Ăn hàng có nghĩa là gì?

Thảo luận trong 'Cuộc Sống' bắt đầu bởi Bút Sen, 3 Tháng sáu 2021.

  1. Bút Sen

    Bài viết:
    25
    Nhắc đến Nam Bộ người ta không chỉ nghĩ đến những cánh đồng cò bay thẳng cánh hay những vườn tược xum xuê, mà mảnh đất Nam Bộ còn có rất nhiều điều riêng trong văn hóa, nhất là ngôn ngữ vùng miền và cụm từ "ăn hàng" cũng được sử dụng một cách rất riêng trong cách nói người miền Nam.

    "Ăn hàng" có phải là ăn quà vặt như cách gọi của người miền Bắc không?


    Nghĩa đầu tiên, "ăn hàng" với nghĩa thông thường là ăn quà vặt, ăn những thức ăn bên đường, hay ăn hàng rong, ngoài các bữa ăn chính: Sáng, trưa, chiều. Đây cũng là nghĩa được sử dụng phổ biến nhất trong đời sống thường nhật. Như về miền Nam ta sẽ thường nghe "con nhỏ đó nó ăn hàng thấy ớn à, tiền đâu chịu cho nổi" hay "cái thằng quỷ nhỏ mày ăn hàng trừ cơm hả mậy? Ăn riết tao nghèo mạc kiếp luôn á"


    [​IMG]

    Ăn hàng là ăn hàng rong ven đường

    Nghĩa thứ hai, từ "ăn hàng" còn có nghĩa khác là chỉ hoạt động vận chuyển hàng hóa lên xe, xuống tàu ghe để chuyên chở đi nơi khác, gọi chung là phương tiện vào bến bãi "ăn hàng" (hàng ở đây là hàng hóa, thay vì hàng rong như nghĩa một).

    [​IMG]

    Thương lái vừa "ăn hàng" dưa hấu đầy ghe

    Đặc biệt, "ăn hàng" có nghĩa bóng là cướp của người khác với số lượng lớn (nghĩa ba). Đây thuộc dạng tiếng lóng của giới giang hồ trong phương ngữ Nam Bộ, dùng để nói về một nhóm chuyên đánh cướp là bọn "ăn hàng".

    Hiểu một cách đơn giản hơn:

    - Với nghĩa một: "hàng" ở đây là hàng rong.

    - Với nghĩa hai: "hàng" là hàng hóa.

    - Với nghĩa ba: "hàng" là hàng hóa, của cải của nạn nhân.


    Hoàn cảnh nào đã ra đời từ "ăn hàng" và sự phân nghĩa trên?

    Từ những ngày đầu mở cõi mảnh đất phương Nam, các lưu dân người Việt đã phải đối diện với rất nhiều hiểm họa từ thiên nhiên (dưới sông cá sấu trên bờ cọp beo, muỗi kêu như sáo thổi đĩa lềnh tựa bánh canh) và những hiểm họa do con người gây ra, đó là nạn cướp bóc của các nhóm lâm tặc nổi lên. Đỉnh điểm vào khoảng giai đoạn từ năm 1930 – 1945, khi xã hội đã phát triển có "hàng rong" để ăn, có "hàng hóa" để vận chuyển buôn bán, nhưng tình hình chính trị lại loạn lạc, chính quyền mất khả năng quản lý và kiểm soát xã hội, nhiều băng cướp nổi lên đánh cướp tiền của người đi đường hoặc hàng hóa được vận chuyển kinh doanh.

    Từ những sự khác biệt về đời sống và các vấn đề lịch sử trên đã chuyển từ "ăn hàng" thành nhiều nghĩa như vậy, từ "ăn hàng" vẫn còn được sử dụng trong đời sống những người con ở phương Nam hiện tại, dù cách nói, cách hiểu có phần khác biệt nhưng đây thực sự là thành quả của phương ngữ được tích góp qua rất nhiều biến cố của thời đại, chúng ta nghe để biết, để hiểu, để trân quý hơn ngôn ngữ quê nhà - một trong những nét đẹp tự hào của dân tộc Việt Nam.
     
Từ Khóa:
Trả lời qua Facebook
Đang tải...