Bài luận về cặp nhân vật Myriel và Jean Vajean trong Những người khốn khổ của V.Hugo

Thảo luận trong 'Học Online' bắt đầu bởi Anh Dao, 8 Tháng sáu 2021.

  1. Anh Dao

    Bài viết:
    32
    Viết 1 bài luận về cặp nhân vật MyrielJean Vajean trong tác phẩm "Những người khốn khổ" của V. Hugo để làm sáng tỏ lí tưởng về cái đẹp theo quan niệm của nhà văn.

    Trả lời:

    Với ngòi bút mang màu sắc chủ nghĩa lãng mạn tích cực, Victor Hugo không ngừng khắc họa những con người lý tưởng với cái đẹp tinh khiết, sự thánh thiện tuyệt đối giữa chốn hiện thực đầy cạm bẫy, dối lừa và khổ đau nói chung, xã hội nhiễu nhương Pháp nửa đầu thế kỉ XIX khi coi người khốn khổ đồng dạng với tội phạm cần nghiêm trị dưới chính quyền tư sản nói riêng thời bấy giờ. Bởi vậy, V. Hugo - nhà văn của những kẻ khốn cùng, đồng thời cũng là "chủ soái" của trường phái lãng mạn, ông luôn hướng nhân vật của mình tới cái đẹp, lý tưởng hóa nhân vật và cái đẹp để biểu thị tư tưởng chủ quan của mình.

    Vậy cái đẹp là gì? Cái đẹp trong nhân vật của V. Hugo được thể hiện như thế nào? Cái đẹp là một phần ý vị của cuộc sống, cái đẹp cách nào đó làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa và đáng sống hơn. Cái đẹp trong nhân vật của Hugo được thể hiện chủ yếu ở những phẩm chất cao quý. Đó là sự vị tha, đức hi sinh và ban phát. Họ có thể hi sinh mọi thứ tốt đẹp mình có để ban phát cho người khác, để cứu rỗi tâm hồn họ. Nói cách khác, thông qua các nhân vật của mình, Victor Hugo muốn dùng giải pháp tình thương, dùng công lý thứ tha để cải tạo và làm thay đổi xã hội.

    Trước hết là nhân vật đức giám mục Myriel - nhân vật được tác giả giao phó nhiệm vụ thắp sáng ngọn nến tâm hồn cho Jean Valjean, con người biểu thị "tình yêu đồng loại ở ý nghĩa thuần túy nhất của kinh Phúc âm". Cái đặc biệt của nhân vật Myriel "là một linh mục chỉ giống các linh mục đương thời ở chức danh còn lối sống và hành động thì đích thực là của Hugo, do Hugo hư cấu nên". Vì Jean Vajean - anh phải mang theo giấy thông hành vàng, dấu hiệu cho thấy người mang nó từng phạm tội, vì vậy Jean bị chủ quán trọ từ chối và buộc phải ngủ ngoài đường. May cho anh là Linh mục Myriel, một người nổi tiếng hay làm từ thiện đã cho Jean một chỗ nương náu, đối xử với Jean như những người bình thường chứ không hề xua đuổi như một tên tội phạm. Nhưng vì căm phẫn cuộc sống, khi mọi người đã ngủ, Jean chứng nào tật nấy lại ăn cắp mấy thứ đồ bạc của Linh mục và chạy trốn, anh bị bắt lại sau đó nhưng lại được ông Myriel cứu thoát khi nói với cảnh sát rằng đó là đồ ông tặng cho Vajean. Khi chia tay vị Linh mục già nói với Jean Vajean rằng anh nhất định phải trở thành một người lương thiện và làm nhiều việc tốt cho mọi người. Từ những tình tiết trong truyện như vậy, ta có thể thấy Linh mục Myriel nhân từ đến mức bênh vực kẻ đã ăn cắp trong nhà mình, lại cho hắn luôn những thứ hắn ăn cắp. Cánh cửa nhà linh mục là cánh cửa đời duy nhất mở cho Jean Valjean. Rời nhà linh mục lần thứ nhất, Jean Valjean là tội nhân của xã hội và của chính nỗi hằn học, căm thù con người, khi bị nơi nơi ruồng rẫy vì tù khổ sai, vì tấm giấy thông hành màu vàng.. Rời nhà linh mục lần thứ hai, Jean Valjean lại là con người tự do. Trong túi hành lí của Jean Valjean, lúc này không chỉ là một bộ đồ ăn bằng bạc nữa mà còn cả đôi chân đèn. Đôi chân đèn là biểu tượng ngầm của ánh sáng, ánh sáng cứu rỗi. Đối với Myriel mà nói, tha thứ là phương châm xử thế, là phương châm hành động, là cứu rỗi một con người đang lạc lối trong bóng tối, là ánh sáng lấp lánh xua tan mọi u tối bủa vây tâm hồn sáng trong của một con người.. Chính vì lẽ đó, ông đã thắp lên tia sáng trong tâm hồn Jean bằng sự cảm hóa: "Nếu ông từ nơi đau khổ bước ra với tư tưởng thù hằn và căm giận đối với người đời thì ông là người đáng thương. Nhưng nếu ông từ đó bước ra với tư tưởng độ lượng và hiền hòa thì chúng tôi không ai bằng ông được". Như vậy, theo Myriel, dù bị cuộc đời bạc đãi tồi tệ, cuộc sống có xô bồ đùn đẩy ta vấp gã bao nhiêu lần đi chăng nữa, ta không vì vậy mà quay lung với đời, bỏ mặc đời, buông xuôi với tất cả, bởi, quy luật của tạo hóa, quy luật của cuộc đời là như vậy đó, nó muốn nhấn chìm mọi cám dỗ, mọi xấu xa của con người.. để rèn giũa và tặng lại ta những trái thơm, quả ngọt. Chính vì vậy, hãy tha thứ cho đời, vượt lên tất cả để hưởng thụ cuộc sống cho riêng mình, đừng bận lòng những gì trong quá khứ, chúng ta là con người của hiện tại và tương lai lại chứ đâu phải cứ sống mãi trong quá khứ được. Chính tư tưởng, lối sống cao thượng đó đã cảm hóa được Jean Valjean, tên tù khổ sai, tội phạm sau này hắn trở thành một ông thánh. V. Hugo đã khắc họa Myriel như biểu tượng của sự cứu rỗi linh hồn, cứu rỗi một con người đang bị tổn thương về mặt tâm hồn và thể xác bởi những ánh nhìn phân biệt đối xử của mọi người xung quanh, Jean Valjean chỉ vì một câu nói, một hành động cao quý ấy của ông mà thay đổi hoàn toàn. Suốt quãng đời còn lại, anh luôn làm những việc thiện, hy sinh cả hạnh phúc của mình vì người khác.

    Ngoài nhân vật đức linh mục Myriel, đối tượng giúp Victor Hugo thể hiện cái đẹp và lý tưởng tình thương trong "Những người khốn khổ" chủ yếu lại là những con người nhỏ bé, những người lao động khốn khổ, những người có thân phận thấp kém, bị xã hội tư sản phủ nhận, coi rẻ. Đó là Jean Valjean - "vị thánh" khoác áo người tù khổ sai, người sống trọn một đời bao dung và cứu vớt những kẻ khốn cùng khác; là Fantine - "cô gái điếm" có tình mẫu tử sánh tựa Đức Mẹ, người đã sẵn sàng bán cả răng, tóc và cả thân xác, bán đi danh dự và nhân phẩm của mình để con gái được hạnh phúc; là Eponine - cô gái cằn cỗi, xấu xí nhưng có tình yêu cao thượng, sẵn sàng hi sinh tính mạng để giúp người mình yêu; là Gavroche - thiên thần nhỏ của đường phố Paris, đã anh dũng chiến đấu và hi sinh trên chiến lũy khi chưa đầy mười tuổi; là Enjolras với vẻ đẹp lạnh lùng và phẩm chất kiên cường của cách mạng, người phát ngôn cho những lý tưởng sống cao đẹp; là Marius - đại diện cho một lớp thanh niên tiến bộ, luôn vận động hướng tới cái mới và biết giữ gìn phẩm hạnh của mình; là Cosette - cô bé lọ lem trong xã hội tư sản..

    Ta thấy đại diện tiêu biểu nhất - đồng thời cũng là nhân vật trung tâm xuyên suốt toàn bộ tác phẩm - có thể nói đến là Jean Valjean. Jean Valjean

    Trước khi vào tù vốn là một người lao động lương thiện. Số phận như một lứa và cũng chưa hề được hưởng sự yêu thương, nhưng Jean vẫn luôn sống cho người khác. Khi trẻ, ông kiếm sống bằng nghề xén cây, một công việc lương thiện, chăm chỉ làm việc nuôi bảy đứa cháu nhỏ và người chị góa chồng, đến từng miếng ăn cũng nhường cho cháu. Cuộc sống dẫu cực nhọc cũng sẽ trôi đi bình dị nếu chính quyền không đày đọa ông suốt mười chín năm trời trong tù chỉ vì ăn cắp một cái bánh mỳ cho những đứa cháu đang đói lả ở nhà. Pháp luật xóa mờ cả tên tuổi và quãng đời trước kia của Jean, chỉ còn lại một con số "24601". Jean Valjean bị tách biệt hoàn toàn khỏi những người thân. Trong suốt thời gian ở tù, ông chỉ nghe được tin tức của họ đúng một lần và mãi mãi về sau không gặp lại họ nữa. Ông phải làm việc cật lực, đến đêm thì bị cùm chân, ngủ trên những tấm phản lạnh lẽo, ăn thứ cơm của con vật. Luật pháp đã đi quá xa trong việc trừng phạt người lầm lỗi, "biến cái sai lầm của kẻ phạm tội ra cái sai lầm của người trấn áp, biến thủ phạm thành nạn nhân, biến con nợ thành chủ nợ, và cuối cùng đem công lý đặt về bên kẻ đã xâm phạm công lý", thay đổi hoàn toàn số phận và cướp đi lương thiện của một con người, tách biệt họ khỏi xã hội. Sau mười chín năm tù khổ sai trở về, chỉ vì mang theo tấm giấy thông hành màu vàng mà đi đến đâu Jean Valjean cũng bị xua đuổi, đến vào ngủ trong cái ổ chó cũng còn bị nó đuổi đi. Ông gần như bị đẩy ra ngoài lề xã hội khiến cho "lúc vào tù Jean Valjean run sợ, khóc lóc, đến khi ra, anh thành người thản nhiên, trơ như đá", pháp luật thời ấy liệu có đúng? Cả cuộc đời Jean Vajean sống trong lẩn trốn, lẩn trốn khỏi pháp luật, che đu thân phận thật sự của mình để không bị mọi người xa lánh, để không ai phân biệt đối xử mà ruồng bỏ. Chỉ vì một chút lầm lỡ trong quá khứ mà Jean phải chấp nhận số phận trong bóng tối. Ngay cả những người bên cạnh khi biết thân phận thật của Jean Vajean, cũng tìm cách xa lánh, pháp luật đã tặng cho ông những cô đơn, lạnh lẽo ngay cả khi chết đi "một nấm mồ vô danh" cỏ che mưa xóa ".

    Jean Valjean rất ít nói, ít cười và chẳng mấy khi giao lưu với mọi người. Được tác giả khắc họa chủ yếu qua những hành động, ông không hề bộc lộ những tình cảm cảm xúc mà sống thật khép mình. Từ đó, Jean Valjean hiện lên với một vẻ đẹp đơn độc, buồn bã, kiêu kì đậm chất lãng mạn của một con người tài hoa bị bạc đãi. Nhưng đối lập với vẻ ngoài, càng ít nói và đơn độc bao nhiêu thì tình yêu thương và đức hi sinh của Jean Valjean càng lớn bấy nhiêu. Ông làm những việc thiện và sám hối những tội lỗi của mình, Jean hiện lên như ánh sáng hào quang trong lòng tất cả mọi người, hiện ra như" Chúa cứu thế"để nâng đỡ mọi sự thiệt thòi của những con người xung quanh. Jean Valjean cũng được xây dựng một cách không rạch ròi giữa ba tuyến nhân vật: Nạn nhân - Kẻ hung bạo - Vị cứu tinh như trong văn học cổ điển. Ông vừa là nhạn nhân của xã hội, vừa là cứu tinh của những người khốn khổ. Hành trình đi từ nạn nhân trở thành vị cứu tinh của Jean Valjean chính là sự khẳng định sức mạnh, sự vươn lên của người lao động và niềm tin của Hugo vào bản chất tốt đẹp của họ. Lòng cao cả của Jean Valjean có quy mô, tầm vóc to lớn, vượt khỏi khuôn khổ thông thường, chứa đựng những ý nghĩa trọng đại và cũng là cái quan trọng nhất đưa nhân vật trở thành một vị thánh.

    Jean Valjean là phẩm chất anh hùng, nhân vật được xây dựng như một hình mẫu mang vẻ đẹp lí tưởng của chủ nghĩa lãng mạn, là kiểu chiến sĩ đấu trong chống lại toàn xã hội và cứu vớt nhân loại. Được chứng minh qua việc thú nhận thân phận để cứu Champmathieu cũng thể hiện sự cao thượng của Jean Valjean, sẵn sàng hi sinh mọi thứ mình có, hi sinh con đường hướng thiện của mình, chấp nhận quay lại ngục tù để cứu một kẻ không quen biết.

    Qua hai nhân vật Myriel và Jean Vajean, ta thấy được rõ nét lí tưởng về cái đẹp theo quan niệm của nhà văn V. Hugo, từ đó càng làm sáng tỏ lên những phẩm chất đáng quý của con người khi trải qua giông bão của cuộc đời, hay đối mặt với bất kì hoàn cảnh nào đi chăng nữa. Cần có thái độ sóng tích cực, và có cách nhìn nhận tích cực để hướng con người, bản thân và những người xung quanh không vướng phải những lầm đường lạc lối.
     
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...