Bánh đa kế - món quà quê dân dã Trên dải đất hình chữ S đầy thân thương và đa sắc màu này. Ta đã từng thưởng thức vô vàn những món ăn ngon, đặc trưng riêng của từng vùng miền. Đó có thể là món phở Hà Nội, hay bánh cáy Thái Bình. Cũng có thể là bún bò Huế, hay nem chua xứ Thanh. Từ Bắc vào Nam, ta đã từng nếm thử những món ăn nổi tiếng, vậy bạn đã được thưởng thức món "bánh đa kế" - đặc sản quê tôi chưa? Đặt chân tới vùng trung du miền núi phía Bắc, bạn hãy một lần thử ghé tới Bắc Giang. Nơi đây là quê hương của những chiếc bánh đa kế có vị bùi bùi của lạc và hương thơm dìu dịu của vừng. Được chế biến từ những hạt gạo quê, bánh đa kế Bắc Giang luôn để lại một cảm nhận khó quên về hương vị của mình. Nghe tới bánh đa nhiều người nghĩ đó là loại bánh "khô khốc", cứng và không có mùi vị. Nhưng nếu bạn một lần được nếm thử bánh đa kế thì hương vị ấy thật là khó phai. Hương vị gạo quê hòa quyện cùng mùi thơm của lạc và vừng nướng chín đã tạo nên nét đặc trưng của loại bánh này. Giống như những người dân ở đây, bánh mộc mạc nhưng tròn đầy; Và khi thưởng thức, bạn sẽ nhận ra một hương vị khác lạ không giống với bánh đa của các vùng miền khác. Dưới bàn tay khéo léo và tần tảo của người dân làng Kế, một ngôi làng cổ thuộc xã Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang. Bánh đa kế đã được người dân nơi đây chọn làm đặc sản quê nhà cho mỗi chuyến đi xa. Với bánh đa ở các vùng miền khác, vừng thường được rắc ở khu vực trung tâm bánh. Nhưng nét độc đáo của bánh đa kế chính là, vừng và lạc sống sẽ được giã dập, rồi phủ kín lên mặt bánh, tập trung ở tâm bánh và rải đều ra xung quanh. Người làng Kế thường rắc một lượt vừng đen cùng lạc sống giã dập khi bánh còn bốc hơi và nóng hổi; Sau đó mới đem bánh ra phơi. Công đoạn rắc vừng, lạc yêu cầu người làm phải tỉ mỉ và cẩn thận. Lạc và vừng phải đảm bảo trải đều trên khắp mặt bánh, nhưng tập trung ở phần tâm để khi. Nướng, lạc và vừng sẽ chín tới. Hình ảnh những phên bánh trải rộng dưới ánh nắng mặt trời trông thật dân dã và ấm áp làm sao. Đã có không ít du khách ghé thăm Dĩnh Kế và trải nghiệm thực tế làm bánh. Tuy nhiên thành quả làm ra không mấy hoàn hảo. Trông vậy mà thật không dễ dàng đâu nhé! Công đoạn cuối cùng là nướng bánh. Những chiếc bánh đa đã được phơi khô được nướng trên than hoa đỏ hồng. Ngày xưa mỗi lần về quê, ngày nào tôi cũng là cô 'trợ lý' hậu đậu của bà ngoại mỗi khi bà quạt bánh. Giúp thì không thấy mấy nhưng ăn là thấy rõ. Cũng không thể trách tôi háu ăn, là do bánh được nướng chín có màu vàng hồng nhạt và dậy mùi thơm phức, nó nhìn tôi đầy thách thức như muốn nói "Ăn ta đi!" khiến tôi không thể cưỡng lại được. Tới đây thôi, có vẻ như tôi đã quá dài dòng rồi nhỉ. Dù thế nào cũng mong bạn một lần sẽ có dịp ghé tới Bắc Giang. Thưởng thức món 'bánh đa kế' mà bạn chưa từng nghe tới trong truyền thuyết. Và khi đó bạn đã biết thêm một món ăn trong vô vàn ẩm thực của dân tộc Việt Nam.