Review Truyện Bản Chất Của Người

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Trần Quỳnh Giang, 12 Tháng sáu 2021.

  1. Trần Quỳnh Giang

    Bài viết:
    13
    Bản chất của người

    Tác giả: Han Kang

    Thể loại: Truyện

    Bản chất của người - Phải chăng lòng hận thù đồng loại của con người quá lớn? Sự kiện 18 tháng 5 năm 1980 ở thành phố Gwangju, Hàn Quốc đã khắc đậm trong tâm trí của nữ tác giả Han Kang đến nỗi cô thừa nhận đây là "tác phẩm mà tôi không thể trốn tránh, không thể không viết, nếu không viết, không vượt qua, có lẽ tôi sẽ không thể đi tiếp bất cứ đâu." Gwangju vào những năm tháng đó đã xảy ra một cuộc nổi dậy quy mô lớn của dân chúng chống lại chế độ độc tài của tướng Chu Doo-hwan và nắm quyền kiểm soát thành phố (Hangul: 광주 민주화운동) ; sau đó bị quân đội đàn áp trở thành một cuộc chiến tự vệ. Kéo dài bảy chương với mỗi chương là điểm nhìn của một nhân vật, vụ thảm sát Gwangju lần lượt được tái hiện thông qua Dong-ho, cậu trai đi tìm xác người bạn thân; là linh hồn của người bạn thân ấy sau khi bị giết; là biên tập viên đối mặt với ban kiểm duyệt; là những tù nhân bị tra tấn vì tham gia vào cuộc nổi loạn; là người mẹ của Dong-ho và cuối cùng là lời của chính tác giả. Gần một trăm chiếc quan tài đặt trong Nhà thi đấu, đó là minh chứng cụ thể nhất cho sự tàn ác của giới cầm quyền.

    Quân lính xả súng xuống người dân, kể cả phụ nữ và trẻ em mặc dù họ đã đầu hàng. Lần lượt lần lượt số người thiệt mạng tăng lên không đếm kịp. Nỗi đau chiến tranh đất nước nào cũng có nhưng tệ hơn đó lại do chính người của đất nước mình gây nên. Cùng một màu da, một giọng nói, một huyết quản Đại Hàn thế mà họ lại sẵn sàng tra tấn đồng bào một cách dã man. Họ cười khẩy khi được hỏi lí do, "Có vấn đề gì đâu? Họ cho tiền rồi đánh người, vì lý do gì mà lại không đánh chứ?", được nhận thưởng sau khi tham chiến ở phe đồng minh trong chiến tranh xâm lược thuộc địa, một bộ phận trong số họ mang ký ức ấy đến giết đồng bào mình, "với một sự tàn bạo giống hệt nhau như thể đã được khắc sâu vào trong ADN vậy." Những tự vấn về kiếp người, sự sống-cái chết, linh hồn nổi lên trong tác phẩm như một ám ảnh của tác giả. "Thân xác chết rồi, linh hồn sẽ đi đâu nhỉ? Liệu linh hồn sẽ nán lại bên thân xác của mình thêm bao lâu?" "Nó có bay như thể có cánh không? Có phải chính nó đã làm cho ngọn lửa lay động?" "Linh hồn không có cơ thể, sao có thể mở mắt dõi theo chúng ta được nhỉ?" "Ai đã giết tôi? Ai đã giết chị tôi? Tại sao lại giết chúng tôi?".. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra, ai có thể trả lời những câu hỏi đó. Người đã hy sinh? Kẻ giết người? Nhà cầm quyền? Không ai cả. Nạn nhân của cuộc đàn áp mặc dù được thoát khỏi cảnh tù ngục, trở về cuộc sống đời thường nhưng ký ức kinh hoàng ấy vẫn đeo bám họ như một con đỉa nhiều vòi, nhung nhúc đáng sợ. Họ mặc cảm, thấy tội lỗi vì mình đã được sống trong khi nhiều người bị tra tấn đến chết. Được sống không là một ân huệ, nó là một gánh nặng suốt quãng đời tiếp theo của người ở lại. Bất bình đẳng giới là vấn đề lớn trong xã hội Hàn Quốc, nó tồn tại ở đó, "thâm căn cố đế" đến nỗi người bị hại cũng âm thầm chấp nhận. Trong tác phẩm, một người đàn ông có thể mặc nhiên hạ thấp, xúc phạm đến thân thể và nhân phẩm của phụ nữ. Người phụ nữ đó chỉ có thể chờ đợi xem đâu là cái tát cuối cùng của vị Tổng biên tập dành cho mình, không hề phản kháng. Đám đông, chính đám đông là tác nhân ẩn xúc tác cho tội ác mà con người không tưởng tượng được. "Chúng ta vẫn chưa rõ đâu là yếu tố quyết định ảnh hưởng đến tính đạo đức của đám đông. Điều thú vị là, những động thái luân lý đặc thù tách riêng với tiêu chuẩn đạo đức của mỗi cá nhân tạo nên đám đông lại nảy sinh ngay tại hiện trường. Có đám đông không ngần ngại cướp bóc cửa tiệm hay giết người, lại có đám đông đạt được lòng vị tha và can đảm mà với một cá nhân thì khó lòng với tới. Theo tác giả, không hẳn là vì những cá nhân trong đám đông thứ hai những người đặc biệt cao đẹp, mà là sự cao đẹp vốn có của con người đã được thể hiện nhờ vào sức mạnh của đám đông; những cá nhân trong đám đông thứ nhất không phải là những người đặc biệt dã man, mà là sự dã man vốn có của con người nhờ vào sức mạnh của đám đông đã được đẩy lên cực đại." Dân chúng biểu tình vì tin vào sức mạnh của đám đông có thể thay đổi ý chí của nhà cầm quyền. Nhà cầm quyền dùng sức mạnh của đám đông đàn áp dân chúng dã man. Choi Sulli, một nữ nghệ sĩ Hàn Quốc đã phải tự tử vì không không chịu đựng được bạo lực mạng (cyber bully). Một cá nhân đơn lẻ có thể không dám công kích trực diện vào cô nhưng họ ẩn mình trong đám đông, cùng nhau tạo thành một làn sóng bắt nạt, đẩy cô vào lựa chọn bi thương cuối cùng. Đây là câu chuyện đời thực, vậy nên, chúng ta hãy cùng nhau "bye bye bully", biến sức mạnh đám đông trở thành điều tốt đẹp. Han Kang dùng ngòi bút của mình không chỉ để tái hiện vấn đề lịch sử mà còn nhằm thức tỉnh lương tri trong chúng ta, điều này đã tạo nên giá trị cho tác phẩm của cô. "Lương tâm. Đúng vậy, là lương tâm. Đó là thứ đáng sợ nhất trên thế gian này."


    -Hết-
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...