Bao nhiêu lần bản thân bạn nhờ vả ai đó để giải quyết một vấn đề? Dường như ai trong số chúng ta cũng có vài lần tìm kiếm sự trợ giúp từ người khác để hỗ trợ một vấn đề phức tạp mà bản thân không đủ khả năng giải quyết. Vấn đề ở đây đa dạng, có thể là một rắc rối trong công việc, một nhiệm vụ được sếp giao nằm ngoài kĩ năng của bạn, hoặc đơn giản chỉ là một vấn đề nhỏ hằng ngày mà bản thân bạn không có kỹ năng để thực hiện. Khi bạn mở lời nhờ vả người khác, bạn cần nhớ rằng điều bạn đang nhờ vả nằm ngoài khả năng giải quyết của chính bạn, hãy đảm bảo rằng bạn đã thử mọi cách bạn có thể nhưng vẫn không thể nào giải quyết vấn đề. Lúc này bạn mới hãy nghĩ tới việc nhờ vả. Một điều bản thân bạn cần nằm lòng đó là, khi bạn nhờ ai đó và người đó đã cho bạn một kết quả. Dù bạn có hài lòng với kết quả đó hay không, bạn cũng đã được tính nợ người đó một lần. Dù kết quả họ làm ra không chính xác như những gì bạn mong đợi, thì thực tế không thể thay đổi là bạn đã nợ họ một ân huệ. Có phải bạn đang suy nghĩ, nếu như không hài lòng, tại sao lại không nhờ người khác chỉnh sửa theo đúng ý bạn. Ở đây chúng ta đang bàn tới việc nhờ vả, khác hoàn toàn với quan niệm thuê người làm. Khi bạn bỏ một chi phí để thuê một người khác làm việc, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu chỉnh sửa theo đúng ý bạn. Tuy nhiên, ý tưởng của bạn cần được thống nhất giữa đôi bên ngay từ đầu. Còn khi bạn lên tiếng nhờ người khác, tức là bạn đang sử dụng mối quan hệ thân thiết của bản thân để đổi lấy một lợi ích cá nhân. Điều này khá mạo hiểm, nếu như cư xử không khéo léo, bạn sẽ làm cho người được nhờ cảm thấy khó chịu vì họ đang làm không công cho bạn nhưng lại bị xét nét trong khi chẳng nhận được đồng nào. Mình từng thấy rất nhiều người mang trong đầu tư tưởng nhờ vả. Họ sẵn sàng nhờ vả bất kỳ điều gì mà chẳng buồn thử qua xem liệu họ có khả năng giải quyết hay không. Mình từng nhận được điện thoại từ khách hàng hỏi xem từ nhà họ tới chỗ mình làm, nơi họ sử dụng dịch vụ, thì đi đường nào. Rõ ràng với các tiện ích ngày nay như google map, họ có thể dễ dàng tìm đường đi tới bất kỳ nơi đâu. Nhưng không, họ thà làm phiền người khác trong khi vấn đề có thể được bản thân dễ dàng giải quyết với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo. Liệu bản thân họ có nhận ra rằng họ đang làm phiền người khác với những khó khăn mà họ đủ khả năng giải quyết hay không? Câu trả lời là không. Đối với những người mang trong mình tâm lý phụ thuộc, mọi thứ dường như không thể giải quyết ngay cả khi họ chưa bắt đầu. Hãy trưởng thành bằng cách nỗ lực tìm giải pháp cho các khó khăn mà bạn đang mắc phải. Không phải lúc nào cũng có người để bạn nhờ vả, và cũng không phải lúc nào họ cũng sẵn sàng khi bạn nhờ vả. Chỉ thật sự tìm kiếm sự giúp đỡ khi bản thân bạn đã thử tất cả các giải pháp có thể. Bạn cũng đừng mong chờ người giúp bạn đặt tâm huyết vào những gì họ đang làm, nên nhớ, họ đang giúp đỡ bạn vì tình nghĩa. Quan trọng hơn, nếu như bạn gặp khó khăn trong việc giải quyết một vấn đề tương tự tới lần thứ ba, đó chính là lúc bạn cần nghiêm túc nghiên cứu và tìm hiểu về lĩnh vực đó. The Tea Workspace
Đúng vậy. Hơn nữa nếu bạn nhờ một ai đó làm giúp việc gì cho dù người đó không nhận lời với bất kỳ lý do gì, bạn cũng không nên chê trách, hay nói họ ích kỹ này kia bởi vì đó là vấn đề của bạn. Và với những người khi gặp một người khó khăn thì cũng nên mở tấm lòng giúp cho họ một chút.