Bài văn phân tích nội dung và nghệ thuật đoạn trích từ truyện Người gánh nước thuê của Võ Thị Hảo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi AiroiD, 20 Tháng ba 2025.

  1. AiroiD

    Bài viết:
    81
    Đề bài: Anh/chị hãy nêu cảm nhận về nội dung và nghệ thuật từ đoạn trích từ truyện ngắn "Người gánh nước thuê" của Võ Thị Hảo bằng bài văn khoảng 800 chữ.

    Bài làm tham khảo

    Võ Thị Hảo là một nữ nhà văn tài năng và có nhiều đóng góp trong nền văn học Việt Nam hiện đại, được đánh giá là một cây bút sắc sảo và giàu nữ tính. Bút danh của chị trở nên quen thuộc với phong cách sáng tác độc đáo, các tác phẩm phản ánh chân thực cuộc sống con người với nhiều số phận khác nhau. Một trong những tác phẩm làm nên tên tuổi của nữ nhà văn ấy là truyện ngắn "Người gánh nước thuê". Đây là một truyện ngắn đặc sắc về nội dung và nghệ thuật.

    Truyện kể về bà Diễm - một người gánh nước thuê. Cả cuộc đời bà gắn liền với cái đòn gánh và những thùng nước, lặng lẽ làm việc trong sự coi thường, khắt khe của người đời. Nhưng bà vẫn sống bằng những gánh nước và đi trong đó như kẻ mộng du.

    Về nội dung, truyện thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của nhà văn, bằng sự quan tâm, tình yêu thương, thấu hiểu những người lao động nhỏ bé, nghèo khó trong xã hội. Nhân vật bà Diễm là hình ảnh tiêu biểu của những người lao động với công việc đời thường, sống âm thầm, lặng lẽ hòa chung vào nhịp sống xã hội. Bà Diễm không được giới thiệu về lai lịch gốc gác, không ai biết bà từ đâu đến. Ngay từ những dòng văn đầu tiên, tác giả đã giới thiệu về người đàn bà gánh nước thuê tên Diễm và nguồn gốc của cái tên ấy "Hẳn bố mẹ xưa đặt tên cho con cũng thầm ao ước sao cho còn vừa đẹp lại vừa khỏi lầm than". Có thể nói, cái tên ấy là một dụng ý nghệ thuật của tác giả. Bởi lẽ, "diễm" có nghĩa là đài các, quyền quý nhưng cái tên ấy lại đối lập với số phận con người, "trông bà là cả một sự nhạo báng cái mong ước đó", bà Diễm vừa không mang vẻ ngoài xinh đẹp, cao sang, mà lại còn có một cuộc đời lam lũ cơ cực. Bà làm nghề gánh nước thuê - một công việc phổ biến ở đô thị trước đây. Đây là một công việc khó nhọc, không dễ dàng với phụ nữ, nhất là với người có ngoại hình như bà Diễm "dáng người loắt choắt, bộ mặt nhăn nheo, gầy sạm chỉ còn hai con mắt, đôi vai còm cõi". Có thể nói, ngoại hình này sinh ra không phải để làm nghề gánh nước thuê nhưng đây cũng là kết quả của cuộc đời mưu sinh bằng những gánh nước.

    Khi miêu tả bà Diễm, nữ nhà văn đã miêu tả song hành cùng hình ảnh chiếc đòn gánh. Đòn gánh như sức nặng của số phận đặt lên vai bà Diễm. Võ Thị Hảo đã miêu tả cái đòn gánh với bà Diễm như một thứ nghiệp chướng tồn tại cùng bà không biết từ bao giờ. Ngay cả tác giả cũng khẳng định cuộc đời bi kịch của bà: "Nó và chủ nhân của nó hợp thành một chỉnh thể của sự bất hạnh, hợp thành biểu tượng của một thân cây vừa mới ra đời đã bị gió mưa vùi dập". Bằng giọng điệu vừa chua xót, vừa lạnh lùng, nhà văn đã gợi sự.. với bà Diễm, với chiếc đòn gánh, chính là một sự bất hạnh. Cách so sánh liên tưởng ấy đã gợi ra cuộc đời nhiều đau khổ, thiệt thòi và bất hạnh của người đàn bà ấy. Bà Diễm còn là một người lao động âm thầm chắt chiu nhỏ bé và khiêm nhường. Võ Thị Hảo đã miêu tả cái đòn gánh với đôi thùng nước theo bước chân của người đàn bà đã để lại những vệt nước rỏ ròng ròng như suối nước mắt cạnh đường đi. Điều đó gợi ra một sự ám ảnh về thân phận con người, mỗi giọt mồ hôi là một giọt nước mắt mặn chát mà người ta gắng gượng cất giấu đi. Cái giây phút thảnh thơi đối với bà Diễm rất ít và những lần như vậy, bà lẩm bẩm một mình như người lẩn thẩn, nhưng cử chỉ hành động thì chính xác đến kì lạ. Chi tiết ấy đã cho thấy rằng bà Diễm đã sống một cuộc đời cô độc, không có ai để sẻ chia, thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn, vất vả chưa bao giờ rời xa bà. Mặc dù vậy, bà vẫn đối xử đúng mực, không bon chen, tranh giành với ai. Bà làm việc giống như hơi thở của nhịp sống hàng ngày như bao người gánh nước thuê khác.

    Thông qua cuộc đời và công việc gánh nước thuê của bà Diễm, nhà văn đã có những suy nghĩ, chiêm nghiệm về lối sống, đạo đức của con người trong xã hội, về mối quan hệ giữa thời gian và đời người. Võ Thị Hảo đã nhận ra một nghịch lí trong xã hội, đó là biểu hiện của bệnh "sĩ", đó là những người giàu có thuê người gánh nước nhưng lại coi thường, bắt nạt, không muốn dây dưa với những người có địa vị thấp như vậy. Họ phân biệt đối xử, cậy giàu ỷ thế, mặc dù chính những người nhà giàu ấy không phải ai cũng xuất thân đài các nhưng bà Diễm không để ý đến điều ấy, bà vẫn cứ tận tuỵ với công việc vẫn cần đến những người nhà giàu bởi chỉ có họ mới có tiền để thuê người gánh nước. Cuộc đời của người đàn bà số khổ ấy với gánh nước trên vai âm thầm lặng lẽ mà nhà văn liên tưởng đến đôi chân của bà như kẻ mộng du giữa cuộc đời: Bà sống trong trạng thái như ở cõi mơ, vừa tỉnh vừa quên, mà cứ như vậy, bà mới có thể gắn bó với đôi thùng nước. Tác giả cũng tiếc nuối nếu những người như bà Diễm sẽ từ bỏ thế gian. Những người lao động nhỏ bé như bà Diễm cũng âm thầm cống hiến cho cuộc đời.


    Truyện không chỉ thành công về nội dung mà còn đặc sắc về nghệ thuật. Điểm nhìn trần thuật toàn tri để tác giả linh hoạt trong kể và tả. Đoạn truyện không chỉ kể về người đàn bà làm nghề gánh nước thuê mà có sự khái quát mở rộng đến những vấn đề đạo đức, lối sống xã hội, về cách ứng xử giữa người với người. Cùng với đó, nhà văn còn sử dụng các biện pháp so sánh, ẩn dụ để gợi ra mối liên hệ giữa thân phận con người với nhịp sống của xã hội, về sự ngắn ngủi của đời người với cái dài rộng của thời gian, suy ngẫm giữa cái còn cái mất. Giọng điệu kể chuyện chậm, sâu lắng mà chua xót thể hiện tình thương yêu, sẻ chia, thấu hiểu của nhà văn với thân phận của những kiếp người nhỏ bé, cực khổ như bà Diễm. Đặc biệt, truyện còn có những câu văn mang tính triết lí, thể hiện nỗi buồn của chính tác giả về đạo đức của con người trong xã hội khi có lối sống thực dụng, chạy theo tiền tài, coi thường người lao động nhỏ bé, nghèo khổ.

    Có thể nói, truyện ngắn không chỉ khái quát về thân phận của người đàn bà gánh nước thuê mà còn về số phận của biết bao người lao động nhỏ bé, nghèo khổ trong xã hội. Tóm lại, truyện ngắn là một bức thông điệp đầy nhân văn về giá trị của mỗi người trong cuộc đời, là lòng trắc ẩn của nhà văn về một lớp người lao động nghèo ở một thời đã qua. Người đọc qua đó có sự cảm thông và biết quý trọng người lao động hơn.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...