Bài văn 9 tham khảo: Phân tích nhân vật Vũ Nương trong Chuyện người con gái Nam Xương

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Rilee, 13 Tháng chín 2021.

  1. Rilee

    Bài viết:
    23
    Bài làm

    "Chuyện người con gái Nam Xương" là một trong những tác phẩm hay và đặc sắc của tác giả Nguyễn Dữ. Tác phẩm được lấy cốt từ truyện cổ dân gian "Vợ chàng Trương" kết hợp với những sáng tạo của tác giả tạo nên một áng văn tuyệt bút. Trong truyện nổi bật lên là vẻ đẹp và số phận bất hạnh của nhân vật chính Vũ Nương. Ở nàng hội tụ đầy đủ những vẻ đẹp của người phụ nữ truyền thống "tính đã thùy mị nết na lại thêm tư dung tốt đẹp" nhưng số phận của nàng lại hết sức bất hạnh, bị đẩy đến bước đường cùng phải tìm đến cái chết.

    Truyện có nguồn gốc từ truyện dân gian nhưng được tác giả sắp xếp lại một số tình tiết và thêm vào một số yếu tố kì ảo. Truyện kể về Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính tình thùy mị, nết na, lấy chồng là Trương Sinh, chưa được bao lâu thì chồng phải đi lính, nàng ở nhà phụng giưỡng mẹ già và nuôi dạy con nhỏ. Để giỗ con, nàng thường chỉ bóng mình trên vách và bảo là cha. Khi Trương Sinh về thì con đã biết nói, đứa bé ngây thơ kể với Trương Sinh, người đàn ông đêm đêm đến vẫn đến nhà Trương Sinh. Trương Sinh sẵn tính hay ghen, mắng nhiếc và đuổi vợ đi. Phẫn uất, Vũ Thị Thiết chạy ra bến Hoàng Giang gieo mình xuống sông tự vẫn. Khi hiểu ra nỗi oan của vợ thì đã muộn, Trương Sinh lập đàn giải oan cho nàng. Trước hết, về vẻ đẹp của nàng, Vũ Nương là người vợ hiền thục, thùy chung, trong trắng, một lòng một dạ với chồng. Khi mới về nhà chồng, biết chồng mình có tính hay ghen nên Vũ Nương luôn giữ gìn khuôn phép, bảo vệ hạnh phúc gia đình để gia đình luôn yên ấm. Chiến tranh xảy ra, chồng nằm trong danh sách đi lính, ngày tiễn Trương Sinh, nàng chỉ mong tha thiết mang hai chữ 'bình yên "trở về. Nàng không ham giàu sang, danh vọng mà chỉ mong một cuộc sống yên ổn, êm đềm bên gia đình bé nhỏ. Giây phút tiễn chồng ra trận càng cho thấy rõ hơn tình yêu thương, tấm lòng Vũ Nương dành cho Trương Sinh. Bởi vậy, trong những năm tháng xa chồng, nàng luôn nhớ Trương Sinh tha thiết, thậm chí nàng còn trỏ bóng mình trên tường vừa để dỗ con vừa để vơi bớt nỗi nhớ chồng. Ngay cả khi bị thương Trương Sinh nghi oan thất thiết về tình yêu, sự thủy chung của nàng vẫn được thể hiện qua những lời phân trần hết sức tha thiết, mong tìm cách hàn gắn lại hạnh phúc gia đình. Nhưng mọi cố gắng của nàng đều không được đền đáp, dù phải tìm đến cái chết để chứng minh tấm lòng của mình, nàng vẫn không hề oán hận, ở thủy cung, nàng vẫn mong ngóng ngày về để đoàn tụ với gia đình.

    Nàng còn là một người con dâu hết sức hiếu thảo. Chồng đi lính, nàng ở nhà chăm sóc mẹ chồng, bà vì thương nhớ con bệnh ngày một nặng, nàng thuốc thang cầu trời khấn phật mong mẹ nhanh khỏe bệnh, nàng hết lòng chăm sóc. Tấm lòng ấy được thể hiện rõ nhất qua lời cuối cùng bà nói trước khi mất:" Sau này, trời xét lòng thành, ban cho phúc đức, giống dòng tươi tốt, con cháu đông đàn, xanh kia quyết chẳng phụ con, cũng như con đã chẳng phụ mẹ ". Lời nói ấy chính là lời ghi nhận nhân cách và công lao to lớn của Vũ Nương với mẹ chồng. Khi mẹ chồng chết, nàng thương xót làm ma chay chu đáo như với cha mẹ đẻ của mình. Với đứa nhỏ, nàng là người hết mực yêu thương con. Nàng chăm sóc bé Đản chu đáo, còn hiểu được những thiếu thốn của con, nàng đã chỉ bóng mình trên vách đá để con luôn được sống trong tình yêu thương của cha.

    Không chỉ vậy, nàng còn là người phụ nữ trọng nhân phẩm, tình nghĩa, lòng bao dung và vị tha. Bi kịch lớn nhất của đời nàng là bị chồng nghi ngờ và không làm cách nào để minh oan được. Thất vọng, đau đớn nàng tìm đến cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình. Khi Trương Sinh lập đàn giải oan, Vũ Nương chỉ về nói lời đa tạ rồi từ biệt. Nàng không hề trách móc hay oán hận Trương Sinh, điều đó đã giúp chồng vơi bớt nỗi lòng, nỗi ân hận. Người phụ nữ nào cũng mong muốn được sống cuộc sống hạnh phúc, Vũ Nương cũng không phải ngoại lệ, nàng không trở về là vì đã giữ lời hứa với Linh Phi. Vũ Nương là hình ảnh tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam, mang trong mình vẻ đẹp, phẩm chất rất đáng trân trọng, ngợi ca.

    Mặc dù vậy, số phận của nàng lại hết sức bất hạnh. Mầm móng bi kịch của Vũ Nương bắt nguồn từ cuộc hôn nhân không bình đẳng. Chồng là kẻ độc đoán, hay ghen. Hưởng gia thất chưa lâu, chiến tranh xảy ra, nàng và Trương Sinh phải li tán, sống cô đơn, mòn mỏi chờ chồng. Ngày gặp lại chồng lại là giây phút oan nghiệt, bi kịch. Không những không được minh oan mà nàng còn bị đối xử thô bạo, vũ phu, tàn nhẫn. Nàng bị đẩy đến cùng phải tự tử. Dù sống bất tử dưới thủy cung, nàng vẫn không hạnh phúc, luôn nhớ chồng con. Dù được minh oan, nàng vẫn không trở về, hạnh phúc tan vỡ không thể lành, bị kịch vẫn là bi kịch. Như vậy nguyên nhân bi kịch của Vũ Nương đầu tiên phải kể đến Trương Sinh- người chồng vũ phu, hay ghen, trước lời cầu xin của nàng lại không cho nàng cơ hội giải thích mà chỉ đánh đập, rồi đuổi nàng đi. Do chiến tranh phong kiến phi nghĩa, nếu không có chiến tranh, gia đình Vũ Nương không phải chịu cảnh li tán thì đâu đến nỗi Vũ Nương phải chịu oan.

    Nguyên nhân sâu xa là do xã hội phong kiến nam quyền độc đoán, gia trưởng đã đẩy Vũ Nương vào con đường tuyệt vọng. Phải nhảy sông tự tử. Bi kịch cái chết của Vũ Nương là số phận tiêu biểu của nhiều phụ nữ khác trong xã hội đó. Nó là lời tố cáo mạnh mẽ và đanh thép ở chế độ phong kiến đương thời. Qua đó thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Dữ. Vũ Nương cũng như Thúy Kiều hay Kiều Nguyệt Nga, số phận của họ luôn đầy biến cố và trắc trở, họ khác với những người phụ nữ trong xã hội hiện đại, họ không thể lên tiếng, họ không thể tự do và luôn phải phục tùng, chăm sóc cho những người đàn ông trong gia đình.

    Từ cốt truyện trong dân gian, tác giả sắp xếp lại tình tiết, sự kiện, sáng tạo thêm yếu tố kì ảo; với lối viết văn cổ; kĩ thuật dựng truyện thật chặt chẽ, điêu luyện đã đưa người đoc từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

    Tóm lại, qua" Chuyện người con gái Nam Xương", Nguyễn Dữ đã thể hiện một cách tinh tế nỗi oan khổ của Vũ Nương với bao niềm xót thương sâu sắc. Nhân vật Vũ Nương là điển hình cho bi kịch của người phụ nữ trong gia đình và xã hội phong kiến, câu chuyện về nàng đã khép lại những dư âm về sự bất bình, còn ghét xã hội bất lương vô nhân đạo thì còn mãi. Có lẽ vì thế mà chúng ta càng yêu mến, trân trọng xã hội tốt đẹp mà ta đang sống hôm nay.
     
  2. Đăng ký Binance
  3. hang2k9

    Bài viết:
    53
    Study with me, chủ đề em đag tìm,
     
    Trần Ngọc PhongRilee thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...