Luật kinh tế Bài tập tình huống: Anh, Bính, Chung và Dương quyết định thành lập Công ty TNHH Nam Tiến với ngành nghề mua bán linh phụ kiện điện tử với số vốn điều lệ 2 tỷ VND. Công ty Nam Tiến được cấp đăng ký kinh doanh vào tháng 7 năm 2020. Trong cơ cấu góp vốn do các thành viên Công ty thỏa thuận thông qua thì Anh góp 500 tr tiền mặt (chiếm 25% VDL), Bính góp vốn là chiếc xe ô tô được các bên thỏa thuận định giá là 400 tr (20%VDL), Chung góp vốn là kho bãi kinh doanh, các vật tư, thiết bị phục vụ cho sản xuất kinh doanh của Công ty và được các bên thỏa thuận định giá là 1 tỷ (50%VDL), Dương góp vốn bằng tiền mặt 100 tr (5% VDL). Theo Điều lệ của Công ty do các bên nhất trí thông qua thì Chung làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Bính làm giám đốc và Anh làm Phó Giám đốc Công ty. Điều lệ Công ty qui định Giám đốc là người đại diện theo PL của công ty. Các nội dung khác của bản Điều lệ tương tự như các quy định của Luật Doanh nghiệp hiện hành. Sau khi Công ty hoạt động được một năm thì xảy ra những bất đồng giữa Chung và Bính. Với tư các là Chủ tịch Hội đồng thành viên và là người có vốn nhiều hơn, Chung đã ra một quyết định cách chức Giám đốc Công ty của Bính và bổ nhiệm Anh làm Giám đốc Công ty thay thế. Không đồng ý với quyết định trên, Bính vẫn tiếp tục giữ lại con dấu. Sau đó, với danh nghĩa công ty Nam Tiến, là người đại diện theo PL, Bính ký hợp đồng vay trị giá 1 tỷ VND với Công ty cổ phần Tuấn Thảo. Theo hợp đồng, Công ty Tuấn Thảo đã chuyển trước số tiền 400 tr VND cho Công ty Nam Tiến (tổng giá trị theo báo cáo tài chính còn lại của Công ty Nam Tiến theo sổ sách kế toán tại thời điểm này là 1, 8 tỷ VND). Tuy nhiên, toàn bộ số tiền này đã được Bính chuyển sang một tài khoản cá nhân của mình. Chung nộp đơn kiện Bính ra Tòa yêu cầu Bính hoàn trả số tiền 400 tr VND, bồi thường các thiệt hại do Bính gây ra cho Công ty. Công ty cổ phần Tuấn Thảo cũng nộp đơn kiện ra Tòa yêu cầu Công ty Nam Tiến phải hoàn trả số tiền 400 tr mà Công ty đã cho vay, bồi hoàn những thiệt hại cho Công ty Tuấn Thảo do Công ty Nam Tiến vi phạm hợp đồng. Theo anh (chị) : 1. Thỏa thuận góp vốn, chỉ định các chức danh, đại diện theo pháp luật của công ty Nam Tiến khi thành lập doanh nghiệp có hợp pháp không? Tại sao? 2. Quyết định cách chức Giám đốc công ty và bổ nhiệm Giám đốc mới của Chủ tịch Hội đồng thành viên có hợp pháp không? Thủ tục miễn nhiệm, bổ nhiệm Giám đốc trong công ty TNHH như thế nào? 3. Hợp đồng mà Bính ký nhân danh công ty có hiệu lực không? Tại sao? Bài làm: 1. - Thỏa thuận góp vốn của công ty Nam Tiến khi thành lập là hợp pháp, vì 4 thành viên thành lập công ty đều không thuộc đối tượng bị cấm thành lập và quản lý doanh nghiệp (khoản 1, 2 điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020). - Việc chỉ định các chức danh của công ty Nam Tiến khi thành lập là hợp pháp, vì khoản 1 điều 54 Luật Doanh nghiệp 2020 có quy định về cơ cấu công ty: "Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc". - Việc chỉ định đại diện theo pháp luật của công ty Nam Tiến khi thành lập là hợp pháp, vì khoản 3 điều 54 Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định: "Công ty phải có ít nhất một người đại diện theo pháp luật là người giữ một trong các chức danh là Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Trường hợp Điều lệ công ty không quy định thì Chủ tịch Hội đồng thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty". 2. - Quyết định cách chức Giám đốc công ty và bổ nhiệm Giám đốc mới của Chủ tịch Hội đồng thành viên là không hợp pháp. Theo khoản 2 điều 59 Luật Doanh nghiệp 2020, "Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên; bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc" phải được thông qua bằng biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên. Khoản 3 điều 59 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: "Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định một tỷ lệ khác, nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua tại cuộc họp trong trường hợp sau đây: Được các thành viên dự họp sở hữu từ 65% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này; Được các thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp trở lên tán thành đối với nghị quyết, quyết định bán tài sản có giá trị từ 50% tổng giá trị tài sản trở lên được ghi trong báo cáo tài chính gần nhất của công ty hoặc một tỷ lệ hoặc giá trị khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty; sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty; tổ chức lại, giải thể công ty". Như vậy, nếu như chủ tịch Hội đồng thành viên muốn miễn nhiệm, bãi nhiệm Giám đốc thì phải tiến hành triệu tập Hội đồng thành viên, sau đó lấy ý kiến của các thành viên trong Hội đồng thành viên về việc bãi nhiệm đối với Giám đốc hiện tại. Nếu số phiếu đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp tán thành đối với việc bãi nhiệm Giám đốc này thì Nghị quyết về việc bãi nhiệm này được thông qua. Khi đáp ứng được như vậy thì Chủ tịch Hội đồng thành viên mới được bãi nhiệm đối với Giám đốc. 3. Hợp đồng mà Bính ký nhân danh công ty vẫn còn hiệu lực, vì như đã giải thích ở ý 2, quyết định cách chức Giám đốc của Chung đối với Bính là không hợp pháp. Do đó, về mặt pháp luật, Bính vẫn giữ vai trò là Giám đốc, đồng thời là người đại diện theo pháp luật của công ty Nam Tiến. Khoản 2 điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: ".. mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan".