Ánh sáng Tác giả: Tiểu Mật Đào Thể loại: Truyện ngắn * * * Lan ơi, mấy quyển sách này con không đọc nữa thì mẹ đem đi bán ve chai nghen! "Tiếng mẹ tôi vang lên dưới bếp, tôi í ới trả lời" dạ "một tiếng rồi vội dắt xe ra ngoài. Hôm nay bà chị họ của tôi mới từ Hà Nội về, tôi thay quần áo tính cùng hai bác đi ra sân bay rước chị. Vừa ra trước cửa, đứng ngó qua nhà bác, thấy người thì đang quét nhà, người thì đang uống nước trà trông rất bình thản. Tôi liền cất tiếng hỏi: " Ủa bác trai với bác gái sao giờ này còn không chuẩn bị để đi rước chị Như? "(bác trai là anh ruột của ba tôi). " Nó giờ đi làm mẹ thiên hạ rồi, thế mà từ sân bay về đây thôi chả nhẽ còn không biết đường à? "Bác gái ngừng chổi, lớn tiếng trả lời. Tôi nhìn sang bác trai, ông cũng lặng lẽ uống miếng nước trà, không nói gì. Cũng không lấy gì làm lạ, từ ngày chị Như cãi lời hai bác, bỏ chỗ bệnh viện đang làm để đi tình nguyện cho trẻ em khuyết tật, hai bác rất tức giận, bảo vừa làm bác sĩ vừa đi tình nguyện ở Sài Gòn không được à, mà phải nghỉ việc, bay tận ra Hà Nội để đi giúp thiên hạ không lương như thế? Chị tôi chỉ im lặng không nói gì, dứt khoát xách ba lô ra Hà Nội đăng kí tình nguyện. Lúc đầu tôi cũng không hiểu, hỏi chị tại sao thì chị kể cho tôi nghe câu chuyện như vầy. Khoảng hai năm trước, lúc đó chị còn làm trong bệnh viện nhi đồng. Hôm ấy, chị vô tình gặp một bé gái, mà cũng chính cuộc gặp gỡ này đã khiến cuộc đời chị có những thay đổi lớn. Cô bé đó đặc biệt rất thích đọc sách, mẹ bé kể mỗi lần ai cho hay được mua một quyền sách, em đều rất vui mừng, tay mân mê quyền sách mới, nhẹ nhàng lật từng trang. Ai đến nhà chơi, vào phòng cô bé, cũng phải trầm trồ ngạc nhiên. Khó mà tin được, phòng của một bé gái 12 tuổi, thay vì là những con búp bê xinh xắn, hay những đồ chơi công chúa, thì cả một góc phòng, trên kệ tủ lại chất đầy sách. Từ sách văn học, nghệ thuật đến khoa học, thiên văn, đa phần là sách cũ nhưng được sắp xếp rất ngăn nắp, sạch sẽ. Có người hỏi em:" Cháu mới tí tuổi đầu, sao hiểu được những loại sách này mà để đây làm gì? Với lại.. " Cô bé vội cười đáp:" Tuy giờ cháu không hiểu, nhưng sau này lớn lên, có ba mẹ và thầy cô giúp đỡ, cháu nhất định có thể biết được hết nội dung mà những quyển sách này muốn nói ạ! " Hôm ấy là một ngày nắng như cái nắng mọi khi ở Sài Gòn, chị định đi đến phòng trực thì thấy cô bé đang ngồi trên ghế đá trong khuôn viên bệnh viện, tay cầm quyển sách. Đôi mắt em lơ đễnh, không biết em có thật đang nhìn vào sách hay không, nhưng dáng vẻ vô cùng tập trung. Mấy đứa trẻ khác đang tung tăng chạy nhảy, một cậu bé thấy em liền đi đến giật lấy quyền sách. Cậu vừa cười đùa vừa cầm quyển sách chạy vòng quanh. " Anh làm gì vậy? Trả sách cho em! ". Cô bé sợ hãi, huơ tay vào hư không, cố lấy lại quyển sách. Cậu bé tay giơ cao lên, vừa cười vừa nói:" Em có thấy gì đâu mà đòi đọc sách! Ngộ ghê á! " Lúc này chị mới giật mình nhận ra. Đôi mắt trong trẻo, ngây thơ ấy.. " Lấy đồ của bạn là không tốt nhé! ". Mấy đứa nhóc thấy chị đến thì chạy biến đi. " Của em nè ". Chị lấy lại quyển sách đưa cho cô bé. " Em cảm ơn chị! ". Đôi mắt cô bé đỏ hoe, nhận lấy quyển sách liền vui cười trở lại. " Em.. thích đọc sách lắm hả? ". Chị nghĩ mãi mới hỏi được một câu. " Vâng ạ! " "... " Chị tôi có chút bất ngờ trước thái độ thích thú đến kì lạ của cô bé, nhất thời không biết nên nói gì. Dường như cảm nhận được sự thắc mắc của chị, cô bé liền lên tiếng: " Tuy em không nhìn thấy nhưng em có thể tưởng tượng ra được ạ. " " Ở trường em có đọc mấy quyển sách chữ nổi, nhưng chủ yếu là sách giáo khoa thôi, em muốn tìm thêm nhiều loại sách khác nữa. Vậy nên, em đi xin mấy quyển sách cũ từ anh chị của em, thi thoảng ba mẹ còn mua cho em mấy quyển sách mới nữa! ". Cô bé vui vẻ nói tiếp. " Em nhờ mẹ đọc cho em à? ". Chị vừa hỏi vừa dìu cô bé ngồi xuống ghế đá. " Dạ cũng có, nhưng mẹ em đọc không hay lắm, em thích ba đọc cho em nghe hơn ạ! Ba em đọc hay lắm luôn! " Chị thở ra một hơi, cố nén tiếng nấc, hỏi:" Vậy sao hôm nay em lại cầm sách ra đây, sao không nhờ ba đọc cho em nữa? " Cô bé cười đáp:" Quyển này ba đã đọc cho em nghe hết rồi ạ. Bây giờ em giở sách ra, sau đó tưởng tượng như mình có thể nhìn thấy và đọc được từng chữ ở trong sách. " " Cảm giác đọc được chữ mà mình nhìn thấy trong sách lên, chắc thích lắm, chị nhỉ? ". Cô bé hơi nghiêng đầu về nơi phát ra giọng nói của chị. Câu hỏi hồn nhiên của em khiến chị tôi có chút lúng túng." Đọc được chữ mà mình nhìn thấy trong sách thì nên có cảm giác gì đây? "Chị tôi đã tự hỏi mình lúc đó. Nhìn em vui vẻ, nâng niu quyển sách, lật ra lật vào, chị không kiềm được sự xúc động. Ánh mắt em tuy không nhìn thấy nhưng nó vô cùng sáng, giống như là ánh sáng của từng con chữ, từng ước mơ phản chiếu vào trong đấy vậy. Đứng trước cô bé khiếm thị nhưng lại mang trong mình tình yêu tha thiết với sách như vậy, chị thấy mình cứ nhỏ bé làm sao ấy." Con nít có tí xíu như thế mà nó đã biết học tập, biết chủ động học hỏi kiến thức rồi, còn chị em mình lớn già đầu mà lại chẳng có chí tiến thủ gì cả! "Chị cười bảo. Chị muốn làm một điều gì đó khác với cuộc sống bình thường của mình, chị muốn cống hiến đôi mắt của mình cho những đứa trẻ cần nó. Cũng từ đó mà chị bắt đầu tìm hiểu về các quyển sách nổi dành cho trẻ em khiếm thị. Chị nói những sách này đa phần là sách giáo khoa, chủ đề còn hạn hẹp khiến trẻ em gặp rất nhiều hạn chế trong việc tiếp cận tri thức. Qua tìm hiểu chị biết được một vài tổ chức trong nước đang sản xuất các loại" sách xúc giác ", tức trẻ em có thể thông qua việc sờ, nắm mà tiếp thu được các sự vật xung quanh. Thế là chị liền đăng kí tham gia các khóa học tình nguyện để cùng nghiên cứu các loại sách này. Chị nói là biết hai bác buồn lắm, giận lắm nhưng mà chị tin rằng với sự quyết tâm và tình yêu chân thành của mình, họ sẽ cảm thông và thấu hiểu được chị. Còn hai bác, cuộc sống vất vả quá khiến người ta chỉ có thể lo cho bản thân mình, thì giờ đâu mà nghĩ đến những việc khác. Ba mẹ chị cũng là vì đã cực khổ hơn nửa đời người rồi, cuối cùng chỉ mong chị có một công việc và cuộc sống ổn định hơn, chứ không phải cứ bấp bênh như vậy. Nhưng nhìn chị dù bay đi bay lại nhiều nơi mà lúc nào cũng rạng rỡ nụ cười, tôi biết, chị thực sự yêu thích và nghiêm túc với công việc này. Chị bảo sau này khi nghiên cứu và phát hành sách xong, chị sẽ mở một phòng khám riêng cho trẻ em khiếm thị. Thực ra bản thân chị cũng có tích góp được một ít tiền và cũng đã sắp xếp kế hoạch cho tương lai hết cả, chứ không phải là làm bừa, làm vì đam mê nhất thời. Bởi thế, nên tôi rất khâm phục sự dũng cảm của chị ở chỗ dám nghĩ dám làm. Bằng tuổi chị, trong xóm tôi người ta đều có công việc ổn định, lập gia đình, chăm sóc chồng con rồi. Nhưng chị, chỉ một cuộc gặp gỡ tình cờ mà lại dám bỏ hết, đi khắp nơi giúp đỡ trẻ em khuyết tật, mà đặc biệt là trẻ em khiếm thị. Đất nước thực sự đang cần những thanh niên như chị, những người sẵn sàng dùng tri thức, năng lực của mình để giúp đỡ cho nước nhà, những người dũng cảm dám phá bỏ giới hạn của bản thân, đó chính là thứ mà tuổi trẻ nên có, nhiệt huyết. Tôi lại nhớ đến cô bé kia. Đối với em, sách là một điều gì đó bí mật mà em rất muốn khám phá và em đã dùng mọi cách mà mình có thể để làm sao khám phá được hết những điều trong sách." Đọc sách ", một điều tưởng chừng như rất đổi bình thường trong cuộc sống của mỗi chúng ta, nhưng đối với em và những đứa trẻ khiếm thị khác, đó là mơ ước, là" ánh sáng". Tôi tưởng tượng đến hình ảnh cô bé, tay mò mẫm lật từng trang sách, lúc ấy có lẽ đôi mắt em đang bừng sáng. Cuộc sống hiện đại ngày nay cuốn người ta vào những trò chơi hiện đại hơn và máy móc hơn. Bây giờ muốn đọc sách thì cũng chỉ cần mở điện thoại, máy tình lên là cái gì cũng tìm đọc được. Phải chăng chính sự tiện nghi đó làm cho con người trở nên lười suy nghĩ, lười tìm tòi cái mới? Những quyền sách dần trở thành cái gì đó cũ kĩ, bị lãng quên bởi cuộc sống vội vã và có quá nhiều thứ phải lo toan. Và tôi cũng vậy, nhìn chị nhiệt huyết ở ngoài kia, tôi thì chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường như bao người, ngày làm việc tám tiếng, tối về thì tắm rửa, ăn cơm, sau đó thì nằm lên giường lướt tiktok, cuộc sống cứ thế mà trôi qua. Vậy nên khi nghe câu chuyện về cô bé mà chị kể, tôi lại chợt nghĩ về mình, từ lúc ra trường, đi làm đến nay, tôi đã bao lâu chưa đọc sách rồi? Sài Gòn, 2021. Hết.