Truyện Ngắn Ba Của Chị Thủy Tiên - Cỏ Cỏ

Thảo luận trong 'Truyện Ngắn' bắt đầu bởi TH susii, 28 Tháng một 2022.

  1. TH susii

    Bài viết:
    38
    Tên truyện: Ba của chị Thủy Tiên

    Thể loại: Truyện ngắn thiếu nhi

    Tác giả: Cỏ Cỏ

    Hôm nay bác Hải, tức là anh trai của ba tôi có mời cả nhà tôi qua nhà bác cùng chung vui, con gái bác đỗ đại học rồi.

    Tôi vui lắm, và cũng thấy đó là điều hiển nhiên thôi. Chị Thủy Tiên đúng là hình mẫu con nhà người ta, chị học ngày học đêm, có khi chị chỉ ngủ 4 tiếng mỗi ngày. Có lần tôi qua chơi, thấy chị còn chảy máu cam vì học nhiều quá. Bác tôi cũng khuyên nhủ, nói khéo để cho chị nghỉ ngơi, nhưng chị đâu có nghe, chị cứng đầu hệt như tôi vậy. Đỗ đại học chính là cái kết quả chị muốn nhận được sau hành trình nỗ lực ấy. Mà tôi thấy mấy chị tên Thủy Tiên toàn người giỏi, người làm ca sĩ, người làm người mẫu, diễn viên, đại gia các thứ. Không lẽ Thủy Tiên có phong thủy đẹp hay sao.

    Tôi nghĩ vu vơ một hồi như vậy. Bỗng giật mình nghe tiếng anh Nam:

    - Hòa, mày ngáo à? Sao cứ đứng dựa tường gãi đầu rồi lẩm bẩm. Á à hay để tao mách mẹ cho đi viện tâm thần nghỉ dưỡng. Mày mau tìm cách gì mà mua chuộc tao đi

    - Đâu có. Không hề có. Anh hoa mắt thì có.

    Từ ngoài sân nghe thấy tiếng mẹ gọi

    - Thế hai đứa bay định không đi, hay đợi người ta ăn xong hết rồi mới đi đấy hả. Hai đứa ngủ hay làm gì trong đó mà lâu thế.

    - Dạ vâng, bọn con xong rồi ạ.

    Đúng là có tin vui có khác, nhà bác người ra người vào đông nghịt. Bác Hải hôm nay mặc một bộ véc mới tinh, là phẳng như đường sân bay. Coi bộ bác vui lắm đây. Bác tiếp khách mà cười hớn hở.

    - Chà chà, thằng Nam, cái Hòa đến rồi hử, hai đứa vào chơi với chị Thủy Tiên đi. Có gì giúp bác. Nay bác bận lắm, giúp bác một tay chứ nhể.

    - Vâng thưa bác

    Chúng tôi lon ton chạy vào nhà xem có gì phụ bác không. Bác Hà từ trong bếp chạy ra. Nhìn bác cứ như là người bận rộn nhất trên thế giới này vậy. Tay bác cầm cái thìa xào rau, tóc búi tạm vẫn còn rối, trên tóc còn có dính mấy cọng rau thơm nữa. Nhìn mắc cười lắm. Bác đi đôi ủng thùng thình, có lẽ bác từ ngoài đồng về đây làm cỗ luôn vì thiếu người phụ trách mảng bếp lúc.

    Bác kêu tôi:

    - Hòa ơi, nhặt rau hộ bác nhé con.

    - Xong lau cho bác rổ bát này nữa. Lát còn bày lên mâm ăn con ạ. Đấy, nhà bác Hải có chị Thủy Tiên đỗ đại học, cả dòng họ nở mày nở mặt với bà con thiên hạ. Đi đâu cũng ngẩng cao đầu. Tự hào lắm con ạ. Sau này Hòa nhà bác cũng như chị Tiên, đỗ đại học, bác lại sang nấu cỗ cho, bác học thì không đến nơi đến trốn chứ nấu ăn cũng được phết đấy. Ngày xưa các ông các bà nhà mình nghèo, lấy đâu ra tiền mà cho đi học. Giờ đến các con thì đầy đủ hơn, được ăn được học thì phải phấn đấu. Sau ba mẹ già còn có con cái đỡ đần cho. Không thì khổ lắm.

    Bác Mai nhà tôi là vậy đấy, bác mà đã nói thì phải mấy trang giấy vẫn chửa hết. Tôi chỉ biết dạ vâng nghe bác kể chứ không biết nói gì. Thoáng một cái, tôi đã làm xong hết các công việc bác giao cho và chạy đi chơi.

    Tôi đi tìm anh Nam. Không biết anh Nam Thối của tôi làm cái gì chỗ nào nữa. A kia rồi, anh chàng đang phải xếp lại xe của mọi người cho gọn gàng để lấy lối đi. Tôi thấy vậy nên lẩn đi chỗ khác, vì biết tỏng kiểu gì chạy ra anh ấy cũng bắt phụ. Tôi chẳng dại. Vào nhà chơi với chị Thủy Tiên còn sướng hơn.

    Vừa chạy vào đến cửa, tôi ngó ngó thì thấy chị Tiên đang dưng dưng nước mắt. Nhìn kĩ thì thấy chị đang nghe lén bác Hải với ba tôi nói chuyện với nhau. Tôi cũng tò mò đến một góc khác nghe lỏm theo, gì chứ nghe lỏm là tài lẻ của tôi rồi, kỹ năng đầy mình tôi tiến lại gần.

    Bác Hải kể với ba tôi, cái xã hội bây giờ nó thực dụng, chả còn tình người như trước nữa. Hôm nọ bác đi trở bia thuê cho một cửa hàng, bác trở bằng xe máy mà trở những tận 10 két bia. Nghe đã biết là nó nặng như thế nào rồi. Mà vấn đề đâu phải bác muốn trở như thế nào cũng được đâu, bác phải làm theo yêu cầu, theo quy định của đại lí thuê bác. Vì xe cũng nặng rồi lại thêm gặp phải vấn đề gì đó nữa, hình như là cái chân trống xe không tốt, nên xe bác bị đổ ngay trước cửa hàng bác giao bia cho. Ấy vậy mà chủ của hàng đó không hề chạy ra giúp bác một tay dựng xe lên rồi nhặt lại những chai bia bị văng ra. Người ta chỉ đứng nhìn, rồi xem chai nào vỡ thì trừ tiền chai đó. Xong lại còn đề nghị là phải dọn dẹp sạch sẽ mới được đi. Bác Hải mượn người ta cái chổi với cái hót rác để dọn, mà họ lại bảo là quán không có.

    Thử hỏi có tội ác nào hơn tội ác này nữa. Tôi không cần biết là có vi phạm pháp luật hay không. Nhưng cứ đối xử một cách không tôn trọng, coi người khác như rác là tôi ghét, là tôi gọi đó là tội ác. Nếu trên đời có người nhện thật, thì tôi sẽ đá cho tên đó một cú thật là đau và khiến hắn không thể đi lại được nữa. Có như vậy thì mới hả lòng hả dạ. Người ta thật quá đáng, rõ ràng chúng ta là con người cùng một quê hương, cùng là con người, cùng có cảm xúc, có trái tim. Người ta có thể dắt chó cảnh đi tập thể dục, cho nó ăn thịt gà, tắm sữa tắm thơm nức mũi, mà lại đi đối xử với những người lao động, những người dân đen chúng tôi như thế.

    Tôi thật không thể chấp nhận nổi, không biết những người nhà giàu họ nghĩ chúng tôi là gì nữa. Ba mẹ chúng tôi, bác chúng tôi đều là những người lao động chân tay ít học, làm nhiều mà lương cũng có được bao nhiêu đâu. Mỗi két bia giao hàng thành công cũng chỉ được trả có 500 đồng, nhiều thì được 1500 đồng. Họ lao động để có cái ăn, họ cũng có con cái, có gia đình, làm ba, làm mẹ, làm anh chị em chúng tôi, lo cho chúng tôi mọi thứ từ cái ăn đến học hành. Họ nghèo vì lo cho chúng tôi đầy đủ, kiếm được 10 đồng thì cho con cái những 7 đồng, hy vọng chúng tôi có một tương lai tốt đẹp hơn. Tôi nghe bác Hải nhấn đi nhấn lại câu nói: "Cái xã hội bây giờ nó thế".

    Tôi thầm nghĩ, có lẽ bác còn chịu nhiều cảnh còn hơn như vậy nữa. Chị Thủy Tiên khóc là vì chị thương ba chị. Nhưng tôi tin, sẽ không lâu nữa, chị ấy sẽ đem lại cho ba chị một cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc hơn, và ba chị cũng không phải làm công việc nặng nhọc, uất ức đấy nữa. Còn gia đình tôi thì nhỉnh hơn nhà chị một tẹo. Ba tôi là công nhân nhà máy gạch nên lương tháng cũng đều đều, không phải chạy doanh số áp lực. Không biết ở nhà máy ba có bị người ta ăn hiếp, bắt nạt không nữa. Tôi chưa nghe ba kể bao giờ cả. Nếu có chuyện như vậy, chắc hẳn tôi sẽ đau lòng lắm, có khi lúc đó tôi còn khóc to hơn chị Thủy Tiên lúc này.

    Thật ra, cái nghèo cũng khiến anh em chúng tôi tự ti lắm. Nghèo thì lấy đâu ra hạnh phúc. Mỗi lần cô giáo thông báo đóng tiền học là cả nhà tôi tối sầm lại. Lại bao nhiêu thứ đổ về, bao nhiêu là khoản phát sinh khác. Tại sao mọi vấn đề đều phát sinh và đổ dồn vào những lúc con người ta bần cùng và khổ sở nhất như vậy? Bình thường thì không sao, nhưng cứ chờ đến lúc bạn hết tiền, bạn nghèo túng, bạn tổn thương thì bạn lại phải đối mặt với viện phí, với nợ nần, với sự phản bội, với cái đau đớn của mất người thân và vô tỉ thứ tồi tệ hơn vậy nữa. Bà nội bảo tôi rằng: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời". Tôi thầm nghĩ, đời ông tôi, đời ba tôi khổ cả rồi, giờ đến lượt chúng tôi là đời thứ ba, chắc là sẽ hết khổ ý mà. Cũng may tôi có anh Nam, anh cứ hồn nhiên như chim non vậy. Anh chẳng quan trọng giàu nghèo. Tâm trí anh chỉ có anh hùng hay tiểu nhân thôi nên lâu dần tôi cũng học anh tôi, không tự ti vì nhà mình nghèo nữa, vì nhà tôi toàn anh hùng cả, cũng đáng để tự hào lắm rồi.

    Có lần ở lớp, các bạn tổ chức sinh nhật cho cô giáo chủ nhiệm. Mỗi bạn đóng góp mười nghìn mua cho cô một chiếc bánh kem nho nhỏ. Sau đó cô bận phải về trước, cô dặn chúng tôi ở lại ăn bánh kem rồi về sau. Nhỏ lớp trưởng cắt bánh cho mỗi đứa một miếng, nhưng lại thiếu phần của tôi. Ở lớp ai chả biết tôi mê bánh kem đến mức nào. Bánh kem là món mà tôi thích nhất trên đời, một năm chỉ được ăn một lần vào đúng ngày sinh nhật của mình, nó rất rất quý và rất đắt tiền nữa. Tôi đã rất háo hức và đợi chờ để được cùng cô giáo nếm thử vị của chiếc bánh kem này, vị matcha, một vị mà tôi chưa bao giờ nghe đến. Trước đó tôi còn kể với bạn cùng bàn của tôi là tôi rất muốn thử một lần cái mùi vị đó, chắc nó ngon lắm. Nhưng bây giờ bánh đã hết. Tôi như bị dội một gáo nước lạnh vào mặt vậy, mắt tôi dưng dưng nhưng tôi không dám khóc, tôi phải nhịn khóc, kìm nén để không cho nước mắt trào ra, tôi tủi thân, hụt hẫng thêm một chút tự ti, mặc cảm, xấu hổ vì nghèo nên khó mà có một chiếc bánh mới.

    Nhưng tôi biết đó là một cảm xúc tiêu cực như thế nào, tôi đang ích kỉ, tôi đang đổ lỗi cho hoàn cảnh. Tôi không quên câu nói của anh trai tôi, câu cửa miệng mỗi khi chơi đồ cá: "Không có chiến tranh thì lấy đâu ra anh hùng, không có gian khổ thì làm gì có con người nghị lực". Dù không liên quan lắm nhưng nó đã động viên tôi trong hoàn cảnh hiện tại. Tôi đọc thầm câu thần chú: "Bỏ đi, bỏ đi, bỏ đi, ổn thôi, ổn thôi, ổn thôi". Và kết quả là vị chiếc bánh kem không còn hấp dẫn với tôi nữa. Nhưng nó thật khó khăn, nước miếng vẫn cứ ứa ra không ngừng. Và tôi phải đánh lừa vị giác của mình là vị bánh rất đắng, chát và ngán nữa. Nó không hề ngon như tưởng tượng đâu.

    Khi bạn đau đớn và vật vã học cách từ bỏ một điều gì đó mà bạn vẫn hằng ao ước thì bạn sẽ không còn can đảm đón nhận điều đó lần hai, theo quy luật bạn sẽ né tránh nó hoặc thờ ơ thậm chí là ghét nó nếu điều đó quay trở lại. Cũng tương tự, bạn cùng bàn của tôi, chính là bé Hường Xoăn. Nó đứng phắt dậy, tiến lên phía bục giảng cầm con dao cắt bánh kem, chia phần của nó thành hai phần và phần đó là giành cho tôi.

    Nhỏ Hường có cá tính mạnh mẽ, nó nói là làm, một khi ra hiệu ai đó làm gì thì tốt nhất đừng cãi lại, mà hãy im lặng mà làm theo. Nhỏ Xoăn đưa phần kia cho tôi, không nói không rằng gì cả, cứ vậy đưa trước mặt tôi. Tôi nhìn chằm chằm tỏ vẻ không muốn nhận. Nó trừng mắt lên, lấy từ gầm bàn ra một chiếc thìa nhựa đưa cho tôi. Tôi đón nhận một cách miễn cưỡng. Mắt nhỏ Hường dán lấy tôi không lấy một giây phút rời đi. Nó đang cố ép tôi phải ăn cho hết đấy mà. Tôi đâu còn con đường nào khác nếu muốn mọi thứ yên lặng và không bị ai phát hiện ra nỗi đau của tôi bây giờ. Tôi cắn một miếng bánh. Chưa bao giờ tôi thấy một vị bánh kem chua chát đến như vậy, vị bánh kem làm cho tôi muốn khóc thật to, tôi muốn gào lên và nói rằng tôi đang bị tổn thương. Trái tim và tâm hồn bé nhỏ của tôi đang bị cắt xé đau đớn nhường nào. Tại sao lại không cảm thấy vị ngọt béo, không cảm nhận được mùi thơm của kem và vị mềm của bánh bông lan? Tại sao lại chỉ còn vị đắng chát vậy? Tôi muốn nhè ra, không nuốt nổi.

    Và tôi là đứa về nhà sớm nhất không một cái chào lại các bạn trong lớp.

    Ngày hôm đó, chỉ có Hường Xoăn, chỉ một mình nhỏ biết tôi đang khóc.

    _End_​
     
    Ngọc Thiền Sầu thích bài này.
Trả lời qua Facebook
Đang tải...