Sự hung bạo của Đà giang đã được Nguyễn Tuân thể hiện một cách rất tài tình trong thiên tùy bút này. Sông Đà hung bạo, lắm thác nhiều ghềnh: "Đường lên Mường Lễ bao xa Trăm bảy cái thác, trăm ba cái ghềnh" (Ca dao) Sự hung bạo ấy còn được thể hiện qua dòng chảy ngỗ ngược của nó: "Chúng thủy giai đông tẩu – Đà giang độc bắc lưu", một dòng chảy riêng, không khuôn mình vào lẽ thường. Như đã nói ở trên, sông Đà bắt nguồn từ Trung Quốc, xin nhập quốc tịch VN. Nó phải trải qua rất nhiều triền núi đá. Vì vậy, ở phần thượng lưu của sông Đà có rất nhiều thác dữ, nhiều luồng chết, nhiều vực xoáy.. Từ đó, Nguyễn đã tìm thấy những tính cách hung bạo khác thường của dòng sông. Nhưng khi xuôi về phần hạ lưu, lòng sông như được mở rộng ra, con thác không còn nữa, dòng nước trôi êm đềm, hiền hòa qua đôi bờ cỏ cây tươi tốt và sông Đà lại hiện lên vô cùng lãng mạn, thơ mộng, trữ tình. Ngoài ra, Nguyễn Tuân nhìn thấy sự hung bạo của con sông Đà không chỉ tập trung ở thác dữ, ở luồng chết, ở vực xoáy. Ông còn nhìn thấy sự hung bạo ấy ở những quãng sông huyền bí, hoang vu đặt giữa điệp trùng của núi rừng Tây Bắc. Là nhà văn của những cảm giác mãnh liệt luôn có hứng thú đặc biệt ới núi cao, rừng thiêng, với gió báo và thác ghềnh dữ dội, ngòi bút của NT tung hoành sảng khoái giữa dòng thác ngôn từ. Nhà văn tài hoa đã khiến ngôn từ dựng lên ghềnh thác, khiến nhịp điệu tạo thành sóng gió, dùng những thao tác so sánh, nhân hóa dẫn dắt người đọc tới trùng điệp những hình dung liên tưởng khiến cho sự hung bạo của sông đà hiện lên đặc biệt sống động và truyền cảm. Một trong những hình ảnh đầu tiên gợi lên sự hùng vĩ của sông đà chính là cảnh đá bờ sông. Cảnh đá bờ sông được miêu tả dựng vách thành, có thể hình dung hai bên lòng sông đà như được xây bằng đá, đá bờ sông dựng thẳng lên trời, sừng sững như là những thành, những vách. Đá bờ sông là công trình tự nhiên còn thành là công trình nhân tạo, người ta xây thành để chắn giữ, để bảo vệ vô cùng vững chãi, kiên cố. Trong cách nói của người xưa, khi nói đến thành, người ta thường liên tưởng đến thành cao và hào sâu. Có thể thấy, thành nào cũng cao, vững chãi, kiên cố, bề thế vậy thì đá bờ sông cũng như vậy, cũng vững chãi như thành, cao lớn đồ sộ như thành, thâm niên, nguy hiểm như là bức trường thành. Như vậy, Nguyễn Tuân đã dùng thành để miêu tả độ cao và độ sâu của cảnh đá bờ sông. Tính chất của đá bờ sông là chỉ đúng ngọ mới có mặt trời đi qua. Lòng sông thì hẹp, vách đá thì cao cho nên ngay cả mặt trời –thế lực mạnh nhất của vũ trụ cũng chỉ có thể chiếu được tia sáng vào một khoảnh khắc đó là đúng ngọ. Như vậy, đoạn đá bờ sông trở thành một thế giới riêng, âm u, u tối và đầy bí hiểm. Cho nên, bước vào đoạn này, ta có cảm giác gì đó e sợ, chật hẹp, bí bách, rợn ngợp. Những chi tiết thành chẹt lòng Sông Đà như một cái yết hầu đến việc đứng bên này bờ nhẹ tay ném hòn đá qua bên kia vách rồi có quãng con nai con hổ vọt từ bờ này sang bờ kia.. những chi tiết tưởng như bâng quơ, ngẫu nhiên nhưng lại có giá trị gợi tả gián tiếp độ sâu của vách đá, độ hẹp của lòng sông. Độ hẹp khủng khiếp tạo nên sự ngột ngạt, bức bối. Một nơi hẹp như thế mà lưu tốc dòng nước vốn nhanh bây giờ lại xiết hơn nữa. Cứ thử tưởng tượng con thuyền nào mà kẹt vào cái khe ấy thì tiến không được, lùi cũng không xong chỉ chờ sóng nước và đá đập cho tan xác mà thôi. Nguyễn Tuân cho người đọc cảm nhận bằng trực cảm như chính mình được lái đò qua quãng sông hẹp với những vách đá dựng đứng hai bên. Cái lạnh rợn người được so sánh như ta đang đứng giữa mùa hè mà ngột ngạt bởi cái chật hẹp, tối đến bất ngờ và sâu thăm thẳm như đứng ở dướimột cái ngõ mà ngóng vọng lên một khung cửa sổ nào trên cái tầng nhà thứ mấy nào vừa tắt phụt đèn điện. Lạnh vì không khí mát mẻ dưới lòng sông mang lại; lạnh vì thiếu sự ấm nóng của ánh sáng mặt trời và đặc biệt, đó là cái lạnh vì rùng mình, sợ hãi trước sự kì vĩ, bí hiểm của vách đá. Động từ tắt phụt gợi cảm giác ánh sáng tắt đột ngột, bóng tối như vây bủa, bao trùm và giam cầm con người trong bóng tối khiến con người có cảm giác hụt hẫng, đơn độc, chới với, hoảng loạn.. Một câu văn với những liên tưởng của liên tưởng cho thấy sự tài hoa và uyên thâm trong việc sử dụng ngôn ngữ của Nguyễn Tuân đồng thời làm tăng thêm cảm giác về độ cao hun hút, thăm thẳm của vách đá. Tính cách hung bạo thứ hai được thể hiện ở mặt ghềnh Hát Lóong. Mặt ghềnh là đoạn lòng sông bị kênh lên, lòng sông ghồ ghề những đá nên nước chảy xiết hơn những đoạn khác, thế nhưng đó là mặt ghềnh của những con sông bình thường còn mặt ghềnh của sông Đà, tính chất của nó còn kinh khủng hơn rất nhiều. Đoạn văn tả nước sông Đà quãng mặt ghềnh Hat Loong chỉ vỏn vẹn 4 dòng với 2 câu văn nhưng ngay chính câu đầu rất dài, chiếm tới 3 dòng và vô cùng độc đáo đã đem lại cho người đọc cảm xúc bị lôi cuốn theo dòng chảy của sông Đà. Dòng chảy quãng mặt ghềnh Hát Loong dài vô cùng: Dài hàng cây số. Người đọc không chỉ bị cuốn theo nước sông Đà quãng này mà còn bị cuốn theo, bị hập dẫn bởi sự độc đáo của đặc điểm dòng nước quãng này, tác động trực tiếp vào cảm xúc người đọc: nước xô đá, đá xô sóng, sóng xô gió, cuồn cuộn luồng gió gùn ghè suốt năm, Cụm từ ngữ chứa những vế câu ngắn với nhịp ngắt nhắn, nhanh, dồn dập, dày đặc các thanh sắc đã tái hiện sinh động quần thể những sức mạnh thiên nhiên dữ dội nhất của nước, đá, sóng và gió sông Đà. Động từ xô được điệp lại trong cả ba vế câu được ngăn cách bởi những dấu phẩy liên tiếp tạo nên sự trùng điệp, gây ấn tượng về những chuyển động vĩnh hằng và sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên, ghềnh thác. Kết cấu ngôn ngữ đặc sắc như mô phỏng hình ảnh những con sóng dữ cuồn cuộn chồm lên nhau theo chiều ngang, vút lên cao những bọt sóng trắng xóa tung lên bầu trời như một làn khói trắng rồi đổ ập xuống, trùng điệp ghê rợn, dữ dội trên mặt ghềnh. Con sông đến đây đã trở thành một kẻ thù nguy hiểm của con người. Từ láy gùn ghè và hình ảnh so sánh mang đậm sắc thái nhân hóa về việc sóng gió trên mặt ghềnh Hát Loong lúc nào cũng đòi nợ xuýt bất cứ người lái đò Sông Đà nào tóm được qua quãng đấy đã thể hiện sinh động nét tính cách ngang ngược, hung hãn, lì lợm, cuồng bạo của dòng sông ngày đêm hăm dọa, uy hiếp con người như một kẻ thù tính khí thất thường, đòi nợ vô duyên cớ không bỏ sót một ai. Đi qua quãng nước ở mặt ghềnh Hát Loong mà khinh suất, chủ quan thì dễ bị nước quãng này lật ngửa bụng thuyền ra. Đủ thấy được nước sông Đà là dòng chảy thật nham hiểm và đầy thách thức với con người. Ấy mới thấy hết cái hung bạo của sông Đà. Sự kết hợp ngẫu nhiên hay có lựa chọn giữa tên địa danh với đặc điểm của sông Đà ở quãng sông này? Chỉ biết khi Nguyễn Tuân tả luồng gió gùn ghè nơi mặt ghềnh lại nằm đúng vị trí Hát Lóong. Đọc tên địa danh mà phải nén hơi, uốn lưỡi như chính như chính mình vừa phải đi qua chỗ nước giữ, với sóng, với đá, với ghềnh thác của sông Đà. Đem lại những ấn tượng mạnh mẽ hơn nữa cho sự hung bạo của sông Đà là hình ảnh những cái xoáy hút nước trên sông. Dưới bàn tay ma thuật của văn sĩ, sông Đà hung bạo tiếp tục nghênh chiến với người đọc qua đội quân hút nước dữ dằn. Hút nước hiện ra trước mặt độc giả qua hình ảnh "cái giếng bê tông thả xuống sông để chuẩn bị làm móng cầu với âm thanh ghê rợn của" cửa cống cái bị sặc "với sự cộng hưởng đến đáng sợ giữa cả hình ảnh và âm thanh" nước ặc ặc lên như vừa rót dầu sôi vào ". Nhà văn đã đem đến một loạt hình ảnh, âm than gai rợn, độc đáo qua biện pháp so sánh thường thấy trong tùy bút này. Nhưng ở mỗi địa điểm, biện pháp so sánh ấy lại bật lên một nét riêng khác nhau làm người đọc không khỏi thán phục. Hút nước trên sông Đà như những cái giếng bê tông với miệng giếng rộng, đáy giếng sâu và thành giếng vô cùng vững chăc, do nó được cấu tạo từ xi măng trộn gạch, sỏi, cát đá mà thành. Hút nước trên sông Đà cũng cứng cáp như thế, dẫu chất liệu của nó là nước, một vật liệu mềm mại nhưng nước ở đây lại có thể cuốn xoay tan tành chứ không hề mềm yếu yên ả. Âm thanh của cái giếng nước ấy càng ghê rợn hơn khi nó phát ra tiếng ặc ặc như bị nghẹt lại, bị chặn đứng ở cuống họng mà sặc sụa, đay điếng như tiếng cổ họng một con quái vật đang nhai, đang nuốt và bị nghẹn, bị họng mà phát ra tiếng ục ục. Từ láy tượng hình lừ lừ, từ láy tượng thanh ặc ặc cùng những chi tiết so sánh mang sắc thái nhân hóa khi miêu tả nước thở và kêu như cửa cống cái, tất cả đều góp phần làm hiện ra hình ảnh và âm thanh của hút nước như một quái vật đang giận dữ đến ghê người. Tất cả hình ảnh, âm thanh đó đã kết hợp lại làm thành một ngoại hình thật đáng sợ cho cái hút nước Sông Đà. Sức mạnh của những cái hút nước hiện lên qua sự tái hiện của một chiếc bè gỗ khi vô tình lọt vào hút nước sông Đà sau mươi phút đã tan xác ở khuỷnh sông dưới. Nhà văn Nguyễn Tuân như một nhà quay phim tài tình trong bộ phim điện ảnh được đầu tư công phu. Ông quan sát đến từng chi tiết và mọi hiểm nguy của những hút nước được ông tái hiện tài tình qua hình ảnh chiếc bè gỗ: Đó là một chiếc bè vô cùng lớn với cấu tạo chắc chắn, chuyên chở gỗ nặng và được ngâm nước rất lâu nên vững chắc vô cùng, nhưng bè có vững thì vững thì vẫn không qua nổi, lập tức bị lôi tụt xuống. Hình ảnh lôi tụt xuống không chỉ mô tả tốc độ mà còn cho thấy sức mạnh của xoáy nước, đó là một lực kéo mạnh, nhanh khủng khiếp khiến mươi phút sau con thuyền đã bị tan xác. Thử tưởng tượng mà xem: Một chiếc bè gỗ lớn lọt vào tâm của cái hút nước như lọt vào miệng của con quái vật và chẳng bao lâu chiếc bè ấy vỡ tan tành như bị" ăn tươi nuốt sống ", thì liệu con người có sống sót khi vô tình rơi vào hút nước ấy? Chắc chắn là không. Như vậy, những xoáy nước trở thành một chướng ngại khủng khiếp, một cạm bẫy khổng lồ giăng mắc ở trên sông. Nguyễn Tuân đã đem đến một cỗ máy nghiền của tự nhiên. Nhắc đến NT, người ta nhớ ngay đến chữ" ngông "đi kèm, trong Vang bóng một thời hay những thiên tùy bút sau CM, nhà văn vẫn luôn giữ được một chút gì rất" ngông ", rất độc đáo của riêng mình. Đó là khi đứng trước sức mạnh hủy diệt của cái hút nước, ông liên tưởng ngay đến việc đặt vào lòng nó một chiếc máy quay phim từ một anh quay phim liều lĩnh và thước phim về bên trong cái hút nước thật đến từng mi-li-met. Nguyễn Tuân đã tạo ra một giả tưởng li kì dẫn dụ người đọc vào trò chơi cảm giác mạn, kéo họ xuống tận đáy hút nước xoáy tít, sâu hoắm cùng anh bạn quay phim táo tợn. Hút nước vì thế đã được miêu tả bằng thủ pháp điện ảnh, hất ngược từ dưới lên một cách sống động, truyền cảm từ hình khối của một thành giếng xây toàn bằng nước cho đến màu sắc của dòng sông xanh ve. [ Bên trong cái hút nước đã được giả mã: Độ cao từ đáy đến mặt sông của cái hút nước cao đến vài sải; từ dưới đáy nhìn lên thấy một màu xanh ve của nước sông, cảm tưởng như đó là một khối thủy tinh được tạo bởi nước, khiến người ta vừa thích thú vừa sợ sệt chẳng dám lại gần. Chỉ khi" nhà tùy bút"chịu liều mình trải nghiệm những nơi mình đi qua đến tận cùng như thế, ông mới cho ra đời những trang văn kỳ công, riêng biệt đến vậy. ] Những hình ảnh bên trong cái xoáy hút nước cho ta hiểu ra rằng, cảnh tượng bên trong cái xoáy hút nước lại đẹp đến ngỡ ngàng, đối ngược hoàn toàn với vẻ đẹp của nó. Phải có sự am hiểu về kiến thức trong lĩnh vực điện ảnh thì Nguyễn mới có thể viết được những câu văn như thế. Câu chữ như đang nở hoa trên dòng sông Đà và trên trang văn của Nguyễn. Chính vì thế, Nguyễn Tuân thực sự đã đem đến cho độc giả một cảm giác lạ chưa từng có, ta như xem một thước phim khi đọc những trang văn, những dòng chữ Nguyễn Tuân viết. Qua đoạn văn miêu tả cái hút nước quãng Tà Mường Vát, có thể thấy hình ảnh những cái hút nước được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả cực kì dụng công khi sử dụng hàng loạt các hình ảnh so sánh, liên tưởng vô cùng hình ảnh, đặc sắc, thú vị khiến xoáy nước hiện lên trước mắt người đọc, có thể nhìn thấy, cảm nhận được. Thật không quá lời nếu nói những xoáy hút nước trên sông Đà chính là cảnh tượng xưa nay chưa từng thấy. Phải qua con mắt quan sát tài tình, tỉ mỉ và qua trí tưởng tượng phong phú, tuyệt vời cùng kho ngôn ngữ giàu có mới khiến cái xoáy nước hiện lên trên trang văn độc đáo đến như vậy.