CHIỀU TỐI (HỒ CHÍ MINH) "Thơ" là sự sáng tạo đặc biệt của con người. Thi nhân nhờ vào những lời thơ để nói lên những tâm tư hay muốn đấu tranh, phê phán mạnh mẽ với những bất công của thời cuộc. Ví như hồn thơ yêu nước - Hồ Chí Minh, là một Danh nhân ᴠăn hóa, một ᴄhính trị gia ᴠới nhiều táᴄ phẩm thơ, ᴠăn хuôi và văn chính luận đặᴄ ѕắᴄ, những bài thơ Người viết rất đỗi bình dị, trong trẻo, thấm đẫm tình người và giàu đức hi sinh của nhà cách mạng vĩ đại. Tiêu biểu như bài thơ "Chiều tối", nằm trong tập thơ "Nhật kí trong tù". Bài thơ sáng tác trong thời gian Bác bị giam cầm đày ải tại các nhà lao thuộc tỉnh Quảng Tây Trung Quốc. Bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, là một bức tranh vẽ cảnh chiều tối nơi núi rừng, sự sống ấm áp của con người với tâm hồn thi nhân rung cảm trước thiên nhiên, phong thái ung dung luôn hướng về sự sống, ánh sáng và tương lai. Mở đầu bài thơ, bằng vài nét chấm phá của bút pháp ước lệ tượng trưng tác giả đã dựng nên khung cảnh thiên nhiên núi rừng rộng lớn, vắng lặng: "Quyện điểu quy lâm tầm túc thụ, Cô vân mạn mạn độ thiên không". (Chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ Chòm mây trôi nhẹ giữa tầng không) Trước hết, cảnh chiều tối được vẽ lên với hình ảnh của cánh chim mỏi về rừng tìm chốn ngủ và chòm mây trôi nhẹ nhàng. Chính những không gian ấy đã làm cho nhà thơ dâng lên niềm cảm xúc. Trong thời khắc của một ngày sắp tàn, con người và vạn vật cùng mọi hoạt động đều dừng lại. Chính vì vậy, khoảng thời gian này cũng thường gợi cho những người xa nhà, xa quê cảm giác cô đơn, buồn bã. Hình ảnh cánh chim là một hình ảnh cổ điển trong thơ ca và giờ đây lại được thơ Bác truyền tải một cách trực tiếp. Cánh chim kia đang mỏi mệt bay về phía rừng để kết thúc một ngày kiếm ăn mệt mỏi và dường như ta thấy cánh chim kia như được nhân hóa lên mang tâm trạng, nỗi niềm cô đơn. Nhìn cánh chim đang bay, Bác cảm nhận được sự mệt mỏi của mình như những cánh chim kia sau một ngày đường hoạt động. Hình ảnh chòm mây cô độc trôi nhè nhẹ qua bầu trời chỉ là một nét vẽ tạo nên cái không gian cao rộng của cảnh trời chiều nơi miền rừng núi. Bầu trời hôm ấy phải thật cao, thật trong xanh ta mới thấy được hình ảnh chòm mây cô độc ấy gợi lên hình ảnh cô độc nơi quê người của Bác. Mỗi một chi tiết của cảnh chiều đều nhuốm màu tâm trạng. Cánh chim mỏi tìm về tổ ấm, còn người tù thì mệt mỏi sau một ngày đường mà vẫn chưa có được chỗ dừng chân. Chòm mây lẻ loi trôi lững lờ trên tầng không, còn người tù thì cô đơn giữa một buổi chiều nơi đất khách. Người chiến sĩ bị lưu đày ngước mắt nhìn bầu trời, dõi theo cánh chim bay và áng mây trôi nhẹ mà lòng man mác giữa cảnh hoang sơ của miền sơn cước. Trong cảnh chiều buồn, hình ảnh người thi sĩ yêu nước cô đơn mượn những dòng thơ để gửi gắm tâm trạng của mình theo cảnh sắc thiên nhiên thật sống động. Ta nhận thấy trong cách nhìn của Bác là một cách nhìn đầy yêu thương, trìu mến trước biểu hiện nhỏ nhoi của sự sống. Bác đã khéo léo vẽ lên trước mắt chúng ta không chỉ là một không gian trống vắng của cảnh chiều mà trong ấy thể hiện chiều sâu tâm hồn của Bác chính là lòng yêu thương sự sống với một cảm quan nhân đạo, sự điềm tĩnh một cách lạ thường dẫu trong hoàn cảnh tù đày lao khổ. Hai câu thơ đạt đến mức vi diệu của lối tả cảnh ngụ tình. Ở đó ta bắt gặp một tâm hồn giàu cảm xúc trước thiên nhiên và sự sống. Từ đó ta thấy được một nghị lực phi thường và đó cũng chính là chất thép trong thơ Hồ Chí Minh. Nếu như ở hai câu thơ đầu bằng bút pháp cổ điển Bác đã dựng nên bức phông lớn làm nền cho bức tranh, thì trong hai câu thơ sau, Bác tập trung làm nổi bật hình tượng trung tâm của bức tranh: "Sơn thôn thiếu nữ ma bao túc Bao túc ma hoàn, lô dĩ hồng". (Cô em xóm núi xay ngô tối, Xay hết lò than đã rực hồng). Hai câu thơ miêu tả rất cụ thể đời sống thường nhật. Đó là cảnh cô em xóm núi đang cần mẫn xay ngô và lò than rực hồng tỏa ra ánh sáng và người đi đường như quên đi cảnh ngộ của riêng mình, hòa vào không khí lao động. "Xóm núi (sơn thôn)" là hình ảnh giản dị biểu tượng cho sự sống bình yên của con người. Xóm núi như đẹp hơn, ấm áp hơn với hình ảnh người thiếu nữ. Vẻ đẹp trẻ trung đầy sức sống của người thiếu nữ với tư thế lao động (xay ngô) trở thành tâm điểm của bức tranh thiên nhiên buổi chiều. Bác đã quên cảnh ngộ của mình để cảm nhận cuộc sống xung quanh. Bác như hòa vào không khí lao động ở xóm núi, đồng cảm với nỗi vất vả của người lao động. Hình ảnh cô gái xuất hiện đã hướng người đọc từ không gian cảnh vật của mây trời, chim muông trở về với đời sống con người. Con người trong thơ của Bác vừa khoẻ khoắn, nó mang lại niềm vui trong cuộc sống lao động. Nó làm dịu đi nỗi cô đơn của người đi đường. Người đi đường trong phút chốc cũng cảm thấy hơi ấm của sự sống, của tự do. Bài thơ kết thúc bằng chữ "hồng", có thể nói đó chính là chỗ đẹp nhất của bài thơ. Đó chính là ánh lửa hồng của cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc gia đình, ánh lửa hồng của sự sống, của niềm lạc quan. Chữ "hồng" đặt ở cuối bài thơ soi rõ vẻ đẹp của người thiếu nữ, tỏa ánh sáng và hơi ấm xua đi cái buồn vắng của bức tranh chiều tối nơi rừng núi. Bài thơ có sự vận động của không gian, thời gian từ lúc chiều muộn cho đến chiều tối, từ không gian núi rừng hiu quạnh đến không khí đầm ấm của gia đình. Từ nỗi buồn cô đơn, thấm mệt của người tù bị lưu đày đã tìm thấy niềm vui tìm thấy trong cuộc sống giản đơn. Dường như cảnh sinh hoạt của con người đã khơi gợi và mang đến cho trái tim cô đơn giữa màn đêm lạnh giá của người tù một hơi ấm, làm xoa dịu tâm hồn người thi sĩ bớt ngủi lòng hơn để chuẩn bị đối diện với những khó khăn, gian khổ cảnh tù đày. Hai câu thơ đã cho ta thấy được cái nhìn ấm áp đầy yêu thương, trân trọng của Bác đối với con người lao động. Buổi "Chiều tối" nơi miền rừng núi quạnh hiu, hoang vắng, lẽ ra rất đỗi buồn bã, thê lương trước mắt người tù bị xiềng xích, bị giải đi với biết bao nỗi gian lao vất vả, nhưng trái lại tâm trạng của Người lúc này lại là một tinh thần hiện đại thể hiện qua quan niệm sống, cách sống mạnh mẽ vượt qua gian khổ, thách thức, đối mặt với hiện thực khắc nghiệt bằng thái độ lạc quan, hướng về tương lai tương sáng với phong thái ung dung cảm nhận và hòa hợp với cảnh sắc thiên nhiên cũng như nhịp sống của con người từ đó thể hiện khí chất phi phàm của nhà cách mạng, người chiến sĩ Cộng sản vĩ đại. Ngoài ra, bài thơ không chỉ hay về phần nội dung mà còn đặc sắc về phần nghệ thuật. Thể thơ thất ngôn tứ tuyệt với những hình ảnh thơ đậm chất cổ điển cùng với bút pháp chấm phá trong cách xây dựng không gian đã khiến cho người đọc hình dung cả khung cảnh thiên nhiên, cuộc sống con người chỉ bằng vài nét vẽ. Ngôn ngữ linh hoạt sáng tạo giúp cho việc tạo nên vòng thời gian những vòng liền mạch, không có sự ngắt quãng, chân thực giàu sức gợi, giàu cảm xúc khiến bài thơ không chỉ chân thực mà còn mang cả tâm hồn của tác giả. Qua bài thơ "Chiều tối", ta có thể thấy bằng một cảm quan hết sức nhạy bén, Bác đã cảm nhận một cách sâu sắc cảnh quan thiên nhiên và nhịp sống của con người bằng một tình yêu và niềm lạc quan vượt lên hoàn cảnh khắc nghiệt chốn lao tù. Bài thơ đã làm sáng lên vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Người, tuy ở hoàn cảnh tù đày nhưng lòng yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống không bao giờ vơi cạn. Đồng thời còn ánh lên tinh thần sắt đá, niềm lạc quan, tin tưởng vào tương lai cách mạng của người làm cách mạng. Đọc thơ Bác, ta bắt gặp một tầm sâu rộng về tư tưởng, cảm xúc thơ mênh mang, khiến cho người đọc qua đều hiểu, thấm thía và đồng cảm với những rung động của thi nhân. Từ đó ta càng khâm phục hơn ngòi bút của người thi sĩ yêu nước - Hồ Chí Minh và cố gắng phấn đấu noi theo tấm gương sáng của Người.