Tôi ngồi nhìn nồi bánh chưng đang đỏ lửa, nhìn qua làn khói trước mắt, trong đầu tôi vẳng tiếng chèo xưa, qua làn khói tôi thấy hình ảnh của 3 năm trước, Tết năm đó là lần đầu tiên tôi tham gia gói bánh chưng với cả nhà. Vì đó là lần đầu tiên nên tôi gói vụng ơi là vụng, nào là cho quá nhiều đậu, rồi lại gói không chặt tay, cũng chẳng biết buộc bánh. Lúc đó bà ngoại ở bên cạnh tôi, chỉ cho tôi từng chút, từng chút một, vô cùng kiên nhẫn, bao dung cho sự trẻ con của tôi. Bên tiếng chỉ bảo của bà là tiếng những vở chèo vang lên từ chiếc radio cũ, nghe chèo là sở thích lớn nhất của ngoại tôi từ hồi còn rất trẻ. Bà bảo với tôi rằng bà thấy ở đâu đó những vở chèo là cuộc đời của chính mình. Sau khi gói bánh xong, tôi cùng bà ngồi cạnh nồi bánh chưng, tôi thủ thỉ hỏi bà: "Bà ơi, sao bà lại gọi con là gấu túi thế?" Gấu túi là biệt danh mà chỉ có mình bà gọi tôi. Đ ến bây giờ tôi vẫn thấy cái tên nghe rất buồn cười nhưng làm sao bà yêu đặt cho đương nhiên phải thích rồi. Bà nghe tôi hỏi chỉ mỉm cười đáp "Tại bà mong cháu bà có thể luôn ăn no, ngủ kĩ, khoẻ mạnh". Thật ra, ngay lúc đó tôi chưa hiểu được câu trả lời của bà, sau này tôi mới hiểu ra rằng bà mong tôi có thể sống một cuộc sống thoải mái, vô tư, không ưu phiền như một chú gấu túi vậy. Tôi cũng có một chú gấu bông hình gấu túi, là món quà bà tự làm để tặng sinh nhật tôi khi nhỏ, nó cũng là tri kỉ cùng tôi chia sẻ buồn vui tròn những năm tháng còn ngây ngô. Năm đó, sau Tết khoảng vài tháng thì bà tôi ngã bệnh, thời gian trôi qua mang theo sức khoẻ của bà tôi, trong khoảng thời gian bà ngã bệnh tôi luôn ở bên bà, cùng bà nghe những vở chèo bà yêu thích, để bà thư giãn, thoải mái đầu óc, thế rồi bệnh bà tôi ngày càng trở nặng, bà ngủ ngày càng nhiều, điều đó thật sự khiến tôi sợ hãi, tôi rất muốn nghe tiếng gọi: "Gấu túi ơi" của bà, thế nhưng tiếng gọi của bà ngày càng nhỏ lại, rồi biến thành tiếng thì thào trong khi ngủ. Trong lúc bà tôi bệnh nặng, thì thỉnh thoảng bà sẽ mơ màng mà gọi biệt danh của tôi, bà sẽ gọi "gấu túi ơi, gấu túi ơi" nhưng rồi ngay cả tiếng thì thào cũng thưa thớt dần, gần như là biến mất. Rồi một khoảng thời gian sau đó bà tôi đã không qua khỏi, khoảng thời gian đó đối với tôi vô cùng kinh khủng. Đã bao đêm tôi tỉnh lại sau cơn mộng, miệng bật tiếng gọi "bà ơi" trong đêm tối, chiếc gối tôi nằm đã ướt đẫm, bên cạnh là chú gấu túi quen thuộc. Nếu không có chú gấu túi đó nhắc nhở thì có lẽ tôi khó mà vượt qua thời gian đó. Tôi cũng không nhớ đã bao lần tôi tìm nghe những vở chèo mà vừa xem nước mắt vừa đầm đìa trong tiếng nức nở Hai năm sau khi bà mất gia đình tôi đến Tết không còn gói bánh chưng nữa, cảm giác đau thương bao chùm cả căn nhà. Thế rồi sang năm thứ ba, mọi chuyện phôi phai, Tết đến nhà tôi tổ chức gói bánh chưng, mọi thứ vẫn như cũ. Vẫn là nơi ấy, vẫn là những người ấy, vẫn là khoảng thời gian ấy, chỉ là của 3 năm sau. Thế nhưng trong tôi lại cảm thấy một sự thiếu thốn đến xót xa, không còn người dặn tôi cho ít đậu xanh, không còn người nhắc tôi phải gói bánh chặt tay, chiếc radio cũ đã lâu không ai bật lên nữa rồi. Chẳng còn tiếng chèo ngân vang, chẳng còn tiếng gọi "gấu túi ơi". Chỉ còn tôi ở đây bên nồi bánh chưng đỏ lửa nhớ về kỉ niệm xưa cũ. Như vô thức, bàn chân đưa tôi đến bên chiếc radio cũ kĩ. Tôi bật lên, rồi một vở chèo yêu thích bà tôi đang nghe dở từ ngày nào vang lên. Những âm thanh trong vắt, vút cao như hoà lẫn với tiếng nổ tí tách của củi với làn khói từ bếp lửa đang luộc bánh. Hình như bà tôi đang ở đâu đó, rất gần ở bên tôi. Hình như tôi nghe văng vẳng bên tai tiếng gọi thân thương quen thuộc "gấu trúc ơi". Hai dòng lệ lăn dài trên khuôn mặt, nức nở bật lên thành tiếng: "Bà ơi!"