Tác phẩm: Bà Tôi Tác giả: Phiêu Linh Thể loại: Tản Văn Đi trên con đường nhỏ dẫn về nhà mà lòng tôi tràn ngập bao cảm xúc. Tôi cố ý đứng trên đường thật lâu để khóe mắt bớt đỏ đi, tôi không thích lộ ra sự yếu đuối của mình trước bất kì ai, ngoại trừ người đó – bà Chín. *** Sau một tuần học tập trên thành phố thì tôi lại về quê ngoại. Sau một giấc ngủ trưa dài tôi bị đánh thức bởi câu chuyện mà ông bà ngoại kể cho nhau nghe. Câu chuyện xoay quanh người phụ nữ duy nhất – bà Chín. - Năm nay đám giỗ mà thằng Lương nó không về à? Tôi bước ra thì thấy ông ngoại ngồi bên chiếc bàn ngoài hiên đang uống từng ngụm trà chiều được rót ra từ chiếc ấm đã ngả màu năm tháng, thong thả mà nói chuyện với bà ngoại. - Nghe cô Chín nói tụi nó năm nay có vụ buôn bán lớn lắm ở Sài Gòn, không về được. Thêm con Vy phải đi học thêm chuẩn bị thi chuyển cấp. Con nhỏ có vẻ không thích về đây. Cô Chín buồn lắm, bả nhận ra sao lại không, chỉ là người già ít nói thôi. Ui con cháu lâu lâu về một lần thăm ông bà cũng không giúp người ta bớt lo – Bà ngoại nói với giọng tiếc nuối. Câu chuyện vẫn tiếp tục xoay quanh về bà Chín, nó gợi lên trong lòng tôi từng kí ức. Trong kí ức của tôi thì bà Chín là người mà tôi quyến luyến hơn cả mẹ khi về quê ngoại. Bà là cô ruột của mẹ, là người chứng kiến cả quá trình trưởng thành của cả mẹ và tôi. Tôi không biết rõ cả tên và tuổi của bà, trong kí ức của tôi chỉ biết đến một người phụ nữ – cái người mà mỗi khi hè về tôi có thể qua nhà bà để làm nũng, để trò chuyện, là người luôn bao dung cho những trò nghịch ngợm trẻ con của tôi, không những tôi mà còn mẹ tôi nữa. Ngày nhỏ mỗi khi tôi phá, bà lại dùng tay chỉ vào đầu tôi và mắng "Mày giống mẹ mày y khuôn, không sai vào đâu được.", nói xong lại cười xòa, đôi mắt cong cong nhìn tôi đầy trìu mến. Mẹ tôi từng kể, ngày mẹ con nhỏ thì bà Chín thương mẹ tôi nhất nhà, mẹ tôi tính lại hay nghịch, cứ mỗi lần bà Chín nấu tào phớ thì mẹ lại canh lấy vá vọc cho chúng nát ra, thế là bà Chín sẽ xách cây chổi rượt mẹ chạy khắp sân. Đôi lúc mẹ tôi thiếu tiền tiêu vặt, sợ bà ngoại không cho thêm sẽ chạy qua mà xin bà Chín, mẹ kể nếu tuần đó mà mẹ không phá đồ của bà Chín thì bà sẽ cho mẹ tôi ít đồng, còn nếu mà lại phá phách nghịch ngợm bà sẽ xách tai mẹ tôi giao nộp cho cấp trên – là bà ngoại. Bà Chín không còn khỏe như trước nữa, vào năm tôi học trung học thì bà Chín tôi bị bệnh, bà không nghe được phải dùng máy trợ thính, lại bị đau khớp nên không đi được. Kể từ đó tôi rất ít qua bà chơi nữa. Trong suy nghĩ của tôi lúc bấy giờ là nói chuyện với bà rất phiền, phải nói rất lớn bà mới có thể hiểu. Vì vậy mà tôi dần xa cách với người phụ nữ hiền từ ấy. Hôm nay tôi đột nhiên muốn đi thăm bà. Bà Chín những năm gần đây bị đãng trí tuổi già, người bà nhớ được không nhiều lắm. Tôi cứ tưởng bà sẽ không nhớ rõ tôi. Thế nhưng khi bước vào nhà, câu đầu tiên mà bà nói với tôi làm tôi chững lại: "Nguyên phải không con?" Giây phút ấy tôi thấy tim mình dâng lên một cảm xúc khó tả. Thì ra bà còn nhớ tôi, sau ngần ấy năm xa cách nhưng bà vẫn nhớ rất rõ tôi, nhớ rõ con bé vô tâm đã lâu không thăm bà. Tôi thấy hôm nay bà không đeo máy trợ thính nữa. Ông Chín đưa tôi quyển sổ nhỏ để ghi giấy nói chuyện với bà. Bà hỏi tôi nhiều lắm, bà hỏi dạo này tôi thế nào? Học đại học ở trường nào; học ngành gì; môi trường ra sao.. Tôi ghi lại các câu trả lời trên giấy và đưa cho bà. Bà cầm tờ giấy đọc rất chăm chú, thỉnh thoảng lại nhìn tôi mỉm cười từ ái, thỉnh thoảng lại cầm tay, xoa đầu tôi. Tôi thấy mình như được trở lạo những năm tháng tuổi thơ bên bà, tôi thật sự muốn khóc, thế nhưng đã cố gắng nuốt nước mắt vào trong. Trò chuyện thật lâu sau đó tôi muốn về nhà, lúc ấy tôi thấy ánh mắt bà thoáng buồn, ẩn giấu trong đó một nỗi cô đơn khó nắm bắt. Cả buổi nói chuyện bà cứ khuyên tôi chăm học, cố gắng theo đuổi con chữ để có thể tự nuôi sống bản thân. Bà dặn dò tôi nhiều điều thế nhưng câu cuối cùng của bà đã đánh tan tất cả bức tường mạnh mẽ tôi cố dựng lên lúc nãy. ' Ráng học rồi khi nào về nhớ qua thăm bà nhé. Đừng quên bà Chín nha, để bà Chín chết thanh thản "– tim tôi đột nhiên đau nhói. Tự nhiên tôi muốn ôm và hôn người phụ nữ, thế nhưng bà đã làm trước cả tôi. Bà đột nhiên ngồi dậy từ ghế, ôm tôi vào lòng như khi xưa, vuốt ve lưng và tóc tôi. Nước mắt tôi rơi, tôi khóc trong lòng bà như một đứa trẻ. Tôi tạm biệt bà về nhà, thỉnh thoảng quay lại nhìn và. Tôi thấy bà vẫn ngồi trên ghế đưa mắt nhìn bóng dáng tôi rời đi. Đường đi không dài nhưng nó đủ để tái hiện trong tôi bao kí ức thời nhỏ. Tôi dường như thấy bóng dáng nho nhỏ của mình từng tung tăng qua nhà bà ăn cơm, từng giận dỗi với mẹ mà qua làm nũng với bà. Từng lon ton chạy lại ôm bà để bà mua quà vặt cho tôi. Tất cả chúng như một thước phim quay chậm ngay trước mặt. Thậm chí tôi còn thấy vẻ chán ghét trên khuôn mặt non nớt khi tôi nói chuyện nhưng bà nghe không rõ làm tôi phải lập lại nhiều lần. Càng nhớ lại tôi càng tự trách mình nhiều hơn. Trách mình bất hiếu, trách bản thân trẻ dại vô tâm. Tôi nghĩ chắc bà Chín cô đơn lắm, căn nhà lớn nhưng chỉ có mình bà, ông Chín thì thỉnh thoảng trò chuyện nhưng không bên bà suốt được. Ba người con đều bận việc gia đình. Càng nghĩ tôi càng đau lòng, tôi chợt nhớ cái bóng lưng cô đơn của bà khi tôi qua lúc nãy, cả ánh mắt vui mừng khi thấy người qua thăm. Người già ai mà chẳng sợ cô đơn, ông bà ngoại tôi thỉnh thoảng còn được con trai con gái về thăm, còn được nghe các cháu vui vẻ líu lo. Thế nhưng các con của bà đều ra riêng và rất bận, hiếm khi về thăm ông bà. Tôi nghĩ niềm vui của bà chắc là mỗi chiều có bà ngoại tôi qua nói chuyện. Các cháu của bà chắc đang có cảm giác giống tôi lúc nhỏ khi phải giao tiếp với người khiếm thính. Nên căn nhà tuy lớn nhưng vắng lạnh hơi người. Có mất đi ta mới thấy quý trọng. Tôi không biết rồi đây bà sẽ sống bao lâu, nhưng tôi tự nhủ lòng mỗi lần về quê sẽ cố gắng giành thời gian qua thăm và nói chuyện với bà. Không chỉ vì bà là họ hàng mà bà là người mang cho tôi những kí ức thanh xuân tươi đẹp nhất. Bà dạy tôi nhóm lửa, dạy tôi ca hát, chăm tôi ngủ, dỗ dành khi tôi giận dỗi. Nếu không có người phụ nữ ấy có lẽ tôi sẽ không có tuổi thơ vui vẻ và đầy màu sắc được. Chúng ta thường hay bỏ quên những người thân thiết nhất để chạy theo những thú vui nhất thời. Đến khi nhìn lại mới chợt nhận ra mình thờ ơ biết mấy. Nhìn dấu vết thời gian in trên khuôn mặt cha mẹ mới thấy dường như ta bỏ qua thứ rất đáng trân trọng – đó là tình cảm gia đình. Hãy về nhà và ôm cha mẹ khi còn có thể. Vì đó là quà tặng vô giá mà thượng đế ban cho chúng ta. Phiêu Linh Mời bạn vào nhà chơi: [Thảo luận - Góp ý] - Các tác phẩm của Phiêu Linh