc của người mẹ lại đơn giản như thế.

    Vậy mà đến bây giờ Hà mới hiểu.

    Hà nhìn đĩa bánh của mình, từng cái chẳng nên hình nên dạng rồi mỉm cười.

    "Mẹ ơi, con muốn ăn bánh tro của mẹ."

    Bất ngờ, tiếng chuông cửa vang lên.

    Hà vội lau nước mắt chạy ra mở cửa, trước mắt là dáng người quen thuộc.

    Trong vô thức, Hà cúi người, và sau ngần ấy năm, Hà ôm mẹ.

    Một cái ôm thật sự.

    Cổ họng nghẹn lại, Hà cố gắng kiềm chế cảm xúc:

    "Mẹ, mẹ lên sao không nói con ra đón?"

    "Ối chào, bắt xe đò đi dăm ba phút là tới nơi rồi. Đón đón làm gì. Vào nhà vào nhà."

    "Mẹ, con thèm bánh tro."

    "Hồi mùng năm tháng năm không ra mua mà giờ bảo thèm? Con bé này nay làm sao thế? Ôm với chả ấp, người ta nhìn không ngại à? Vào nhà."

    Vừa nói, mẹ vừa khẽ kéo tay Hà. Hà cũng buông tay, phụ mẹ xách đồ, giọng lí nhí:

    "Nhưng con thèm bánh tro của mẹ."

    Mẹ vào bếp, mở túi lấy mấy món quà dưới quê ra, cầm hộp bánh tro đưa cho Hà. Dường như mẹ thấy gì đó, bèn bật cười:

    "Á à, thì ra.."

    "Mẹ đừng cười con! Lần đầu con gói mà!"

    Hà đỏ mặt, lấy một cái bánh trong hộp của mẹ ra.

    Bánh tro gói thật khéo, màu sắc rất đẹp.

    "Vị vẫn không giống người ta bán." Hà trêu lại mẹ.

    Nhưng suy cho cùng, đây mới là hương vị tuyệt nhất.

    -Hết-​
     
  2. Cao Phú Soái

    Bài viết:
    161
    Truyện hay cực kỳ luôn!
     
  3. Johanna Every story needs a happy ending

    Bài viết:
    147
    Mình cảm ơn bạn ạ *qobe 22* Bạn cũng tham gia nhé <3
     
  4. CaoSG Sang năm một sắc trời vàng

    Bài viết:
    433
    Chào bạn, trước tiên xin chúc mừng bạn đã hoàn thành tuần thi thứ 11-12, dù không đạt giải cao nhất, nhưng Ban tổ chức hy vọng sẽ tiếp tục theo dõi và đạt giải cao trong những tuần thi sau. Ngoài chấm điểm, Ban giám khảo còn có một vài nhận xét/góp ý về bài viết của bạn như sau:

    Giám khảo 1: Câu chuyện rất hay và tinh tế. Nếu như chọn tác phẩm để in sách, tôi nghĩ mình không nói quá khi bảo rằng truyện này xuất bản được ^^

    Thật vậy, bạn đã kể một câu chuyện hết sức tình cảm và sinh động. Dĩ nhiên, phần tinh tế nhất hẳn là chi tiết người mẹ làm bánh tro cho con gái rồi sau này con gái lại làm bánh tro cho con mình. Thông qua chi tiết đó thì nó làm nổi bật lên tình cảm của các bà mẹ dành cho đứa con bé bỏng.

    Không biết bạn có để ý không chứ chi tiết tôi đề cập bên trên nó cũng rất phổ biến hàng ngày ấy. Đơn cử là quảng cáo nước mắm Nam Ngư trên tivi này. Mẹ hầm canh nêm nước mắm cho con, về sau con hầm canh nêm nước mắm cho con mình. Tôi ví dụ vui vậy để bạn thấy là câu chuyện tuy hay, ý nghĩa nhưng nó rất phổ biến nha.

    Về ý nghĩa thì không cần bàn cãi. Hương vị bánh tro, hương vị Tết Đoan ngọ, tất cả làm bật lên không khí gia đình ẩn sâu trong đề tài lần này. Bạn đã hoàn thành tốt và rất tốt một truyện ngắn. Tôi nghĩ, nếu đam mê nghiệp viết lách, có khi bạn sẽ trở thành tác giả chuyên nghiệp.

    Truyện ngắn này kết cấu rất chặt chẽ. Nhưng nói gì thì nó vẫn nằm ở mức an toàn. Giả sử bạn tham gia một cuộc thi lớn thì truyện này còn nhẹ kí lắm, chưa đủ sức đi đường dài.

    Tại sao tôi nói nó an toàn? Thế này nhé! Bạn đã làm theo đúng bố cục của một bài viết. Bao gồm: Mở bài, Thân bài, Kết bài.

    - Mở bài:

    Nhắc đến Tết, dường như người Việt ta ai ai cũng nghĩ ngay đến Tết Nguyên Đán hay còn gọi là Tết âm lịch, có lẽ do nó phổ biến hơn, dài ngày hơn và có sức ảnh hưởng lớn hơn. Ít ai nhớ đến ngày Tết Đoan Ngọ.

    - Thân bài:

    Tết Đoan Ngọ rơi vào mùng năm tháng năm âm lịch hằng năm," "đoan" "nghĩa là mở đầu, còn" "ngọ" "=> Hà cười khổ, cố ngăn nước mắt lăn xuống.

    - Kết bài:

    Khi thật sự yêu thương một người, bạn sẽ dốc tâm thực hiện điều người đó mong muốn nhất, nấu món mà người đó thích ăn nhất. => Đến hết.

    => Như bạn thấy đấy, mọi thứ bạn viết đều đâu ra đó và chính vì vậy nó an toàn.

    Vậy ý tôi muốn nói chung quy là nếu bạn muốn tác phẩm lôi cuốn, có sức hút và thật ấn tượng thì bạn phải biết tạo tình huống truyện. Còn nếu bạn thích trường phái nhẹ nhàng, trong trẻo thế này thì để tác phẩm thêm phần sâu lắng, bạn hãy chú trọng vào ngôn từ, vào văn phong bạn nhé. Chúc bạn gặt hái nhiều thành công.

    Giám khảo 2: Câu chuyện nhẹ nhàng, gợi cảm xúc nhợt nhạt nhưng dư vị miên man. Khởi đầu không quá thu hút nhưng cách bạn dàn trải tình tiết để cảm xúc nở bung khi nhân vật Hà" chợt hiểu "rất tự nhiên. Có hai dấu mốc chuyển tiếp:" Vâng, đây mới là điều mà Hà nhớ rõ hơn cả. "Và" Cho đến vài năm sau.."khá đột ngột, nếu được xử lý khéo léo uyển chuyển hơn thì bài viết sẽ gây ấn tượng tốt hơn.

    Giám khảo 3: Truyện bạn viết ổn, bám sát chủ đề cuộc thi. Tuy nhiên, bạn chưa đi sâu vào việc miêu tả nội tâm nhân vật Hà, và còn vài lỗi trong truyện bạn còn mắc phải (ví dụ: Chúng ta - ta ở đoạn đầu sử dụng không thống nhất) Tuy vậy, bạn vẫn đem đến một câu chuyện khá hay và mang tính nhân văn
     
    JohannaDana Lê thích bài này.
  5. Johanna Every story needs a happy ending

    Bài viết:
    147
    Mình xin cảm ơn Ban giám khảo đã dành thời gian đọc và nhận xét bài viết của mình, mình sẽ chú ý hơn trong những bài thi sau.
     
    CaoSG, Tiên PhanDana Lê thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...