An Tư công chúa là ai?

Thảo luận trong 'Lịch Sử' bắt đầu bởi hòn đá nhỏ, 9 Tháng sáu 2021.

  1. hòn đá nhỏ

    Bài viết:
    86
    An Tư công chúa (chữ Hán: 安姿公主), không rõ sinh mất năm nào, Việt sử tiêu án chép Thiên Tư công chúa (天姿公主), công chúa nhà Trần, Hòa thân công chúa, là một trong hai vị công chúa nổi tiếng nhất lịch sử nhà Trần vì các cuộc hôn nhân mang tính trọng đại, cùng với Huyền Trân công chúa.

    Bà nổi tiếng trong việc kết hôn với Trấn Nam vương Thoát Hoan, giữ cho quân Trần rút lui an toàn trong Chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2 vào năm 1285. Kết cục của bà đến bây giờ vẫn là đề tài bàn luận của các sử gia.

    Bấm để xem
    Đóng lại
    Thân thế

    Trước khi được gả cho người Nguyên, cuộc đời của An Tư công chúa không được ghi lại cụ thể theo bất kỳ hồ sơ nào. Theo ghi nhận của Đại Việt sử ký toàn thư, An Tư công chúa là em gái út của Trần Thánh Tông và là cô ruột của Trần Nhân Tông, cho nên suy ra bà là con gái út của Trần Thái Tông, nhưng không rõ mẹ bà là ai.

    Về xưng hô, sách Toàn thư đặc biệt gọi bà là "Thánh Tông Quý Muội ; 聖宗季妹", tức "Quý muội của Thánh Tông", trong đó chữ Hán "Quý" (季) có nghĩa là út hoặc nhỏ tuổi nhất trong thứ tự gia đình, vì lẽ đó bà cũng có thể được gọi là Hoàng Quý muội (皇季妹). Sách An Nam chí lược ghi bà là Quốc muội (國妹), trong đó chữ "Quốc" được dùng tương tự chữ "Hoàng", biểu thị vai vế người thuộc dòng dõi Quân chủ một quốc gia.

    Cống cho nhà Nguyên

    Đầu năm 1285, quân đội nhà Nguyên đã đánh tới Gia Lâm vây hãm Thăng Long. Thánh Tông Thái thượng hoàng và Đương kim Nhân Tông hoàng đế đã đi thuyền nhỏ ra vùng Tam Trĩ, còn thuyền ngự thì đưa ra vùng Ngọc Sơn để đánh lạc hướng đối phương. Nhưng quân Nguyên vẫn phát hiện ra. Ngày 9 tháng 3 cùng năm, thủy quân Nguyên đã bao vây Tam Trĩ suýt bắt được Thượng và và Hoàng đế. Chiến sự buổi đầu bất lợi. Tướng Trần Bình Trọng lại hy sinh ở bờ sông Thiên Mạc. Trước thế mạnh của đối phương, nhiều tôn thất nhà Trần như Trần Kiện, Trần Lộng, kể cả hoàng thân Trần Ích Tắc đều quy hàng. Về sau Đỗ Khắc Chung được sai đi sứ để làm chậm tốc độ tiến quân của Nguyên, nhưng không có kết quả. Trong lúc đó, cần phải có thời gian để củng cố lực lượng, tổ chức chiến đấu, bởi vậy, Thượng hoàng Trần Thánh Tông bất đắc dĩ phải dùng đến mỹ nhân kế, tức sai người dâng em gái út của mình cho tướng Thoát Hoan để tạm cầu hòa.

    Cuộc đời của bà chỉ ghi nhận qua sự kiện bà thành hôn với Thoát Hoan. Có 3 cuốn sách sử tại Việt Nam nói về chuyện này. Theo cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, đã ghi lại sự việc sớm nhất:

    "Năm Ất Dậu, Chí Nguyên (1285).. Ngày Kỷ Dậu (mồng 6), Giảo Kỳ suất bọn Chương Hiến hầu đánh phá quân của người em Thế tử (có lẽ nói Trần Thánh Tông) là Thái úy Trần Khải tại bến đò Phú Tân, chém ngàn người, Thanh Hóa và Nghệ An đều đầu hàng. Vua Trần sợ, khiến người trong họ là Trung Hiến hầu Trần Dương xin hòa. Lại sai kẻ Cận thị là Đào Kiên đưa bà chúa em vua cho Trấn Nam vương xin hòa giải. Nhà Nguyên khiến Ngại Thiên Hộ qua tuyên lời dụ nói:" Nếu đã muốn xin hòa, sao không thân hành tới mà bàn luận ". Thế tử không nghe.

    Sau đó, sự việc của An Tư công chúa được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên thời Lê Sơ, và Việt sử tiêu án của Ngô Thì Sĩ thời Lê Trung hưng. Các cuốn sử về sau, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Việt Nam sử lược lại không ghi dòng nào về sự kiện này.

    · Đại Việt sử ký toàn thư ghi:" Tháng 2 (Ất Dậu).. Sai người đưa công chúa An Tư (em gái út của Thánh Tông) đến cho Thoát Hoan, là muốn làm thư giãn loạn nước vậy "

    · Việt sử tiêu án ghi:" Thoát Hoan lên sông Nhĩ Hà, cột liền bè vào làm cầu, cho quân qua sông; quân ta theo hai bên sông lập đồn để cự lại, không được; ngày đã về chiều, quân giặc qua được sông vào kinh thành, vua sai đưa Thiên Tư công chúa cho chúng, để thư nạn cho nước ".

    Từ những chi tiết được sử sách chép lại, chúng ta thấy Công chúa An Tư được sử dụng như một kế sách nhằm kìm hãm thế giặc, muốn cho Thoát Hoan (tổng chỉ huy quân Mông – Nguyên sang xâm lược nước ta) rơi vào mỹ nhân kế.

    Công chúa An Tư sang trại giặc rõ ràng không phải đi lấy chồng, mà là cống nạp, đồng thời bà còn kiêm thêm vai trò làm nội gián cho quan quân nhà Trần.

    Sau khi quân Trần bắt đầu phản công, quân Nguyên đại bại. Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đã phải chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy để về. Chiến thắng, hoàng tộc Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư công chúa. Không rõ công chúa còn hay mất, được mang về Trung Quốc hay đã chết trong đám loạn quân, và điều này về sau được đem ra bàn tán và nhận định về công lao của bà không được triều Trần ghi nhận.

    Có một số ghi nhận Thoát Hoan sau đó" Cưới người con gái họ Trần và sinh được hai con "và người con gái họ Trần này được nhiều người cho là An Tư công chúa. Nhưng trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, mục" Các vương hầu nội phụ ", phần" Trần Tú Viên "(con của Trần Di Ái) có ghi rõ thân thế của người con gái họ Trần này như sau:".. Năm sau (1336), trở về Hán Dương. Trấn Nam vương (ý chỉ Thoát Hoan) cưới người em gái làm Thứ phi, sinh được hai con ". Theo cách ghi này," người con gái họ Trần "là con gái Trần Di Ái, em của Tú Viên chứ không phải An Tư công chúa.

    Nghi vấn nơi Công chúa An Tư tuẫn tiết

    Trong bản sắc phong đời Tự Đức (1849) cho vị nữ nhân thần của làng bằng chữ Hán có ghi (theo bản dịch tiếng Việt) :" Theo sách thờ cúng trong tỉnh có ghi: Sở huyện Sơn Minh, xã Cao Lãm, thôn Khả Lãm lừng vang vị thần là công chúa triều Trần. Năm Trần Bảo Đức, giặc Nguyên xâm phạm bờ cõi nước ta, chúng vơ vét sạch của cải cùng các cung nữ.

    Khi ấy ngài vừa tròn tuổi mười lăm, xinh tươi rực rỡ, mềm mại khoan thai. Ngài cùng mười cô gái trẻ chạy giặc về vùng đất Sơn Minh. Giặc đuổi ép tới thôn Khả Lãm. Người tìm chỗ hiểm yếu cầm đầu chống lại chúng; không chống được quân địch, bèn tự vẫn.

    Tiếng linh vang dội nên thôn lập miếu phụng thờ. Tới khi vua Trần phục quốc, người nhớ thương và ngợi khen người con gái trung thành, trong trắng và khen tặng là vị thần Hồng Anh phu nhân ".

    Bên cạnh thông tin từ bản sắc phong, còn có thêm giai thoại về cuộc đời của vị nữ nhân thần này qua lời kể của người dân.

    Theo đó, sau khi giặc Nguyên tan chạy, vị công chúa này đã cùng một số cung nữ trốn khỏi trại quân Nguyên, theo dọc bờ sông Đáy chạy về phía tây nam, hòa lẫn trong dòng dân chúng cũng đang chạy giặc.

    Giặc Nguyên cho quân đuổi bắt, nhưng nàng cùng với các cung nữ trốn thoát được, chạy đến huyện Sơn Minh, xã Cao Lãm, thôn Khả Lãm (nay là thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Khi ấy, nơi đây còn là một vùng đầm lầy, lau sậy mọc um tùm.

    Bọn giặc vẫn đuổi theo truy sát, nàng công chúa cùng các cung nữ chống lại không nổi, liền tuẫn tiết nơi đây. Cái chết của công chúa tiếng linh vang dội, nhân dân địa phương đã lập miếu thờ bà. Dân gọi miếu thờ này là Quán Ngoại và coi đây là chốn linh thiêng bậc nhất của làng.

    Từ xưa, người dân làng Khả Lãm (thôn Cao Lãm ngày nay) đã thờ vị công chúa Trần triều. Cụ Mai Xuân Hội (một bô lão trong làng) cho biết:" Trước kia, ngôi miếu cực kỳ linh thiêng. Người dân trong làng mỗi lần đi qua đều phải ngả nón chứ không dám đội vì sợ thất kính với ngài. Những người cố tình thế nào cũng gặp phải "vận" và phải đến miếu kêu cầu mới hết. Không những vậy, còn có sự kiện rất đặc biệt chứng tỏ sự linh thiêng mà người làng chúng tôi ai cũng biết. Sau năm 1945, giặc Pháp chiếm đóng vùng đồng bằng. Năm 1950, ngôi miếu đã bị tàn phá hoàn toàn vì trúng bom. Nhưng một năm trước đó (năm 1949), các cụ trông nom miếu thờ tự nhiên cảm thấy bất an, thi thoảng mơ những giấc mơ kỳ lạ và như được thần báo điềm, các cụ nhất quyết chuyển toàn bộ ban thờ cũng như mọi vật vào đền Quán Nội bên trong làng, bất chấp sự can ngăn của người trong làng. Một năm sau thì ngôi miếu bị đánh bom hư hỏng toàn bộ. Rất may không có tổn thất nào, vì đồ thờ tự đã được chuyển đi hết. Người làng cho rằng đó là có thần giúp đỡ nên mới thoát nạn vậy".

    Hiện nay, người làng thờ công chúa triều Trần ở Quán Nội, ngôi miếu nằm trong khu quần thể tâm linh của làng. Chỉ tiếc rằng người dân nơi đây không biết tên húy (tên thật) của công chúa này mà chỉ gọi tên chung là Trần triều công chúa mà thôi.

    Giai thoại về tình yêu của An Tư công chúa với tướng Yết Kiêu

    Yết Kiêu (1242-1301) tên thật là Phạm Hữu Thế. Ông sinh ra trong 1 gia đình nghèo, cha mất từ sớm, ngay từ nhỏ đã phải lăn lộn đủ nghề, đặc biệt là làm việc trên sông nước, mò cua bắt ốc đổi lấy cơm gạo để kiếm sống và phụng dưỡng mẹ già. Yết Kiêu được trời phú sức khỏe hơn người, lặn dưới nước mà như đi trên cạn. Khi giặc Nguyên Mông xâm lược nước ta, Yết Kiêu trở thành một tì tướng đắc lực của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn. Tài giỏi lại khôi ngô tuấn tú nên Yết Kiêu được nhiều nữ nhân mến mộ kể cả đến các bậc lá ngọc cành vàng trong đó có công chúa An Tư. Mặc dù tình cảm của An Tư công chúa chỉ là thầm thương trộm nhớ đối với vị anh hùng xuất chúng nhưng khi biết đến tấm lòng thủy chung son sắt của Yết Kiêu đối với cô lái đò Vân khiến bà vô cùng xúc động. Bà quyết định theo kế sách của nhà Trần hy sinh bản thân gả cho Thoát Hoan để báo tin tức quan trọng về cho đất nước. Tương truyền rằng trước khi gả đi bà chỉ xin Hưng Đạo Vương cho phép được gặp Yết Kiêu lần cuối và sau này người nhận thông tin tình báo từ bà cũng là tướng Yết Kiêu. Sau này cả An Tư và Yết Kiêu không ít lần trao đổi thông tin bằng bông lan đá, một lần do sơ suất mà Yết Kiêu bị địch bắt được cũng may nhờ sự nhanh trí của vị công chúa nặng tình đã giúp ông thoát khỏi tay địch.

    Có thể nói An Tư là vị công chúa đáng thương nhất trong lịch sử Việt Nam tuy xuất thân cao quý nhưng số phận lại quá bi thảm, cuộc đời bí ẩn của bà khiến cho người ta thương sót tuy nhiên giai thoại về tình yêu của bà khiến cho người ta cảm phục, cảm phục trước tấm tình si chân thành của bà.
     
    Sương sớmmùa Thu thích bài này.
    Chỉnh sửa cuối: 12 Tháng sáu 2021
  2. Đăng ký Binance
Trả lời qua Facebook
Đang tải...