Áo đỏ em đi giữa phố đông Cây xanh như cũng ánh lên hồng Em đi lửa cháy trong bao mắt Anh đứng thành tro em biết không? Vũ Quần Phương Nguồn: Vũ Quần Phương, Vầng trăng trong chiếc xe bò, NXB Văn học, 1988 Nội dung bài thơ Áo đỏ Kể từ khi ra đời đến nay, đã hơn bốn mươi năm trôi qua, bài thơ Áo đỏ (1973) của nhà thơ Vũ Quần Phương vẫn chiếm được niềm yêu của nhiều thế hệ thanh niên, nhất là các bạn thanh niên, sinh viên các trường đại học. Thể theo nguyện vọng sinh viên của khoa, tôi đã mời tác giả của bài thơ này về Khoa Ngữ văn Trường Đại học Hải Phòng giao lưu Thơ. Cùng đi hôm ấy có nhà thơ Trần Đăng Khoa. Vẫn biết bài thơ Áo đỏ đã được nhiều người thuộc lòng, ghi chép vào sổ tay và cũng đã có rất nhiều trang bình luận, phân tích bài thơ đăng in trên sách báo. Nhưng có lẽ cái "duyên" của bài thơ này dường như vẫn còn dài và nó còn có sức lôi kéo người đọc, người nghe thêm mãi nữa...Đây là niềm hạnh phúc và là phần thưởng cao quý đối với lao động nghệ thuật của một nhà thơ! Với Áo đỏ, nhà thơ Vũ Quần Phương đã có được điều đó. Theo nhà thơ Vũ Quần Phương kể, bài thơ Áo đỏ vụt đến trong một lần nhà thơ đang ngồi đợi cắt tóc ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Bấy giờ, sau trận bom rải thảm của B.52 Mỹ ném xuống con phố này vào tháng 12 năm 1972, cả phố bị tan hoang đổ nát. Đầu năm 1973, dân phố về sửa lại nhà để ở, mái nhà toàn lợp tạm bằng vật liệu "giấy dầu", trông ảm đạm lắm! Bỗng từ xa, có một cô gái mặc áo đỏ đạp xe đi qua. Sự xuất hiện "bất ngờ" của cô gái áo đỏ ấy làm nhiều người rất vui và dõi ánh mắt nhìn theo. Cả con phố lúc ấy như "bừng sáng"! Có người đang đạp xe qua còn ngoái lại nhìn cô gái cùng với màu áo đỏ tươi rực rỡ ấy... Nhà thơ Vũ Quần Phương bộc lộ, ban đầu ông chỉ muốn mượn màu áo đỏ và hình ảnh cô gái kia để nói về cuộc sống đã đổi thay sau chiến tranh, không có ý định làm một bài thơ tình. Và nếu quả như vậy thì đến đây, có thể nói ý thơ của toàn bài đã làm tròn "nhiệm vụ" của nó. Nhưng, vẫn theo nhà thơ, chẳng biết chữ nghĩa nó dẫn dắt thế nào mà sang câu cuối, nhà thơ đã "thi tình hóa" cái ý ban đầu, và thế là bài thơ áo đỏ đã ra đời như vậy đấy.