Cảm Nhận Thơ Bài Hát Về Cố Hương - Nguyễn Quang Thiều

Thảo luận trong 'Sách - Truyện' bắt đầu bởi Thủy Tô, 7 Tháng mười hai 2023.

  1. Thủy Tô

    Bài viết:
    44
    Bài hát về cố hương

    Kính dâng làng Chùa của tôi

    Tôi hát bài hát về cố hương tôi

    Khi tất cả đã ngủ say

    Dưới những vì sao ướt át

    Và những ngọn gió hoang mê dại tìm về

    Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mái tóc đàn bà

    Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm

    Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mười lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất

    Và đâu đây tiếng ho người già khúc khắc

    Như những trái cây chín mê ngủ tuột khỏi cành rơi xuống

    Góc vườn khuya cỏ thức trắng một mình

    Tôi hát bài hát về cố hương tôi

    Trong ánh sáng đèn dầu

    Ngọn đèn đó ông bà tôi để lại

    Đẹp và buồn hơn tất cả những ngọn đèn

    Thuở tôi vừa sinh ra

    Mẹ đã đặt ngọn đèn trước mặt tôi

    Để tôi nhìn mặt đèn mà biết buồn, biết yêu và biết khóc

    Tôi hát bài hát về cố hương tôi

    Bằng khúc ruột tôi đã chôn ở đó

    Nó không tiêu tan

    Nó thành con giun đất

    Bò âm thầm dưới vại nước, bờ ao

    Bò quằn quại qua khu mồ dòng họ

    Bò qua bãi tha ma người làng chết đói

    Đất đùn lên máu chảy dòng dòng

    Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi

    Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm

    Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó

    Kiếp này tôi là người

    Kiếp sau phải là vật

    Tôi xin ở kiếp sau là một con chó nhỏ

    Để canh giữ nỗi buồn – báu vật cố hương tôi.

    1991

    [​IMG]

    Quê hương.. Quê hương trong mỗi chúng ta là gì? Ta vẫn thường nói về quê hương với những hình ảnh đẹp đẽ, thơ mộng: Quê hương là cánh đồng bát ngát thẳng cánh cò bay, quê hương là niềm vui sum họp, là gạo trắng cơm đầy, quê hương là hoàng hôn rợp nắng, là một ngõ nhỏ đi về.. Đó đều là những hình ảnh gần gũi như đã trở thành máu thịt của ta khi nói về quê hương. Quê hương trong trái tim các nhà thơ lúc là "chùm khế ngọt" (Đỗ Trung Quân), lúc là "nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm.. nơi con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc" (Nguyễn Khoa Điềm), quê hương có "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong/ Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp" (Hoàng Cầm).. Thế nhưng, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã phát hiện ra một vẻ đẹp, một "báu vật" nữa của quê hương, một điều vô vàn trân quý mà mỗi người không thể bỏ mặc: Nỗi buồn.

    Hệ thống các từ ngữ "ướt át, mê dại, khúc khắc, thức trắng, âm thầm, quằn quại.." đã tạo ra một "không khí" mờ ảo, "đẹp và buồn", bình dị, gần gũi như ghé sát vào những bí mật sâu thẳm trong tâm tư mỗi con người. Trong mỗi con người luôn có những tâm sự, những nỗi niềm khó thốt thành lời: Những tâm sự của tình yêu, nỗi lòng mẹ dành cho con, những ước vọng tuổi trẻ, những nỗi buồn của cuộc đời lúc tuổi về già.. Con người lớn lên trong cuộc sống luôn chan hòa niềm vui và nỗi buồn, có những điều có thể rạng rỡ gọi tên, có những điều âm thầm giấu kín để rồi trong đêm, nó cồn dậy trong cơn mê, nó làm con người ngẩn ngơ suy tưởng.. Ai cũng có những nỗi lòng như thế, và những nỗi buồn cũng có thể nuôi nấng con người. Nỗi buồn ẩn chứa trong ánh mắt cha mẹ nhìn nhau, ẩn trong đôi mắt thiếu nữ nhìn xa ngóng đợi, trong những dáng lưng còng ông bà bước đi vì cả cuộc đời mang nặng những nỗi niềm. Nỗi buồn kéo con người sát lại gần nhau để an ủi nhau, để nhắc nhở nhau về sự hiện diện của tình yêu thương đẹp đẽ trong cuộc đời. Quê hương là nơi lưu giữ nỗi buồn của mỗi người: Những lần ngây dại khóc thầm, những lần hờn trách trong tuổi thơ bồng bột, những lần đau cho những mơ ước bất toại thành ở đời. Và khi đó, nỗi buồn chẳng phải đã trở thành một phần của quê hương hay sao?

    Những tâm sự sâu kín, những nối buồn của quê hương còn giống như một "ngọn đèn dầu" được truyền giữ từ thế hệ này sang thế hệ khác, để mỗi người lớn lên "biết buồn, biết yêu và biết khóc". Ngọn đèn đó như một minh chứng cho những khổ đau mà thời ông bà đã cam chịu trải qua, những nhọc nhằn mẹ cha phải gánh vác để đánh thức ở con người hôm nay ý thức về cội nguồn, lòng biết ơn và khát vọng sống tốt đẹp. Lớn lên cùng quê hương, mỗi con người có lẽ đều nghe được những tâm sự của đất và con người về những buồn vui, những nhọc nhằn sướng khổ, những mất mát thương đau đã đi qua và chìm vào quá khứ để rồi biết trân trọng hơn cuộc sống hiện thời, trân trọng nỗi buồn của chính mình. Thế mới thấy, quê hương đâu chỉ là mảnh đất nuôi con người vật chất của ta lớn lên, quê hương là máu thịt hồn ta, dạy ta bao cảm xúc đẹp của con người từ thuở chào đời đến lúc nhắm mắt xuôi tay.

    Bằng sự tưởng tượng lạ lùng đến kì diệu, nhà thơ đã tạo ra những hình ảnh chạm đến những cảm xúc sâu thẳm, huyền diệu của mỗi người đọc về cuộc đời, về những nỗi buồn miên viễn của con người. Nhà thơ hóa thân vào con giun đất, một con vật ngỡ như tầm thường hết sức nhưng lại gắn bó với mảnh đất quê hương như tay cuốc tay cày của người nông dân, để nói lên sự gắn bó và cảm hiều đến tận cùng những nỗi buồn của quê hương. Khúc ruột ta từ thuở mới lọt lòng mẹ đã chôn dưới mảnh đất quê hương, ta gần gũi với quê hương biết bao.. "Con giun đất" bò trong đất quê để chứng kiến những nỗi niềm tang tóc, những vất vả, đau thương đã chôn sâu vào kí ức của cộng đồng. Quê hương không chỉ là nơi ta ở mà còn là nơi gắn với sinh tử đời người, là nơi chứng kiến mọi đau thương và cũng vỗ về, ôm ấp mọi đau thương trong đất ấm thương yêu để rồi, đó là nơi ta khắc khoải tìm về, ta ghi nhớ mãi dù trải qua nhiều bước đường cuộc đời.

    Câu thơ "Tôi hát bài ca về cố hương tôi" được điệp lại nhiều lần trong bài đã tạo thành những âm vang da diết của một bài hát tâm tình nhà thơ dành cho quê hương. Đến khổ cuối, lời hát ấy, tình yêu ấy càng dâng trào đến thổn thức: "Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi." Lời hát đó không chỉ thể hiện tình cảm và sự thấu hiểu với quê hương mà còn biểu hiện một khát vọng: Được cống hiến cho quê hương. Sự cống hiến ở đây không to tát, lớn lao như việc đắp lũy xây thành nhưng là một tâm nguyện chân thành, lớn lao vượt qua cả giới hạn kiếp người và lằn ranh sinh tử. Một mai, ta sẽ đi đến cuối cuộc đời, sẽ được bỏ vào chiếc tiểu sành mà tiếp tục vùi vào đất quê. Dù tiếp tục một kiếp người hay kiếp vật thì nhân vật trữ tình vẫn muốn làm bất cứ điều gì để bày tỏ tình yêu của mình với quê hương: Nếu là kiếp người, tôi sẽ hát; nếu là kiếp một con chó nhỏ, tôi nguyện canh giữ nỗi buồn- báu vật của cố hương.. Dù con người luôn chênh vênh giữa hai phần "con" và "người" đó, luôn có những điều bất toàn và một kiếp sống hữu hạn như mọi loài nhưng những tình cảm, những tâm nguyện chân thành sẽ bền bỉ tồn tại với thời gian.

    Bài thơ cho ta một cách nhìn mới về quê hương, "luyện cho ta tình cảm ta sẵn có" để ta biết yêu quê hương một cách sâu sắc, thiết tha hơn- yêu cả những nỗi buồn. Mà như thế cũng có nghĩa là yêu những nỗi buồn, những giọt nước mắt, những tâm sự, những nhọc nhằn của con người quê hương. Yêu thương không phải lúc nào cũng tồn tại ở những điều ngọt ngào, yêu thương có thể nảy mầm từ những điều cay đắng, được truyền giữ như những ngọn đèn "đẹp và buồn". Yêu thương những nỗi buồn của quê hương, ta cũng cần quay về và yêu thương nỗi buồn trong sâu thẳm lòng mình. Nước mắt chính là hợp chất cảm xúc quý giá của tâm hồn mà ta cần gìn giữ, và chẳng thể nào trốn chạy những nỗi buồn, chỉ có thể đối diện với nó, ôm ấp nó. Nỗi buồn sẽ nuôi lớn hồn ta.. Đó chính là một phần những giá trị quý báu mà bài thơ trao gửi.
     
    Thùy Minh, Admin, Chì Đen6 người khác thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...