Bài văn 9 tham khảo: Phân tích vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Rilee, 9 Tháng chín 2021.

  1. Rilee

    Bài viết:
    23
    Bài làm

    Truyện Kiều là quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt Nam, là tài năng bậc nhất của Nguyễn Du. Tác phẩm vừa là bức tranh hiện thực sắc sảo về xã hội cũ, vừa là tấm lòng chất chứa yêu thương của một nhà nhân đạo lớn. Qua Truyện Kiều, Nguyễn Du còn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc, ông đã bộc lộ tài hoa sắc sảo trong việc miêu tả nhân vật, khắc họa những nét tâm lí nhất quán đến từng chi tiết. Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" là một minh chứng tiêu biểu cho điều đó.

    Đoạn trích "Chị em Thúy Kiều" thuộc phần đầu của tác phẩm "Truyên Kiều", gặp gỡ và đính ước. Sau khi giới thiệu gia cảnh của nhà Vương Nghiêm Ngoại, Nguyễn Du giới thiệu đến tài sắc của chị em Thúy Kiều. Đoạn thơ đầy tính sáng tạo, cách miêu tả của nhà thơ rất cổ điển: Mở đầu giới thiệu chung, sau đó miêu tả riêng và cuối cùng kết luận chung.

    Ở bốn câu thơ đầu của tác phẩm, tác giả đã khắc họa chung vẻ đẹp của hai nàng, Thúy Kiều và Thúy Vân:


    "Đầu lòng hai ả tố nga

    Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân

    Mai cốt cách tuyết tinh thần

    Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười"

    Hai chị em được Nguyễn Du ví với "hai ả tố nga", chính là những người phụ nữ đẹp thời xưa. Tác giả đã giới thiệu vai vế, vị trí của từng người trong gia đình, Thúy Kiều là chị, Thúy Vân là em. Cả hai người đều có một dáng vẻ mềm mại, phong thái tựa như loài hoa mai cao quý. Bên cạnh đó là phẩm chất và đức hạnh sáng trong như tuyết. "Mai" và "tuyết" đều là cái đẹp, Vân và Kiều là sự kết hợp của những cái đẹp tinh túy ấy. Tác giả đã sử dụng lời bình để khép lại bốn câu thơ đầu rằng, mỗi người một vẻ cho thấy được nét riêng từ nhan sắc đến tính cách và tâm hồn của mỗi nhân vật. Vẻ đẹp của họ đã được tuyệt đối hóa, lý tưởng hóa "mười phân vẹn mười". Lời giới thiệu tuy vô cùng ngắn gọn nhưng đã mang đến cho chúng ta nhiều thông tin phong phú và những ấn tượng đẹp nhất về vẻ đẹp của hai nhân vật Thúy Vân và Thúy Kiều. Đồng thời cũng bộc lộ được cảm hứng ca ngợi tài hoa, nhan sắc của con người qua nghệ thuật điêu luyện, tài hoa của Nguyễn Du.

    Bức tranh chân dung của Thúy Vân hiện ra một cách đầy đủ trọn vẹn với bốn câu thơ tiếp theo:


    "Vân xem trang trọng khác vời

    Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang"

    Vẻ đẹp của Vân là "trang trọng khác vời", quý phái như những vị tiểu thư đài các nơi lầu son gác tía. Từ "xem" đã phần nào thể hiện sự đánh giá mang tính chủ quan của tác giả. Với phong thái đoan trang, cao sang, quý phái, tác giả đã gợi lên một ấn tượng tốt đẹp về người phụ nữ trong khuôn khổ lễ giáo của xã hội phong kiến. "Khuôn trăng đầy đặn" là một khuôn mặt phúc hậu, tròn trịa, bừng sáng như mặt trăng đêm rằm. Điểm thêm vào đó là "nét ngài nở mang", ám chỉ đôi lông mày cong sắt nét như mày ngài của Thúy Vân tạo nên nét hài hòa cân xứng.

    "Hoa cười ngọc thốt đoan trang

    Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da"

    Hình ảnh nhân hóa "Hoa cười ngọc thốt" gợi tả khuôn miệng cười tươi thắm như hoa và tiếng nói như ngọc thốt ra từ hàm răng ngọc ngà. Mái tóc nàng óng ả mà bồng bềnh hơn cả mây, làn da trắng mịn màng hơn cả tuyết.

    Tác giả đã miêu tả một cách chi tiết vẻ đẹp của nhân vật Thúy Vân qua bút pháp nghệ thuật ước lệ tượng trưng, kết hợp với thủ pháp ẩn dụ, nhân hóa, liệt kê và đi kèm với những từ ngữ giàu sức gợi: "Đầy đặn", "nở nang" "đoan trang" làm nổi bật, nhấn mạnh vẻ đẹp đầy đặn, phúc hậu quý phái của Thúy Vân. Vẻ đẹp đoan trang của Thúy Vân được so sánh với những hình ảnh của thiên nhiên: Trăng, hoa, mây, tuyết. Nguyễn Du cũng đã sử dụng chọn lọc hai động từ thua, nhường. "Mây" và "tuyết" là của thiên nhiên tạo hóa hay đó còn là cả một xã hội phong kiến, dẫu Vân có đẹp hơn những cái đẹp ấy của thiên nhiên thì nàng vẫn được đón nhận, bao bọc và yêu thương. Đặc biệt từ chân dung ngoại hình của Thúy Vân, ta thấy được tính cách và số phận của nàng. Đó là tính cách rất trầm tính, dịu dàng, đoan trang, phúc hậu. Đó là hình mẫu lý tưởng của người phụ nữ trong xã hội phong kiến, nó dự đoán một tương lai êm ấm, bình lặng đang đón chờ nàng.

    Nếu như bức chân dung của Thúy Vân, Nguyễn Du chỉ dùng vỏn vẹn bốn câu thơ thì đến Thúy Kiều, ông đã sử dụng tất cả mười hai câu thơ để miêu tả hết tài sắc của nàng:


    "Kiều càng sắc sảo mặn mà

    So bề tài sắc lại là phần hơn"

    Sắc đẹp của Kiều được đặt trong sự so sánh với vẻ đẹp đoan trang của Thúy Vân để thấy được sự hơn hẳn của Kiều về vẻ sắc sảo của tài năng trí tuệ, bởi cái mặn mà của nhan sắc. Không tả khuôn mặt, giọng nói, tiếng cười, làn da hay mái tóc như Thúy Vân, Nguyễn Du đã tài tình chọn đôi mắt Kiều để đặc tả, bởi đôi mắt là cửa sổ tâm hồn thể hiện phần tinh anh của tâm hồn và trí tuệ:

    "Làn thu thủy nét xuân sơn"

    Câu thơ tả đôi mắt mà gợi lên bức tranh sơn thủy, diễm lệ. Bức tranh ấy có làn thu thủy- làn nước mùa thu, có nét xuân sơn- dáng núi mùa xuân. Cũng như khuôn mặt Kiều có đôi mắt trong sáng, long lanh, có đôi lông mày thanh tú mà khiến:

    "Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh"

    Vẻ đẹp của Kiều không chỉ như thiên nhiên mà còn vượt trội hơn cả thiến nhiên khiến hoa cũng phải gen, liễu cũng phải hờn. Thiên nhiên không còn thua nhường mà cau mày, bặm môi tức giận, mà đố kị, ghen hờn. Nếu vẻ đẹp của Vân là những gì tinh khôi, trong trắng nhất của đất trời thì Kiều lại mang vẻ đẹp của nước non, của không gian mênh mông, của thời gian vô tận. Cái đẹp ấy làm cho nghiêng nước, đổ thành:

    "Một hai nghiêng nước nghiêng thành"

    Nguyễn Du đã sử dụng những điển tích để cực tả Kiều với vẻ đẹp của giai nhân tuyệt thể. Và cũng chính vẻ đẹp không ai sánh bằng ấy như tiềm ẩn những phẩm chất bên trong cao quý là tài và tình rất đặc biệt.

    "Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm

    Cung thương làu bậc ngũ âm

    Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương"

    Kiều có cả cầm kì thi họa của những bậc văn nhân quân tử và tài nào cũng đến mức điêu luyện. Nàng giỏi về âm luật đến mực làu bậc. Cây đàn nàng chơi là cây hồ cầm, tiếng đàn của nàng ăn đứt bất cứ nghệ sĩ nào và đã trở thành nghề riêng. Để cực tả cái tài của Kiều, Nguyễn Du đã sử dụng hàng loạt các từ ngữ ở mực độ tuyệt đối: "Vốn sẵn", "pha nghề", "làu bậc", "đủ mùi". Không những giỏi ca hát, chơi đàn mà Kiều còn sáng tác nhạc nữa. Cung đàn nàng sáng tác là một thiên Bạc Mệnh. Bản đàn ấy đã ghi lại tiếng lòng của một tâm hồn đa sầu đa cảm. Nguyễn Du cực tả tài năng của Kiều chính là ngợi ca cái tâm đặc biệt của nàng. Tài năng của Kiều vượt lên trên tất cả và là biểu hiện của những phẩm chất cao đẹp, trái tim trung hậu, nồng nhiệt, nghĩa tình, vị tha. Vẻ đẹp của Kiều là sự kết hợp của sắc-tài-tình và đạt đến mức siêu phàm, lí tưởng.

    Nhưng nhan sắc đến mức hoa ghen, liễu hờn để tạo hóa phải hờn gen đố kị và tài hoa như tự dưng mà có của nàng khó tránh khỏi sự nghiệt ngã của định mệnh. Chính bởi Kiều quá hoàn mĩ nên trong xã hội phong kiến kia khó có một chỗ đứng cho nàng. Và cung đàn "Bạc mệnh" nàng tự sáng tác như dự báo một cuộc đời hồng nhan bạc mệnh khó tránh khỏi của Kiều. Cuộc đời nàng rồi sẽ sóng gió, nổi chìm truân chuyên. Cũng giống như bức chân dung cua Thúy Vân, bức chân dung của Thúy Kiều cũng mang tính cách số phận.

    Nguyễn Du hết lời ca ngợi Vân và Kiều mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười nhưng ngòi bút của tác giả lại đậm nhạt khác nhau ở mỗi người. Vân chủ yếu đẹp ở ngoại hình, còn Kiều là cái đẹp cả về tài năng, nhan sắc lẫn tâm hồn. Điều đó tạo nên vẻ đẹp khác nhau của hai người thiếu nữ và hé mở hai tính cách dự báo hai cuộc đời khác nhau đang đón chờ hai ả tố nga. Hai bức chân dung của chị em Thúy Kiều đã cho thấy sự tài tình trong ngòi bút tinh tế của Nguyễn Du.

    Đoạn thơ nói về chị em Thúy Kiều là một trong những đoạn thơ hay nhất trong Truyện Kiều. Bút pháp ước lệ tượng trưng được sử dụng nhuần nguyễn. Ngôn ngữ thơ chọn lọc, tinh tế nhưng vẫn gần gũi, giàu cảm xúc. Bút pháp tả độc đáo: Vẽ mây nẩy trăng. Nhân vật hiện lên gợi cảm, nét vẽ nào cũng có thần, các phương pháp tu từ ẩn dụ, so sánh, nhân hóa được thi hào Nguyễn Du vận dụng tài tình tạo nên những vần thơ ước lệ mà trữ tình. Hàm ẩn sau bức chân dung mĩ nhân là cả một tấm lòng yêu thương, trân trọng của đại thi hào dành cho người phụ nữ trong xã hội xưa.

    Tóm lại, bằng một thế giới ngôn ngữ phong phú, tinh tế, kỳ diệu, bằng một bút pháp điêu luyện, bằng một thiên tài khám phá tuyệt vời kết hợp với lòng yêu thương con người, nhất là người phụ nữ, Nguyễn Du đã vẽ lên bức chân dung vừa điển nhã, vừa có sức gợi cảm mãnh liệt của Thúy Vân và Thúy Kiều. Có thể nói rằng, lần đầu tiên trong lịch sử văn học nước nhà, hình ảnh người phụ nữ hoàn mĩ về hình thức lẫn tâm hồn được miêu tả dưới ngòi bút của Nguyễn Du một cách say sưa, nồng nhiệt, tập trung và trân trọng nhất. Càng nâng niu, quý trọng "Truyện Kiều", chúng ta càng cảm phục tài năng và đức độ của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du. Đó là một cái nhìn của con người có tấm lòng nhân đạo mênh mông.

    Tác giả: Rilee

    Bài văn này mình làm trong lúc ôn thi chuẩn bị lên 10 nè, chúc 2k7 sớm đỗ vào 10 nha <3

    Mong mọi người góp ý cho mình nhaa
     
  2. Đăng ký Binance
  3. MinhhLamm

    Bài viết:
    26
    Bài của em phân tích có ý hay á @Rilee, nhưng mà em nên xem lại cách dẫn ra đoạn mới cho mượt hơn nhen <3.
     
  4. Rilee

    Bài viết:
    23
    em cảm ơn chị Lam nhiều nhaa
     
    Vice nek, tatsuno jin, Jancyha10 người khác thích bài này.
  5. Grenade

    Bài viết:
    12
    Tròi, tui tìm mãi
     
    Mèo A Mao Huỳnh Mai, tatsuno jinRilee thích bài này.
  6. Rilee

    Bài viết:
    23
    <3
     
    Mèo A Mao Huỳnh MaiJancyha thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...