[Bài Thơ] Hoàng Mai Sơn Thượng Thôn - Xóm Núi Hoàng Mai - Nguyễn Du

Thảo luận trong 'Thơ Ca' bắt đầu bởi khovicongaitq22, 20 Tháng mười một 2020.

  1. khovicongaitq22

    Bài viết:
    11
    Ngôn ngữ: Chữ Hán

    Thể thơ: Cổ phong (cổ thể)

    Thời kỳ: Nguyễn​

    黃 梅 山 上 村

    山 下 有 長 松,

    山 上 有 遙 村.

    山 下 長 松 梢,

    正 當 山 上 門.

    門 內 所 居 人,

    窮 年 何 所 為.

    女 事 惟 績 麻,

    其 男 業 耘 耔.

    耘 耔 苟 得 閒,

    下 山 伐 松 枝.

    聊 以 足 官 稅,

    不 事 書 與 詩.

    催 租 一 不 到,

    雞 犬 皆 熙熙.

    密 石 礙 車 馬,

    雜 花 當 歲 時.

    山 外 興 與 廢,

    山 中 皆 不 知.

    算 來 一 年 中,

    所 憂 無 一 時.

    所 以 山 中 人,

    人人 皆 其 頤.

    松 花 柏 子 肯 許 食,

    白 頭 去 此 將 安 歸.

    Hoàng Mai sơn thượng thôn

    Sơn hạ hữu trường tùng

    Sơn thượng hữu diêu thôn

    Sơn hạ trường tùng sao

    Chính đương sơn thượng môn

    Môn nội sở cư nhân

    Cùng niên hà sở vi

    Nữ sự duy tích ma

    Kì nam nghiệp vân tỉ

    Vân tỉ cẩu đắc gian

    Hạ sơn phạt tùng chi

    Liêu dĩ túc quan thuế

    Bất sự thư dữ thi

    Thôi tô nhất bất đáo

    Kê khuyển giai hi hi

    Mật thạch ngại xa mã

    Tạp hoa đương tuế thì

    Sơn ngoại hưng dữ phế

    Sơn trung giai bất tri

    Toán lai nhất niên trung

    Sở ưu vô nhất thì

    Sở dĩ sơn trung nhân

    Nhân nhân giai kỳ di

    Tùng hoa bách tử khẳng hứa thực

    Bạch đầu khứ thử tương an quy

    Dịch nghĩa

    Dưới chân núi có tùng cao

    Trên núi có xóm xa

    Ngọn tùng cao dưới núi

    Cao ngang cổng trên núi

    Người ở trong cổng ấy

    Quanh năm làm gì?

    Việc đàn bà chỉ là xe sợi gai

    Việc đàn ông là cầy cấy

    Cầy cấy, lúc nhàn rỗi

    Xuống núi chặt cành tùng

    Lo đủ thuế nộp cho quan

    Không bận sách cùng thơ

    Quan đòi thuế mà không đến

    Gà chó vui phởn phơ

    Đá kín dầy cản xe ngựa

    Các loại hoa cho biết mùa trong năm

    Sự hưng phế bên ngoài núi

    Người ở trong núi đều không biết

    Tính lại suốt năm

    Chẳng bao giờ lo âu

    Cho nên người trong núi

    Người người sống lâu trăm tuổi

    Hoa tùng quả bách mà ăn được

    Khi bạc đầu, không về đây còn đi đâu nữa

    Hoàng Mai: Núi ở huyện Hoàng Mai, thuộc tỉnh Hồ Bắc. Bài thơ có khí vị giống bài Đào hoa nguyên ký của Đào Uyên Minh (365-427) : "Dân trong vùng Suối hoa đào cũng ăn no mặc ấm, vui vẻ với phong tục của mình, không giao thiệp với người ngoài, cũng chẳng có quan lại triều đình gì cả, và tiếng gà tiếng chó tiếp nhau" . (Xem Cổ văn Trung quốc, Nguyễn Hiến Lê, Xuân Thu xuất bản, Houston, USA, trang 189).

    Dịch thơ

    Chân núi có tùng cao

    Trên núi có xóm vào

    Ngọn tùng cao dưới núi

    Vươn tới cổng trên cao

    Người ở trong núi ấy

    Quanh năm việc gì đấy?

    Đàn bà xe sợi gai

    Đàn ông nghề cầy cấy

    Cấy cầy, khi nhàn nhã

    Xuống núi chặt cành tùng

    Lo đủ tiền thuế má

    Thi thơ chẳng bận bùng

    Quan thuế mà không đến

    Gà chó vui phởn phơ

    Đá dầy cản xe ngựa

    Hoa mọc báo tin mùa

    Bên ngoài hưng hoặc phế

    Trong núi biết gì đâu

    Cứ một năm như thế

    Chẳng lúc nào lo âu

    Cho nên người trong núi

    Ai nấy đều sống lâu

    Hoa tùng, quả bách mà ăn được

    Bạc đầu, về đó chứ về đâu..

    Hoàng Mai sơn thượng thôn thuộc tập thơ Bắc hành tạp lục của tác giả Nguyễn Du. Bắc hành tạp lục gồm 132 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du sáng tác trong vòng 1 năm, từ tháng hai đến tháng chạp năm Quý Dậu (1813) khi ông cầm đầu một phái đoàn sang sứ Trung Quốc. Mở đầu quyển là bài cảm tác khi trở ra Thăng Long để lên đường sang Trung Quốc. Bài cuối làm khi trở về đến Võ Xương (Hồ Bắc), từ đó lên thuyền trở về, nên không có đề tài ngâm vịnh nữa. Thơ ghi chép những điều trông thấy, những cảm nghĩ dọc đường.

    Đường đến Yên Kinh đã dài, khi về phải tránh giặc giã mà đi vòng sang phía đông, rồi trở lại Vũ Hán, nên nhà thơ đã đi qua nhiều tỉnh: Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc, Hà Nam, Hà Bắc, Sơn Tây, Sơn Đông, Giang Tô, An Huy và trở lại con đường cũ.

    Nguyễn Du cùng phái đoàn đi công sứ Trung Hoa, rời ải Nam Quan ngày 6 tháng 4 năm Quí Dậu (1813), lên tới Bắc kinh, lưu du phần lớn bằng thuyền, rồi trở về nước tới ải Nam Quan ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất (1814).

    Theo tài liệu ghi chép và dựa theo những bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du làm khi thăm viếng những di tích lịch sử Trung Hoa thì lộ trình của phái bộ Nguyễn Du như sau: Thăng Long, Nam Quan, Quảng Tây, Quế Lâm, Toàn Châu, Hồ Nam, Lôi Châu, Hành Dương, Giang Nam, Trường Sa, Tương Âm, Nhạc Dương, Hán Dương, Võ Xương, Hứa Đô, Nghiệp, Hàm Đan, Tấn Dương, Yên Kinh, Sơn Đông, Khúc Phụ, Tứ Thuỷ, Từ Châu, Hoài Nam, An Huy, Võ Xương, Lâm An (Hàng Châu), Quế Lâm, Quảng Tây, Nam Quan.

    Theo một tài liệu khác thì lộ trình sứ bộ Nguyễn Du (1813-1814) đi qua cửa Nam Quan ngày mồng 6 tháng 4 năm Quí Dậu (1813), đến Yên Kinh ngày 4 tháng 10 năm Quí Dậu (1813) và về qua Nam Quan ngày 29 tháng 3 năm Giáp Tuất (1814) :

    - 06-04 Quý Dậu: Đi qua cửa Nam Quan (1813).

    - 08-04 Quý Dậu: Đến Ninh Minh Châu.

    - 02-05 Quý Dậu: Đến thành phủ Ngô Châu.

    - 18-07 Quý Dậu: Đến Trường Sa, tỉnh lỵ Hồ Nam.

    - 30-07 Quý Dậu: Đến Võ Xương, tỉnh lỵ Hồ Bắc.

    - 09-08 Quý Dậu: Từ Hán Khẩu ra đi.

    - 22-08 Quý Dậu: Ra khỏi địa phận huyện An Dương, tỉnh Hà Nam.

    - 04-10 Quý Dậu: Đến Yên Kinh (1813).

    - 24-10 Quý Dậu: Từ Yên Kinh khởi hành về nước (1813).

    - 02-11 Quý Dậu: Qua tỉnh An Huy xuống Hồ Bắc.

    - 25-12 Quý Dậu: Đến huyện Lâm Tương, tỉnh Hồ Nam.

    - 30-01 Giáp Tuất: Đến huyện Kỳ Dương, tỉnh Hồ Nam.

    - 04-02 Giáp Tuất: Đến Quế Lâm, tỉnh Quảng Tây.

    - 29-03 Giáp Tuất: Về qua Nam Quan (1814).
     
    Last edited by a moderator: 22 Tháng mười một 2020
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...