Bài văn nghị luận phân tích đánh giá bài thơ Nhàn - Nguyễn Bỉnh Khiêm

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Lê Tấn Lộc, 14 Tháng sáu 2023.

  1. Lê Tấn Lộc

    Bài viết:
    20
    NHÀN (NGUYỄN BỈNH KHIÊM)

    Trải qua bao biến đổi thăng trầm của lịch sử, nhiều nhà trí thức lỗi lạc trong giới tinh hoa của xã hội phong kiến đã để lại kho tàng văn học đồ sộ với những giá trị nhân văn sâu sắc. Ví như Nguyễn Bỉnh Khiêm - là người có học thức uyên thâm, được suy tôn là Tuyết Giang Phu Tử và được phong tước Trình Tuyền hầu (Trạng Trình). Ông để lại hai tập thơ lớn: Bạch vân am thi tập và Bạch vân quốc ngữ thi. Thơ ông mang đậm tính triết lí, giáo huấn, ngợi ca chí của kẻ sĩ, thú thanh nhàn, phê phán những thói hư, tật xấu trong xã hội. Tư tưởng nhân đạo, gắn kết con người với thiên nhiên và những triết lí nhân sinh đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm của ông. Tiêu biểu như bài thơ "Nhàn", là bài thơ Nôm, được viết theo thể thơ thất ngôn bát cú, thuộc Bạch Vân quốc ngữ thi, được sáng tác trong hoàn cảnh nhà thơ bấy giờ chán ghét cảnh quan trường và về quê ở ẩn. Bài thơ tiêu biểu cho quan niệm sống của nhà thơ về tư tưởng an nhiên giữa chốn hồng trần đầy biến động.

    Đầu tiên, ta có thể thấy tinh thần chủ đạo của bài thơ chính là một triết lí xã hội: Triết lí "nhàn". Dường như cái "nhàn" của nhà thơ lựa chọn không phải là một giải pháp cứu cánh trước sự bất lực và chán chường trước thời cuộc của xã hội phong kiến rối ren mà đó chính là một quan niệm sống độc đáo, là sự nhận thức đúng đắn của một bậc ẩn sĩ thanh cao, vượt ra cái tầm thường xấu xa của cuộc sống bon chen vì danh lợi. Triết lí "nhàn" của Nguyễn Bỉnh Khiêm sâu sắc ở chỗ. Nhàn là sống theo lẽ tự nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên để cho tâm hồn được thanh thản.

    Mở đầu bài thơ là hai câu thơ đầu tái hiện lên cuộc sống nhàn hạ nhưng theo một cách rất mộc mạc của tác giả:

    "Một mai, một cuốc, một cần câu

    Thơ thẩn dầu ai vui thú nào."

    Câu thơ hiện lên với những hình ảnh vô cùng quen thuộc về cuộc sống dân dã chốn làng quê. Tác giả đã sử dụng điệp số từ "một" kết hợp với liệt kê tên các dụng lao động quen thuộc để diễn tả một tư thế sẵn sàng lao động của một vị quan đã từ giã chốn quan trường để trở về với cuộc sống tự do tự tại. Ở chốn quê nghèo, Nguyễn Bỉnh Khiêm ngày ngày gắn bó, bầu bạn cùng với những vật dụng quen thuộc của nhà nông là mai đào đất, xắn đất, cuốc lật đất, đi kèm phía sau là một cần câu để ông tìm đến thú vui câu cá để làm cho tâm hồn thư thái gạt bỏ đi mọi muộn phiền cũng như vượt lên trên hiện thực cuộc sống bần nông vốn khó khăn về vật chất. Nhưng ẩn sâu trong cuộc sống tự do ấy lại là trống vắng của một con người mang đầy chí lớn đang phải sống cuộc đời ẩn dật. Có lẽ vì đã quá thấu hiểu lẽ đời, chán chê trước cái hám danh hám lợi của thế nhân mà thi nhân đã rũ bỏ tất cả chức tước công hầu quay về gần gũi, vui bên nhịp sống thường nhật với thú vui tao nhã, thanh đạm. Nhịp thơ 2/2/3 đã gợi nhịp điệu đều đặn thong thả của cuộc sống. Và từ đó thấy rằng tác giả rất yêu quí, gắn bó với nếp sống giản đơn mà gần gũi, ấm áp tình người.

    Câu thơ thứ hai đã thể hiện rõ nét hơn phong thái và tâm trạng của người thi sĩ. Tác giả dùng biện pháp đảo ngữ đẩy từ "thơ thẩn" lên đầu câu như càng nhấn mạnh hơn phong thái ung dung, khác biệt của mình với thế giới xung quanh. "Dầu ai thú vui nào" trong lời thơ thể hiện không có một chút băn khoăn, đắn đo mà là lời khẳng định chắc chắn của một người đã trải qua hơn nửa đời người với sự thấu hiểu những mong muốn của bản thân mình và sự hài lòng về những điều mà mình đã lựa chọn. Mặc kệ cuộc sống ngoài kia với biết bao thú vui mà người đời luôn theo đuổi một cách mù quáng và đôi khi đánh mất cả luân lí, Nguyễn Bỉnh Khiêm lại lựa chọn sống một cách sống "thơ thẩn" mà đối diện với thời cuộc, thể hiện một triết lí sống bình dị mà thanh cao của một bậc trí thức đương thời với phong thái ung dung hòa mình vào cỏ cây, vui thú điền viên từ đó cho thấy triết lí nhàn ở đây là tự do lựa chọn cuộc sống mình mong muốn.

    Với ước muốn sống hòa hợp với thiên nhiên để cho tâm hồn được thanh thản, yên vui, đi ngược lại với cuộc đời, Trạng Trình đã rời xa chốn lao xao để về nơi vắng vẻ:

    "Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ,

    Người khôn, người đến chốn lao xao."

    Trong hai câu thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã khắc họa tính cách con người mình một cách vô cùng sinh động tự nhiên. Với biện pháp nghệ thuật sóng đôi ở hai câu thơ này đã diễn tả sự đối lập, tương phản, thậm chí là trái ngược hoàn toàn của hai nơi sống, hai quan điểm sống và hai sự lựa chọn khác nhau. Tác giả còn sử dụng nghệ thuật đối giữa "ta và" người "," dại "và" khôn "," nơi vắng vẻ "và" chốn lao xao "giúp làm nổi bật lên ý nghĩa sâu sắc của câu thơ cũng như thể hiện quan điểm sống của tác giả vô cùng mạnh mẽ. Với lẽ thường tình ở đời, chắc hẳn con người ta luôn muốn vấn thân vào vinh hoa phú quý, tiền muôn bạc vạn của chốn phồn hoa đô hội để sung sướng tấm thân, hiếm có ai lại tìm cho mình một cuộc sống thuần nông nghèo khổ để mà an nhàn cả và đó chính là sự chọn lựa mà người đời hay nhìn nhận một cách khách quan là khôn ngoan. Nhưng đối với trạng Trình, ông tự nhận mình là dại, dại vì đã rời xa chốn xa hoa trở về sống ẩn dật, vất vả nơi vùng quê. Nhìn vào những hành động này có lẽ người ta sẽ cho rằng ông dại thật.

    Nhưng có biết đâu cái dại của thánh nhân coi vậy mà rất triết lí. Tìm nơi vắng vẻ không phải là lánh đời mà là tìm nơi mình thích thú, được sống thoải mái, an nhiên, khác xa chốn quan trường bon chen. Nơi vắng vẻ là nơi thiên nhiên tươi xanh, mang lại sự thảnh thơi cho tâm hồn. Đến" chốn lao xao "là đến nơi con người chen chúc xô đẩy, giẫm đạp lên nhau để giành giật quyền lợi, để mưu tính cho bản thân. Đã trải đời nhiều phen vinh nhục, ông hiểu rõ" chốn lao xao "danh lợi phù phiếm chỉ làm cho con người chạy mãi trong đời mà không đến được điểm đích há chẳng phải sống như thế thì phí cả đời người hay sao. Có lẽ đây là hai câu thơ hay nhất của bài thơ, bởi nghệ thuật đối, bởi ý nghĩa tư tưởng của hai câu muốn nói đến. Chỉ có Nguyễn Bỉnh Khiêm biết mình có dại hay không dại, ông tìm đến" nơi vắng vẻ "dẫu có gian khó nhưng tâm hồn tự tại, cảm nhận trọn vẹn sự sống nhỏ nhoi mà tạo hóa đã ban tặng từ đó cho thấy triết lí nhàn ở đây là thảnh thơi thoát khỏi vòng danh lợi.

    Hai câu tiếp theo miêu tả cuộc sống của nhà thơ nơi thôn quê nghèo thanh đạm với những sản vật riêng chỉ có nơi thôn quê:

    " Thu ăn măng trúc, đông ăn giá,

    Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao ".

    Tác giả đã cho ta thấy hoàn cảnh sống và sinh hoạt giản dị của ông. Ở chốn thôn quê, tác giả lại có các thú vui riêng và được thưởng thức những món ăn rất đỗi dân dã. Bốn mùa Thu – Đông – Xuân – Hạ được nhắc tới không phải để chỉ bức tranh cảnh sắc thiên nhiên mà là gợi về thời gian quanh năm, bốn mùa với những sản vật đặc trưng. Bằng điệp ngữ" ăn "," tắm "được lặp lại kết hợp với các hình ảnh liệt kê" măng trúc "," giá "," hồ sen "," ao "cùng với các từ chỉ thời gian, câu thơ đã khắc họa được nếp sinh hoạt lặp lại tuần hoàn của tác giả. Sự giản dị ở đây là những món ăn bình dân, đạm bạc có sẵn trong tự nhiên thuần khiết, thuận theo từng mùa, chẳng phải là sơn hào hải vị hiếm có khó tìm mà là những thứ rất gần gũi, quen thuộc. Đây cũng là một trong những khía cạnh của triết lí" nhàn "mà nhà thơ hướng đến. Ông chọn một lối sống hòa hợp với thiên nhiên, sống thuận theo tự nhiên, là lối sống hòa hợp giữa con người với thiên nhiên và cuộc sống xung quanh. Như vậy có thể thấy, nhàn không chỉ trong công việc, trong lựa chọn mà nhàn còn hiện hữu trong chính những sinh hoạt thường ngày của nhà thơ từ đó cho thấy triết lí nhàn ở đây chính là lối sống thuận theo tự nhiên không mưu cầu tranh đoạt.

    Hai câu thơ cuối, trạng Trình đã đưa ta đến với sự đúc kết của ông về triết lí" nhàn ":

    " Rượu, đến cội cây, ta sẽ uống

    Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao ".

    Ở đây tác giả đã sử dụng điện tích Thuần Vu Phần uống rượu say nằm ngủ dưới gốc cây hòe rồi mơ thấy mình ở nước Hoè An được công danh, phú quý rất mực vinh hiển, sau bừng tỉnh dậy thì hóa ra đó chỉ là một giấc mộng, dưới cành hòe phía Nam chỉ có một cái tổ kiến mà thôi. Sử dụng điển tích ấy, tác giả đã nói lên thái độ coi thường công danh phú quý. Phú quý tiền bạc đối với ông chỉ là cuộc sống của những kẻ xấu xa, tầm thường. Chính vì quan điểm này Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không màng đến danh lợi bởi danh lợi, phú quí chỉ là phù phiếm và chỉ như một giấc mộng rồi sẽ qua đi. Quả thật vậy, đúng với câu" giàu sang như áng mây bay, mới vừa thấy đó phủi tay không còn "." Nhìn xem "là cái nhìn của một người đứng ngoài mà nhìn, mà đánh giá. Tác giả đã thoát khỏi vòng danh lợi của thế nhân mà thư thái ngắm nhìn cái hám danh hám lợi, cười mỉa mai lên những kẻ tham lam đua tranh. Trước tình thế nước nhà loạn lạc, dẫu lựa chọn con đường sống nhàn, sống khép kín để giữ an thân tâm nhưng những vần thơ của ông vẫn chứa đựng niềm hi vọng triết lí này của mình có thể giữ trọn được tâm hồn và nhân cách để cuộc sống con người được hài hòa, hợp với lẽ của tự nhiên và xã hội và triết lí nhàn ở đây chính là coi thường danh lợi.. Từ đó, có thể thấy" nhàn "là một triết lí sống thanh cao để bảo toàn nhân phẩm trước sự đua chen danh lợi, trước sự băng hoại về đạo đức của con người.

    Ngoài ra, bài thơ không chỉ hay về phần nội dung mà còn đặc sắc về phần nghệ thuật. Các từ ngữ, hình ảnh dân dã được sử dụng kết hợp với nhau tạo cho câu thơ sự giản dị như một lời nói tự nhiên mà cũng rất tinh tế. Bài thơ có sự kết hợp giữa trữ tình và triết lí, đó là những trải nghiệm, những lời gửi gắm nhẹ nhàng của nhà thơ. Sử dụng ngôn ngữ gần gũi mộc mạc. Sử dụng khéo léo thể thơ thất ngôn bát cú, điển tích cổ đầy tính sáng tạo và cách phép đối thường gặp ở thể thơ Nôm một cách linh hoạt, giọng thơ nhẹ nhàng hóm hỉnh.

    Qua bài thơ" nhàn ", có thể thấy rõ quan niệm và suy nghĩ của Nguyễn Bỉnh Khiêm về triết lí" nhàn". Nhàn ở đây không phải là nhàn hạ, sung sướng tấm thân hay vui chơi thưởng lạc những vật chất xa hoa mà là nhàn trong tâm hồn, là lối sống giản dị mà thanh cao, rời xa vòng tuần hoàn danh lợi tranh đoạt rối ren của thế nhân để giữ vững thân tâm an nhàn. Nhàn là đề cao nhân cách sống thuận theo tự nhiên dựa trên những thông tuệ về lẽ đời, về nhân thế. Đây là một triết lí sống đẹp, có giá trị giáo dục sâu sắc đến đạo đức của con người, là một trong số nhiều giá trị đạo đức nhân văn xuất hiện trong văn học trung đại. Đọc bài thơ, ta càng khâm phục ngòi bút tinh tế của Nguyễn Bỉnh Khiêm và cảm nhận sâu sắc về triết lí sống đầy ý nghĩa mà ông gửi gắm.
     
    LieuDuong thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...