Tâm sự Băng qua nếp gấp cuộc đời

Thảo luận trong 'Góc Chia Sẻ' bắt đầu bởi Liên Cẩm, 9 Tháng mười 2018.

  1. Liên Cẩm

    Bài viết:
    0
    Mỗi người chúng ta từ khi sinh ra đến khi trưởng thành rồi già đi, trải qua nhiều biến cố thăng trầm của cuộc đời, hạnh phúc có, bi ai có, tùy mỗi số phận mà có những mảnh đời thật sự đầy tủi hờn cay đắng. Sinh ra là phụ nữ đã khổ, cánh bèo dạt trôi đến lúc gặp nhành cây khô chắn ngang cũng phải trườn mình đón gió mà đi qua, giông bão cũng khéo đặt quang gánh lên đôi vai hao gầy của chị - người phụ nữ trong suốt 10 năm qua mài giũa ý chí thép để đối mặt và băng qua nếp gấp cuộc đời.

    [​IMG]

    Chị Nguyễn Thị Hiền, sinh năm 1970, sống tại thôn Mỹ Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, hiện là thợ tráng mỳ, có cơ sở sản xuất riêng tại gia đình, là một người phụ nữ giàu ý chí nghị lực, biết vượt lên số phận, một tay nuôi chồng bị bệnh, chăm 3 đứa con nhỏ, lo kinh tế gia đình chu toàn, đến nay có của ăn của để và ngày càng phát triển sự nghiệp rộng lớn hơn.

    Đến thăm gia đình chị Hiền vào một buổi chiều, ánh nắng vàng vọt buông dài trên nền sân trắng, chồng chị bàn tay quắp lại ngồi trên xe lăn chắn cửa ra vào, đặt bên cạnh là chiếc nạn gỗ, anh lang mang tự nói chuyện một mình. Bên trong nhà là tiếng máy làm mỳ sợi chạy xoành xoạch từng nhịp đều đặn qua bàn tay chị Hiền và 2 người nhân công. Phải khó khăn lắm lần thứ 3 đến nhà tôi mới có thể tiếp xúc và trò chuyện được với chị, bởi tâm lý còn ngại không muốn thổ lộ những uất ức buồn thương đã từng trải trong thời gian qua.


    Chị lấy chồng là anh Trần Xuân vào năm 1995, sinh được 3 người con, hằng ngày hai vợ chồng chèo thuyền qua sông bám đất bãi làm kinh tế: Trồng dưa, trồng bí, chăn thả bò, vịt.. mong sao kinh tế đủ đầy cho các con ăn học. Hạnh phúc quấn quýt đôi vợ chồng trẻ mang khát vọng là người nông dân giỏi chưa được bao lâu thì anh Xuân bị tai nạn, liệt nửa người, thần kinh cũng dần bất ổn. Bao nhiêu của cải có được chị bán hết, số hoa màu xem như bỏ rụi tàn nửa chừng vì không thể chăm sóc tiếp được, bán đi 10 con bò và đàn vịt gần 500 con. Một năm túc trực nuôi chồng, chạy đôn chạy đáo vay mượn thêm khắp nơi để chữa bệnh cho anh, cộng thêm phải nuôi các con tiếp tục ăn học, cảnh túng quẫn gieo vào gia đình chị từ đó, gánh nặng đặt cả đôi vai người phụ nữ, khốn khổ đến tột cùng.

    Sau khi anh xuất viện về nhà, nhìn cảnh con cái nheo nhóc, chồng không thể tự đi đứng được, bón ăn từng miếng cháo, khi anh bình tĩnh thì hiểu ý chị và nghe lời, khi anh bực bội thì quát tháo quậy phá, bôi bẩn, có khi hất đổ cả miếng cháo còn nóng hổi mà khó khăn lắm chị mới nấu được. Nước mắt lệ nhòa, chan đầy hạt cơm còn nghẹn nơi chắn cổ, làm sao tránh khỏi những lúc bị trói chặt bởi những suy nghĩ tiêu cực như thế này, khóc rồi lại tự lau đi, chị thôi thúc mình "gồng" sức lên đối mặt với số phận.


    Ấy vậy mà trời thương, chị xin đi phụ tráng mỳ sợi tại một cơ sở gần nhà, với tính kiên trì chịu khó, cần cù lao động, chị được người chủ thương tình đã tạo điều kiện cho chị gây dựng cơ nghiệp, cho mượn 50 triệu đồng để tự mở cơ sở tráng mỳ sợi riêng tại nhà, giúp chị vừa làm việc vừa có thể chăm sóc được chồng. Mới đầu chị cũng sợ: "Lo lắm em ơi, biết mình có làm được không, nhỡ mất vốn luôn thì lấy gì trả cho người ta!" Thế mà sau nhiều đêm ngẫm nghĩ, thương chồng thương con, đánh liều và quyết chí làm ăn, năm 2010 chị nhập máy móc từ Đà Nẵng về để thực hiện.

    Mối may ban đầu chưa nhiều chỉ có một số ít do người chủ nhượng lại, còn lại tự chị tìm linh động tìm khách hàng cho mình từ những điểm bán nhỏ lẻ, mọi người cũng thương chị nhưng chưa dám lấy nhiều sợi mỳ vì sợ mỳ chưa ngon, bẵng qua 1 năm, lượng khách tăng lên gấp 4 lần nhờ chị ứng dụng tốt công nghệ từ máy tráng bánh, làm ra những sợi mỳ ngon nhất khu vực lúc bấy giờ. Đến nay, đã 7 năm làm nghề tráng mỳ sợi, thị trường được mở rộng ra các khu vực chợ lớn: Nam Phước, Vĩnh Điện, Bàn Thạch, Bà Rén.. Từ việc sản xuất 50kg mỳ/ngày, đến nay chị sản xuất hơn 500 kg mỳ/ngày, được các lái buôn đến tận nhà để lấy, còn những điểm nhỏ lẻ thì các con chị giúp mẹ mang đi cung cấp. Lại thêm tính biết tiết kiệm, từ khi có máy để sản xuất, mỗi ngày chị bỏ heo đất 100.000 đồng, mới sau gần một năm rưỡi đã trả xong số nợ cho người chủ, thở phào nhẹ nhõm từ thời gian đó.

    Nghẹn ngào theo từng lời kể, những giọt nước mắt còn vương trên đôi má nám vàng, nám là do quần quật chịu sức nóng của lò nấu bánh cả ngày. Chị bắt đầu công việc từ lúc 01 giờ sáng và kết thúc lúc 23h đêm, đôi mắt thâm quầng sâu hõm hằn thêm nhiều nếp nhăn, chỉ ngủ đúng 2 tiếng trong một ngày. Công việc đã đi vào nề nếp nên chị phải liên tục làm để không bỏ phí thời gian, lại chỉ thuê thêm 2 nhân công để giảm bớt chi phí, tích góp để thêm mua thuốc thang cho chồng và còn nuôi 2 đứa con đi học, đứa lớn nhất ra trường có việc làm ổn định và đã lấy chồng. Chị vừa làm vừa tranh thủ đi chợ nấu ăn cho chồng con, dọn dẹp nhà cửa, chu toàn mọi thứ để gia đình được thay đổi từng ngày. Năm 2013, hộ gia đình chị được thoát nghèo, từ đôi bàn tay chai sạn với từng cuộn thớ bánh nóng hổi hằng ngày, chị đã có được căn nhà nhỏ, đầy đủ tiện nghi, các con có đủ điều kiện để ăn học đàng hoàng.

    Mỉm cười ngoáy đầu nhìn đoạn đường đã qua để thấy rằng trở ngại hay khó khăn trong cuộc sống này đối với chị chỉ là những thử thách cần thiết trên con đường đi đến thành công. Chúng không đáng sợ và không thể làm nản lòng những người phụ nữ có ý chí vững vàng. Biết rèn giũa và phát huy năng lực của bản thân, sống bằng chính giá trị con người thật của mình thì trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể nỗ lực hết sức; dù cuộc sống không ngừng đặt ra thử thách thì đó cũng chính là ý nghĩa và động lực để chúng ta sống tốt mỗi ngày. Nếp gấp cuộc đời cũng có gì phải ngại đâu, chỉ cần có ý chí thì sẽ băng qua được mà thôi. /.
     
    Hany thích bài này.
    Last edited by a moderator: 14 Tháng mười 2018
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...