Ba Mươi Năm Tác giả: Nhất Diệp Y Sương Thể loại: Truyện ngắn Việt Nam. Gò Quao 20/07/2005 Ông Bảy Minh đang ngồi đan lại cái nom bắt cá ở ngoài hiên thì đằng xa đã nghe được tiếng ông Ba Chuột kêu ỏm tỏi: - Anh Bảy ơi! Có nhà hông? Có tin vui nè anh Bảy ơi!.. có tin vui. - Ở đây nè! Làm cái gì mà đứng ở đó kêu dậy trời dậy đất dị cha nội. Có gì từ từ vào nhà nói. Tiếng ông Bảy vang lên ở hiên nhà. Ông Ba Chuột vẫn còn đang đứng cheo leo trên chiếc cầu tre bắt qua con lạch nhỏ, nghe ông Bảy cất tiếng thì cười xòa, chưa vào tới cửa mà cái giọng đã oang oang: - Mèn đéc ơi! Có tin vui dữ lắm cha nội ơi. Nhìn thằng bạn già đầu đã hai thứ tóc, mặt hớn ha hớn hở như vớ được vàng mà ông Bảy khẽ bật cười. Tính tình cha nội này nói quài vẫn không thay đổi được. Già rồi mà cứ như một đứa con nít. - Vui cái gì? Bộ con Hai nhà ông kiếm được chồng rồi he? - Phải đâu cha! Tin vui này là của ông. Nghe thấy báo tin vui của mình ông Bảy Minh tần ngần một lúc. Sau đó ông nghi hoặc, hỏi dò từng chữ một coi bộ chưa tin lắm. - Tin vui nào của tui? Hay là.. hay là cái giấy xuất cảnh.. được.. duyệt.. rồi? Ông Ba Chuột rót ly trà nguội, uống một hơi hết sạch. Sau đó, nhìn ông Bảy nhướng mày, ra điều thần bí lắm. Ông Bảy nhìn điệu bộ thằng bạn nối khố.. bất chợt lòng ông vui như mở hội, vô đùi đánh "bốp" một cái mừng rỡ: - Thiệt hả cha nội? Tui mừng dữ lắm đó, cha đừng có giỡn với tui á nghen? - Giỡn cái gì! Tui biết chuyện này đối với ông quan trọng như sinh mạng, sao mà giỡn được. Ông Ba Chuột hào hứng kể: - Tui vừa mới gặp thằng Tư ở trên chợ. Nó nói nó nhận được cái giấy báo và cái visa do cục lãnh sự quán gửi cho ông rồi. Có gì chiều nay nó đem lại. Lần này ông đậu phỏng vấn rồi đó nghe Bảy. Vui chưa? Ông Bảy nghe vậy thì vui mừng đến phát khóc, đôi mắt già nua rưng rưng hai hàng lệ. Ông không nói gì thêm, liền đi vội vào trong nhà rút ra ba nén nhang thắp lên bàn thờ Phật. Ông cảm tạ Phật trời đã chứng giám, tọa nguyện cho lòng thành của ông. Đã ba mươi năm rồi.. ông không kiềm nổi sự xúc động. Ông Ba Chuột nhìn thấy dáng vẻ gầy mòn của ông Bảy đang run run trước bàn thờ Phật mà cũng xúc động theo, xuýt khóc. Thằng bạn già này của ông chỉ có duy nhất một tâm nguyện chưa hoàn thành đó là xin được Visa sang Mỹ. Bây giờ xin được rồi, có lẽ nó mừng dữ lắm. Cầm súng, cầm dao chưa bao giờ sợ, máu váy đỏ cả chiến bào cũng chưa bao giờ run, vậy mà giờ đây hai mắt đã nhòe đi vì lệ.. Bảy ơi! Mày sắp được toại nguyện rồi đó nghen!.. Ông Bảy thắp hương xong là chạy ngay lên chợ để nhận giấy báo. Khỏi chờ chi đến chiều để người ta mang lại mắc công. Ông Ba Chuột thấy bạn vội cũng không ngăn cản. Chỉ nhìn theo bóng lưng thằng bạn gắp gáp bơi xuồng ở lòng sông mà ngậm ngùi thương cảm. Nắng trưa nay sao mà gắt quá, vàng hoe cháy cả tóc người. * * * Bà Xuân nhìn lại hàng dừa đước mọc lan bờ kênh rạch. Lòng ngậm ngùi nhớ về quá khứ năm xưa. Ba mươi năm trước, bà đã từ khúc sông này ra đi. Đêm đó là một đêm khói lửa ngột trời. Gió giông thổi mạnh đem những tàn lửa oan nghiệt bay đi khắp nơi, đốt cháy từng gian nhà tranh xơ xác. Tiếng pháo nổ, tiếng đạn bay, tiếng gà vịt kêu hòa lẫn với tiếng người. Cả một trời tang thương lập lòe trong bóng tối. Xuân đứng chờ Minh đã mấy tiếng đồng hồ ở bến buộc thuyền mà chẳng thấy anh đâu. Lòng cô như lửa đốt. Hai người đã hẹn nhau đêm nay sẽ rời Việt Nam, lên tàu vượt biên sang Thái Lan. Cha Xuân là chỉ huy bộ tư lệnh, nay Miền Nam thất thủ, cha đã bị quân giải phóng bắt tại Quy Nhơn rồi. Sống chết ra sao không rõ nên buộc cô phải rời Việt Nam nội trong đêm nay. Minh là chồng chưa cưới của Xuân, hai người đã hẹn ước cùng nhau sống chết không rời "đi thì cùng đi, ở thì cùng ở" thế mà bây giờ anh lại bỏ cô bơ vơ, đứng giữa trời sương, mịt mù thuốc súng. Càng về khuya trời càng lạnh giá, trên loa phát thanh cứ văng vẳng khúc hát chiêu hồi. Nghe thật ảm đạm thê lương. Một đoàn người lũ lượt chạy ra bến thuyền chỗ Xuân đang đứng. Bà Sáu Tấm giục Xuân: - Cô ơi, phải đi thôi. Không nán thêm được nữa đâu. Bà và các cậu ở Sài Gòn đã được mấy bay Việt Nam đưa đi rồi. Chúng ta phải nhanh lên, quân giải phóng đánh tới đây là không đi được nữa. Xuân vẫn lóng ngóng nhìn về trong xóm, từng giọt nước mắt lo lắng, đau đớn, xót xa rơi lã chã. Bỗng dưng, một tiếng nổ vang rền trời đất. Những ngôi nhà cuối xóm bốc cháy dữ dội, tạo thành một cột khói lớn ngùn ngụt bay lên trời. Một vài người trong xóm chạy ra, sợ hãi chen lấn nhau xuống thuyền. Tiếng trẻ con khóc òa trong đêm tối. Xuân cũng lạc trong đám người chạy loạn. 11h 06p ngày 29/04/1975.. Xuân xuống thuyền rời khỏi Việt Nam. Mang theo một cõi lòng tan nát, một tâm hồn rách nát tha phương. Ba mươi năm rồi, lần đầu tiên bà Xuân quay về chốn cũ. Nhìn hàng đước, nhìn cây bần già nghiêng mình trên bến sông. Bà lại nhớ, lại thương. Ngày xưa ở chỗ này làm gì có nhà cửa, có làng mạc cây cối như bây giờ. Nó chỉ là một cánh đồng rộng lớn đã bị bom đạn quanh năm đốt cho cháy rụi, trong không khí lúc nào cũng phảng phất một mùi lúa cháy. Căn nhà trước mắt bà là bến buộc thuyền, bến trâu đầm ngày đó.. Nay lại mọc lên một mái nhà tranh có hàng bông so đũa trước hiên. Có bàn ông thiên trước cửa, gốc vườn trồng mận, trồng dừa, một hàng bông trang men theo bờ dậu.. sao mà giống ngôi nhà khi xưa của bà đến vậy. Khiến cho bà Xuân không khỏi bồi hồi. Cứ nhìn mãi, nhìn mãi căn nhà tranh ấy. - Cô Xuân!.. Cô Xuân có phải không? Giọng ông Ba Chuột nghẹn ngào gọi phía sau. Bà Xuân quay đầu nhìn lại. Thì ra là Ba Chuột, người bạn thân xưa cũ vẫn còn ở lại đây. Bao nhiêu năm không gặp, giờ hai người đã bạc trắng mái đầu.. - Trời ơi cô Xuân ơi! Mấy mươi năm rồi không gặp. Tôi không ngờ gặp lại cô ở đây.. sao mà trùng hợp quá cô ơi!.. Ông Ba Chuột không giấu nổi cảm xúc vui mừng. Ông quýnh quáng kéo Bà Xuân vào nhà ông Bảy. Không để ý đến cảm xúc ngạc nhiên của bà. - Cô vào đây, vào đây ngồi uống trà cho mát.. trời Việt Nam nắng nóng lắm cô ơi. - Nhà này là của anh hả anh Ba? - Không! Nha tôi ở bên kia con lạch kia kìa. Còn nhà này là nhà của thằng Minh đó cô. Ba mươi năm rồi đó cô à. Nghe đến Minh. Tâm trạng bà Xuân như trầm xuống. Đôi mắt đượm buồn ngó quanh nhà cửa như đang tìm kiếm bóng hình người thương. Ông Ba Chuột biết ý, nên vừa rót trà vừa lên tiếng. - Nó không có nhà cô ơi! Nó mới chèo xuồng xuống ủy ban hồi trưa. Đâu có ngờ là cô dìa đâu cô. Phải mà biết là hay quá rồi. Cô ngồi chờ nó xíu.. nó về liền á. - Anh Minh.. ảnh vẫn khỏe mạnh chứ anh? - Hơ! Khỏe thì vẫn khỏe nhưng mà.. nó còn nặng tình với cô lắm. Cô nhìn ngôi nhà này có quen hông cô? Bà Xuân vẫn im lặng. Ngôi nhà này, từ trong nhà ra đến ngoài sân đều bài chí y thinh ngôi nhà năm nào bà đã từng sống. Ngôi nhà xưa trong xóm đã cháy rụi từ hồi đó, đất cũng đổi chủ lâu rồi. Bà cũng không còn muốn đến xem nữa. Xem làm chi, chỉ khiến mình thêm uất ức và đau lòng. Ông Ba Chuột vê một điếu thuốc lá, ngồi tẩn mẩn kể lại chuyện xưa, tùng chuyện một xảy ra năm đó, thoáng cái ba mươi năm như một tiếng thở dài.. Thì ra ông Bảy Minh đêm đó bị pháo kích trúng chân. Nên không thể nào ra được bến thuyền như đã hẹn cùng bà Xuân. Khi ông lếch chiếc chân gãy đến nơi thì chỉ còn nghe tiếng gió hú, chiếc thuyền vẫn thường neo đậu ở bến đó đã không còn nữa. Nó rời đi, mang theo cả người thương của ông đi rồi. Sáng hôm sau thì giải phóng.. Việt Nam bắt đầu những ngày đóng cửa lâu dài. Năm 1979, ông Minh xin tham gia bộ đội, sang chiến trường Campot. Ông đã nhiều lần thập tử nhất sinh nhưng rồi cũng may mắn sống sót. Sau khi xuất ngũ, ông được phân công về vùng kinh tế mới làm ruộng, trồng bàng, dệt chiếu.. Đến 1987 mới trở lại đất Gò Quao này cất nhà sinh sống đến nay. Ông Ba Chuột cất giọng bùi ngùi: - Hồi năm tám chín, nó có nhận được tin tức của cô đăng tin trên đài Hoa Kỳ tìm nó. Nó biết cô còn sống mà còn đăng tin tìm nó thì nó mừng lắm. Nhưng mà dân quê mà cô, đâu có biết làm sao liên lạc. Có nhờ người vượt biên mang thơ qua nhưng chờ quài cũng không có tin tức. Cuối cùng nó đánh liều theo mọi người đi vượt biên. Bao nhiêu tiền làm ra cũng dồn vào việc đóng tàu hết. Nhưng rồi có lần nào đi được đâu cô, lần nào ra khơi cũng đều bị bắt lại. Mỗi lần bị bắt là mỗi lần ngồi tù. Khổ sở như vậy đó mà nó vẫn một lòng muốn sang Mỹ tìm cô. Đến năm chín lăm, thì người ta không ai còn vượt biên nữa. Nên cũng đành thôi. Bà Xuân nghe đến đó thì trong lòng buồn thương vô hạn. Người đàn ông mà bà nhung nhớ bao năm không ngờ lại trải qua một cuộc đời gian khổ như vậy. Nước mắt bà lăn dài, nghẹ ngào rơi xuống. - Bà nội! Một tiếng gọi trong trẻo vang lên ngoài sân, xóa tan đi bầu không khí trầm lắng. Một cô bé độ chừng đôi tám, ăn mặc rất tây từ ngoài cổng đi vào. Nhìn bà Xuân nở nụ cười ấm áp. Ông Ba Chuột nhìn cô bé ngỡ ngàng. Chưa kịp hỏi gì thì bà Xuân đã lên tiếng trước. - Đây là cháu nội của tôi. Lần này về thăm quê hương, tôi mang cháu theo cho cháu biết cội biết nguồn. Anna à! Con chào ông Ba đi con, ông đây là bạn của bà ngày xưa. - Cháu chào ông! Cháu rất vui và hạnh phúc khi được biết tới ông ạ. Anna mỉm cười thân thiện. Khoanh tay cúi chào rất lễ phép, đáng yêu. Ông Ba Chuột thấy dáng vẻ cô bé dễ thương, thân thiện như vậy thì cũng rất có cảm tình nhưng chỉ là nghĩ đến ông Bảy, tự nhiên không biết nói làm sao. - Ba Chuột ơi! Ở trong nhà đó he? Ra kéo dùm tui sợi dây buộc thuyền coi cha ơi. Tiếng ông Bảy Minh lanh lảnh ở mé sông. Bà Xuân nghe được tiếng người thương thì trái tim như hẩng đi một nhịp, bà run run đứng dậy, vịn một bên cánh cửa trông ra. Có nhớ, có thương, có hờn, có tủi bao nhiêu cảm xúc đan xen khiến đôi mắt bà nhòe lệ. Ông Bảy Minh từ dưới bến đi lên, trên tay còn cầm một con gà mái tơ. Hớn hở vừa đi vừa nói với ông Ba Chuột: - Tui mần con gà này rồi đem đi hấp rượu. Tui với ông lai rai vài xị nha Ba.. nay vui quá Ba ơi, phải ăn mừng mới được. Vừa đi tới nửa sân, ông Bảy ngừng bước.. ông nhìn người đàn bà đang đứng nép bên cạnh cửa trông về phía mình. Ánh mắt quen thuộc mang nhiều xót xa. Con gà mái tơ ông đang cầm trên tay bị tuột xuống đất, nằm kêu "cục ta.. cục tác.." vang dậy một góc sân vườn. Gương mặt già nua đen cháy của người đàn ông lam lũ nở ra một nụ cười nhăn nhúm, mái tóc bạc trắng của ông rung rinh trong ánh nắng ngã vàng.. ông cười mà như khóc, giọng miền Nam đặc sệt: - Xuân về lâu chưa? - Em về hôm qua, ở Sài Gòn. Sáng nay mới về đây.. thăm bến buộc thuyền. Nói đoạn, bà Xuân tiến tới gần ông, từng bước từng bước chậm chạp đi về phía người đàn ông một đời bà nhung nhớ. Bà ôm ghì lấy ông, ôm thật chặt như gửi hết tất cả nổi nhớ thương của bà vào vòng tay này. Nổi nhớ da diết ba mươi năm đằng đẳng kéo dài.. Ba mươi năm, một đời người.. một tình yêu bất diệt. Sau đó, bà Xuân kể cho ông nghe về cuộc hành trình của đời bà từ khi rời quê hương sang Mỹ. Bà nói rằng sau khi sang Mỹ vài năm bà có tìm cách liên lạc về VN nhiều lần mà không được. Đến năm bảy chín thì bà lấy chồng. Rồi sinh được một người con trai. Bà giới thiệu Anna là cháu nội của bà.. chồng bà có về Việt Nam cùng với bà, nhưng không về đây. Ông về thăm quê cũ, hai người hẹn gặp lại nhau ở Sài Gòn. Chiều đến, bà Xuân đứng lên chào tạm biệt. Ông Bảy nhìn bả cười hiền hòa, ông tiễn bà ra bến thuyền nhẹ nhàng, bình yên. Ba mươi năm trước bà đã đi từ bến sông này rời quê hương một mình. Ba mươi năm sau có ông đi tiễn bà vậy là đủ, không còn nhớ thương cũng không còn nuối tiếc. Trời chiều đổ váng trên sông quê, phẳng lặng như tâm tư của hai người. Họ vẫy tay chào nhau như hai người bạn cũ. Lần tạm biệt này, có thể là ba mươi năm sau nữa, cũng có thể là mãi mãi.. muôn đời. * * * Sau khi bà Xuân đi rồi, đêm đó ông Bảy cùng với ông Ba Chuột làm mồi nhậu lai rai. Ông Ba Chuột uống dăm chén thì nửa say nửa tỉnh. Ông trách: - Cha già dịch!.. đang không dưng rủ rê người ta nhậu hà.. mà lại không biết là nhậu buồn hay vui? Cho tui một cái lý do đi.. hức.. tui nhậu với ông tới sáng. Ông Bảy Minh không trả lời. Ông đi đến bên cộc nhà, lôi ra trong giỏ treo trên cột một cái giấy có dấu mộc của cục lãnh sự quán Mỹ. Huơ huơ trước mặt ông Ba Chuột rồi cười khà, ông nói: - Ăn mừng chứ!.. thấy gì không.. được cấp phép đi Mỹ rồi. Xin từ năm 2000 tới giờ mới được.. thì sao lại không mừng? - Khà.. khà.. khà.. Ông Ba Chuột cười. Ông lại rót thêm ly nữa, uống cạn. Hai ông bạn già lai rai rượu đế đến nửa đêm. Bỗng nhiên ông Ba Chuột hỏi: - Tui hỏi thiệt ông nha Bảy, còn muốn sang Mỹ nữa không hả Bảy? Câu hỏi này như đụng đến phần sâu thẳm nhất trong tim người đàn ông đã trải qua bao lần chinh chiến, bao bễ dâu sướng khổ của đời người. Ông thở dài, nhìn lên trời cao.. sao đêm nay sao mà sáng đẹp lạ thường, lấp lánh đầy trời. Ông rót một li rượu, gặm một cái cánh gà. Từ tốn nói: - Ông đừng có mà suy nghĩ gì cho tui hết. Ông tưởng tui buồn chuyện của Xuân kể hồi chiều nên tui rủ rê ông nhậu hả? Không đâu Ba ơi!.. tui vui lắm, nếu Xuân nói với tui Xuân chờ tui Xuân không lập gia đình. Xuân khổ thì tui còn buồn hơn nữa, đau hơn nữa. Một thân đàn và con gái bên xứ người mà không có gia đình khổ sở thế nào chứ.. tui phải cám ơn chồng Xuân, cám ơn ông ấy đã thương yêu, chăm sóc người con gái tui yêu. Tại sao tui nhất định phải sang Mỹ ông biết không? Vì tôi sợ Xuân một mình. Bây giờ tui biết Xuân sống hạnh phúc, có người chăm sóc.. vui chứ sao buồn cha? Ông nghĩ từng tuổi này, đầu hai thứ tóc mà tui còn sống ít kỷ hay sao? Dzô đi ông bạn già.. Dzô!.. - Vậy cái visa này.. ông định làm gì? - Ha.. ha.. ha.. tui từng tuổi này rồi. Sang Mỹ để làm gì nữa cha ơi!.. Nói đoạn ông Bảy đi vào bếp lấy ra một cái hộp quẹt. Ông châm một mồi lửa đốt cái giấy thông hành ông mới lấy được hồi chiều. Dưới màn đêm u tối, trong không gian văng vẳng tiếng cuốc kêu. Ánh sáng lập lòe từ mảnh giấy bị đốt cháy sao mà buồn thê lương.. * * * California ngày 14/12/2005 Bà Xuân nằm trên giường bệnh đưa mắt nhìn hàng cây ngoài cửa sổ trơ trụi lá. Cái rét của mùa đông xứ người làm bà nhớ lại cái nắng nhẹ buổi chiều hôm đó ở bến buộc thuyền lúc ông Bảy tiễn bà đi. Ánh mắt ông Bảy nhìn bà khiến lòng bà bâng khuâng. Đứa cháu nhỏ Anna ngồi bên cạnh gọt một trái táo gai bất chợt lên tiếng hỏi: - Sao ngày đó, bà nói dối ông Bảy vậy bà? Con đâu phải cháu ruột của bà đâu. Sao bà lại nói vậy? Bà chờ ông Bảy hết ba mươi năm. Chẳng lẽ giây phút cuối cuộc đời bà không muốn ở cạnh ông sao? - Muốn chứ con. Ai lại không muốn ở bên cạnh người mình thương. Chỉ là bà không muốn ông ấy nhìn bà những giây phút cuối đời khổ sở vì bệnh tật.. ông ấy có khi.. lại không chịu được. Thà nghe người mình thương hạnh phúc khi không ở cạnh mình.. còn hơn chứng kiến người mình thương đau đớn giày vò mà bất lực.. ông ấy đã buồn khổ quá nhiều rồi. - Cháu hiểu rồi.. cám ơn và đã cho cháu hiểu tình yêu của bà. * * * Ngày 24/12/2005 Bà Xuân qua đời tại Mỹ vì bệnh ung thư phổi đoạn cuối. Bà không chồng cũng chẳng con. Có nhận nuôi một đứa trẻ mồ côi đặt tên là Anna Minh Hoài. Khi bà mất hưởng dương 56 tuổi. Hết