Một chàng thanh niên 19 tuổi Một chàng thanh niên có tất cả: Sự nghiệp, tình yêu, tương lai tươi sáng 19 tuổi, cái tuổi chẳng biết phản bội ai 19 tuổi, cái tuổi tin tưởng tuyệt đối vào lòng tốt con người Étmông Đăngtét, một thuyền trưởng trẻ, bị vu oan, bị đầy đọa, bị giam cầm Étmông Đăngtét phát điên, đi từ hi vọng đến tuyệt vọng rồi lại hy vọng để tuyệt vọng Étmông Đăngtét bị lãng quên Số 34 một người tù nguy hiểm bị nhốt trong hầm ngục tối Số 34 tuyệt vọng chẳng còn tin vào bất cứ điều gì kể cả Chúa. Đúng lúc này chúa dường như mới đoái hoài đến người khốn khổ này. Từ tuyệt vọng lại tiếp tục hy vọng và lần này chúa đã không bỏ rơi anh. Một linh mục đi tìm sự thật về vụ vu oan của Étmông Đăngtét Một Thủy thủ ximbát âm thầm trả ơn cho ông Moren- một ân nhân của Étmông Đăngtét Một bá tước Môngtơ Crixtô tiếp cận và reo rắc tai ương cho những kẻ đáng bị trừng trị Họ là ai? Thân phận thật của họ là gì? Vai trò của họ là gì? Kết cục cho mối thù của Étmông Đăngtét sẽ đi đến đâu? "Trên đời này không có hạnh phúc mà cũng chẳng có bất hạnh, chỉ là sự chuyển biến từ trạng thái này qua trạng thái khác. Chỉ có những người nào đã trải qua cảnh khổ cực mới hưởng thụ được cảnh sung sướng. Chỉ có kẻ nào sắp chết mới biết cuộc sống là thiên đường." "Tất cả sự khôn ngoan của con người chỉ tóm gọn trong mấy chữ:" HY VỌNG VÀ CHỜ ĐỢI" Trích đoạn sách hay LỘ DIỆN Cỗ xe đưa hai chàng thanh niên đến đấu trường Côlidê giữa lúc ánh trăng chập chờn xuyên qua những khung cửa to lớn của tòa lâu đài cổ La Mã đồ sộ và đổ nát dường như từ những mắt ma dọi xuống. Hai chàng mở cửa xe bước xuống, và một người dẫn đường đã chờ ở đây, vì chỉ có người dẫn đường mới được phép cầm đuốc vào đấu trường. Frăng đã đến đây mươi lần rồi, nhưng Anbe mới tới lần đầu nên không khỏi không kinh ngạc và hoa mắt trước cảnh nguy nga, hùng vĩ của tòa lâu đài đổ nát. Trong lúc Frăng đang đứng mơ màng sau một cây cột thì Anbe đi theo người dẫn đường cầm đuốc. Người dẫn đường chỉ cho anh xem cái hang nhốt sư tử, đấu trường, những phòng riêng của các đấu sĩ và cái bệ ngồi của hoàng đế Xêda. Frăng đang đứng im lặng trong bóng tối nhìn theo Anbe và người dẫn đường đã đi xa, thì đột nhiên anh nghe có tiếng chân người bước tới. Một lát sau, quả nhiên có một người đang lao lên các bậc thang có ánh trăng chiếu lờ mờ. Người đó đi tới sân thượng thì dừng lại, có vẻ như chờ đợi ai. Sự xuất hiện bất ngờ đó làm Frăng phải chú ý và tự nhiên anh đứng nép vào đằng sau một cái cột để ngắm người khách lạ. Người đó mặc một chiếc áo choàng rộng, tà áo vắt qua vai che một nửa mặt, một cái mũ rộng vành sụp xuống mắt, một cái quần màu đen bó trong đôi ủng bằng da láng. Dáng điệu người khách lạ có vẻ thuộc tầng lớp quý tộc. Mười phút sau, một bóng đen nữa xuất hiện, nhanh nhẹn đi tới chỗ người khách lạ. Hai người nói chuyện với nhau bằng thổ ngữ La Mã: – Xin Đức ông tha lỗi, tôi đã làm Đức ông phải chờ lâu. Chuông nhà thờ Thánh Găng vừa điểm mười giờ. – Chính ta đến sớm chứ không phải anh đến muộn. Anh đã làm xong việc đó chưa? – Dạ, tôi đã đút lót cho tên cai ngục ít tiền. Như vậy là đến thứ ba sẽ có hai cuộc hành hình trong ngày khai mạc hội hóa trang ở Rôma: Một phạm nhân can tội giết một vị linh mục sẽ bị xử tội bằng cách đập chết, còn phạm nhân kia sẽ bị chặt đầu. Đó là thằng Peppinô đã cung cấp lương thực cho bọn chúng tôi. – Mọi người tha hồ mà khoái trá. Thế anh tính sao? – Thưa, tôi sẽ đem hai mươi thủ hạ đến vây quanh pháp trường. Bao giờ họ dẫn phạm nhân ra, chúng tôi sẽ dùng dao găm giết bọn lính canh và cướp Peppinô mang đi. – Không ổn đâu. Ta sẽ có cách khác để cứu anh ta. Ta sẽ cho một viên chức cao cấp ngành tư pháp số tiền một vạn đồng để hoãn cuộc hành hình lại một năm, sau đó sẽ tìm cách cho anh ta vượt ngục. Anh nên nhớ là tiền bạc của ta có giá trị hơn những con dao găm của các anh. Bây giờ anh đến báo cho Peppinô biết để anh ta khỏi lo sợ và phải kín chuyện đấy. – Tôi vô cùng đội ơn Đức ông và khi nào Đức ông cần đến, mặc dù ở tận góc bể chân trời, tôi cũng sẽ.. – Suỵt, có người đến kia kìa, chúng ta hãy chia tay Người khách lạ nói xong, kéo áo choàng lên cho kín mặt, đi qua chỗ Frăng đứng rồi lẫn vào trong bóng tối. Người kia cũng vậy. Frăng vội đi tìm Anbe, và mười phút sau, hai chàng thanh niên quay về đến khách sạn. Trong khi Anbe không ngớt lời ca ngợi tòa lâu đài cổ kính, Frăng không ngừng nghĩ tới người khách lạ. Mặc dù không nhìn được mặt, nhưng nghe giọng nói đanh thép đượm vẻ châm biếm, anh đoán chắc người đó không phải ai khác, ngoài thủy thủ Ximbát, chủ nhân tòa lâu đài ngầm bí mật. Suốt đêm anh trằn trọc không ngủ. Ngày hôm sau, hai anh thanh niên nhận được giấy mời đi xem một vở nhạc kịch nổi tiếng do những diễn viên ưu tú của nhạc viện thành phố thủ vai. Từ ngày tới Rôma, hai chàng chưa quen được với một người phụ nữ nào, nhất là Anbe, vừa đẹp trai, ăn mặc lịch sự, đang mong được lọt vào cặp mắt xanh của một giai nhân nào để chưng diện trong những ngày hội hóa trang. Buổi tối, hai chàng tới nhạc viện, ngồi trong lô dành cho những nhà quý tộc, Anbe cầm ống nhòm tìm những người đẹp của thủ đô Ý, nhưng người nào cũng bận nói chuyện riêng. Không một ai chú ý đến anh. Sau màn thứ nhất, Frăng thấy cửa lô phía trước mở ra và một thiếu nữ trẻ đẹp đi vào. Anh nhận ra là một nữ bá tước người Ý mà anh đã quen biết ở Pari. – Ồ, nàng có bộ tóc đẹp quá! – Anbe thốt lên – Quen cậu đấy à? Có thân lắm không? – Khá thân, nếu cậu muốn, hết màn này mình sẽ đưa cậu đến giới thiệu. Màn vừa hạ, Anbe đã vốt tóc, nắn lại cavát và cổ áo, theo Frăng đến lô của nữ bá tước. Frăng giới thiệu Anbe là người bạn thân nhất của anh. Nữ bá tước mời hai anh thanh niên ngồi ở hai ghế phía sau còn trống. Anbe nói chuyện về Pari, và trong lúc anh đang trổ tài hùng biện thì Frăng cầm ống nhòm nhìn xung quanh. Ở cách chỗ ngồi của nữ bá tước ba hàng ghế, anh trông thấy một thiếu nữ tuyệt đẹp ăn mặc kiểu Hy Lạp. Phía sau nàng có một người đàn ông ngồi trong bóng tối nên anh nom không rõ mặt. Frăng nhận thấy tất cả mọi người, kể cả giới phụ nữ đều chăm chú nhìn cô thiếu nữ Hy Lạp và trầm trồ khen ngợi. Frăng vội ngắt câu chuyện của Anbe, hỏi nữ bá tước có quen nàng không? – Cô ấy đẹp như một nàng tiên – Nữ bá tước mỉm cười nói – Tôi chỉ biết cô ấy mới đến đây từ đầu màn kịch này, cùng đi với một người đàn ông ngồi đằng sau. Nói xong, nữ bá tước quay lại nói chuyện với Anbe, còn Frăng mắt không rời cô gái Hy Lạp. Anh nhận thấy cô xem biểu diễn có vẻ thích thú, thỉnh thoảng quay lại trao đổi mấy câu với người đàn ông ngồi phía sau, nhưng ông ta vẫn ngồi trong bóng tối, không tài nào nhìn rõ mặt. Màn từ từ hạ, vở kịch kết thúc. Tất cả khán gia đứng dậy vỗ tay nhiệt liệt. Người đàn ông ngồi sau cô gái Hy Lạp đứng lên, nét mặt lộ ra trước ánh đèn. Frăng giật mình nhận ra là vị chủ nhân bí mật đã tiếp anh ở đảo Môngtơ Crixtô, và cũng là người tối hôm trước đã xuất hiện ở đấu trường Côlidê. Frăng tái mặt và xúc động nói: – Thưa bá tước phu nhân, xin cho biết về người đàn ông ngồi phía sau cô gái Hy Lạp. – Ông ta có bộ mặt xanh rớt làm tôi rùng mình. Nữ bá tước nói – Và khi đã nhìn thấy thì không sao quên được. Trông như một cái bóng ma trong cuốn truyện của Bairơn. – Tôi cũng muốn biết ông ta là ai. Nói xong, Frăng đứng dậy định đi. Nữ bá tước giữ tay anh ta lại, nói: – Không được đâu, cậu phải đưa tôi về nhà, tôi thấy rờn rợn thế nào ấy. Frăng phải từ giã Anbe để đưa nữ bá tước ra xe. Anh nhận thấy nữ bá tước ngồi trong xe mà vẫn còn run làm anh phải bật cười. – Này cậu Frăng, cậu chớ cười tôi là nhát gan. Thú thật với cậu là từ lúc nhìn thấy ông ta, tôi cứ phát sốt lên. Cậu phải hứa với tôi là không tìm gặp ông ta và chớ có giới thiệu với tôi, tôi đến chết vì sợ hãi mất. Sau khi đưa nữ bá tước về nhà, Frăng quay về khách sạn, thấy Anbe đang mặc áo ngủ nằm dài hút thuốc. – Frăng ạ – Anbe nói – Cái bà bá tước người Ý của cậu thật là kỳ quặc. Mới nom thấy người đàn ông ngồi sau cô gái Hy Lạp đã sợ run lên. Tôi gặp họ ở hành lang lúc ra về, thấy người đàn ông ấy rất đẹp trai, ăn mặc lịch sự theo kiểu Pháp, nước da có xanh nhưng rõ ràng thuộc dòng dõi quý tộc. – Cậu có nghe thấy tiếng nói của ông ta không? – Tôi nghe lõm bõm mấy câu thổ ngữ La Mã, có pha tiếng Hy Lạp. – Thế thì đúng rồi – Frăng lẩm bẩm.. – À này, cậu có biết là chúng ta không thuê được xe không – Cần quái gì, tôi vừa nghĩ ra một kế kỳ diệu. Nếu không thuê được xe ngựa, chúng mình sẽ thuê một cỗ xe bò, một đôi bò kéo, và sẽ cải trang thành hai nông dân Ý. Còn nữ bá rước sẽ mặc một bộ quần áo của cô thợ gặt, sẽ tạo ra một bức tranh đẹp không kém thời kỳ Phục hưng, làm thiên hạ phải lác mắt. Tôi đã bảo ông Patini lo liệu cho rồi. Giữa lúc đó, cửa phòng mở và ông chủ khách sạn bước vào. – Thế nào ông chủ? – Anbe hỏi – Xe và bò đã thuê được chưa? – Thưa hai ông – ông Patini hí hửng nói – Tôi còn làm vừa lòng hai ông hơn thế nữa. Các ông nên biết là bá tước Môngtơ Crixtô cũng ở trong khu chúng ta và thấy hai ông không thuê được xe, ngài vui lòng dành cho hai ông hai chỗ ngồi trên cỗ xe của ngài và hai chỗ ngồi trên cửa sổ trong tòa biệt thự Rôpôli của ngài. Frăng và Anbe nhìn nhau kinh ngạc. – Nhưng chúng tôi có quen bá tước Môngtơ Crixtô đâu Anbe bảo ông Patini – ông ta là người thế nào? – Tôi chỉ biết ngài bá tước là một nhà đại quý tộc, ở đâu không rõ, và giàu như có mỏ vàng. Giữa lúc hai chàng thanh niên đang trố mắt nhìn nhau kinh ngạc thì có tiếng gõ cửa. Một người đầy tớ mặc một bộ quần áo rất lịch sự bước vào phòng nói: – Tôi được bá tước Môngtơ Crixtô phái đến báo cho ngài nam tước Frăng Đêpinay và ngài tử tước Anbe Đơ Moocxép biết là ngày mai, ngài bá tước sẽ lấy tư cách là người hàng xóm đến thăm hai ngài và đề nghị hai ngài vui lòng định giờ gặp mặt. Nói xong, người đầy tớ trao cho mỗi người một tấm danh thiếp. Frăng nói: – Anh về thưa với bá tước, chúng tôi sẽ rất hân hạnh được đến thăm ngài trước, với tư cách là những người đội ơn ngài. Khi người đầy tớ đã đi khỏi, Anbe bảo Frăng: – Bá tước Môngtơ Crixtô quả là một con người lịch thiệp. Nhưng tôi chỉ tiếc cỗ xe bò và bộ quần áo nông dân Ý. – Những cái đó không giá trị bằng cửa sổ của tòa lâu đài Rôpôli. Frăng nói và nghĩ tới câu chuyện mà anh đã nghe lỏm được ở đấu trường Côlidê giữa hai người lạ mặt. Đêm hôm đó, hình bóng hai người lạ mặt cứ luẩn quẩn trong đầu óc Frăng. Anh nóng ruột chờ đến sáng để xem kết quả ra sao. Tám giờ sáng hôm sau, Frăng thức giấc, cho gọi ông chủ khách sạn tới hỏi. – Ông Patini, có phải ngày hôm nay có hai cuộc hành hình không? – Dạ, tôi có được xem bản yết thị ở các đầu phố. Theo lệnh tòa án thành Rôma, hai phạm nhân sẽ bị đem ra hành hình ở quảng trường Pôpôlô, một đứa tên là Angđrê Rônguôlô can tội giết linh mục Teclini và đứa kia tên là Peppinô can tội thông đồng với tên tướng cướp Luji Vămpa. Tên thứ nhất sẽ bị đập chết, tên thứ hai bị chặt đầu. Đúng như câu chuyện giữa hai người lạ đấu trường Côlidê, và Frăng đoán chắc người mặc áo choàng là thủy thủ Ximbát, còn người kia là tên tướng cướp nổi danh Vămpa. Đến chín giờ, Anbe đã ăn mặc chỉnh tề, đến phòng Frăng. Hai chàng thanh niên rủ nhau tới lâu đài Rôpôli để ra mắt bá tước Môngtơ Crixtô. Một người đầy tớ ra dẫn hai chàng vào một phòng khách trang hoàng rất lộng lẫy theo kiểu Thổ Nhĩ Kỳ và mời hai chàng ngồi chờ. Frăng và Anbe ngắm nghía những đồ đạc rất quý giá bày trong phòng thì có tiếng cửa mở và chủ nhân xuất hiện. Anbe tiến lên chào, còn Frăng thì đứng sững như bị đóng đinh tại chỗ. Người mới đi vào phòng không phải ai xa lạ, chính là người mặc áo choàng ở đấu trường Côlidê, người đàn ông lạ mặt ở nhạc viện, và vị chủ nhân bí mật ở đảo Môngtơ Crixtô.