Bạn đã bao giờ đặt ra tiêu chuẩn về hạnh phúc của mình chưa? Với tiêu chuẩn đó, bạn đã hạnh phúc chưa? Có rất nhiều người trong số chúng ta đặt ra cho mình những tiêu chuẩn của hạnh phúc. Và rồi cũng chính chúng ta nhận ra rằng thật ra hạnh phúc chẳng có một tiêu chuẩn nào cả. Hạnh phúc được cảm nhận bằng trái tim, hạnh phúc có thể đến từ những khoảnh khắc đời thường nhất, giản dị nhất và chẳng có một tiêu chuẩn nào có thể định ra để đo lường hạnh phúc cả. Vậy nên tôi rất thích một câu nói: "Cuộc sống này vốn dĩ đơn giản, cũng bởi vì đơn giản mà hạnh phúc". Hôm nay, cháu tôi, 9 tuổi hỏi tôi rằng "Nếu có 1 điều ước, dì ước điều gì?". Tôi không trả lời, thật sự mà nói trong khoảnh khắc ấy tôi cũng không biết chính xác điều tôi muốn là gì. Nhưng có lẽ điều làm tôi bất ngờ hơn cả là điều ước của bọn trẻ. Con bé ước rằng sẽ có 1 cơn mưa bánh kẹo. Và điều kiện phía sau đó khiến tôi phì cười. Đó là cơn mưa đó chỉ có mình con bé nhìn thấy và những người xung quanh có thể nhìn thấy nếu được cho phép. Tôi chợt nhận ra rằng, hóa ra thế giới con trẻ mà những người trưởng thành đã đi qua lại đơn giản đến thế. Thế giới đó vẫn trắng tinh khôi, vẫn giữ được sự ngây thơ của buổi ban đầu, cái thế giới chưa bị chi phối bởi áp lực kinh tế, từ mọi mặt của cuộc sống. Đó có lẽ là một trong những lí do khiến thế giới ấy luôn vui vẻ và ngập tràn hạnh phúc. Tuổi thơ của tôi trôi qua cũng thật bình yên và có phần đơn giản. Nhìn thấy những áp lực của bọn trẻ bây giờ phải gánh, nhiều khi tôi thấy mình may hơn nhiều khi được sinh ra trước vài chục năm. Tuổi thơ của tôi là thế giới không điện thoại thông minh, máy tính hay Internet. Đó là những tháng ngày rong ruổi khắp đường làng ngõ xóm cùng đám bạn, là những ngày bầu bạn với mây trời, gió mát, mưa sang. Là những sớm mai cùng đồng bọn rồng rắn đến trường trên chiếc xe đẹp đã cũ. Là những buổi chiều chăn trâu, thả diều, chạy mưa, bắt cá. Là những trưa hè không ngủ, là những buổi đêm bầu bạn với sao trời đom đóm những ngày mất điện. Là những ngày nụ cười luôn nhiều hơn nước mắt và nỗi sợ duy nhất là vài trận đòn roi những lúc không nghe lời. Đó có thể nói là một thời hoàng kim mà có thể đi hết quãng đời còn lại cũng không thể nào lấy lại được. Trẻ con bây giờ áp lực nhiều lên theo vòng quay của xã hội. Áp lực từ gia đình, từ nhà trường và đôi khi còn từ chính xã hội mà chúng ta đang sống. Áp lực làm sao để thật giỏi, thật xuất sắc, bằng chúng bằng bạn, và "con nhà người ta". Những đứa trẻ chỉ mới vào lớp 1 thôi nhưng cặp sách đã nặng hơn người. Tôi vẫn biết rằng, học tập là tốt, nhưng đôi khi những áp lực từ chính cái chúng ta gọi là tốt ấy đang dần dần giết chết bọn trẻ. Nhiều khi tôi tự hỏi, với lịch học kín mít từ sáng tới đêm như vậy, thơi gian thư giãn của bọn trẻ ở đâu và với bằng ấy lượng kiến thức bọn trẻ tiếp thu được bao nhiêu? Và đặc biệt, thứ khiến tôi nhói lòng hơn cả chính là thứ gọi là "con nhà người ta". Từ bao giờ câu hỏi hôm nay con đến lớp vui không đã chuyển thành hôm nay con được mấy điểm? Từ bao giờ, câu hỏi cháu nó học giỏi không, thành tích thế nào đã trở thành lời mở đầu trong mỗi cuộc gặp mặt của các bậc phụ huynh? Từ bao giờ, bọn trẻ lại được đưa vào khuôn mẫu chung để dạy dỗ, để so sánh như vậy rồi. Điều đó có bao nhiêu tổn thương cơ chứ. Những tổn thương về tâm hồn vẫn luôn nghiêm trọng hơn vài trận đòn roi chúng tôi nhận được trong những năm tuổi thơ ấy. Tôi rất thích và suy ngẫm về câu nói trong cuốn "Cha mẹ độc hại" : Sau khi trưởng thành, bố mẹ đợi con một tiếng cảm ơn, nhưng con trẻ lại mong nhận từ bố mẹ một lời xin lỗi. Trở lại câu hỏi của cháu tôi, tôi đã trả lời rằng nếu có một điều ước dì muốn có một cuộc sống bình an. Thế giới này rộng lớn, lòng người lênh đênh, đôi khi không có điểm tựa. Chính vì vậy, một cuộc sống bình an cũng là một điều xa xỉ. Và bây giờ, tôi chuyển câu hỏi này sang cho các bạn "Nếu có một điều ước, bạn ước gì?".