Bài Tiểu Luận Lịch Sử Văn Minh Thế Giới Về Vị Trí Và Vai Trò Của Thế Giới Hiện Tại

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Diệp Minh Châu, 7 Tháng tư 2022.

  1. Diệp Minh Châu

    Bài viết:
    115
    Chủ Đề: Thế giới hiện tại có vị trí và vai trò như thế nào trong tiến trình văn minh nhân loại?

    Học phần: Lịch sử văn minh thế giới

    I. PHẦN MỞ ĐẦU

    Trong lịch sử nhân loại, loài người đã trải qua các thời kỳ từ bầy người nguyên thủy dã man, mông muội (chưa có văn minh), cho đến thời kì chiếm hữu nô lệ rồi hình thành nhà nước (có văn minh) của thời đại nông nghiệp rồi đến thời đại công nghiệp hiện đại như ngày nay. Bối cảnh thế giới hiện tại đang là sự phát triển vũ bão của "cuộc cách mạng công nghiệp 4.0" – một giai đoạn phát triển nhảy vọt của nền văn minh nhân loại. Đây là bước chuyển mình giữa ranh giới của nền văn minh cũ (văn minh hậu công nghiệp) và "nền văn minh mới" tiếp theo. Alvin Toffler đã dựa vào trình độ phát triển nhân loại mà chia lịch sử thành văn minh nông nghiệp, văn minh công nghiệp và văn minh hậu công nghiệp [1] . Một số nhà khoa học khác thì gọi thế giới hiện tại là kỷ nguyên công nghệ, văn minh trí tuệ, văn minh tin học. Do chưa có sự thống nhất nên sẽ tạm gọi thế giới hiện tại là văn minh hậu công nghiệp. Nó đóng vai trò vô cùng quan trọng tạo nên tiền đề, bước đệm để nhân loại tiến lên một thời đại phát triển vượt bậc hơn hẳn.

    II. NỘI DUNG

    2.1 Vị trí của thế giới hiện tại

    Quy luật phát triển của thế giới mang tính kế thừa. Thế giới hiện tại bao hàm thể chế chính trị, hình thái kinh tế - xã hội, các yếu tố tự nhiên ở thời điểm hiện tại (thế kỉ XXI). Tất cả những lý thuyết khoa học, kiến thức đương thời đều được kế thừa của những nền văn minh trước và không ngừng được hoàn thiện, bổ sung thêm. Thế giới hiện tại là bước chuyển mình giữa ranh giới của nền văn minh hậu công nghiệp và nền văn minh tiếp theo. Có thể thấy, thế giới hiện tại là một sự "hỗn loạn" của sự va chạm giữa các làn sóng. Phần tử khủng bố, khủng hoảng kinh tế, chiến tranh liên miên, ô nhiễm môi trường, nóng lên toàn cầu, đạo đức, lối sống con người trong xã hội ngày càng suy thoái.. đây là dấu hiệu cho sự sụp thoái.

    Triết lý Trung Hoa có câu: "Thịnh cực ắt suy, vật cực tất phản", chỉ sự phát triển lên đến đỉnh điểm sẽ suy thoái nếu không có sự thay đổi. Điều này được chứng minh bởi sự sụp đổ của các nền văn minh trong quá khứ: Văn minh Ai Cập, Hi Lạp, Lã Mã cổ đại.. đều đã biến mất. Kỹ sư nông học Pablo Servigne và nhà tư vấn kinh tế Raphael Stevens đã ví thế giới hiện tại như một "cỗ xe sắp hết xăng, rời chính lộ [2]". Tất cả những điều trên đều báo hiệu sự suy vong của văn minh nhân loại, vậy đâu là bước chuyển tiếp giữa hai nền văn minh?


    Nội dung HOT bị ẩn:
    Bạn cần đăng nhập & nhấn Thích để xem
    2.2 Vai trò của thế giới hiện tại

    C. Mác đã phân tích sự phát triển lịch sử - tự nhiên của xã hội: "Những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào?" [3] Quả thật, ở bất cứ một thời đại nào, lao động sản xuất là sự tất yếu của con người, nhưng căn cứ để đánh giá sự phát triển chính là dựa vào công cụ sản xuất, tư liệu lao động. Quay trở lại với nền văn minh nông nghiệp 10.000 năm trước, con người sử dụng công cụ lao động bằng đá, đồng, sắt để cày cấy thu hoạch lấy lương thực. Con người phụ thuộc gần như là hoàn toàn vào năng lượng của tự nhiên (mặt trời, nước, gió) phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mới tạo ra được của ăn, của để. Thì đến cuối thế kỉ XVIII, với sự ra đời của động cơ hơi nước đã đánh dấu cho sự ra đời của một nền văn minh mới – văn minh công nghiệp. Đã giải quyết được vấn đề về công cụ lao động bằng các phát minh ra những loại máy móc trên mọi lĩnh vực đời sống (nông nghiệp, công nghiệp, thủ công nghiệp), hình thành hệ thống công xưởng và dây chuyền sản xuất với công nhân đóng vai trò quan trọng. Sử dụng những nguồn năng lượng không thể tái tạo được có sẵn trong tự nhiên là than đá, dầu mỏ, khí đốt. Có sự phân hóa và tính tập trung cao trong sản xuất khi hình thành rất nhiều trung tâm công nghiệp quy mô lớn của thế giới như vùng công nghiệp Loren (Pháp), Rua (Đức), vành đai Thái Bình Dương – Nhật Bản. Tuy nhiên, thế giới hiện đại – nền văn minh hậu công nghiệp đã có những thành tựu mới mang tính đột phá về công cụ sản xuất. Robot, máy tính, mô hình sản xuất tự động đang dần thay thế vai trò con người. Tìm ra và đưa vào sử dụng những nguồn năng lượng vĩnh cửu, tái tạo được như địa, nhiệt điện, nguyên tử, mặt trời.. Chế tạo ra các vật liệu mới siêu bền, siêu dẫn. Hoàn toàn không còn phụ thuộc vào tự nhiên nữa. Khoa học kĩ thuật đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đó chính là động lực phát triển cho nền văn minh tiếp theo.

    Bước sang thế kỉ XXI, nhân loại chứng kiến sự phát triển thần tốc của khoa học kĩ thuật. Năm 2000, công bố bản đồ gen loài người và đã giải mã gần như hoàn chỉnh sau ba năm (2003). Đồng thời với sự lớn mạnh của ngành công nghiệp máy tính, điện tử, công nghiệp vũ trụ.. Con người đã khám phá được các hành tinh khác trong hệ mặt trời, đặt chân lên Sao Hỏa và tìm kiếm sự sống ngoài Trái Đất. Thông tin đại chúng được tiếp cận đến từng người, hình thành một "thế giới phẳng" kết nối các quốc gia trên thế giới với nhau. Từ những dấu hiệu của sự bất ổn diễn ra đã nêu ở trên, đó chính là động lực thúc đẩy con người tìm ra những giải pháp mới để ổn định, phù hợp với tình trạng thực tế, góp phần đẩy nhanh quá trình tiến lên văn minh mới.

    Hiện nay, kinh tế phát triển theo mô hình sản xuất và điều phối sản phẩm theo yêu cầu của thực tế tiêu dùng theo một chuỗi cung ứng. Giảm thiểu sự lệ thuộc vào sản lượng hàng hóa và dịch vụ của người khác.

    Tiêu chuẩn xã hội hiện đại là sự chuyên môn hóa, tính cơ động. Nền giáo dục đại chúng được phổ cập hơn, số lượng người trí thức đương thời tăng lên. Tuy nhiên, do tính chất của thời đại công nghiệp là làm việc trong nhà máy, nên giáo dục cũng trở nên máy móc, trường học đào tạo ra chỉ là những "công nhân" tuân thủ các nguyên tắc cứng nhắc.

    Về yếu tố gia đình, trong xã hội nông nghiệp, gia đình mở rộng chiếm ưu thế. Tức là một gia đình gồm nhiều thế hệ thành viên, với hệ thống sản xuất tự cung tự cấp. Tiến tới xã hội công nghiệp, con người dành nhiều thời gian hơn trong các công ty xí nghiệp, nhà máy, không có quá nhiều thời gian cho gia đình. Người già thì được các viện dưỡng lão, xã hội chăm sóc. Trẻ em đã phải đi học quá sớm. Còn hiện nay, có nhiều hình thức gia đình hơn so với một gia đình hạt nhân như đơn thân, gia đình không có trẻ con..

    III. KẾT LUẬN

    Như vậy, bối cảnh thế giới hiện nay chính là sự khởi đầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ, kỷ nguyên số và sự bùng nổ của công nghệ liên ngành, đa ngành đã làm thay đổi cơ bản về cách sống, cách làm việc và tương tác giữa người với người. Thời đại mà khoa học trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp, đặt nền móng vững chắc cho một tương lai phát triển rực rỡ, tiến tới viễn cảnh mà con người không còn chỉ là ý nghĩ trên điện ảnh nữa – kỷ nguyên chinh phục vũ trụ.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO


    1. Alvin Toffler (1980). Làn sóng thứ ba, Nhà xuất bản Thanh Niên (2002), Hà Nội
    2. Pablo Servigne; Raphaël Stevens (2015). Comment tout peut s'effondrer? , Andrew Brown dịch.
    3. GS. TS Phạm Văn Đức (2019), Giáo trình Triết học Mác – Lênin [144], Hội đồng biên soạn giáo trình môn triết học Mác – Lênin, Hà Nội.
     
Trả lời qua Facebook
Đang tải...