Từ Bá đạo hẳn không còn xa lạ với giới trẻ. Người ta sử dụng nó trong nhiều trường hợp, chẳng hạn: "Thằng kia leo rank quá mức bá đạo!" "Một bàn thắng bá đạo": Ý nói bàn thắng quá đẹp, quá đặc biệt, kiểu như cú sút phạt hình quả chuối của Roberto Carlos. "Chị gái bên đường nhìn bá đạo ghê mày ạ!" Bá đạo đang được hiểu là gì? Là những điều, những con người giỏi, đẹp, truất'ss, chất'ss xuất sắc một cách đặc biệt, khác người, ít người làm được. Bá đạo tiếng anh là Hegemony Nhưng ý nghĩa thật sự của nó là gì, và nó bắt nguồn từ đâu? Muốn biết, chúng ta hãy cùng lật giở lại cuốn 'Từ điển Tiếng Việt' của tác giả Hoàng Phê ấn bản 2018: Bá đạo: Chính sách của kẻ dựa vào vũ lực, hình phạt, quyền thế mà thống trị ở thời phong kiến Trung Quốc cổ đại; phân biệt với Vương đạo. Từ 'Bá đạo' gắn liền với một câu chuyện rất xa xưa. 2400 năm trước vào thời Chiến Quốc nước Tần, có vua Tần Hiếu Công là người đứng đầu bờ cõi và giúp việc cho ông là tể tướng tên Vệ Ưởng hay Thương Ưởng. Vệ Ưởng xuất thân người nước Vệ, cho rằng thế nước yếu kém khó mà phô bày tài năng, bèn bỏ sang Ngụy. Không được vua Ngụy tin dùng, sau một thời gian Vệ Ưởng lại nhảy sang Tần. May mắn thay, vua Tần Hiếu Công đã phát hiện ra tài năng của Vệ Ưởng. Lúc ấy vua Tần Hiếu Công đang có chính sách cầu hiền. Trước hết, Vệ Ưởng vào nói chuyện với Cảnh Giám, sủng thần của Tần Hiếu Công. Ông này sau đó biết Vệ Ưởng là bậc kỳ tài, mới tiến dẫn lên Tần Hiếu Công. Trong cuộc gặp gỡ lần đầu tiên, nhà vua đã hỏi về đạo trị nước. Vệ Ưởng viện dẫn các đời Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn, chưa nói xong thì vua Tần đã ngủ khò. Không những thế, sáng hôm sau, ông ta còn trách mắng quan tiến cử vì đã tiến dẫn nhầm kẻ chuyên nói lời viển vông. Vệ Ưởng nghe vị quan kia thuật lại, bèn giải thích đó là "Đế đạo" và xin vào yết kiến Tần vương một lần nữa. Lần này Vệ Ưởng giãi bày việc trị nước của vua Hạ Vũ, Thang Vương, Vũ Vương ngày xưa. Tần Hiếu Công vừa vẫy tay bảo lui ra vừa nói: "Nhà ngươi thật là một người học rộng nhớ nhiều, nhưng cổ kim mỗi lúc một khác, nhà ngươi nói như thế thì dùng nhà ngươi thế nào được!" Cảnh Giám - vị quan tiến cử Viện Ưởng vẫn tiếp tục hỏi thăm tình hình. Hóa ra Vệ Ưởng đã trình bày "Vương đạo" nhưng Tần Vương không để vào tai. Cả Đế đạo và Vương đạo, ông ta đều không chấp nhận vì chỉ nôn nóng muốn có kết quả ngay khi thực thi. Vệ Ưởng bảo còn một phương án nữa, nhưng Cảnh Giám không dám tâu lại với nhà vua. Chỉ đến khi Về Ưởng muốn dứt áo ra đi, Cảnh Giám mới ngăn cản và lựa chọn tâu lên Tần Hiếu Tông, rằng Vệ Ưởng còn có thuật 'Bá đạo'. Cái khác của Bá đạo với Vương đạo, Đế đạo đó là: Đế đạo, Vương đạo thì cốt thuận với dân tình, mà Bá đạo thì trái với dân tình. Theo quan điểm Vệ Ưởng, dân đen thấp cổ bé họng, suy nghĩ không tới, chỉ biết nhìn cái nhất thời mà không nhìn được cái lợi trăm năm. Cứ dùng hình thật nặng thì dân phải sợ, trọng thưởng thật nhiều thì dân sẽ ham. Thưởng phạt công minh, tuân hành chính lệnh. Lại bắt dân lao động, khai khẩn đất hoang làm nông nộp thuế để nuôi nhà nước. Nước giàu quân đội mới mạnh, mà quân đội mạnh thì thiên hạ mới bị áp chế, vâng theo mình. Đấy là cơ sở để xây nên nghiệp bá. Tần Vương dĩ nhiên thèm thuồng vào lợi ích lớn từ kế hoạch trên. Sau 3 ngày, Vệ Ưởng tới yết kiến và tâu bày kế hoạch thật chi tiết. Bấy giờ, Tần Vương phong Vệ Ưởng làm tả thứ trưởng (tướng quốc). Vệ Ưởng trước hết làm cho dân phát sợ, tin răm rắp vào hình luật nhà nước. Ai trái sẽ hành hình, ai theo sẽ trọng thưởng. Nhưng thứ pháp luật này quá hà khắc. Thêm nữa, phép "cấm gian" cũng được ban hành: Cụ thể, trong một liên gồm mười nhà, một nhà làm sai thì chín nhà còn lại phải tố cáo. Nếu không thì cả mười nhà cùng chịu chém ngang lưng. Ngoài ra, bất kỳ ai cho người lạ trọ nhà mình đều phải có giấy chiếu thân do quan nha cấp. Những ai dám bàn ra tán vào, khen có, chê có, đều sẽ chịu trừng trị. Thế tử của vua Tần dị nghị, thân phận thế tử không trị tội được thì bắt thầy học của thế tử thích chữ vào mặt và cắt mũi. Có ngày, Vệ Ưởng giết đến 700 người, máu chảy đỏ sông Vị, tiếng oán hận ngút ngàn. Ông ta và thứ luật pháp bạo tàn ấy đã trở thành nỗi kinh sợ của trăm họ. Nhưng nước Tần rất nhanh chóng giàu mạnh. Thiên tử nhà Chu lại phong cho Tần vương làm Bá chủ. Đến đây, vua Ngụy hối tiếc, bèn vời Mạnh Kha, học trò của cháu Khổng Tử, đến để hỏi về đạo trị nước sao cho có lợi. Mạnh Kha khẳng khái đáp: "Tôi chỉ biết điều nhân nghĩa chứ không biết điều lợi". Nhà vua nghe vậy, không biết nói gì hơn, đành kêu lui. Vệ Ưởng thì đường quan lộ rộng rãi hanh thông, sinh thói kiêu ngạo, tự đắc. Ông ta đi đến đâu cũng gây thù chuốc oán, chẳng từ thủ đoạn, chỉ có ân tình, dù chỉ một chút là cũng không gieo được, đắc tội với cả vua Tần tương lai. Sau khi thế tử lên ngôi liền cách chức Vệ Ưởng, Vệ Ưởng oai vệ dùng tiếm cả nghi lễ dành cho vua nên bị đuổi giết. Một lần, ông ta giả làm lính xin trọ ở một hàng cơm. Hàng cơm bảo theo phép của Vệ Ưởng cần có giấy chiếu thân, Vệ Ưởng không có. Oan trái thay, chạy về đất Thương Ô, ông bị dân tình bắt trói nộp vua Tần. Vua Tần dùng hình năm con trâu phanh thây Vệ Ưởng, trăm họ xúm lại ăn thịt, chẳng mấy chốc đã hết. Thế là đời một kẻ Bá đạo, đến đó thì TOANG. Một câu chuyện dài dòng, có đôi chút kinh dị, được khép lại bằng một cái kết khá ổn, đã cho chúng ta một cái nhìn rõ ràng hơn về định nghĩa nguyên thủy của từ 'Bá đạo'. Hoan hô cho những ai đã đọc được đến dòng cuối này! Bài viết có tham khảo từ báo Đại kỉ nguyên