Như thể có mây thì có gió, có sông thì có sóng, nước và non là mối duyên lành mà đất trời đã kết se cho mảnh đất Kinh kì. Bên dòng sông Huơng là núi Ngự, vẽ nên cảnh sơn thủy hữu tình đặc trưng xứ Huế. Đâu phải ngẫu nhiên mà tự chốn này thi sĩ Bùi Giáng ít ra đã một lần rung động cảm tác: "Dạ thưa xứ Huế bây giờ Vẫn còn núi ngự bên bờ sông Hương" Núi Ngự điềm đạm mà cao sang, không biết cứa vào lòng khối núi rắn chắc ấy bao mối tình nhân gian? Núi Ngự khác nào một giả sơn: Ông cha đã khéo đưa một thực thể tự nhiên vào quần thể kiến trúc, dựng nên bức bình phong uy nghi làm tiền án trên trục chính của Kinh thành căn cứ vào các nguyên tắc địa lý phong thủy và thuyết âm dương ngũ hành. Ngự Bình trông xa hao hao chim đại bàng vỗ cánh bay lên trời nên tên cũ là Bằng Sơn (hay Bình Sơn). Vua Gia Long lên ngôi, chọn Phú Xuân làm kinh đô, đặt tên núi Ngự Bình. Hình thể núi phía sau và trước không giống nhau, đặc điểm mà ca dao từng mô tả: "Núi Ngự Bình trước tròn sau méo Sông An Cựu nắng đục, mưa trong" Gọi núi chứ thực ra đây chỉ là ngọn đồi hình thang, cao 105m, hai bên có hai núi đất là Tả Phù Sơn và Hữu Bật Sơn. Nhín ngọn núi Ngự Bình cùng hai ngọn núi Tả Phù - Hữu Bật trông như con phượng hoàng đang xòa cánh che chở cho đế thành. Cách núi Ngự Bình vài km là đồi Vọng Cảnh, một danh lam thắng cảnh khác của Huế, đứng soi bóng duyên dáng bên dòng sông Hương, nhìn qua núi Ngọc Trản. Kề bên lại có núi Bân, nơi mà hơn hai trăm năm trước, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lập đàn tế trời, lên ngôi hoàng đến, xuất binh đánh hàng vạn quân Mãn Thanh sang xâm lược. Từ chân núi đến đỉnh núi Ngự rợp một màu xanh mát của rừng thông mà ngày xưa các vua Nguyễn đã trồng. Thế ra, rừng thông cũng chứa chất một phần linh hồn Huế, lặng lẽ tồn tại qua các Vương triều, chỉ có điều triều đại xưa sụp đổ nhưng màu xanh này vẫn tiếp nối đến ngàn năm. Mỗt độ giêng hai khi sương xuân vào buổi sáng tinh mơ còn vờn bay mờ nhạt cả đỉnh núi Ngự thì cũng là lúc những cây thông ở núi Ngự Bình như thức dậy và quyến rũ thêm. Mỗi lần nghe mùa thông núi Ngự reo vui là lòng người lại bâng khuâng một nỗi niềm khó tả. Ta thường thích thú được lặng im ngồi nghe khúc nhạc thiên nhiên vi vu ấy với cảm giác thanh thản, sảng khoái khi được nhìn những cây thông san sát bên nhau như đang giang tay ôm lấy núi Ngự vào lòng. Đứng trên đỉnh núi Ngự phóng mắt về xa, ta thấy màu xanh ấy còn trải dài đến một rừng đồng bằng bát ngát của các huyện Hương Thủy, Hương Trà, Phú Vang.. Những dịp đẹp trời, có thể trông xa trọn vẹn ruộng đồng, làng mạc các huyện phụ cận, cả dải cát trắng cửa Thuận và màu xanh biếc của biển Đông, cả dãy Truờng Sơn tím thẫm ẩn hiện phía Tây qua trập trùng mây bạc. Tạo hóa thật hữu tình khi vẽ liền sau một nét vút lên của núi là một nét mềm mại của dòng sông. Sông Hương như một dải lụa mềm trải quanh co dưới chân đồi, soi bóng Ngự Bình, làm bạn tri âm. Núi không cao, đường lên không cheo leo gập ghềnh nhưng núi Ngự mang cái dáng vẻ của một con người trầm tư mặc tưởng. Cái đẹp của núi Ngự không chỉ về phong thuy che chở cho kinh thành Huế, cái đẹp của núi Ngự là ở chỗ gần gũi với Huế, nó trở thành một cái đàn, một ngôi lầu cao vút và lên đó theo những bậc cấp nhân tạo người ta có thể phóng tầm mắt mình chiêm ngưỡng vẻ đẹp dịu hiền của thành Huế, lắng nghe những tiếng vọng từ bên dưới rất xa, và có cảm tưởng như mình đang ở một thế giới nào đó. Du khách có dịp đến đây vào buổi bình minh sương tan hay lúc hoàng hôn mới hiểu hết và thấm thía vẻ đẹp nên thơ, nên họa của một ngọn núi, một khúc sông, một góc trời xứ Huế. Ai mà chẳng để tâm hồn nằm đọng lại khi một lần ghé bước qua"kiệt tác về thơ của kiển trúc đô thị này. Đâu phải vô tình người ta gọi xứ Huế là miền Hương Ngự. Cùng với sông Hương, núi Ngự là quà tặng vô giá thứ hai của tạo hóa quyện vào nhau tạo nên một bức sơn thủy đằm thắm, dịu dàng.