Bạn không nên quan tâm người khác nghĩ gì về mình Tác giả: Thất Tịch Không Mưa Mến chào các bạn, ngày hôm nay mình sẽ làm một bài blog tâm sự về vấn đề nhạy cảm này nhé. Chắc có lẽ ai trong chúng ta cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh bị người khác chê bai, bị người khác xa lánh. Họ chê bạn học dở, họ chê bạn chơi bóng chuyền không hay, hay là họ chê bạn xấu, bạn mập, bạn nói chuyện xàm,... Và khi bạn nghe họ nói vậy, bạn cảm thấy mệt mỏi khi phải để tâm đến những lời nói xấu đó. Các bạn à, hãy nhớ các bạn chỉ sống một lần duy nhất và các bạn đang sống cho chính các bạn. Các bạn càng quan tâm người khác nghĩ gì về mình thì bạn càng có cái nhìn tiêu cực vào bản thân. Từ cái nhìn đó bạn sẽ nhìn đời bằng ánh mắt tiêu cực, buồn đau, trách đời. Rồi lâu ngày tự bản thân dẫn bạn đến trầm uất, u sầu, nặng hơn nữa là bệnh trầm cảm, các bệnh lý về nội tiết khác. Các bạn à, đừng quan tâm ai nghĩ gì đến mình, bạn hãy tự hỏi bản thân một câu:"Chuyện đó có đáng để mình quan tâm hay không?" Bạn hãy chú tâm vào gia đình của bạn, đừng chú tâm quá vào những lời nói chê bai của người ngoài. Khi bạn buồn, cảm giác buồn của bạn rất dễ lây lan cho người khác, thử nghĩ bạn đi học bị người khác chê này chê nọ rồi về nhà giả bộ làm mặt vui vẻ, xong lao lên phòng úp chăn ngồi khóc. Ba mẹ bạn biết bạn buồn đấy, có khi họ đang đứng đằng sau cánh cửa và đang dõi theo bạn từ phía sau, dù cho bạn có che dấu giỏi đến đâu thì cũng có chút sơ hở bị lộ ra như là nay có món trứng chiên mà bạn thích nhưng vì quá suy nghĩ đến lời nói của người khác mà bạn đã ăn ít lại. Bạn nghĩ xem, người thân của bạn đi làm mệt mỏi, về nhà chỉ muốn sum vầy với nhau, có một bữa cơm gia đình hạnh phúc, vậy tại sao bạn lại chọn lựa phá hỏng bầu không khí hân hoan đó. => Lời khuyên chân thành: thay vì để ý sắc mặt người khác thì hãy quan sát người thân của mình, tìm hiểu và chia sẻ với họ. Mình sẽ chỉ bạn những cách để không quan tâm người khác nghĩ gì về bạn: 1. Nên tìm bạn mà chơi. Chúng ta thường được nghe những lời nói chê bai từ những người mà ta không thân, không quen biết. Nếu có ai đang cố gây sự với bạn thì hãy làm lơ họ. Thay vào đó dành thời gian suy nghĩ về bản thân, bạn bè, gia đình, sự nghiệp. Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá nhún nhường mà để người khác tổn thương bạn hết lần này tới lần khác. Bạn có thể dành thời gian vào việc: => Đọc tiểu thuyết bạn yêu thích mà trước đây bạn đã bỏ lỡ hoặc chưa có thời gian xem. => Nếu có thú vui là chụp ảnh mà không có máy ảnh, có thể dùng app trên smartphone, việc bạn cần làm chỉ đơn giản là ăn mặc đẹp, đi xe bus đến nơi mà bạn thích rồi chụp những cảnh mà bạn ưng ý nhất. Hãy chia sẻ những tấm hình đó lên mạng hoặc là với bạn bè, người thân. => Nếu thích mỹ thực hãy nấu những món bạn yêu thích, sáng chế những món mà bạn nghĩ ra. => Khi bạn bị những thú vui này lấp đầy thời gian thì bạn sẽ không còn thời gian nghĩ đến những người chê bai bạn. 2. Học hỏi người có lập trường, có quan điểm, mục tiêu. Khi bạn rơi vào hoàn cảnh không biết phải làm gì, không biết phải đi về đầu thì hãy sưu tầm các câu danh ngôn của những người thành đạt trong cuộc sống để tiếp sức cho bản thân nhé. "Cuộc sống luôn có nhiều việc xảy ra không như ý, chúng ta không thể né tránh, điều duy nhất bạn có thể làm là thay đổi góc nhìn về nó." (nguồn: omg-vn.com). Các câu nói tạo động lực cho bản thân thì có rất rất nhiều, đa quốc gia luôn nhé, mình chắc chắn với các bạn trong hàng ngàn hạng vạn câu nói hay đó sẽ có một câu mà bạn thích và nó sẽ là kim chỉ nam của bạn, nó sẽ đi theo bạn đến cuối cuộc đời. Khi bạn quen với những người có suy nghĩ độc lập, có lập trường, bạn sẽ nhận ra bản thân có nhiều sự thiếu sót. Một bài tập dành cho bạn, hãy tập làm quen với việc bản thân còn thiếu sót. Nếu thiếu thì ngay từ bây giờ hãy bổ sung, cải thiện và vươn lên. Như là trong list bạn bè của bạn, ai cũng giỏi tiếng anh, khi gặp nhau họ đều nói tiếng anh, bạn thì không giỏi nên không thể nào hòa nhập được với bọn họ. Đừng ngần ngại khi nhờ vả họ dạy bạn học tiếng anh, hãy nhờ họ giúp bạn học tập. Bạn bè của bạn giàu có, bạn thì con nhà nghèo, đừng nghĩ rằng con nhà giàu nào cũng sống ích kỷ, chỉ cần bạn chơi sòng phẳng, chơi đẹp, chơi không tính toán, lươn lẹo thì họ sẽ quý trọng bạn. "Người ta quý bạn ở phẩm chất làm người ngay thẳng." => Hãy tìm ra điểm mạnh của bản thân và chia sẻ nó với bạn bè của mình, hãy làm cho bản thân trở nên có giá trị hơn. 3.Tập trung phát triển giá trị của bản thân. Nhiều bạn lầm tưởng rằng "giá trị bản thân" là học giỏi, có một tấm bằng đại học loại ưu, đi làm lương tháng cả chục triệu. Nếu người bạn nào mà quan tâm đến những vấn đề đó quá nhiều thì họ chỉ coi bạn là "một bình bông" để họ đem đi khoe khoang với hội ăn chơi của họ. Một người bạn thật sự sẽ chỉ quan tâm đến những giá trị đạo đức, những giá trị văn hóa, nhân cách, con người và các mối quan hệ của bạn. Hãy rèn luyện nhân cách, sống và làm đẹp cho bản thân, cho tâm hồn. Hãy học hỏi về các nền văn hóa khác nhau từ thắng cảnh du lịch đến các tôn giáo, thể thao, cờ... Hãy học cách chăm sóc bản thân, nghĩ về bản thân nhiều hơn. Nếu ngày thường bạn hay làm cú đêm thì từ hôm nay hãy tập ngủ sớm, nếu bạn thường bỏ bữa thì phải tập ăn cơm đúng bữa vào ngày mai, sinh hoạt điều độ là cách chăm sóc cho bản thân tốt nhất. Cuối cùng, đừng bỏ qua niềm đam mê của bản thân mình. Dù cho bây giờ bạn đang phải học và làm việc trong môi trường mà bạn không thích thì mỗi ngày hãy dành ít thời gian ra mà học hỏi từng chút một trong lĩnh vực đam mê của mình. Tập tành làm quen, tự thực hành, khi kiếm được những đồng lương đầu tiên từ đam mê của mình, sẽ có nhiều nước mắt đấy. 4. Hãy khiêm tốn! Đừng tỏ ra kiêu ngạo. Khi bạn đã vượt qua được bóng ma của mình, trở nên thành công thì bạn đừng tỏ ra quá kiêu ngạo, khinh thường những người yếu thế hơn mình. Mà bạn nên khiêm tốn với những người xung quanh, điều đó làm cho bạn càng trở nên đáng quý hơn trong mắt người khác. 5. Làm bạn với những người không thích mình. "Trong cuộc sống, chắc chắn bạn sẽ gặp những tình huống dở khóc dở cười khi phải đối mặt với những người mà mình không thích ngay tại công sở. Cách ứng xử thông minh nhất trong tình huống này chính là vờ tìm đến sự trợ giúp từ phía họ. Đây là một hiệu ứng tâm lý có tên gọi là Ben Franklin Effect. Trong tình huống bạn tiếp cận đối tượng và trao cho họ quyền được giúp đỡ, thay vì tỏ ra khó chịu, họ sẽ tự động thay đổi nhận thức của chính mình và có cái nhìn thân thiện hơn với bạn." (nguồn: hellobacsi.com) Đừng thắc mắc tại sao mình lại bảo bạn chơi với người mà bạn không thích, tương tác với người khác là một phần không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, hãy nhớ điều đó. Khi bạn đọc đến đây thì xin chúc mừng bạn vì bạn đang quan tâm đến bản thân, mình vui vì bạn yêu thương và quý trọng bản thân mình. Hẹn gặp lại bạn vào các bài blog sau.