Ban Nở Rồi Lên Tây Bắc Đi Em

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Học Văn cùng mình, 19 Tháng sáu 2021.

  1. Học Văn cùng mình

    Bài viết:
    5
    Trong tâm niệm của mình, có hai nơi mà tương lai sau này khi có đủ điều kiện mình nhất định sẽ ghé đến, là tháng 6 Provence đắm mình trong màu tím đầy quyến luyến của trùng trùng điệp điệp Huân Y thảo và đầu đông Tây Bắc với sắc trắng tinh khôi bởi những ruộng hoa cải.

    Mình chưa từng đến Pháp nhưng mình biết nó rất đẹp qua kiến trúc Gothic, qua Khải Hoàn Môn, qua thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà. Mình cũng chưa từng đến Tây Bắc nhưng Tây Bắc lại trở thành một nỗi khát khao trong mình qua những dòng thơ, câu văn, những lời "tỏ tình" mộc mạc của bao thi nhân đã bị nàng thơ Tây Bắc "cướp" mất hồn.

    "Mặt trời hồng lưng vách núi, lững lờ làn mây trắng.." chỉ 2 câu hát đầu trong một bài hát mà mình vô tình nghe được đã đủ để Tây Bắc hiện lên mờ ảo trong sương sớm, những triền núi lưng đồi xanh biếc tựa như được khoát lên một chiếc áo sa mỏng vương chút nắng nhẹ làm cho cái hùng vĩ vốn có bỗng hóa dịu dàng. Phía xa xa là áng mây lấp ló, che đi một phần xinh đẹp của rừng núi nguyên sơ, để những kẻ si tình lại phải mỏi mắt trông theo. Mặt trời vươn mình thức giấc, tỏa ra vầng sáng dịu nhẹ xuyên qua tầng mây lững lờ rồi như một nốt nhạc tình dừng chân trên lưng chừng núi non hùng vĩ, nắng hồng mây trắng cỏ xanh là một bản hòa âm tuyệt hảo của trời, của đất, của lòng người.

    Để rồi khi đắm say thì tiên cảnh nhân gian lại tiếp tục hiện ra "Bướm trắng bay quanh bên những rừng mơ" . Hoa mơ Tây Bắc nở rộ vào khoảng cuối đông, đầu xuân, như chính tên của mình đóa hoa mơ màng nơi rừng núi hoang sơ vô tình trở thành cảnh đẹp khó tìm. Và cũng tựa như cái tên của mình, hoa mơ Tây Bắc chóng nở chóng tàn tựa giấc mộng Nam kha. Hoa mơ e ấp trong gió sương, rồi trong cái tĩnh đó lại là dập dờn từng đàn bướm trắng, cùng là sắc trắng nhưng sắc trắng hoa mơ là nàng thiếu nữ đến tuổi cập kê đầy e thẹn thì bướm trắng lại như chàng trai làng bẽn lẽn trộm nhìn người thương. Hoa mơ trắng vương chút nhụy vàng thử hỏi lòng này khi nào không nhớ đến chàng?

    Hình tượng hoa bướm vờn nhau giống như một buổi chợ tình nơi trai gái bén duyên, lại làm ta nhớ đến chàng thi sĩ si tình Nguyễn Bính từng khắc khoải nhớ mong được một lần tình tự để "Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau" . Chất tình của Tây Bắc được đong đầy hơn bởi duyên đôi lứa, bởi trai làng, gái bản miền núi e ấp, nhẹ nhàng nhưng cũng đầy mãnh liệt.

    Chất tình đó trải dài trong một giai đoạn lịch sử hào hùng, xuyên suốt thời mưa bơm lửa đạn, Tây Bắc chưa bao giờ thôi lãng mạn. Bằng chứng là Tây Bắc đã trở thành "nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn" trong vô vàng tác phẩm văn học, nhưng vẻ đẹp ở mỗi bài thơ, bài văn lại chưa bao giờ trùng lặp, tựa như nơi này dù bất cứ khi nào bất cứ thời gian nào đều là "tiên cảnh". Thế nhưng điều đáng nói đến là sự xuất sắc trong nghệ thuật tả cảnh của "người vẽ tranh". Chỉ đôi ba dòng cũng đủ hiện ra bước tranh Tây Bắc sống động trước mắt người đọc.

    Tây Bắc trong nỗi nhớ "Ta với mình, mình với ta" của Tố Hữu là "Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi" . Màu xanh của rừng núi và sắc đỏ của hoa chuối tưởng như đơn điệu nhưng thật ra lại là sự miêu tả đầy tinh tế và bao quát giúp phát họa núi non hùng vĩ, hữu tình nơi đây. Sẽ chẳng có khu rừng chỉ có một loài cây và cũng chẳng có loài cây nào với một màu lá đồng nhất, vì thế sắc xanh trong khu rừng sẽ là sự chuyển màu tuyệt mĩ, từng mảng xanh đậm nhạt khác nhau được pha trộn đầy khéo léo để chỉ những người có tình mới nhận ra điều ấy. Và màu đỏ hoa chuối cũng thế, sắc đỏ nhẹ nhàng khi nụ hoa e ấp, đỏ tươi khi hoa kiêu hãnh bung nở và đỏ đầm thấm trước khi cơn gió núi "đưa nàng về dinh".

    Tây Bắc lãng mạn trữ tình nhưng cũng là bản hùng ca của những hy sinh, mất mát, của giai đoạn "nằm gai nếm mật" với biết bao gian khổ. Dẫu thế tình yêu của những con người đã từng đặt chân đến nơi đây vẫn luôn sâu đậm, dạt dào để rồi chiến khu cách mạng trở thành một mái nhà kiên cố nơi lòng ngực trái, bởi "Khi ta ở chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất đã hóa tâm hồn".

    "Lên Tây Bắc đi em, nếu không vì người thì cũng vì cảnh..", trái tim Tây Bắc là hiện thân cho tình yêu và nỗi nhớ, tình yêu với cách mạng, tình yêu của những người đã cùng gắn bó, can trường trước nòng súng giặc, tình yêu với thiên nhiên phiêu bồng với những con người chân chất lầm lũi một nắng hai sương. Để rồi tình yêu ấy hóa thành những nỗi nhớ..

    "Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rét, tình yêu ta như cánh kiến hoa vàng"

    "Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói, Mai Châu mùa em thơm nếp xôi"

    "Nhớ từng bản khói cùng sương, sớm khuya bếp lửa người thương đi về"

    "Vắt xôi nuôi quân em giấu giữa rừng, bữa xôi đầu còn tỏa mùi hương"

    Từng cảnh vật thân thuộc diệt thành giấc mộng dài nơi đáy lòng "kẻ tương tư", từng ký ức mộc mạc, bình dị lại trở nên da diết hơn bao giờ hết bởi có lẽ quá khứ gian khổ xen lẫn trong cái tình của người chiến sĩ, người dân thôn bản sẽ vẫn chỉ là quá khứ. Có những điều tưởng chừng như bình thường ấy lại là một phần hồi ức đậm sâu của biết bao anh hùng tạo nên lịch sử, bởi với nhiều người ký ức là một áng mây trôi cuối ngày nhưng với "đoàn quân không mọc tóc" những ký ức Tây Bắc là ly trà nóng cuối đông, là dòng nước mát vào ngày hè gay gắt và là cơn gió thu mát rượi.

    Dù có bao điều đổi thay thì từng ấy kỉ niệm vẫn luôn hiện hữu trong dòng máu nóng trở thành sự quyến rũ bất tận mà nhiều năm về sau người ta lại thấy Tây Bắc một lần nữa sống động qua bàn tay tài hoa của bậc thầy tùy bút Nguyễn Tuân. Thiên nhiên Tây Bắc đẹp như thơ đường thi, đầy hoài niệm như người cố nhân xưa cũ và mờ ảo ẩn hiện tựa Dương Châu tháng 3 mùa hoa khói lững lờ.

    Những hồi ức hào hùng thời vang bóng sẽ mãi sống với non sông, đất trời Tây Bắc và núi non Tây Bắc vẫn luôn sừng sững nghiêng mình là chốn về cho bao người vấn vương.

    Sau cùng để kết thúc đoạn văn dài lê thê vương chút chờ mong với hoa mận, hoa mơ với nàng thơ Tây Bắc là đoạn kết trong tản văn của nhà văn Nguyễn Đức Lợi..

    "Lên Tây Bắc xem chim rừng bay trong thau nước gội đầu. Lên Tây Bắc cho măng đắng truyền vị đắng có linh hồn của" Chàng Khum "và của" Nàng Ban "làm đê mê đầu lưỡi. Lên Tây Bắc để được một lần tắm tiên khiến hoa thẹn nguyệt nhường. Lên Tây Bắc cho hoa ban mãi trắng muốt như mây, và trắng muốt như da.." Và như tiêu đề của tản văn..

    "Ban nở rồi, lên Tây Bắc đi em!"
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...