Bài viết lí luận văn học hay về chức năng giáo dục của văn học

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Love cà phê sữa, 22 Tháng năm 2020.

  1. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Đề bài: "Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện với những vùng trời tốt đẹp hơn, nhân tính hơn." (Nghĩ về thơ – Lê Đạt).

    Bằng những hiểu biết về thơ của bản thân, anh/chị có đồng tình với quan điểm trên?


    Bài làm

    Như bông cúc nhỏ sinh ra để luôn tự hát về vùng đất mênh mang nắng gió. Như ánh mặt trời sinh ra để thiêu đốt đi cái lạnh vĩnh cửu của mùa đông. Văn học sinh ra để làm công việc giống như kẻ nâng giấc cho những con người bị cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác hoặc số phận đen đủi dồn đến chân tường. Nói như Lê Đạt: "Đọc một câu thơ hay, ta thường có cảm giác đứng trước một bến đò gió nổi, một khao khát sang sông, một thúc đẩy lên đường hướng thiện với những vùng trời tốt đẹp hơn, nhân tính hơn".

    Văn chương từ lâu đã xuất hiện trong tiềm thức của con người như một cuộc gặp gỡ vô tình nhưng cũng có thể là hữu ý. Nó tóe lên bằng sự giao hòa giữa cảm xúc và ngoại cảnh hoặc bằng những bó đuốc số phận với số phận. Người xưa quan niệm văn chương chỉ là một trạng thái bộc lộ ra khỏi những dòng cảm xúc của con người, chúng va chạm với thanh điệu của cuộc sống hình thành nên một thứ gọi là hình ảnh thơ. Vậy thì văn chương tức là mỗi mảnh ghép của tạo hóa, một mảnh ghép là một hình ảnh của những số phận khác nhau: Hạnh phúc có, tuyệt vọng có, đau khổ có.. Có ý kiến cho rằng văn học chỉ ngấm ngầm chứa đựng và phản ánh lại hiện thực của cuộc sống. Nói cách khác, văn học đơn giản chỉ tái hiện và kể lại những sự việc diễn ra trong đời sống hằng ngày, hay quá trình sáng tạo ra văn chương của người nghệ sĩ cốt lõi chỉ là hôm nay anh ta muốn bộc lộ những hỉ, nộ, ái, ố của chính mình? Liệu rằng đó có phải chức năng của văn học hướng đến yếu tố chân – thiện – mĩ hay không? Không! Thiên chức của người nghệ sĩ là sáng tạo ra cái đẹp từ chất liệu cuộc sống và thiên chức của văn học nói chung là nâng đỡ và giáo dục con người. Theo quan niệm về văn chương của Lê Đạt: Văn học nói chung và thơ ca nói riêng phải gợi cho người đọc một sự thức tỉnh trong tâm hồn, người nghệ sĩ phải làm sao để từng ý thơ được viết ra là "một bến đò gió nổi", một cơ hội trong suốt lộ trình dài đằng đẵng của cuộc sống, một ý nghĩ muốn khao khát thoát khỏi sự ràng buộc của cuộc đời. Mồi vẫn thơ cất lên phải có sự va chạm giữa tâm hồn và cảm xúc con người, ý thơ cho ta một thứ khát khao mãnh liệt với cuộc đời, hình ảnh của thơ tóe lên trong tâm trí của mỗi người với những quan niệm về nhân sinh, quan niệm về cái đẹp. Đến khi từng giai điệu trong thơ hoàn toàn dừng hẳn thì con người lại có một "khao khát sang sông", một mong muốn thay đổi số phận, một thúc đẩy lên đường hướng thiện với những vùng trời tốt đẹp hơn, nhân tính hơn. Tóm lại, quan niệm của Lê Đạt hướng về chức năng giáo dục của văn học trong hệ thống lý luận.

    Ngươi xưa thường nói: Văn học là tấm gương phản ánh thời đại. Viết thảy những gì trong cuộc sống quanh ta: Bầu trời, sắc mây, đồi núi, đồng bằng, cây trái, chim muông, có đời sống riêng, không phụ thuộc vào ý thức con người. Đồng thời, mỗi số phận nói riêng là một kho vàng vô tận về những cảm xúc và thanh điệu để người nghệ sĩ sáng tạo nên văn chương. Người thi sĩ làm thơ có hay và bay bổng hay không, điều đó phụ thuộc và mảnh đấy mà họ đã gieo mầm có màu mỡ và phì nhiêu ra sao! Con người lại chính là yếu tố cốt lõi tạo nên trong tâm hồn nghệ sĩ một mảnh đất màu mỡ và tốt tươi. Trng cái đa sắc của cuộc đời đang độ kết tinh, những bể muối mặn nơi vực sâu thẳm như chứa đựng một số phận đau khổ, đắng cay, tuyệt vọng.. Người thi sĩ làm thơ như có máu gì trên đầu ngọn bút, như chắt lọc những nỗi đau từ trong tâm can. Chính nhà thơ Chế Lan Viên đã sơm nhận thức được điều đó và gửi gắm chúng vào thơ ca của mình:

    "Hiểu cho hết cái đau của cuộc đời

    Nghe tiếng cười của trẻ con nheo nhóc

    Điệu hát những bà mẹ xanh xao

    Rồi lặng lẽ cuốc đà

    Miếng đất thơ trong vườn anh".

    (Chuẩn bị đi – Chế Lan Viên)

    Phải chăng chính anh cũng quan niệm rằng: Thơ ca phải là máu của đời, là những giọt máu huyết gỉ ra từ sâu trong tâm can. Nghệ sĩ sẽ không thể làm thơ nếu của lòng khép kín, nếu trong từng vần thơ của anh không có sự chắt lọc tinh tế và gạn lọc những xô bồ của hiện thực. Một tác phẩm văn học chân chính phải vượt lên trên mọi giới hạn của lòng người. Nói như Thạch Lam: "Đối với tôi, văn chương không phải là cách mạng đến cho người đọc sự thoát li, hay sự quên. Trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và tự đắc lực mà chúng ta có để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn! Thế nên, văn chương không cần phải là sự chắt chiu trong ngôn từ hay sự bay bổng trong từng câu thơ. Văn chương chỉ có thể là một tiếng thét khổ đau, tuyệt vọng được cất lên từ bể sâu của cuộc đời. Người nghệ sĩ với một trái tim nhân ái và bao dung, một tâm hồn tài năng và thi vị, anh sẽ thổi vào từng vần thơ của mình một niềm cảm thông và chi sẻ cao độ, để mỗi ý thơ của anh khi thấm vào trong giấy trắng tinh khôi phải là một liều thuốc bổ về tinh thần. Liều thuốc ấy khi đến với trái tim bạn đọc như một sự thức tỉnh về tâm hồn mãnh liệt, thơ ca sẽ giúp chúng ta vượt qua nỗi rào cản về số phận hay những lúc đua khổ tột cùng, chúng ta tìm đến thơ như một người tri kỉ để bày tỏ nỗi lòng. Thơ đâu phải là quả bóng bay cao vời vợi nằm ngoài tầm bắt.

    Thơ ca luôn nồng nàn và ấm áp hơi thở cuộc đời, mang dấu ấn sáng tạo nghệ thuật của người cầm bút. Thơ là dòng sông soi bóng cuộc đời, len vào tâm hồn người đọc những cảm xúc dạt dào chảy mãi không thôi!

    Trôi theo dòng chảy của lịch sử, thơ ca đã lặng lẽ nảy mầm và đồng hành cùng con người trong mọi thời đại. Văn học đã gắn bó với tuổi thơ của chúng ta từ những câu ca dao mượt mà:" Con cò mà đi ăn đêm "," Đêm qua tát nước đầu đình ", từ những câu chuyện cố tích trữ tình về một cô Tấm xinh đẹp, thảo hiền; về một chàng Thạch Sanh dũng cảm; một chú mèo vui nhộn. Con người trưởng thành dần lên với những câu chuyện, những bài thơ ca ngợi cái đẹp vĩnh cửu của thiên nhiên và con người, nguyền rủa và xa lánh những điều xấu xa độc ác. Đối với con người, văn chương trở thành món ăn tinh thần, món ăn không thể thiếu được. Văn chương đi suốt chiều dài lịch sử loài người. Văn chương bầu bạn, thoe con người mà lớn lên. Thơ ca đồng hành cùng con người qua những cuộc xâm lăng của Tổ quốc, nó thúc giục và cổ vũ con người đứng lên giành lại quyền sống và giữ gìn nền độc lập dân tộc.

    " Đất nước

    Phải chặt tre đóng cọc mà giữ lấy

    Đất nước

    Phải đan phên đổ đất mà giữ lấy

    Đất nước

    Phải phá nhà, chặt cây vườn vác ra mà giữ lấy

    Đất nước

    Phải neo người xuống sông, chặn nước mà giữ lấy

    Đất nước

    Đất nước không thể trôi được! "

    (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm)

    Phải chăng từ sâu thẳm trong từng vần thơ như chứa đựng một nỗi đau da diết? Từng câu thơ, ý thơ cất lên như mang theo nỗi sầu thời thế, một tâm trạng khắc khoải khôn nguôi trước cảnh" nước mất nhà tan ". Ở đây, Nguyễn Khoa Điềm dường như ý thức được những sự hi sinh cao cả của lớp lớp thế hệ đi trước để bảo vệ đất nước khỏi nguy cơ xâm lược, thi sĩ đã rõ ràng nhìn thấy máu và nước mắt của biết bao người anh hùng đã ngã xuống trên từng tất đất quê hương. Người nghệ sĩ phải sáng tác văn chương bằng đôi mắt nhìn thấu hiện thực bẽ bàng và trái tim ấm áp của chính mình để dệt nên những vần thơ vàng óng ánh. Mỗi vần thơ của người nghệ sĩ phải là liều thuốc độc về trái tim. Con người đến với thơ ca để cảm nhận một nỗi đau da diết, cơn đau cắt xé trong từng tấc thịt của chính mình, nỗi đau về thể xác hòa quyện với sự xoa dịu về tinh thần khiến cho con người thức tỉnh trước những mộng cảnh tối tăm, mịt mù của cuộc đời. Và từ nơi vực sâu thăm thẳm ấy, thì sẽ là kẻ mang những vần thơ sáng chói diễm lệ rọi đường và cứu vớt con người ra khỏi cái bóng đêm của mộng cảnh. Họ sẽ biết ý thức về những sự hi sinh của biết bao nhiêu cuộc đời đã ngã xuống, con người tự biết rằng: Họ cần phải sống, cần tiếp tục sống. Bởi lẽ có một sứ mệnh cao cả ngày đêm chờ đợi họ hoàn thành. Đó há chẳng phải là một minh chứng rõ ràng khi thơ ca là một" bến đò gió nổi "," một khao khát sang sông "hay sao?

    Tôi lại nhớ đến câu nói của Maiacopxki:" Trên đời có những vấn đề chỉ có thể giải quyết bằng thơ ". Phải chăng đôi cánh của thơ ca chính là dòng tình cảm chân thật và đằm thắm? Thơ ca mang những tâm trạng đến với những tâm trạng, thơ ca có khả năng bao quát sâu rộng không gian và thời gian. Từ đó, gợi mở trong lòng người đọc những gì chưa có. Những cái đó sẽ ở rất lâu trong lòng ta, có những lúc nó sẽ bùng lên dữ dội, nó sẽ giúp ta hiểu và đánh giá chính ta và những con người xung quanh ta. Từ đó, thơ ca sẽ giúp chúng ta cải tạo và nâng con người ta lên:

    " Khi ta đã say mùi hương chân lí

    Đời đắng cay không một chút ngọt bùi

    Đời đau buồn không một tiếng cười vui

    Đời đen tối phải đi tìm ánh sáng! "

    (Như những con tàu – Tố Hữu)

    Hiện thực như sóng nhạc cuồn cuộn, những ý thơ nổi lên như đẩy nhạc đi, như giữ nhạc lại. Một đoạn thơ nếu chỉ nghe thôi thì chưa hiểu hết cái hay, phải đọc nó lên, phải cho tất cả khả năng của nó biểu hiện ra trên nhạc điệu xô bồ của thực tại. Trước mọi" đắng cay "," đau buồn "của cuộc sống, con người tìm đến thơ ca như một lối đi duy nhất để tìm đường gaiir thoát. Từng vần thơ, ý thơ nguoiừ nghệ sĩ như ý thức được hết thảy những gì mà con người phải trải qua để rồi anh gieo vào từng lời thơ của mình một sự đồng cảm sâu sắc. Có thể nói: Thơ ca vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà người nghệ sĩ mong trong lòng. Nghệ sĩ giới thiệu với chúng ta một cảm giác tình tự, tư tưởng bằng cách làm sống hiển hiện ngay lên tâm hồn của chúng ta một cảm giác tình tự, tư tưởng ấy. Nói như Nguyễn Đình Thi:" Nghệ thuật không đứng bên ngoài trơ vẽ cho chúng ta đương đi, nghệ thuật vào đốt lửa bên trong lòng chúng ta, khiến chúng ta phải bước lên trên đường ấy ". Phải chăng, chính thơ ca đã góp phần giải phóng con người thoát khỏi biên giới của chính mình?

    Xuyên suốt trong quá trình sáng tác văn học, thơ ca không phải ngẫu nhiên mà bay đến đồng cảm với tâm hồn người nghệ sĩ. Mà chính anh phải nhìn thấy lớp váng động của cuộc đời để thổi chúng vào thơ. Bởi thế mà thơ anh khơi dậy trong lòng người đọc lớp lớp những đợt sóng cuộn trào và muôn vàn cung bậc cảm xúc tình cảm: Yêu thương, căm giận, xót xa, nghẹn ngào, xao xuyến, bâng khuâng. Bởi thơ là đời, thơ là hoa nảy nở từ mảnh đất cuộc đời dào dạt nhựa sống. Thơ không phải là một thứ tôn giáo cao siêu, huyền bí, cũng không phải là những ghi chép tủn mủn, vặt vãnh, vô giá trị về cuộc đời, về con người quanh ta. Thi sĩ không thể làm thơ nếu của lòng đóng khép, nếu không" mở hồn ra đón nhận lấy tất cả váng động của đời ". Thơ của anh sẽ chẳng còn là thơ nữa nếu nó không phải là một lời thức tỉnh về cuộc đời, nếu nó không làm cho người đọc mở ra một vùng trời mới tốt đẹp hơn, nhân tính hơn:

    " Đi bạn ơi, đi! Sống đủ đầy

    Sống trào sinh lực, bốc men say

    Sống tung sóng gió thanh cao mới

    Sống mạnh dù trong một phút giây

    Đi, bạn ơi, đi! Cả cuộc đời!

    Của ta nào chỉ của ta thôi

    Đã vay dòng máu thơm thiên cổ

    Phải trả cho ta mạch giống nòi! "

    (Đi – Tố Hữu)

    Tôi đọc những dòng thơ của Tố Hữu vào một buổi trưa yên tĩnh và tôi thấy rằng thi sĩ của chúng ra chưa hoàn toàn thất vọng về cuộc sống. Cũng như cái cảm giác ban trưa ngột ngạt mà có làn gió mát thổi qua, tôi cảm nhận được những luồng gió vô tình trong từng vần thơ của anh như một lời thúc giục con người thoát khỏi một cuộc sống bế tắc, không lối thoát để hướng họ đến những lối sống đẹp. Có lẽ, anh cũng như bao người nghệ sĩ khác, một con người biết nâng niu và cực khổ chắt chiu trong từng vần thơ của mình là một lời khuyên nhủ, răn dạy con người đi đến một chân trời mới. Bởi lẽ trong nhận thức của chính mình, người nghệ sĩ vẫn khao khát được sống, được yêu, được hạnh phúc. Và họ chắc chắn rằng, hạnh phúc của chính mình phải bắt nguồn từ thơ ca. Chẳng phải Chế Lan Viên đã từng khao khát khẳng định:

    " Em nhắn về: Sao anh chẳng làm thơ?

    Anh đang bận,

    Bận gì? Bận làm thi sĩ!

    Bận dời lòng anh đến những sao trời, ra canh bể

    Nơi những ngã tư đời, nơi những ngã ba! "

    (Số tay thơ – Chế Lan Viên)

    Nếu văn học nói chung là vẽ bằng từ thì rong thơ ca chủ yếu vẽ bằng nhạc điệu của lời nói, nhạc điệu của đời sống, của tâm hồn kết tinh vào lời nói. Để rồi, từ khối kết tinh ấy thi sĩ sẽ mang tâm hồn người đọc hướng về cái trắng tinh khiết của bể muối, để gạn lọc những hạt sạn của hiện thực và đưa con người về với chính mình! Há chẳng phải thơ ca là một" cái cớ "hoàn mỹ cho sự thay đổi của con người sao?

    Người xưa thường nói:" Thi trung hữu họa "nghĩa là trong thơ có họa, hàm trong đó là một lời khen lớn. Và người đời sau cũng có thể khen: Trong họa có thơ, có nhạc. Tính tạo hình trong thơ ca là sự kết tinh từ đường nét và âm thanh, từ họa và nhạc. Mà họa lại chính là phác họa của cuộc sống, nhạc chính là giai điệu của tình yêu. Nói cách khác: Thơ ca mang con người đến gần nhau hơn, hiểu nhau hơn khi họ thực sự yêu thương nhau, cảm thông cho nhau. Bởi lẽ tình yêu là một thứ cảm xúc thăng hoa, đẹp đẽ của con người, khi yêu, khi thương con người mới thực sự tìm ra cho mình những khát vọng mới, một chân trời mới ngập tràn tin yêu! Thứ cảm xúc tóe lên đôi khi chỉ cần một chút đồng cảm, một chút sự giống nhau giữa người với người:

    " Anh yêu em như anh yêu đất nước

    Vất vả đau thương tưới thắm vô ngần

    Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

    Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn! "

    Hay đó chỉ đơn giản là một thứ xúc cảm nảy nở lên từ tình yêu tha thiết với quê hương này:

    " Tôi lại nhìn như đôi mắt trẻ thơ

    Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ!

    Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển

    Xanh trời, xanh của những giấc mơ..

    Tôi bay giữa màu xanh giải phóng

    Tầng thấp, tầng cao, chiều dài, chiều rộng

    Ôi! Việt Nam yêu suốt một đời

    Nay mới được ôm người trọn vẹn, người ơi! "

    (Vui thế, hôm nay – Tố Hữu)

    Tiếng nói của thơ có lúc giống như những lời tâm tình, làm sống dậy trong lòng ta những kỉ niệm của đất nước, của quá khứ xa xôi. Thơ nói với ta có lúc bằng giọng ngọt ngào của người chiến sĩ đối với quê hương, có lúc lại bằng giọng thủ thỉ, tâm tình của người yêu. Thi sĩ đi từ cái hữu hạn của đời người để đến với cái đẹp, mà cái đẹp là từ đời sống mà ra. Vì thế, trong cái vô hạn của thơ ca, nó dường như mang đời sống và tâm hồn của con người vào chính mình. Khi thơ ca đã trở thành một dãy cảm xúc dạt dào trong trái tim của mỗi người thì hết thảy những gì mà nó chứa đựng: Yêu thương, xót xa, căm giận luyến tiếc sẽ theo chúng ta mà đồng hành trên cuộc đời. Những cảm xúc thăng hoa của tình yêu sẽ giúp con người thoát khỏi vực sâu của cuộc sống, hướng họ đến những chân trời mới đầy niềm tin yêu và ngập tràn hạnh phúc.

    Tôi tự hỏi: Không biết đôi cánh nào của thơ ca đã bay đến cùng tôi, cùng các bạn, để đốt lên trong chúng ta ngọn lửa tôi yêu và gột rửa trong ta những vết hằn của thời gian? Tôi cũng không biết tự bao giờ và từ lúc nào, chỉ biết thơ ca đến với tôi bằng những xúc cảm rất đỗi chân thực, đôi cánh của thơ ca đã nhiều lần nâng đỡ tôi ra khỏi cái bể khổ của cuộc đời! Thi sĩ ơi! Dù phải theo ngã nào, có lẽ anh cũng nên tâm niệm: Thơ ca phải là" một bến đò gió nổi "," một khao khát sang sông ", là một vùng trời mới với những ước mơ và khát vọng mới.

    Lê Đạt đã đưa ra một quan niệm văn học sáng suốt về chức năng giáo dục của văn chương. Ông cho rằng: Thơ phải cất lên từ biển cuộc đời và bay cao từ luồng gió nghệ thuật. Nghệ thuật làm cho thơ trở nên đẹp đẽ và gieo vào lòng người đọc một khát khao đổi mới, hướng đến một chân trời tốt đẹp. Một nhà thơ tài năng phải là một người thợ lặn lành nghề, lặn sâu vào đại dương cuộc sống để gạn lọc những xô bồ của hiện thực, từ đó giáo dục và nâng đỡ con người được" khao khát sang sông". Nghề sáng tác văn chương là một sứ mệnh cao cả, không phải bất kì người nghệ sĩ nào cũng có thể thực hiện được, văn chương sáng tác nên phải hay, phải mang tính giáo dục và nuôi dưỡng tâm hồn của con người. Đó mới chính là sứ mệnh, trách nhiệm vĩ đại của văn học nói chung và thơ ca nói riêng.

    Nguồn: Sưu tầm.
     
  2. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Mọi người vào đọc tham khảo để rèn luyện ngòi bút nhé!
     
  3. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Cảm ơn các bạn đã vài ủng hộ mình ạ! Mình mong bài viết sẽ giúp ích cho mọi người!
     
  4. Love of Ngọc

    Bài viết:
    29
  5. Ngôn Ngôn

    Bài viết:
    15
    Chị ơi, em viết văn nghị luận về suy nghĩ một nhân vật nào đó, em đang tìm những câu lý luận nói chung nét đẹp của nhân vật trong văn học để dẫn dắt vào vấn đề tạo ấn tượng cho giám khảo, nhưng có điều em tìm mà toàn ra ca dao Việt không á, vậy em nên lấy ở đâu đây chị?
     
  6. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Mãi yêu!
     
    Bầu Trời Đầy SaoTHG Nguyen thích bài này.
  7. Love cà phê sữa

    Bài viết:
    542
    Chị nghĩ nên mua sách về lí luận em ạ, trên mạng không thể có tài liệu quý đâu, nếu có thì chỉ là những tài liệu quá quen thuộc. Nếu em muốn tạo ra sự khác biệt cho bài viết thì em nên chọn mua một số sách hay. Trong đó có nhiều câu dẫn đặc sắc lắm. Em lên facebook tìm cô Thu Trang và liên hệ với cô đó nhé. Cô ấy bán sách llvh hay cực
     
    Bầu Trời Đầy SaoTHG Nguyen thích bài này.
  8. phunne1806 Tra Nữ

    Bài viết:
    41
    Đã bảo không like không cmt rồi vẫn vào đây viết cái gì mà viết

    *qobe 4*
     
  9. Diệp Hạ

    Bài viết:
    41
    Cảm giác đọc xong mà vỡ ra bao nhiêu lẽ hay, bài viết rất tuyệt, cảm ơn tác giả đã sưu tầm và đăng tải <3
     
  10. Linh Yumi Không có gì để nói

    Bài viết:
    67
    Hay lắm tác giả

    *qobe 10*
     
    Love cà phê sữa thích bài này.
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...